Bị lừa hàng chục tỷ mua BĐS, không dám tố cáo

Kinh tếThứ Hai, 15/08/2011 04:10:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều nạn nhân, trong đó có người nguy cơ bị lừa mất trắng 20 tỷ đồng đầu tư vào dự án bất động sản nổi tiếng Hà Nội mà không dám tố cáo.

(VTC News) - Vụ án Lê Thị Kim Oanh (phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) lừa đảo nhà đầu tư bất động sản (dự án Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) đang gây xôn xao dư luận.

Khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội hiện đang là điểm "nóng" trong giao dịch bất động sản. Nhiều người bị mắc bẫy lừa từ  "Oanh Xã Đàn" nên mất hàng chục tỷ đồng. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là bằng cách nào Lê Thị Kim Oanh có thể dễ dàng biến nhà đầu tư thành các con “cừu non” và liệu đối tượng này có quan hệ thân thiết với cán bộ quản lý dự án của Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD)?

Mắc lừa quá dễ

Ngày 20/6, cơ quan CSĐT (CA TP Hà Nội) bắt Lê Thị Kim Oanh (trú tại ngõ Xã Đàn, phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các nhiều nhà đầu tư có nhu cầu mua nhà đất tại dự án khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội).

Dự án BĐS Vân Canh

Vụ việc vỡ lở khi một nhà đầu tư tên Phương tại Từ Liêm tố cáo Oanh với cơ quan công an. Theo đó, tháng 3/2010, Lê Thị Kim Oanh (thường được giới đầu tư bất động sản Hà Nội gọi bằng biệt danh “Oanh Xã Đàn") đã nhận 2,6 tỷ đồng tiền đặt cọc của nhà đầu này để môi giới mua 4 lô đất liền kề tại khu đô thị mới Vân Canh do Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư với giá 20 triệu đồng/m2. Nhưng sau khi nhận tiền,  Oanh đã không giao đất cũng như hoàn trả lại tiền theo cam kết.

Ngày 3/6, tại sàn giao dịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý bất động sản UDIC (gọi tắt là sàn UDIC), công an đã bắt quả tang 3 cán bộ, nhân viên công ty này đang nhận số tiền chênh lệch lớn trong vụ mua bán nhà liền kề do UDIC làm chủ đầu tư.

Công an đã thu giữ tại chỗ gần 4,4 tỉ đồng tiền tang vật. Ba người liên quan trong vụ bắt giữ này là Nguyễn Trần Linh (Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý BĐS UDIC), Đặng Quang Huy (nhân viên sàn giao dịch) và Nguyễn Thị Nhàn (thủ quỹ công ty).

Đây được xác định là hành vi tham nhũng, tiền chênh lệch không được nộp vào tài khoản của chủ đầu tư mà chui vào túi cá nhân. Muốn thực hiện được hành vi này, các đối tượng phải có chức vụ, mối quan hệ để “gom” nhà đất tại dự án. Từ đây, hình thành khái niệm “suất ngoại giao”, “suất ưu đãi”.


Sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra làm việc với Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD) đã xác định các lô đất liền kề bà Oanh nhận tiền đặt cọc của bà Phương chưa được triển khai kinh doanh và bán. HUD cũng không có quan hệ giao dịch và ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà Oanh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của những người bị hại thì chồng bà Oanh - ông Hưng, Giám đốc Công ty BĐS O&H đã từng có mối quan hệ với một số lãnh đạo của HUD1 và đã từng được HUD1 gửi thông báo chấp thuận cho mua đất tại liền kề 42 Vân Canh và ông Hưng cũng đã đứng lên nhận tiền đặt cọc của người quen với số tiền lên đến gần 8 tỷ đồng.

Một số người bị hại khác còn cho biết, khi đưa tiền đặt cọc cho ông Hưng - chồng bà Oanh, nhiều người còn cẩn thận gọi điện cho lãnh đạo HUD1 để hỏi và được xác nhận là ông Hưng - chồng bà Oanh có suất mua đất tại vị trí trên nên họ rất yên tâm. Thậm chí, chỉ trước khi bị bắt 1 ngày, vẫn có 2 khách hàng đặt cọc 2 tỷ cho bà Oanh.

Khi bị bắt, Oanh hoàn toàn phá sản, cơ quan công an không thu giữ được số tiền lừa đảo trên.

Được biết, hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ vụ án. Đại diện  PC46, Công an TP.Hà Nội cho biết còn nhiều người  mắc lừa trong vụ án này nhưng vì nhiều lý do khác nhau chưa đến cơ quan công an trình báo.

Đây thực sự là một điều rất khó hiểu. Chính vì vậy, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu Lê Thị Kim Oanh có quan hệ với cán bộ quản lý dự án Vân Canh? Liệu có việc bán nhà đất không minh bạch tại dự án này để hưởng chênh lệch? Nếu không có điều này thì tại sao các nhà đầu tư lại dễ dàng bỏ ra tiền tỷ để cầm về một bản hợp đồng mua bán viết tay?

Mất 20 tỷ đồng, đành ngậm đắng nuốt cay

Anh H, nhà tại quận Hai Bà Trưng cho biết Lê Thị Kim Oanh nổi tiếng trong giới bất động sản Hà Nội bởi Oanh luôn tỏ ra có nhiều mối quan hệ với chủ đầu tư các dự án bất động sản vào loại ‘hot” ở Hà Nội. Trên thực tế, Oanh có rất nhiều “hàng” để chào bán  cho nhà đầu tư.

Chính vì vậy, vào giữa năm 2010, anh H đã gom hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào dự án bất động  sản với Lê Thị Kim Oanh bằng hình thức ký Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản và hợp đồng đặt cọc. Giá trị hợp đồng lên tới hơn 100 tỷ đồng, số tiền đặt cọc là hai chục tỷ đồng nhưng chỉ là giao dịch viết tay, không có bất cứ sự chứng thực của cơ quan pháp lý nào.

Sau một thời gian bị Oanh khất lần khất lượt không chịu giao đất, anh H phải tiến hành thu hồi vốn. Đây chính là chặng đường cơ cực, anh H thực sự thấm thía cảnh “thả gà ra đuổi”.

Oanh vẫn giữ bài hứa hẹn, đổ lý do cho dự án đang bị vướng mắc, chính lãnh đạo của HUD cũng đang gặp khó khăn. Cuối cùng, bằng đủ mọi cách, anh H cũng được Oanh trả cho một phần tiền, số tiền còn lại anh đành chịu mất trắng.

Khi được hỏi tại sao không trình báo cơ quan công an anh H cho biết: “Dân làm ăn chúng tôi coi như đây là vụ làm ăn thất bát, cái giá để rút ra bài học xương máu. Chẳng mấy người nghĩ đến chuyện trình báo vì bây giờ Oanh đã bị bắt, lấy đâu ra tiền mà trả? Vả lại, trình báo công an rồi suốt ngày phải lên viết tường trình, trả lời các câu hỏi, mất thời gian dành cho công việc khác.”

Về câu hỏi liệu Oanh có thực sự có mối quan hệ thân thiết với các cán bộ phụ trách dự án hay không? Anh H cho rằng không biết thực hư thế nào nhưng khi “chào” bán các suất “ngoại giao” ở Vân Canh, Oanh đưa ra rất nhiều quyết định, thông báo để gây dựng lòng tin.

Tìm hiểu được biết, để nhử các nhà đầu tư, Oanh còn dùng thủ đoạn “thả con săn sắt bắt con cá rô”. Cụ thể, khi ký kết hợp đồng mua bán và hợp đồng đặt cọc, Oanh đưa vào một điều khoản: “Nếu chưa có đất để bàn giao sẽ mua lại suất của nhà đầu tư đã đặt cọc”. Đã có trường hợp, Oanh sẵn sàng tăng lên 4 giá để mua lại 5.000m2 mà nhà đầu tư đã đặt cọc, số tiền mà Oanh chịu thiệt ở lần giao dịch “ảo” này lên đến 20 tỷ đồng!

Ngoài một số hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng đặt cọc tại dự án Vân Canh, PV VTC News còn có một bản hợp đồng chuyển nhượng và đặt cọc Ki-ốt chợ hàng Da. Giá trị hợp đồng là 3,6 tỷ đồng, số tiền đặt cọc cho Oanh là 1,2 tỷ đồng. Trong hợp đồng này cũng có đoạn: “Đến ngày 17/3/2010 (4 ngày sau khi ký hợp đồng), bên Bán – bà  Lê Thị Kim Oanh phải cam kết mua lại  3 Ki-ốt trên với giá 1,5 tỷ đồng/ki-ốt và phải thanh toán đúng ngày 17/3/2010, tổng số tiền bà Oanh phải chuyển lại cho bên mua là 4,5 tỷ đồng. Trong trường hợp bên Bán không thực hiện theo thỏa thuận này và không thanh toán đúng thời hạn thì bên Bán phải bồi thường  số tiền 7,2 tỷ đồng.”

Một nhà đầu tư khác bị Oanh lừa đảo gần chục tỷ đồng cũng tỏ ra rất ái ngại khi nhắc về việc này và khẳng định sẽ không ra cơ quan công an trình báo, không muốn liên quan đến chuyện này nữa (!?). Tuy nhiên, vị này vẫn giữ hy vọng sẽ có thể lấy được tiền vì tin rằng Oanh còn tài sản ngầm cất giữ đâu đó. Nhà đầu tư này cũng cho biết, bằng thủ đoạn tương tự, Oanh cũng lừa đảo nhiều nhà đầu tư khác có nhu cầu mua nhà tại dự án 165 Thái Hà do Tổng công ty xây dựng Sông Hồng làm chủ đầu tư.

Mời độc giả theo dõi tiếp bài 2: Mờ mở ảo ảo, mất tiền như chơi. Bài viết cho thấy giao dịch tại dự án này thiếu minh bạch, rõ ràng khiến bất cứ nhà đầu tư nào đều có thể mất trắng hàng tỷ đồng.

Vĩnh Tuấn

Bình luận
vtcnews.vn