Thiếu vốn, NĐT cắn răng vay vốn lãi suất 50%

Kinh tếThứ Ba, 01/03/2011 05:40:00 +07:00

Bế tắc khi lãi sút tại các ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và thủ tục vay phức tạp, nhiều người cần vốn phải cắn răng vay lãi ngoài với lãi suất 'cắt cổ'.

Người có nhu cầu vay vốn gần như bế tắc khi lãi suất tại các nhà băng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà điều kiện vay lại ngặt nghèo. Trong khi đó, thị trường tín dụng 'đen' lại hút khách dù lãi suất đứng ở mức 'cắt cổ'. 

Cần tiền để làm ăn, Duy Anh ở Mỹ Đình (Hà Nội) đánh liều tìm đến các tiệm cầm đồ hỏi vay. Có chiếc xe máy trị giá khoảng 35 triệu đồng đăng ký chính chủ kèm bản photo chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, Duy Anh được chủ cửa hàng cho vay 25 triệu đồng, lãi suất là 5.000 đồng cho một triệu một ngày. Tuy nhiên, để được vay tiền, cậu còn phải viết giấy bán xe, sau đó viết thêm một tờ giấy mượn xe trong vòng một tháng.

Lãi suất kiểu "chợ đen" thường sinh ra từ tiền cho vay bởi những cá nhân có tiền nhàn rỗi, hoặc các cửa hiệu cầm đồ. 
Duy Anh chia sẻ, bất đắc dĩ phải vay lãi. Tính ra, đi vay lãi kiểu này gần như người vay nắm toàn bộ rủi ro. "Chủ vay đã tính đến trường hợp mình không trả được tiền, nên bắt viết giấy bán xe và mượn xe để xiết nợ trong trường hợp khẩn cấp. Xét về lý hay về tình thì mình đều thua cả", cậu này phân tích.

Tại Hà Nội hiện nay, tín dụng "chợ đen" vẫn song song tồn tại cùng với kênh chính thống của các ngân hàng. Tín dụng đen này tồn tại dưới nhiều hình thức, nhưng phổ biến hơn cả là kiểu cho vay thế chấp và cầm cố đồ đạc với việc cá nhân có tiền nhàn rỗi và chủ các tiệm cầm đồ tiến hành cho vay.

Chị Hương ở Hà Đông (Hà Nội) có gần chục năm kinh doanh trong lĩnh vực cho vay tư nhân tiết lộ, hiện tại, lãi suất "chợ đen" kiểu này tại Hà Nội phổ biến khoảng 3- 4% một tháng. Nếu tính theo ngày, mức lãi dao động từ 3.000 đồng đến 20.000 đồng cho một triệu đồng. Theo chị Hương, lãi cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng có hai thứ quan trọng để định lãi là mức độ quen biết với chủ vay và giá trị tài sản thế chấp.

Chị Hương kể, chị vẫn thường cho người quen vay, với lãi suất khoảng 3.000- 4.000 đồng một ngày cho một triệu đồng và không cần thế chấp. Nhưng người đi vay là người lạ, thì ngoài việc chịu lãi suất cao có khi lên tới cả chục nghìn đồng một triệu một ngày, còn phải có một tài sản làm vật đảm bảo.

Mức tiền cho vay cũng không được vượt quá giá trị của tài sản thế chấp. Chẳng hạn, nếu khách có tài sản đảm bảo là một món đồ trị giá 10 triệu đồng, thì cũng chỉ được vay tối đa 7 đến 8 triệu đồng kèm biên lai ghi rõ số tiền vay và thời hạn trả gốc. Riêng lãi suất, sẽ là thỏa thuận ngầm giữa người vay và người cho vay. Nếu khách không trả tiền đúng hẹn, thì tài sản thế chấp và số tiền lãi mỗi ngày sẽ thuộc về người cho vay.

Còn theo anh Tuấn, chủ một tiệm cầm đồ trên đường Láng (Hà Nội), thì bây giờ, hầu hết các tiệm cầm đồ, ngoài cầm cố đồ đạc, còn kinh doanh thêm dịch vụ cho vay với lãi suất được quảng cáo là thấp, nhưng thực tế lại như "cắt cổ".

Anh chia sẻ, về bản chất, cầm đồ cũng là một hình thức cho vay nặng lãi có tài sản đảm bảo vì hiện tại, lãi suất cầm đồ đã dao động từ 5.000 đồng đến khoảng 10.000 đồng một ngày cho một món đồ. Nhưng nếu là vay nặng lãi với lãi suất tính theo ngày, gọi nôm na là vay lãi ngày, thì mức lãi suất rất vô cùng và mức độ cao thấp gần như không xác định được.

Theo anh này, hồi trước Tết, có một thanh niên đến hỏi vay số tiền khá lớn, lên đến gần 100 triệu đồng, kèm theo các giấy tờ để thế chấp. Tuy nhiên, vì không thẩm định được nơi ở cũng như mức độ tin cậy của các giấy tờ, sổ đỏ nhà đất kia nên anh không dám cho vay. Anh này cũng nhận định, lãi suất kiểu này quá "cắt cổ", nhưng làm nghề "buôn tiền" thì phải thu như vậy mới đáng.

Cũng theo anh này, vay tiền tại nhiều cửa hàng cầm đồ hiện nay có thủ tục khá đơn giản, nhưng tính đi tính lại, người chịu thiệt vẫn là người đi vay. Do đó, trừ những trường hợp quá cần thiết, còn lại, anh Tuấn vẫn khuyên khách hàng nên cân nhắc trước khi đặt bút ký vào biên lai vay tiền bằng lãi suất "đen".

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, tại nhiều ngân hàng, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Thậm chí, trước Tết, ở một số ngân hàng cổ phần, lãi suất vay tiêu dùng lên đến 22- 24%. Thời điểm này, mặt bằng lãi suất vay tiêu dùng đã giảm xuống chỉ còn khoảng trên dưới 20%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lãi cao đối với nhiều người.

Bên cạnh đó, không phải ai cũng vay được tiền từ ngân hàng vì thủ tục không đơn giản và điều kiện có phần khắt khe, giải ngân chậm, trong khi nếu vay kiểu "chợ đen" thì chỉ cần đóng lãi hàng ngày và viết giấy hẹn trả là nhận tiền.

Theo Tuệ Minh (VnExpress)

Bình luận
vtcnews.vn