Mổ xẻ lý do vì sao NTD thờ ơ với hàng bình ổn giá

Kinh tếThứ Sáu, 29/10/2010 01:31:00 +07:00

Mặc dù được triển khai bán tại 360 điểm trên toàn thành phố nhưng hàng bình ổn giá không phát huy hiệu quả vì vắng khách...

Mặc dù được triển khai bán tại 360 điểm trên toàn thành phố, nhưng người dân Hà Nội vẫn khá thờ ơ với hàng bình ổn giá bởi những mặt hàng này chỉ được bán trong siêu thị, thậm chí được bán cao hơn giá ngoài chợ.

Chỉ hàng trong siêu thị mới được bình ổn giá?

Chị Nguyễn Mai Phương, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cho biết: “Hơn một tháng nay, đi qua một số siêu thị tôi đều thấy biển thông báo bán hàng bình ổn giá, nhưng giá cả hầu như không khác ngày thường. Thậm chí trong khu vực bán hàng của nhiều siêu thị không có biển thông báo rõ ràng về các mặt hàng thuộc diện  bình ổn giá. Có siêu thị chỉ in một tờ giấy nhỏ màu vàng với dòng chữ “Mặt hàng bình ổn giá”, kèm theo một tờ giấy A4 màu vàng khác, dán tại góc khuất, nơi ít người qua lại.

Hàng bình ổn giá không được bố trí khoa học mà được bày bán rải rác tại các quầy khuất nẻo trong siêu thị. Điều đáng nói là giá bán của một số mặt hàng, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn ở mức khá cao. Giá bán các mặt hàng thuộc diện bình ổn của các siêu thị lại không thống nhất. Thậm chí, có mặt hàng chênh giá khá lớn. Ví dụ như can dầu ăn Neptune 5 lít, có nơi bán 161.600 đồng/can, nhưng một vài nơi khác lại có giá 152.000 đồng/can.

Rau xanh ở chợ vẫn là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng 

Cũng theo chị Phương: “Mua hàng ở siêu thị tuy yên tâm về xuất xứ, chất lượng hàng hóa nhưng ngay cả khi được bình ổn, giá hàng trong siêu thị vẫn cao hơn ngoài chợ”. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại giá nhiều mặt hàng tại các siêu thị ở Hà Nội đã tăng đáng kể. Mức tăng này khiến người tiêu dùng “choáng váng” hơn khi rất nhiều mặt hàng đã được niêm yết giá mới, từ bánh kẹo cho đến sữa tươi, sữa chua, sữa hộp và một số loại bột ngũ cốc, dầu gội, sữa tắm… Mặt hàng tăng giá tập trung nhiều nhất ở nhóm thực phẩm như đồ hộp, bánh kẹo với gần 100 loại, mức tăng bình quân 5%, sữa tăng 8%, hóa mỹ phẩm tăng 5 - 8%, đồ gia dụng tăng 4 - 5%, hàng may mặc có mức đội giá cao nhất lên tới 12% và thấp nhất là 5%.

Tại nhiều điểm đăng ký bán hàng bình ổn giá, hầu như chỉ có mặt hàng dầu ăn và một số sản phẩm khác (không quá cần thiết với người tiêu dùng) là nằm trong nhóm hàng bình ổn giá. Một điều dễ nhận thấy nữa là trong khi hầu hết siêu thị có thị phần nhỏ và vừa đồng loạt tăng giá nhiều loại hàng hóa thì tại một số siêu thị lớn, giá sản phẩm gần như vẫn được giữ nguyên so với trước.

Chưa sát với nhu cầu người tiêu dùng

Các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cho rằng, việc đặt danh mục cứng các mặt hàng bình ổn giá mà các siêu thị đang thực hiện chưa sát với nhu cầu tiêu dùng. Ví dụ như với mặt hàng thủy hải sản, thực phẩm chế biến: tôm thịt, tôm viên không được rộng rãi người tiêu dùng lựa chọn nhưng lại là nhóm hàng được bình ổn giá khiến người dân không mấy mặn mà.

Do đó, các cơ quan chức năng cùng các doanh nghiệp nên đưa các mặt hàng mang tính thời vụ, sát với thực tế vào nhóm hàng được hỗ trợ bình ổn giá: như mặt hàng giấy vở học sinh, bút, đồ dùng học tập… vào mỗi năm học mới hoặc đưa hàng hóa về các vùng nông thôn để người dân còn khó khăn được hưởng lợi. Cũng theo các chuyên gia kinh tế, những siêu thị có số vốn ít khó có khả năng thương thuyết với nhà cung cấp giảm giá hoặc chiết khấu cao nên họ đành phải tăng giá đầu ra.

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, thời gian qua Hiệp hội đã nhận được đơn đề nghị tăng giá nhiều loại hàng hóa của các nhà cung cấp. Lý do chủ yếu được các nhà cung cấp đưa ra là giá bán lẻ của mặt hàng xăng dầu đã tăng thêm khoảng 400 đồng một lít, cộng thêm các biến động về tỷ giá và giá của một số nguyên liệu đầu vào lên mạnh. Hơn nữa, mưa bão và dịch bệnh kéo dài vừa qua cũng khiến chi phí đầu vào đội lên.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa bình ổn trong siêu thị cao hơn giá hàng chợ là do hàng hóa ở siêu thị gồm thuế và chi phí mặt bằng, nhân công… của siêu thị được tính vào sản phẩm cao hơn so với bán hàng tại các chợ. Song điểm bất hợp lý là, hàng bình ổn giá chỉ được bán trong siêu thị. Các mặt hàng này cần được đưa về các vùng nông thôn bởi người dân nông thôn thu nhập thấp mới cần được mua hàng với mức giá thấp. Do đó, hiệu quả công tác hỗ trợ bình ổn giá, ổn định thị trường chưa được như mong đợi...

Bình ổn giá: Cần các giải pháp đồng bộ

Được biết, để thực hiện bình ổn giá cả, thành phố đã chi 400 tỷ đồng cho các doanh nghiệp (DN) dự trữ bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu. Song tại 360 điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thành phố không phát huy hiệu quả vì vắng khách dù giá bán giảm. Tại các chợ giá cả vẫn có dấu hiệu tăng nhanh song hầu hết người dân vẫn đến mua hàng tại các chợ này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2010 so với tháng 8/2010 tăng 1,31%. Như vậy so với tháng 12/2009 chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 đã tăng 6,46% và tăng 8,92%  so với cùng kỳ năm 2009; bình quân 9 tháng 2010 so với bình quân 9 tháng 2009 tăng 8,64%.

Theo các cơ quan chức năng, quy luật hàng năm cho thấy, 3 tháng cuối năm là thời gian chỉ số giá sẽ tăng cao hơn các tháng bình thường; Dự báo chỉ số giá tiêu dùng quý IV sẽ tăng khoảng 1,5%. Để đạt mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 8%, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06-4-2010 của Chính phủ và một số giải pháp cụ thể về quản lý giá cả.

Chỉ thị số 1875/CT-TTG ngày 11-10-2010 của Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010 nêu rõ: Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục chỉ đạo, áp dụng các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn để các DN đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương: Nghiên cứu, ban hành quy định về trách nhiệm của DN trong việc bảo đảm lượng hàng hóa dự trữ lưu thông khi kinh doanh các mặt hàng bảo đảm bình ổn giá cả, thị trường; Tổ chức điều hành linh hoạt cung ứng sản phẩm vào các dịp lễ, tết; có biện pháp khuyến khích các DN thực hiện khuyến mãi, giảm giá; Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá và các hành vi đầu cơ tăng giá trái pháp luật.

Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật hiện hành chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định hiện hành; Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá và mức giá đối với hàng dự trữ quốc gia... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng vùng, địa phương để khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2011, nhất là mặt hàng thịt lợn, thịt gà, thực phẩm, rau quả…; bảo đảm lương thực và tổ chức hệ thống bán hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu lương thực cho nhân dân, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá đột biến...

Hơn 400.000 doanh nghiệp không biết gói hỗ trợ

Theo kết quả điều tra về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam vừa công bố, trong số hơn 524.200 doanh nghiệp trên cả nước, có hơn 400.000 doanh nghiệp không biết đến các gói hỗ trợ từ Chính phủ.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm: hỗ trợ tài chính; mặt bằng sản xuất; công nghệ; trình độ kỹ thuật và trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực. Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp không biết đến các gói hỗ trợ của Chính phủ là thiếu thông tin. Bởi vậy, cần thiết phải thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đưa các chương trình hỗ trợ này về một đầu mối. Thông qua đó, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời để thực hiện.             

Theo An ninh thủ đô


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn