Người Việt gây họa cho tê giác ở Nam Phi thế nào?

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 26/11/2013 03:00:00 +07:00

Bình quân cứ 10 vụ buôn lậu sừng tê giác bị phát hiện thì 9 vụ do người Việt tiến hành.

Bình quân cứ 10 vụ buôn lậu sừng tê giác bị phát hiện thì 9 vụ do người Việt tiến hành. 


Ở cửa khẩu sân bay Tambo, khi tôi làm thủ tục nhập cảnh Nam Phi, nhân viên hải quan nhìn tôi chằm chằm sau khi xem hộ chiếu: “Ông đến Nam Phi làm gì? Ở lại bao lâu? Ông đi cùng ai?” Tôi hơi bất ngờ nhưng cũng đoán được nguồn cơn thái độ thiếu thiện chí này, bởi đã được nghe về những vụ buôn bán sừng tê giác bị bắt tại Nam Phi, trong đó người Việt Nam chiếm đa số!

Sau những chặng dừng nghỉ ở nhiều nơi, chúng tôi đón chào một ngày mới ở khu bảo tồn thiên nhiên Imfolozi. Hôm nay là một ngày đặc biệt vì chúng tôi có cơ hội đi săn tê giác đen để... bảo tồn.

tê giác
Một con tê giác đen bị trúng thuốc mê 

“Săn tê” bằng trực thăng

Sau gần một giờ đồng hồ chạy ôtô, chúng tôi đến nơi tập kết. Tất cả mọi người đã có mặt và sẵn sàng cho chuyến đi săn, từ bác sĩ thú y, nhân viên bảo tồn, các nhà nghiên cứu cho tới những chiếc trực thăng, xe chuyên dụng dùng để chở tê giác.

Tiến sĩ Jacques Flamand – trưởng dự án bảo tồn, mở rộng vùng phân bố của loài tê giác đen (thuộc quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên – WWF) phổ biến cho cả đoàn về công việc săn tê giác. Dù gần 70 tuổi nhưng Flamand trông vẫn khoẻ mạnh, hoạt bát và năng nổ. Chúng tôi gọi ông bằng cái tên thân thiện “God father” (bố già), vì ông là chỉ huy chính ở đây.

tê giác
Khoan sừng để gắn chíp 
“Bố già” cho biết: “Dự án bảo tồn, mở rộng vùng phân bố của loài tê giác đen của WWF được Chính phủ Nam Phi đồng ý cho phép hoạt động trong vòng ba năm, nhưng sau khi hoàn tất đã thành công ngoài mong đợi, nên chính phủ quyết định cho phép WWF tiếp tục thực hiện dự án này, đến nay đã mười năm và hàng trăm con tê giác đen đã được di chuyển đến vùng sinh cảnh mới, có 45 con tê giác con đã ra đời”.


Chiếc trực thăng bốn chỗ ngồi rung bần bật khi bắt đầu cất cánh. Những cánh rừng cây bụi đặc trưng của Nam Phi hiện ra như bất tận tới đường chân trời. Từng đàn linh dương đầu bò, trâu rừng, voi châu Phi với vài trăm cá thể nhởn nhơ kiếm ăn trên những trảng đồi thấp. Bầy sư tử no nê lười biếng nằm ngủ dưới gốc cây khẽ ngước nhìn chiếc trực thăng quen thuộc. Phía xa xa là Umfolozi – dòng sông thiêng của bộ tộc bản địa Zulu đang hiền hoà ôm lấy mảnh đất có muôn loài chung sống.

Sau khi lượn vài vòng trên không, chúng tôi phát hiện hai con tê giác đen đang ăn sáng ở một bụi cây lớn. Chiếc trực thăng lập tức hạ độ cao và đuổi con tê giác lớn hơn chạy đến bãi đất trống, nơi các đồng nghiệp khác với phương tiện đặc chủng có thể tiếp cận được. Từ trên cao, người kiểm lâm ngồi cạnh tôi nhanh nhẹn đưa cây súng bắn thuốc mê ra ngoài cửa trực thăng. Khẩu súng rung nhẹ và mũi kim thuốc mê đã trúng vào mông con tê giác. Sau này tôi mới biết anh là tay súng chuyên nghiệp đã từng bắn vài trăm con như thế.

Bị trúng mũi kim, con tê giác đen bất ngờ lao đi với tốc độ khủng khiếp trong khu rừng chằng chịt bụi rậm, nhưng chỉ vài phút sau con vật ngã xuống khi đã ngấm thuốc. Nhận được tín hiệu từ trực thăng, các nhân viên bảo tồn dưới mặt đất gấp rút di chuyển đến khu vực con tê giác đen đang nằm bất động.

Gắn chíp để bảo tồn

Rất chuyên nghiệp, các nhân viên bảo tồn phát quang những bụi cây nhỏ xung quanh và dùng thiết bị bịt tai con tê giác – vì đây là giác quan nhạy cảm nhất của loài thú cổ đại này. Tiếp theo, con tê giác được bịt mắt, tưới nước lên người, xịt thuốc tím vào các vùng da bị trầy xước…

Bác sĩ thú y lấy mẫu máu, mẫu lông đuôi, mẫu da và mẫu sừng để phân tích ADN, rất quan trọng để so sánh với sừng tê giác tịch thu được từ bọn săn trộm nhằm tìm ra nguồn gốc con tê giác bị săn ở vùng phân bố nào. Chuyên gia gắn chíp bắt đầu khoan hai mũi sâu vào chiếc sừng lớn (sừng trước) để gắn hai con chíp, nhờ đó sau này có thể kiểm tra nguồn gốc phân bố cũng như đường đi của con tê giác sau khi được thả vào vùng sinh cảnh mới.

tê giác
Lấy mẫu để phân tích ADN 
Khi được hỏi về quy trình tiêm thuốc độc vào sừng tê giác, tiến sĩ Jo Shaw (điều phối viên chương trình Bảo tồn tê giác của WWF) cho biết: “Quy trình cũng gần giống như việc gắn chíp, các bác sĩ sẽ khoan một lỗ nhỏ, dài và sâu trong thân sừng để tiêm một loại thuốc cực độc nhằm chống săn trộm. Loại thuốc này không phát tán vào cơ thể tê giác vì sừng không có các mao mạch dẫn truyền, chất độc chỉ tồn tại ở dạng keo cứng trong sừng và chiếc sừng của con tê giác đó sẽ được sơn màu đỏ để cảnh báo những kẻ săn trộm”. Sau khi công việc hoàn tất, con tê giác đen được đưa lên xe đặc chủng để đưa đến vùng định cư mới của nó cách đấy vài trăm cây số.


Vì các khớp xương bả vai trước của loài tê giác rất yếu nên các nhân viên bảo tồn không thể lôi nó vào thùng xe chuyên dụng mà phải làm cho nó tỉnh dậy. Bác sĩ thú y chích một mũi thuốc vào tĩnh mạch chủ ở vành tai con tê giác để đánh thức nó. Mọi người cùng đếm từ 1 – 20: đó là thời gian cho con tê giác tỉnh thuốc mê. Ngay khi nó vừa thức giấc, tất cả cùng đẩy, kéo, chích điện vào mông con tê giác để nó tiến thẳng vào thùng.

Những người không có phận sự và kinh nghiệm đều phải tránh xa để đề phòng bất trắc. Nhưng vì ánh mắt tò mò, háo hức của tôi, “bố già” Flamand cho phép tôi tham gia công việc này như một ngoại lệ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được chạm tay vào một con tê giác còn sống và chiếc sừng rất to của nó. Đây là cảm xúc vô cùng đặc biệt, bởi những ngày sau đó, tôi được tiếp xúc với nhiều con tê giác khác nữa, nhưng với sự đau lòng khôn tả.

Nhiệm vụ hoàn tất. Mọi người hồ hởi dù nhiệt độ ngoài trời thời điểm đó là hơn 400C. Chúng tôi lên trực thăng để tìm kiếm con tê giác đen khác. Với những con tê giác bị ngã thuốc tại khu vực hiểm trở mà các xe chuyên dụng không thể tiếp cận được, thì một chiếc máy bay trực thăng cỡ lớn sẽ được điều đến để cẩu nó đến nơi thuận tiện hơn cho nhân viên bảo tồn xử lý. Nhìn con tê giác to lớn treo lủng lẳng dưới cánh trực thăng, chúng tôi ồ lên thích thú và thán phục sự chuyên nghiệp, tận tâm và đam mê công việc của đồng nghiệp Nam Phi.

“Chuyến đi săn” của chúng tôi kết thúc lúc 1 giờ trưa. Mọi người đều thấm mệt và đói, bữa ăn nhanh chóng được dọn ra. Tất cả tranh thủ nạp chút năng lượng để sau đó sẽ mang thả tê giác ở một khu bảo tồn tư nhân cách đó vài trăm kilômét.

Trên đường, chúng tôi có dịp ghé thăm một trạm kiểm lâm của khu bảo tồn Imfolozi nằm giữa sa mạc rộng lớn. Trạm trưởng Ian Pollard dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên trạm và nơi lưu giữ phương tiện hành nghề của bọn săn trộm thú mà các anh đã thu gom trong suốt mười năm qua. Mỗi lần chỉ vào những vết đạn trên hộp sọ một con tê giác bị giết, ánh mắt anh hiện lên những nét buồn u uất trước số phận của loài thú cổ đại hiền lành được người Nam Phi coi như biểu tượng quốc gia này.

Tự do cho tê, hạnh phúc của người

Sau hơn ba giờ chạy xe, chúng tôi đến nơi khi trời đã nhá nhem tối. Hôm nay, tất cả các khách du lịch của khu bảo tồn tư nhân đều được chứng kiến một sự kiện trọng đại: những con tê giác đen được thả vào khu vực bảo tồn.

Hai vị khách mời đặc biệt của sự kiện này là vợ chồng tộc trưởng của bộ lạc Zulu, đại diện cho nhân dân tới chứng kiến. Mọi người tập trung tại một khu đất trống để chứng kiến giây phút hiếm có này. Chiếc xe chuyên dụng chở những con tê giác mới được “chăm sóc” lúc chiều từ từ tiến vào và bắt đầu quy trình ngược với lúc đi săn.

tê giác
Chạm tay cầu may 

Thả tê giác là một công việc khó khăn và nguy hiểm, vì tê giác đen nặng hàng tấn, rất hung hăng và dễ bị kích động hơn tê giác trắng. Sau khi bị bắt nhốt vào chiếc chuồng sắt đặc chủng để di chuyển hàng trăm kilômét, nó càng hung tợn.

Tất cả diễn ra hết sức khẩn trương. Sau khi chích thuốc mê cho con tê giác từ trong thùng xe, các nhân viên bảo tồn có hai phút để mở cửa thùng xe trong khi con tê giác to lớn đang lồng lộn vì chưa ngấm thuốc. Các chuyên gia thú y tính toán chính xác từng giây, để khi con tê giác vừa bước ra khỏi thùng xe khoảng mười bước nó phải ngấm thuốc mê. Một sợi dây thừng đủ chắc buộc vào chân sau con tê giác và hai sợi khác trước ngực với 5 – 6 nhân viên kiểm lâm mỗi bên. Người xem phải đứng cách xa 20m phía sau vòng bảo vệ của các nhân viên bảo tồn.

Đây có thể là lần thả tê giác thứ 1.001 của các nhân viên bảo tồn tê giác Nam Phi nên mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Theo phong tục của người Zulu, nếu được chạm tay vào mình con tê giác đen còn sống sẽ gặp may mắn. Vì thế, khi được thông báo có thể lại gần con tê giác, mọi người trật tự tiến lại để được chạm tay lên tấm da dày ấm nóng và chiếc sừng kiêu hãnh của nó.

tê giác
Thả tê giác là một công việc khó khăn và nguy hiểm 

Sự cố lúc tảng sáng

Chúng tôi trở về nhà nghỉ của khu bảo tồn trong cái lạnh 10 độ vào lúc 2 giờ khuya. Tảng sáng, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng xe gầm rú và tiếng người gọi nhau í ới. Tôi bật dậy chạy ra khỏi căn lều bạt và được nhân viên bảo tồn Simon báo có một con tê giác đen được thả đã vượt khỏi hàng rào điện của khu bảo tồn và chạy ra khu dân cư.

Tôi vơ vội chiếc máy ảnh và khoác áo ấm lên người rồi nhảy lên xe của Simon. Chiếc xe lao đi vun vút. Bộ đàm trên xe nhận được tín hiệu từ một máy bộ đàm khác thông báo con tê giác bị sổng đang ở cách khu bảo tồn khoảng 20km. Tín hiệu từ con chip gắn trên sừng nó báo hiệu đường đi chính xác trên máy định vị cầm tay của Simon.

Khi chúng tôi đến nơi, trời đã sáng rõ nên mọi người đều nhìn thấy nó đang chạy thục mạng giữa cánh đồng. Các nhân viên bảo tồn phóng xe theo con tê giác để chặn đầu, giữ khoảng cách với nó khoảng 50m để đảm bảo an toàn.

Cuối cùng, con vật được dồn đến một cánh đồng cỏ khô chăn thả gia súc. Con tê giác đen lao vào khiến đàn gia súc chạy tán loạn. Mọi người giữ im lặng đợi con tê giác bình tĩnh lại và gọi máy bay trực thăng đến bắn thuốc mê.

Ấn tượng khó quên

tê giác
Trạm trưởng Ian Pollard chỉ vào vết đạn trên hộp sọ một con tê giác bị giết 
Trong lúc bị trực thăng dồn vào khu vực mà xe chuyên dụng có thể di chuyển được, con tê giác đen liều mình phóng ra đường cao tốc rồi đột nhiên, nó đứng lại giữa đường như thách thức tất cả. Các nhân viên bảo tồn chia thành hai tốp, đứng ở hai đầu đường cao tốc ra hiệu cho các xe tải dừng lại.


Thật kỳ diệu, tất cả ôtô lớn, nhỏ lập tức đồng loạt tắt máy để không gây tiếng ồn làm con tê giác thêm phấn khích. Hàng xe từ hai phía đường cao tốc kéo dài hàng cây số theo trật tự mặc dù không có sự can thiệp của cảnh sát giao thông. Họ kiên nhẫn ngồi trên xe đợi các nhân viên bảo tồn thực hiện công việc của mình.

Đặc biệt hơn, một đoàn xe lửa dài gần 50 toa cũng dừng lại ngay khi nhận được tín hiệu. Đối với chúng tôi, điều này kỳ diệu đến kinh ngạc bởi ở Việt Nam, nhân viên bảo tồn chưa có quyền được dừng bất kỳ phương tiện giao thông nào.

Cuối cùng, con tê giác cứng đầu chịu khuất phục sau một phát súng thuốc mê. Các nhân viên bảo tồn quyết định thả nó vào boma – một loại chuồng rất rộng xây bán hoang dã ở giữa khu bảo tồn để nuôi nhốt những con vật hoang dã hung hãn hoặc những con thú con mà cha, mẹ chúng bị giết chết khi nó chưa thể tự tìm kiếm thức ăn.

Trên đường về, tràn ngập trong tôi là sự cảm phục tình yêu cũng như ý thức mà người Nam Phi dành cho loài linh vật biểu tượng quốc gia.

Nước mắt tê giác, tội ác con người

Khi con tê giác đen cứng đầu thoát khỏi khu bảo tồn tư nhân bị bắt trở lại và được chuyển lên xe đặc chủng về nuôi nhốt ở chuồng boma cũng là lúc chúng tôi nhận được tin trực thăng tuần tiễu mới phát hiện bốn cá thể tê giác bị săn trộm ở khu bảo tồn Weenen, cách đó hàng trăm cây số… Chúng tôi lại gấp rút lên đường.

Qua dữ liệu được truyền trực tiếp từ camera trên máy bay tới thiết bị di động của nhân viên bảo tồn, chúng tôi biết hai trong số bốn con tê giác đã chết vì bị cắt sừng cách đây vài ngày, hai cá thể còn lại sống sót nhờ được phát hiện kịp thời và bọn săn thú mới cắt được một sừng to phía trước. Những hình ảnh từ camera cho thấy máu đang chảy ròng ròng trên mặt những con vật tội nghiệp.

Chiếc xe của chúng tôi lao về phía Weenen với tốc độ chóng mặt. Chúng tôi đến nơi khi các bác sĩ thú y đang cứu chữa cho hai con tê giác. Vì không được tiếp cận hai cá thể này trong lúc các bác sỹ thú y đang làm việc nên chúng tôi lên đường đến nơi phát hiện xác hai con tê giác.

Quy định của chương trình bảo tồn tê giác không cho phép sử dụng camera hay các thiết bị có gắn camera… khi tiếp cận hiện trường các nhân viên đang khám nghiệm tử thi tê giác. Tuy nhiên, chúng tôi có được ngoại lệ cho quay phim, chụp hình khi được phép, nhưng không được chụp bất cứ nhân viên nào đang khám nghiệm tử thi tê giác vì lý do an ninh. Nếu hình ảnh họ đang làm nhiệm vụ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, tính mạng của chính họ và người thân có thể bị đe doạ bởi các tổ chức tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

tê giác
Xác hai con tê giác trắng bị cắt sừng đang phân huỷ 

Vượt qua khoảng 4km đường rừng, chúng tôi tận mắt chứng kiến xác hai con tê giác trắng bị cắt sừng đang bắt đầu phân huỷ. Rất có thể, những chiếc sừng của chúng đang trên đường đến Việt Nam hoặc Trung Quốc, nơi có nhu cầu mua bán và tiêu thụ sừng tê giác rất cao. Hành động dùng súng bắn giết tê giác không dã man bằng việc bắn thuốc mê, sau đó cắt sừng và để mặc con vật chảy máu đến chết.

Một cảnh sát chuyên điều tra các tội phạm săn bắn động vật hoang dã chia sẻ với chúng tôi: “Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tỉnh KwaZulu-Natal đã có 135 con tê giác bị giết hại. Đây là con tê giác thứ sáu bị giết trong tuần này và hầu hết những con tê giác đều bị giết tại các khu bảo tồn do nhà nước quản lý. Bọn tội phạm săn tê giác chủ yếu là người bản địa được thuê đi săn vì thông thuộc địa hình.

Bọn chúng được huấn luyện rất bài bản về cách sử dụng súng săn hạng nặng. Tất cả các vết bắn thường trúng ngay vào sọ con vật, một số con bị bắn trúng tim. Một số kẻ săn trộm được thuê từ các quốc gia lân cận như Mozambique, Zimbabwe. Bọn chúng rất hung hãn và sẵn sàng bắn trả nhân viên kiểm lâm nếu xảy ra xô xát. Hiện nay bọn săn trộm tê giác châu Phi đã hình thành các tập đoàn tội phạm lớn.

Chính phủ Nam Phi xem đây là vấn nạn quốc gia và cho phép quân đội tham gia bảo vệ tê giác. Nhân viên kiểm lâm được phép bắn chết tội phạm săn tê giác tại hiện trường nếu chúng có hành vi chống trả và đe doạ tính mạng nhân viên thực thi công vụ. Chúng tôi đã làm hết sức để bảo vệ loài tê giác trên đất nước chúng tôi, nhưng những nỗ lực ấy sẽ là vô ích nếu tình trạng buôn bán và sử dụng sừng tê giác như là dược liệu ở nhiều quốc gia châu Á vẫn tiếp tục”.

Những con số đau lòng và câu hỏi gây bối rối

tê giác
Kiểm lâm viên Lawrence Munro cho biết bọn săn trộm đã chuyển hướng đưa sừng tê giác qua các nước lân cận như Mozambique Zimbabue, Kenya… rồi sau đó mới vận chuyển tới châu Á để tiêu thụ 
Chúng tôi lại tiếp tục lên đường đến thăm lực lượng chống săn trộm tê giác trên không. Tiếp đón chúng tôi là kiểm lâm viên Lawrence Munro – chỉ huy lực lượng. Munro bắt đầu câu chuyện với những thông tin không mấy sáng sủa về tình trạng buôn lậu sừng tê giác ở đây: “Hiện nay, bọn săn trộm đã chuyển hướng đưa sừng tê giác qua các nước lân cận rồi sau đó mới vận chuyển tới châu Á để tiêu thụ. Trung bình mỗi ngày ở Nam Phi có ba con tê giác bị giết hại. Riêng năm 2013, tính đến ngày 12.10, đã có hơn 700 con tê giác bị giết. Số lượng tê giác bị giết ngày càng tăng mặc dù chúng tôi đã thực hiện đủ mọi biện pháp nghiệp vụ với trang thiết bị tối tân nhất”.


Trong suốt chuyến đi của mình tới Nam Phi, câu hỏi mà tôi thường được phóng viên truyền hình quốc tế phỏng vấn là: “Việt Nam có quan tâm đến việc bảo tồn tê giác Nam Phi không? Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng buôn bán sừng tê giác trong khi Nam Phi đã và đang nỗ lực hết mình để bảo tồn loài vật này?” Đó là câu hỏi khiến tôi luôn cảm thấy bối rối.

Ngày cuối cùng trước khi hành trình dài gắn bó với tê giác Nam Phi kết thúc, chúng tôi ghé thăm toà án quận Kemoton. Tiếp chúng tôi là luật sư, chánh án Priwce Manyathi - người chuyên xử các vụ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã thuộc thành phố Johannesburg, nơi có cảng hàng không lớn nhất Nam Phi. Đây chính là địa điểm từng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu sừng tê giác nhất trong những năm qua.

tê giác
Chánh án Priwce Manyathi 
Chánh án Manyathi cho biết: “Từ năm 2008 đến nay đã có hơn 30 vụ buôn lậu sừng tê giác bị bắt tại Johannesburg. Trong ba năm từ 2010 đến 2012, có tới 132 người từ nhiều quốc gia tham gia và buôn bán sừng tê giác bị bắt tại Nam Phi, trong đó người Việt Nam chiếm đa số. Bình quân cứ 10 vụ bị phát hiện thì chín vụ do người Việt tiến hành và những vụ còn lại đều có liên quan đến người Việt Nam.


Hầu hết các phạm nhân đều khai trước toà là với một cặp sừng tê giác, người đi săn được hưởng 8.000USD, người buôn bán vận chuyển ra khỏi Nam Phi là 15.000USD, còn người mua cuối cùng thì không có con số cụ thể”.

Ông cho biết thêm: “Cách đây 4 tháng chúng tôi bắt giữ hai sinh viên Việt Nam vận chuyển sừng tê giác, mỗi người vận chuyển 10 chiếc. Trước toà, họ khai là được thuê vận chuyển một gói hàng đóng kín mà không biết bên trong là sừng tê giác. Toà án xử phạt mỗi người 1 triệu ran (khoảng 90.000USD) và ngay lập tức họ có đủ tiền nộp phạt! Điều đó cho thấy, có một tổ chức rất mạnh đứng đằng sau họ, sẵn sàng trả tiền cho người vận chuyển nếu bị bắt”.

Câu chuyện với chánh án Priwce Manyathi khiến lòng tôi trĩu nặng. Hoá ra trong số kẻ thù đáng sợ nhất của loài linh vật xứ sở này, có những người đồng hương của chính tôi....


TheoSGTT

Bình luận
vtcnews.vn