Hoa khôi rạch tay lấy máu, đào thoát khỏi tổ quỷ

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 23/04/2012 03:55:00 +07:00

Rạch tay lấy máu viết lên tường dòng chữ “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”, Tuyết lên sân thượng, miệng thì thầm “Vĩnh biệt bố mẹ, vĩnh biệt các em"...

Lục Thị Tuyết là cô gái xinh đẹp, từng đoạt danh hiệu Hoa khôi cuộc thi “Nữ sinh duyên dáng – thanh lịch". Nữ sinh Tày vừa tròn 18 tuổi này bị lừa bán qua hai tổ quỷ mà khi trở về vẫn giữ được sự trong trắng.

Trung úy Hoàng Sơn Thoại, Đồn Biên phòng Tân Thanh - Lạng Sơn kể rằng Đồn đã bắt giữ nhiều vụ lừa bán phụ nữ qua biên giới; giải thoát cho hàng trăm chị em, trong số đó, có một nữ sinh Tày vừa tròn 18 tuổi tên là Lục Thị Tuyết bị lừa bán qua hai tổ quỷ mà khi trở về vẫn giữ được sự trong trắng.

Lần theo địa chỉ mà Trung úy Thoại cung cấp, chúng tôi tìm gặp Lục Thị Tuyết. Đó là một cô gái xinh đẹp, từng đoạt danh hiệu Hoa khôi cuộc thi “Nữ sinh duyên dáng – thanh lịch của Đoàn trường THPT ở Chiêm Hóa tổ chức.

Tuyết là cô gái nghịch ngợm từng võ vẽ học võ, học thổi sáo. Cô cũng rất năng động, chịu khó. Đi học cấp 3 tập trung xã nhà, cô rủ chúng bạn những lúc rỗi rãi làm thêm nhiều việc như kiếm củi, cấy thuê, gánh đất vv...

Thấy 4 con gái càng lớn, xinh đẹp, ông bố không khỏi lo nghĩ bởi thời buổi chộn rộn này.

Lục Thị Tuyết. 

Có lần ông gọi cả 4 chị em ra dặn: “Nhà ta dù nghèo khó đến đâu, các con là phận gái, tuyệt đối không bao giờ được dính dáng đến nghề “buôn phấn, bán hoa”, đứa nào không nhớ lời bố thì đừng bao giờ nhìn mặt bố mẹ nữa!”

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, trượt đại học, Tuyết cùng chúng bạn tìm cách đi xuất khẩu lao động.

Bảy bạn của cô đã xuất ngoại đi làm việc, riêng cô, số phận cũng cho xuất ngoại nhưng theo con đường hoàn toàn khác: Rơi vào động mại dâm ở Trung Quốc.

Tết Dương lịch 1.1.2006 là ngày định mệnh của Tuyết. Lúc đó, cô đã hoàn thành lớp học tiếng Anh giao tiếp, đang gấp rút hoàn tất một số thủ tục ở Hà Nội để kịp chuyến bay đã lên lịch ngày 29.2.2006.

Bỗng dưng, Tuyết nhận được một cuộc gọi từ một số không quen biết, giọng đàn ông nhắn phải ra bến xe Mỹ Đình ngay để đón người nhà từ Tuyên Quang xuống.

Thiếu kinh nghiệm Tuyết đã tin ngay và hộc tốc ra bến xe thì gặp một thanh niên. Anh ta bảo xe sắp vào bến rồi, đoạn rủ Tuyết ra một quán gần đó rồi mời một cốc nước. Tuyết cầm cốc nước nhấm được vài ngụm thì đầu óc quay cuồng không còn biết gì nữa.

Tỉnh dậy, Tuyết thấy mình đang trong xe ô tô chạy rất nhanh, bên cạnh là một người đàn ông mặt mũi rất bặm trợn, hung dữ. Lúc đó, trời đã sẩm tối, Tuyết nhìn ra ngoài và thoáng thấy dòng chữ chạy điện “Thành phố Lạng Sơn”, rồi xe ô tô chui qua một đường hầm tối.
 Rạch tay lấy máu viết lên tường dòng chữ “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”, đóng nhẹ cửa phòng, Tuyết lên sân thượng tầng 3, miệng thì thầm “Vĩnh biệt bố mẹ, vĩnh biệt các em” rồi gieo mình xuống.

Tuyết biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Tuyết hoảng sợ nhưng cố trấn tĩnh để tìm cách đối phó. Trời đã tối hẳn, chiếc ô tô dừng lại.

Một gã đứng đợi và áp giải Tuyết vào một ngôi nhà mà sau đó Tuyết biết được do hai vợ chồng một người Việt Nam có tên là Hùng - Thu khoảng 34-35 tuổi làm chủ. Thấy Tuyết trắng trẻo, xinh đẹp, cặp vợ chồng chủ chứa tỏ vẻ rất mừng, ngon ngọt dỗ dành Tuyết ăn cơm rồi chuẩn bị “làm việc”.

Đường cùng, Tuyết bỗng nhìn thấy một chiếc dao lam trên giường, liền lấy rạch ngón tay cho chảy máu rồi bôi lên quanh miệng. Tú bà Thu quay lại thấy Tuyết miệng đầy máu, nằm giãy giụa trên sàn nhà, mụ ta rủa: “Khốn khiếp, đen như chó mực, mất hai mươi triệu đồng lại rước về con động kinh!”.

Hùng - Thu bán Tuyết cho một chủ chứa khác là vợ chồng Vinh - Nhâm, trạc 45-46 tuổi, với giá 27 triệu đồng. Cặp vợ chồng này cũng là người Việt, sang đây thuê nhà của người Trung Quốc để làm nghề buôn bán thân xác phụ nữ.

Nhà chứa Vinh - Nhâm có vẻ quy mô hơn Hùng - Thu. Đó là một ngôi nhà 3 tầng với nhiều buồng nhỏ. Tại đây, Tuyết thấy có rất nhiều cô gái Việt Nam, có người mới chỉ từ 15 -16 tuổi bị lừa bán sang.

Nhân lúc vắng người, có cô bé nói nhỏ với Tuyết rằng “Muốn trốn được phải giả vờ “làm” cho chúng nó một thời gian đã rồi tìm cơ hội, nếu không, vợ chồng nó cho người đánh đến chết hoặc nó sai người tiêm thuốc gì vào người không chịu nổi đâu!”.

Khi mới đến, lúc đi qua bếp, Tuyết đã kịp thủ được một con dao nhọn, giấu kín vào người. Tuyết vừa đến được hơn 1 giờ đồng hồ, đã thấy có khách đến mua dâm, đó là một người đàn ông khoảng 35 - 36 tuổi, dáng vẻ của kẻ có tiền.

Lúc anh ta bước vào phòng, Tuyết đã thầm nghĩ, nếu anh ta đụng vào mình thì Tuyết sẽ liều chết với con dao đang giấu trong người. Tuy nhiên, vẫn cảm thấy có gì đó chưa ổn nên Tuyết lại dùng chiêu cũ là giả vờ động kinh.

Tuyết ra hiệu cho kẻ mua dâm chờ, Tuyết vào nhà vệ sinh rồi lấy miếng xà phòng nhai nhát, sùi bọt ra khắp miệng…

Bên ngoài gã khách người bản địa thấy lâu quá liền gọi chủ chứa lên phá cửa phòng vệ sinh, thấy Tuyết đang nằm dưới sàn, mắt trợn ngược, mồm miệng đầy dãi, bọt. Khách nhìn thấy vậy kinh hãi quá liền lỉnh mất, còn vợ chồng Vinh - Nhâm thì cho người khiêng Tuyết lên một phòng nhỏ.

Hôm sau, tú bà Nhâm phát hiện ra Tuyết giả vờ động kinh nên đã sai người đánh đập Tuyết rất tàn nhẫn; chúng cứ nhè vào bụng dưới Tuyết mà đấm đá. Dù đau đớn, Tuyết vẫn kiên quyết không chịu bán dâm cho khách nên càng bị đánh dữ dội và bị bỏ đói.

Lời bố dặn ngày nào vẫn ghi trong đầu, Tuyết tự nhủ rằng, quyết không để thân thể hoen ố và dù có chết cũng không thể chết trong tổ quỷ này. Tuyết theo dõi và phát hiện ra chỗ cất chìa khóa mở cửa lên sân thượng.

Nhân lúc vắng người, Tuyết lấy chìa mở khóa tầng thượng rồi khóa hờ lại, sau đó, để chìa khóa vào chỗ cũ, Tuyết lấy con dao đã giấu hôm trước, rạch tay lấy máu viết lên tường dòng chữ “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”, đóng nhẹ cửa phòng, Tuyết lên sân thượng tầng 3, miệng thì thầm “Vĩnh biệt bố mẹ, vĩnh biệt các em” rồi gieo mình xuống.

Những người đi chợ sớm, thấy có bóng người nhảy từ trên sân thượng tầng 3 xuống, liền kêu gọi ầm ĩ, khi mọi người lại gần thì nhận ra rằng Tuyết vẫn còn sống.

Vì sợ nhà chức trách địa phương, vợ chồng Vinh - Nhâm đã chở Tuyết đến nhà một người chuyên bán hoa quả, kiêm chủ một nhà nghỉ chuyên cho các tài xế chở hàng quá cảnh ngủ trọ. Tại đây, họ nhốt Tuyết vào một buồng nhỏ, khóa hai khóa.

Kể từ khi bị chuyển tới chỗ mới, mặc dù toàn thân nhức nhối, đau buốt, phải nằm bất động, nhưng Tuyết vẫn vắt óc tìm mọi cách thoát thân.

Tuyết để ý thấy trong số những người lái xe ngủ trọ tại đây, có một số người nói tiếng Việt, nên, Tuyết cố bằng mọi cách để đánh tín hiệu cho họ.

Và rồi vận may đã đến: Có một tài xế người Việt Nam để ý thấy phòng của Tuyết suốt ngày đóng cửa, mà lại được trang bị tới hai khóa, thỉnh thoảng lại có tiếng lạch cạch bên trong (do Tuyết cầm que đập vào thành giường).

Nhận thấy có người bên ngoài, Tuyết liền lớn tiếng gọi “Chú, bác ơi, cứu cháu với!”. Nghe thấy có tiếng người gọi bằng tiếng Việt, người tài xế liền ghé tai qua cửa hỏi: “Ai đấy?” Mừng quá, Tuyết nói to: “Chú ơi, cháu là con gái Việt Nam, bị lừa bán sang đây đưa vào ổ mại dâm. Cháu nhảy từ sân thượng tầng 3 xuống mà không chết, bị nhốt vào đây. Trăm sự nhờ chú báo cho bộ đội Biên phòng và cho bố cháu ở Chiêm Hóa - Tuyên Quang, số điện thoại là…”.

Nhận được tin báo từ người tài xế tốt bụng và gia đình Tuyết, Trung úy Hoàng Sơn Thoại lúc đó đang trong kíp trực ban, liền báo cáo tóm tắt sự việc cho chỉ huy.

Vợ chồng Lục Thị Tuyết đưa con thăm Đồn Biên phòng Tân Thanh.  

Lãnh đạo Đồn Biên phòng Tân Thanh một mặt liên hệ trực tiếp với phía công an Trung Quốc, mặt khác giao nhiệm vụ cho Đội trinh sát và Trạm Kiểm sát BP mốc 15 nắm bắt tình hình và cử các trinh sát, phiên dịch cùng Hoàng Sơn Thoại sang kết hợp với Công an nước bạn xác minh sự việc.

Mặc dù trời đã tối, Hoàng Sơn Thoại vẫn cùng với các trinh sát truy tìm khắp nơi và cuối cùng đã tìm ra được nơi Tuyết bị nhốt giữ và kịp thời giải thoát cho cô gái trẻ, đưa về Đồn BP Tân Thanh vào lúc gần 12 giờ đêm.

Cán bộ quân y đồn thăm khám, sơ cứu các vết thương cho Tuyết, rồi Thoại trực tiếp nấu thức ăn, bón cho Tuyết từng thìa…

Khi Tuyết được các chiến sĩ biên phòng Đồn Tân Thanh giải thoát, đưa đến bệnh viện khám, soi chụp, bố mẹ cô đau khổ khi biết con gái bị gãy cả hai chân, trật khớp, chùn 3 đốt cột sống, rạn xương háng…

Điều trị được một thời gian, một hôm, tình cờ, Tuyết nghe được mấy bác sĩ nói nhỏ với nhau: “Xem những phim chụp thì vô vọng rồi, chẳng thể đi lại được nữa. Tội nghiệp con bé mới chưa đầy 20 tuổi đời mà tàn tật, suốt đời phải ngồi xe lăn…”. Nghe vậy, Tuyết buồn bã vô cùng, mấy đêm liền không ngủ được…

Tuyết đang điều trị trong bệnh viện thì lần lượt hai em gái bị tai nạn giao thông. Thấy bố mẹ quá vất vả, Tuyết quyết định xin xuất viện.

Các bác sĩ ở Trung tâm Nhân đạo Hương Sen - Tuyên Quang thương tình cảnh của Tuyết nên dành tặng một chiếc xe lăn nhưng Tuyết chỉ cảm ơn, không nhận.

Mọi người đều không ai hiểu lý do vì sao, hỏi gặng mãi, Tuyết mới thổ lộ: “Cháu xin cảm ơn các cô chú, nếu cháu ngồi vào chiếc xe lăn này thì suốt đời cháu sẽ không thoát khỏi nó”.

Về nhà, Tuyết tập bò từ tầng 1 lên gác rồi lại bò xuống một thời gian dài khiến hai đầu gối chai sần. Sau khi đã đứng dậy được, Tuyết nhờ bố đóng cho 2 cái ghế rồi hai tay nắm chắc hai ghế lần đi từng bước, từng bước.

 

Sáu tháng sau, Tuyết bỏ ghế, vịn vào thành cầu thang miệt mài tập lên xuống. Lòng quyết tâm và sự kiên trì, bền bỉ của cô gái 18 tuổi đã được đền đáp: Hơn một năm sau, Tuyết đã có thể tự đi lại được trong nhà mà không cần vịn vào bất cứ vật gì.

Một hôm, Tuyết ngỏ ý xin phép bố mẹ cho ra Hà Nội tìm việc làm. Bố, mẹ kêu trời vì tình trạng sức khỏe và ý định của con gái, nhưng ý Tuyết đã quyết, ông bà đành đồng ý.

Do từng sinh hoạt và học nghề tại Trung tâm Nhân đạo dạy nghề cho trẻ em khuyết tật tại Tuyên Quang nên đặt chân lên đất Thủ đô, Tuyết tìm đến các trung tâm Chữ thập đỏ hoặc dành cho người khuyết tật để vừa tìm việc, vừa học nghề.

Thời gian đầu quả là đầy thử thách, vì đi đứng nhiều khi không vững, có lúc Tuyết nản lòng định gọi điện nhờ bố mẹ đón về.

Nhưng nghĩ đến cuộc đời vô dụng ăn bám bố mẹ, cô lại cắn răng chăm chỉ học nghề, đồng thời học thêm ngoại ngữ và theo lớp kế toán có niên hạn 2,5 năm.

Cũng chính thời gian theo học lớp kế toán này mà hạnh phúc mỉm cười với cô gái Tày.

Dạo đó, để tiết kiệm tiền xe ôm, Tuyết nhờ người bạn cùng lớp giúp tập đi xe đạp. Một hôm, đang loay hoay với chiếc xe đạp tuột xích thì có một anh bộ đội đến giúp. Chàng trai tên Dũng đang là cảnh vệ tại Tổng cục Chính trị.

Họ quen nhau, biết được hoàn cảnh của Tuyết, Dũng đã dành hết thời gian rảnh rỗi để động viên, khích lệ Tuyết trong công việc cũng như tập luyện đi lại hằng ngày. Một năm sau, tình yêu nảy nở nhưng gặp một trở ngại lớn là phía nhà Dũng kiên quyết phản đối vì sợ con trai rước một người tàn tật về sẽ phải “hầu hạ” suốt đời.

Đôi tình nhân trẻ tìm mọi cách thuyết phục nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí sắt đá của bố mẹ Dũng nên cuối cùng phải dùng đến “chiêu” giả vờ “ăn cơm trước kẻng” và bắn tin cho gia đình là Tuyết đã mang thai 3 tháng.

Nhưng nhà Dũng cũng chẳng vừa, buộc Tuyết đi siêu âm, “âm mưu” của đôi bạn trẻ bị lộ tẩy. Chẳng còn cách nào khác, đôi uyên ương buộc chuyển từ “giả vờ” thành “làm thật” và khi Tuyết mang trong mình một bé trai 2 tháng tuổi thì bên nội đành phải thuận ý.

Chẳng ai ngờ, chỉ về làm dâu một thời gian, bố mẹ chồng đã yêu quý Tuyết như con đẻ bởi nết ăn, nết ở và sự tháo vát, đảm đang của cô con dâu vùng cao.

Khi Tuyết cầm tấm chứng chỉ kế toán trong tay thì cũng là lúc Dũng xuất ngũ. Dũng theo học lớp lái xe và tìm được việc làm. Tuyết, ngoài chuyên môn kế toán, còn thành thạo nghề may nên cũng vượt qua vòng tuyển chọn vào một công ty dệt may tại Hà Nội.

Để thuận tiện cho công việc, Tuyết thuê gian nhà gần công ty và tập đi xe máy. Khi công việc ổn định, Tuyết nhớ lại quãng thời gian đi tìm việc, học nghề ở các trung tâm dành cho người khuyết tật.

Vì đã trải qua những ngày cam go của người mất khả năng di chuyển, nên Tuyết luôn dành tình cảm đặc biệt cho những người có số phận bất hạnh, nhất là trẻ em mồ côi, tàn tật.

Có thời kỳ ở Hà Nội khi còn chưa kiếm được việc làm, dù bản thân đi lại còn khó khăn, Tuyết vẫn dành nhiều thời gian đi tìm việc làm giúp các em nhỏ khuyết tật.

Có dịp, Tuyết bỏ ra cả tháng trời đi khắp 14 xã một huyện của Bắc Giang, xin tổ chức biểu diễn văn nghệ cho các em ở 13 xã. Đi biểu diễn về, các em đều yêu quí, quyến luyến chị Tuyết.

Giờ đây, hằng ngày, sau khi hoàn tất công việc ở công ty, Tuyết vẫn dành thời gian đưa các em khiếm thính, khiếm thị đi đến những khu vực đông người như bến xe, nhà ga, gầm cầu chui… để bán sản phẩm do các em làm ra.

Hôm dọn đến chỗ thuê mới, Tuyết nhớ ngay đến Thanh Bình, một cô gái cũng xấp xỉ tuổi Tuyết, có hoàn cảnh rất éo le. Bố Bình nhiễm chất độc da cam, cả 4 đứa con của ông mà Bình là chị cả đều bị di chứng.

Do bệnh tình quá nặng, bố mất sớm, mẹ vừa ốm yếu, vừa một mình nuôi các con bệnh tật nên cũng lao lực mà qua đời để lại 4 chị em côi cút. Tuyết quen Bình qua những buổi biểu diễn văn nghệ và đi bán hàng rong.

Nay, đã có công ăn việc làm, có chỗ trú thân, Tuyết không quản khó khăn, vất vả để tìm được cho Bình một việc làm hợp với sức khỏe với mức thu nhập 85 ngàn đồng/ngày.

Rồi Tuyết rủ Bình về ở chung với mình để gánh đỡ cho Bình tiền ăn, ở. Bình vui lắm và rất chịu khó làm việc, mỗi tháng chắt chiu được trên dưới 2 triệu đồng gửi về cho 3 đứa em không nơi nương tựa ở Nghệ An.

Khi thấy Bình bị hẫng hụt bởi mối tình đầu với một chàng trai khiếm thị vừa hé nở đã lụi tàn, Tuyết càng dành nhiều thời gian để chăm sóc, động viên Bình đi tiếp trên chặng đường đời đầy gian truân…

Qua cơn mưa, trời lại sáng. Đến nay, vợ chồng Tuyết đã xây dựng được một ngôi nhà 80m2 vững chắc ở quê chồng (Hà Nam). Đất thì bố mẹ chồng cho, bên ngoại cũng “kỷ niệm” 4 vạn gạch, tiền xây thì vay mượn mỗi người một chút cộng với số tiền hai vợ chồng tích góp cũng vừa đủ.

Khi đứa con đầu lòng ra đời, Tuyết viết thư cho Trung úy Biên phòng Hoàng Sơn Thoại, người có công đầu trong việc cứu cô về từ Trung Quốc: “… Anh Thoại à, em chẳng bao giờ quên được những ngày cuối năm Ất Dậu đầu năm Bính Tuất đó, nghĩ đến thật là khủng khiếp.

Sau khi em bị lừa bán sang Trung Quốc và bị mấy người vô nhân tính đó bán em vào động mại dâm, em không chịu nên bị chúng nó đánh đập rất dã man. Sau đó em đã nhảy lầu tự tử, may em không chết nhưng bị gãy cả hai chân, chùn 3 đốt cột sống, rạn xương háng.

Em nghĩ mình đã bị tàn phế, chẳng còn một tia hy vọng nào, rất may là em đã được các anh, các chú Đồn Biên phòng giải cứu về Đồn, được anh chải tóc, rửa mặt rồi bón cơm cho em, tình cảm thiêng liêng đó em sẽ chẳng bao giờ quên…

Em còn nhớ anh đã từng nói với em bức thư trước: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền…”. Những khi em đau buồn, tuyệt vọng, em lại nhớ đến những lời khuyên trong những lá thư anh viết cho em nên em đã rất cố gắng luyện tập không ngừng, ngày đêm luyện tập cực khổ hơn 3 năm…

Đến nay, sự cố gắng của em đã được đền đáp, em đã xây dựng gia đình, em rất hạnh phúc, hạnh phúc hơn là em đã sinh được 1 bé trai rất kháu khỉnh. Đã từ rất lâu, em coi các chú các anh cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh - Lạng Sơn đã sinh ra em lần thứ hai”.

Mạnh Việt - TP



Bình luận
vtcnews.vn