Khốn khổ với nạn lừa đảo ở chùa Thầy

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 01/05/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Một đoàn du khách sau khi được các “bà cô thân thiện” đưa đi chơi hang Cắc Cớ sẽ mất vài trăm ngàn, có khi lên tới cả triệu.

(VTC News) - Khu di tích lịch sử chùa Thầy mỗi năm đón hàng chục vạn lượt khách du lịch. Tuy nhiên, những hiện tượng tiêu cực đã và đang diễn ra nơi đây đã để lại những ấn tượng không mấy đẹp đẽ, thậm chí là kinh hoàng cho du khách.

Hướng dẫn viên du lịch

Khu vực đầu tiên mà du khách bị “chặt chém” là “đền Trình”. “Đền Trình” thực chất là đình làng Thụy Khuê, bị kẻ gian lợi dụng biến thành nơi lừa đảo.

Khi đến đây, du khách sẽ được những người đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch mời vào một gian nhà và giới thiệu sơ qua về tổng quan chùa Thầy, về “đền Trình”. Rồi họ tự sắm sửa lễ cho du khách với một thái độ rất nhiệt tình. “Mời đoàn ngồi đây nghe giới thiệu về sơ đồ của chùa. Đây là công việc nhà chùa phải làm” – Họ nói với khách du lịch như vậy.

Cổng đình làng Thụy Khuê, nơi bị kẻ gian lợi dụng thành khu vực lừa đảo. 

Một mâm lễ thường gồm mấy hộp chè lam, vài cành vàng, vài gói kẹo lạc và một ít tiền vàng. Vẫn cứ với thái độ nhiệt tình đó, họ đặt lễ lên ban thờ cho du khách rồi kiêm luôn việc khấn vái khiến du khách không kịp phản ứng. Những tưởng mâm lễ đơn sơ ấy chẳng đáng bao tiền, nên ai nấy cũng không ý kiến gì và cứ để cho họ làm, vì nghĩ nhà chùa lo chu đáo cho du khách.

Thế nhưng, khi du khách hạ lễ thì phải thanh toán một khoản tiền gấp 3, 4 lần giá trị thực của những món đồ đó. Một hộp chè lam được tính từ 30 đến 50 ngàn đồng, một cành vàng có giá 10 ngàn... Tổng giá trị 1 lễ thường trên dưới 200 ngàn đồng.

Đoàn tham quan của bác Mai từ Thanh Hóa ra đã phải trả 750 ngàn cho 5 lễ, mỗi lễ 150 ngàn đồng. Bị lừa vố đau, bác Mai than thở: “Tôi cứ nghĩ là nhà chùa chuẩn bị sẵn cho, nhưng không ngờ mấy mâm lễ lại đắt thế. Thôi thì đã lễ Phật rồi phải đành chịu, lẽ nào lại đôi co”.

Những món đồ được xếp sẵn để đợi "con mồi". 

Hình thức lừa đảo như vậy cũng được áp dụng tương tự trong khu vực chùa Thiên Phúc. Những “hướng dẫn viên du lịch” trong chùa cũng giới thiệu cho du khách tỉ mỉ về sự tích, lịch sử của chùa và hướng dẫn du khách làm lễ Phật cứ như thể không đòi hỏi một chút lợi lộc nào.

Vẫn với hình thức như ở đình làng Thụy Khuê, những người hướng dẫn viên này tự động sắp lễ cho du khách và đặt lên ban thờ Tam Phủ. Lễ ở đền Tam Phủ thường gồm có vài chiếc khánh đồng, một chút tiền vàng và hàng chục túi cầu phúc. Đến khi thanh toán thì một chiếc khánh đồng có giá 150 ngàn đồng, một chiếc chuông đồng có giá 150 ngàn đồng, túi cầu phúc 15 ngàn. Một mâm lễ như vậy có khi lên tới cả triệu đồng.

Hướng dẫn viên du lịch… 
…kiêm luôn việc bán hàng. 
Một mâm lễ ở đền Tam Phủ như thế này có khi lên tới cả triệu đồng. 

Những bà cô thân thiện!

“Cháu ơi trên núi có hang động, có bể xương người của hơn 3000 binh lính Lữ Gia bị vây chết trong động, các cháu thuê cho cô cái đèn, chỉ 5 ngàn đồng thôi, rồi cô sẽ giới thiệu cảnh đẹp cho các cháu…”. Đó là những lời chào mời của đội ngũ “gian thương”.

Những “bà cô” không mang vẻ chuyên nghiệp như những hướng dẫn viên du lịch ở trong chùa Cả, nhưng họ lại tạo ra một cảm giác thân thuộc và nhiệt tình đến kì lạ.

Không khó để nhận diện ra những “bà cô thân thiện”. 

Họ lẽo đẽo theo chúng ta đến mọi nẻo đường và luôn miệng giới thiệu cho chúng ta về lịch sử huyền bí của hang Cắc Cớ, về những cảnh đẹp trong hang động. “Cô giới thiệu với các cháu đây là Tượng cậu, đây là cối xay bột, đây con cóc đá, đây con dê, con voi, con đại bàng…” – họ luôn mồm nói và đi theo du khách.

Bằng một thứ ngôn ngữ bình dân đến mê hoặc, đến mỗi một thắng cảnh trong động, họ lại bảo du khách mua gạo, bỏng, muối, thắp hương và hóa tiền vàng. Thỉnh thoảng lại dí vào tay chúng ta một số món đồ lưu niệm như túi vải, chuông đồng, bùa giấy… và bảo là lộc chùa.

Luôn tay đưa tiền vàng cho du khách. 

Đưa du khách tham quan xong các thắng cảnh trong động mới là lúc nhưng bà cô lộ rõ bộ mặt thật của mình. Những đồ lưu niệm rẻ tiền giờ đây được tính với giá gấp đôi, gấp ba. Một lễ tiền vàng để hóa gồm vài tờ mỏng dính được tính với giá 5000/lễ. Trong khi đó, với một ban thờ, các bà cô thường bảo du khách hóa từ 5 đến 7 lễ. Hang Cắc Cớ có tổng 12 ban thờ để đặt lễ. Một du khách nếu hóa vàng theo sự chỉ dẫn, chỉ tính tiền vàng cũng mất từ 300 đến 400 ngàn đồng. Cộng thêm tiền công hướng dẫn trong 15 phút được hét với giá từ 1 đến 2 trăm ngàn.

Một đoàn du khách sau khi được các cô đưa đi chơi hang Cắc Cớ sẽ mất vài trăm ngàn, có khi lên tới cả triệu, tùy theo sự “nhiệt tình” của các cô và “tấm lòng” của các cháu.

Ông “sơn thần” từ bi!

Trên đường leo núi từ chùa Cả lên chùa Cao, bạn sẽ đi qua một miếu thờ Sơn Thần. Nơi đây sẽ có một cụ ông, mắt mũi cũng không còn sáng sủa cho lắm. Ông ta chẳng cần nhìn ai cả, nhưng có lẽ ông ấy có con mắt thứ 3, nên mỗi khi có khách lên gần đến nơi là ông ta tuôn ra một số lời chào mời nghe cũng thật “uyên thâm, phúc hậu”. Như mời bạn vào thắp hương cúng Sơn thần để Sơn thần tiếp sức cho bạn trên những con đường tiếp theo. Núi nào mà chả có Sơn thần, khấn vái cũng là chuyện nên làm. Thế nhưng, ông ta lại bảo bạn rút quẻ giấy xem số phận trong một cái ống tre: “Nam tay trái, gái tay phải”.

Ông “Sơn thần” và chiếc hộp “thẻ số mệnh”. 

Cứ tưởng như các nơi khác là tùy tâm để một khoản tiền rồi rút lấy cái “thẻ số mệnh” gọi là thử gieo que đầu năm. Rút quẻ xong thì “các cháu cho ông xin 20 ngàn gọi là tiền công đức Sơn thần. Thì chả lẽ nhìn cụ ông như thế kia lại đôi co với cụ. Thôi thì lại nhắm mắt mà “công đức” vậy. Mỗi ngày, cũng có đến cả trăm người leo núi không biết nên lỡ tay rút thẻ, mang lại cho ông ối tiền.

“Xã hội đen” trong hang động


Trong bóng tối lờ mờ đầy huyền bí của hang Cắc Cớ, bên cạnh ánh sáng mập mờ của những ngọn nến nơi ban thờ tướng quân Lữ Gia và bể hài cốt là địa bàn của một đội ngũ lừa đảo chả khác gì xã hội đen.

Trên mỗi ban thờ đều được bày sẵn vô số những cành lộc, những chiếc nhẫn và một số đồ thờ cúng khác. Bên cạnh mỗi ban thờ thường có 2 đến 3 người ngồi bên một cái bàn, bên cạnh là một quyển sổ ghi công đức luôn được mở.

Những “bóng ma” ngồi đợi "con mồi" trong bóng tối gần bể hài cốt. 

Sau khi du khách khấn xong, một người liền dúi vào tay du khách một tập tiền vàng, một cành lộc và bảo là lộc của nhà chùa. Du khách chưa kịp phản ứng thì người ngồi bên quyển sổ liền gọi ra và “bắt” công đức. Du khách trót cầm một cành vàng thì ít nhất phải “công đức” 30 ngàn đồng, trong khi, trị giá thực chỉ 2 ngàn đồng. Tiền vàng mỗi tập là 10 ngàn đồng. Mỗi du khách thường cầm vài tập và thế là “phải công đức” số tiền vài chục ngàn.

Những cành lộc và tiền vàng được chuẩn bị sẵn và quyển sổ “công đức” luôn để mở. 

Cái chuyện công đức thường chỉ là thành tâm, nhưng lại được đưa lên thành luật lệ không thể không làm theo. Du khách lỡ cầm cành vàng, tập giấy tiền, mà có ý kiến là bọn họ quay ra dọa dẫm.

Theo lời kể của những người bán hàng, người thanh niên ép du khách “công đức” là một kẻ nghiện có thâm niên. Nhìn cái quyển sổ dầy cộp đủ biết có hàng ngàn người đã “phải” công đức ở đây. Nếu là công đức cho nhà chùa thì là một lẽ, nhưng số tiền ấy lại chui vào túi đám người này. Thôi thì đã lỡ cầm hai món đồ đó trên tay thì chỉ còn biết “công đức” cho lành.

Cần giải quyết dứt điểm

Chùa Thầy đón du khách quanh năm nhưng đông nhất là vào những tháng xuân sau dịp tết Nguyên Đán, những dịp lễ. Đây cũng là thời điểm tình trạng lừa đảo diễn ra mạnh nhất, gây bất bình cho du khách. Nhiều du khách đến chùa Thầy bị vét cạn túi, không còn tiền trả gửi xe. Nhiều du khách đến chùa Thầy một lần rồi sợ không dám đến lần thứ hai.

Tình trạng lừa đảo như vậy ở chùa Thầy đã diễn ra hàng chục năm nay. Mặc dù được nhiều người phản ánh nhưng tình trạng như vậy vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Sinh, công an viên trông coi ở cửa động được biết, tình trạng lừa đảo du khách như vậy đã được UBND xã giải quyết từ cuối năm 2010. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng mọi chuyện lại tái diễn, đặc biệt là vào dịp lễ, tết, hội hè.

Thiết nghĩ, chùa Thầy là một khu di tích lịch sử đẹp không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước. Các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý, sớm có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng lừa đảo để giải tỏa bức xúc cho du khách, cũng như trả lại vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm nơi cửa thiền.

Đặng Đông Anh


Bình luận
vtcnews.vn