Cổ tích cuộc tình qua… bưu điện

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 27/03/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Ngồi bên nhau, Xuân hỏi: “Em có biết, người viết thư cho em 7 năm trước đang ở gần đây không?”. Thà bẽn lẽn: “Không biết có tin được không nữa”.

(VTC News) - Chữa bệnh không được, hiến mắt không xong, lại không thể chết quách cho rồi, cha mẹ lại như lá vàng trước gió, hai anh em tật nguyền Phạm Văn Xuân và Phạm Văn Hương buộc phải đi tìm lối thoát cho tương lai của mình. Cuộc đi tìm hạnh phúc của họ từ cái chân núi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thật cực nhọc.


Kỳ 2: Viết thư tìm vợ

Phạm Văn Xuân sinh năm 1971, người em ngay sau là Phạm Văn Hương sinh năm 1973. Tuổi thơ của hai anh em đói rách như những đứa trẻ quanh núi Gò Dài. Trên cái mảnh đất đá sỏi gan gà ấy, mà ông bà Thoa sinh tới 9 người con, thì không đói khát mới lạ. Cái đói, cái khổ dìm từng ấy con người không ngoi lên được.

Hai bà chị của Hương và Xuân bị lừa bán sang Trung Quốc, biệt tăm hơi, không biết còn sống hay đã chết. Mấy người chị lấy chồng xã cạnh cũng nghèo rớt nghèo rãi. Cô em gái lấy chồng mười mấy năm nay mà không sinh con, chịu cảnh bị đánh đập, ruồng bỏ. Một bà chị ở trong nhà, lúc điên lúc dở, lên cơn chửi ráo cả bố lẫn mẹ. Ông anh ở cạnh thì đẻ 4 đứa con, chật vật với miếng ăn. Bà Thoa mắc bệnh viêm phổi mãn tính, sau khi tiêu tốn không còn đồng nào thì về trời. Ông Thoa 80 tuổi, nay ốm, mai đau, cũng cứ nằm bẹp vậy, chả có tiền đi viện.

Anh em Hương và Xuân đã có cả chục năm trời viết thư tìm bạn. 

Dù nghèo khổ, song hai anh em đều ham học, nuôi nhiều khát vọng lớn. Xuân ước thành thầy giáo, Hương ôm mộng thành nhà văn. Cơm sắn độn khoai, song hai anh em đều to khỏe, đẹp đẽ.

Bất hạnh xảy đến với Xuân khi tròn 16 tuổi. Trên đường đi học về, Xuân gặp mưa, bị cảm lạnh, đột quỵ. Đường xa, nhà nghèo, không có tiền đưa con đi viện, ông bà Thoa chỉ bốc thuốc Nam cho Xuân. Nhưng bệnh Xuân ngày một nặng, đôi chân sưng to như chân voi. Thời gian sau, đôi “chân voi” ấy tự dưng tóp lại, teo đi, thành tật nguyền. Xương sống ở lưng thì cong lại, gồ lên, khiến Xuân gù rạp như ông cụ, đi lại bằng hai tay nghênh ngang như con cua càng.

Khi Xuân còn đang tập tễnh tập đi sau nhiều ngày nằm bẹp, thì đến lượt cậu em trai, tức Hương mắc chứng bệnh như thế. Đôi chân đẹp đẽ sưng to như cây chuối, rồi héo dần, tóp lại, co quắp và trở thành vô dụng. Toàn bộ nửa dưới cơ thể coi như bỏ đi vì cứng quèo, không cử động được. Hương chỉ có thể lết đi bằng tay, hoặc ngồi xe lăn mới di chuyển được.

Cặp vợ chồng Hương và Xuân chụp giữa năm 2010, ngày Hương còn sống. 

Bao nhiêu mơ ước, hoài bão của anh em Xuân và Hương bị dòng sông Hồng cuốn đi hết. Trong ngôi nhà rách nát, hai chàng trai chỉ có chiếc đài cũ rích làm bạn, tiếng kêu cứ “ọt ọt”. Chiếc đài ấy đã thổi bùng lên ước mơ hiến mắt của hai anh em và cũng là cầu nối để họ tìm cuộc sống, tương lai cho riêng mình.

Ngày hai anh em nằm liệt nghe đài, cứ đến chương trình kết bạn bốn phương, họ đều ghi chép lại địa chỉ các cô gái, rồi đêm đêm chong đèn viết thư làm quen. Thư đi, thư lại, Xuân và Hương cũng có được hàng tá người bạn gái thân thiết, chia sẻ vui buồn. Có lẽ, những cánh thư kết bạn đã đem lại niềm vui sống cho hai anh em tật nguyền nơi xó núi này.

Trong số những cô gái quen biết qua thư, có một người con gái đã làm trái tim Xuân thao thức. Sau 5 năm, với cả ngàn cánh thư qua lại, cô bạn gái kia quyết định cắt đứt mối quan hệ. Lý do là vì cô bạn gái đó gửi ảnh cho Xuân, còn Xuân thì viện đủ lý do để không gửi ảnh cho nàng, nên nàng giận, nghĩ Xuân không thật lòng. Anh Xuân cười bẽn lẽn: “Thú thực, lúc đó mình tật nguyền, xấu xí, lại nghĩ cô ấy là người bình thường, nên đâu có dám gửi ảnh cho cô ấy. Với lại, nhà nghèo, nằm một chỗ ở chân núi thế này, có đi chụp ảnh bao giờ đâu mà có ảnh gửi”.

Người phụ nữ khiến trái tim Xuân xao xuyến nhiều năm trời. 

Rồi qua thư từ, Hương đã kiếm được vợ, lại là cô vợ hoàn toàn bình thường. Người em lấy được vợ, khiến ông anh Xuân càng khao khát hơn. Xuân viết thư làm quen nhiều hơn nữa, tuy nhiên, chẳng thể tìm được người tri kỷ.

Một ngày, trên đài có chương trình nói về lớp học may cho người tật nguyền ở Sơn Tây, chàng trai Phạm Văn Xuân đã trốn gia đình, nhờ đứa cháu chở ra Tứ Mỹ, rồi bắt xe xuống Sơn Tây nộp hồ sơ xin nhập học.

Hôm nhập trường, thấy danh sách lớp may có cái tên rất quen: Trương Thị Thà, sinh năm 1979, quê quán xã Văn Bình, Hà Tây cũ. Với tên tuổi, quê quán như vậy, thì 99% cô gái tên Thà kia chính là người mà Xuân làm quen suốt 5 năm trời qua thư.

Sau nhiều năm viết thư cho nhau, họ đã thành vợ chồng. 

Điều đặc biệt là Thà cũng bị tật nguyền, một tay co quắp, chân đi thấp thểnh. Hai kẻ tật nguyền viết thư cho nhau, làm quen, trở nên thân thiết, thậm chí “tình trong như đã”, nhưng không ai dám tỏ tình, vì tủi phận tật nguyền. Không ngờ, cả hai đều có thân phận giống nhau.

Mấy tháng học cùng, Xuân không nói gì, chỉ lặng lẽ quan sát Thà. Còn Thà thì vô ý hơn, không để ý, nên không biết người ngồi cùng lớp mình chính là người mà cô đã quen qua thư.

Ngày lễ Giáng sinh năm ấy, Xuân mời Thà đi uống nước. Ngồi bên nhau, Xuân hỏi: “Em có biết, người viết thư cho em 7 năm trước đang ở gần đây không?”. Thà bẽn lẽn: “Không biết có tin được không nữa”. Rồi Xuân mạnh dạn: “Đây có lẽ là định mệnh ông trời sắp đặt. Nếu là ông trời sắp xếp cho anh gặp em, thì em có đồng ý lấy anh không?”. Trong tiếng thổn thức và loạn xạ của trái tim, Thà run rẩy: “Nếu là ông trời sắp đặt, thì em đồng ý”.

Với chiếc xe ba bánh tự chế, hàng ngày Xuân đi lấy hàng ở chợ Đồng Xuân mang về cho vợ bán ở vỉa hè. 

Hai con người đã hiểu nhau quá rồi. Củ tỉ cù tì gì, họ cũng đã kể hết với nhau suốt 5 năm trời, nên không còn phải tìm hiểu gì nữa. Chỉ tháng sau, bất chấp sự ngăn cản quyết liệt, thậm chí từ mặt con của gia đình nhà gái, hai người đã đến với nhau. Chỉ vài mâm cơm dưới chân núi Gò Dài bên sông Hồng, mà họ nên vợ thành chồng.

Tốt nghiệp lớp học may, hai vợ chồng lang bạt làm thuê ở rất nhiều trung tâm may nhân đạo để kiếm sống. Tuy cuộc sống chật vật, song cũng có được miếng cơm.

Mới đây, bà ngoại của Thà thương hai cháu vất vả long đong đã cho 30m2 đất ở huyện Thường Tín. Hội Phụ nữ xã cùng các ban ngành đóng góp xây cho vợ chồng Xuân và Thà căn nhà tình thương nho nhỏ. Từ căn nhà tình thương ấy, hai đứa con xinh xắn liên tiếp ra đời.

Tích cóp được chút tiền, mua được chiếc xe máy Trung Quốc với giá 5 triệu đồng, anh cải tạo thành xe 3 bánh và hai vợ chồng quyết định tự lực kiếm sống.

Hàng ngày, Xuân chạy xe 3 bánh vào chợ Đồng Xuân lấy hàng, chở về chợ Vôi (Thường Tín, Hà Nội) để vợ bán “hàng đống” ở vỉa hè. Chịu khó dãi dầu mưa nắng, hai vợ chồng cũng tự kiếm sống nuôi thân và nuôi 2 đứa con.

Có xe 3 bánh rồi, cứ mỗi tháng một lần, hai vợ chồng Xuân lại vượt hơn trăm cây số về thăm bố, thăm vợ chồng người em tật nguyền nơi xó núi. Nhưng giờ, người em tật nguyền gắn bó mấy chục năm với Xuân đã về với đất. Nhắc đến em, nhìn lại hạnh phúc của mình, Xuân khóc nức n"

Thầy thuốc Phạm Văn Thanh. 
Ngay sau khi Báo điện tử VTC News đăng phóng sự "Cảm động hai anh em tật nguyền lấy vợ qua thư", biết chị Nguyễn Thị Dung, vợ anh Phạm Văn Hương mắc rất nhiều bệnh như sỏi thận, viêm cột sống, viêm thành tá tràng, đau dạ dày... mà không có tiền đi viện, thầy thuốc Phạm Văn Thanh (Nhà thuốc gia truyền Hoàng Liên Sơn, 166, Hàm Nghi, Kim Tân, TP. Lào Cai), đã hứa sẽ quyết tâm làm một việc thiện nho nhỏ là chữa khỏi một số bệnh cho chị Dung.  Trước mắt, thầy thuốc Phạm Văn Thanh sẽ sử dụng bài thuốc gia truyền nổi tiếng của Nhà thuốc có tên Vị linh đan để trị bệnh đau dạ dày cho chị Dung. Vị linh đan không những điều trị tận gốc viêm, loét dạ dày, tá tràng, mà còn bảo vệ niêm mạc, làm lành vết loét, tăng cường tiêu hóa, nâng cao thể trạng cơ thể.

Mới đây, sau đọc bài "Đi tìm tên cai ngục tàn ác nhất trong lịch sử Việt Nam" trên Báo điện tử VTC News, biết ông Vũ Minh Tằng (ở xã Vĩnh Hảo, Vụ Bản, Nam Định, người tù cộng sản, bị cai ngục Bảy Nhu tra tấn dã man), bị đau dạ dày nặng, thầy thuốc Phạm Văn Thanh cũng đã tặng nhiều thuốc chữa đau dạ dày cho ông Tằng. 


Vị Thủy


Bình luận
vtcnews.vn