“Tiến sĩ mèo” đi nghiên cứu… chuột (kỳ 2)

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 28/01/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Một năm, một đôi chuột cho "ra lò" trực tiếp và gián tiếp 2.160 chuột. Nếu cánh đồng có 1.000 con chuột, mỗi ngày sẽ có 6.000 chuột con chào đời!

(VTC News) - PGS. TS Nguyễn Văn Thanh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng Kinh Môn, Hải Dương, nên ông hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân trong việc làm ra hạt thóc, củ khoai, không chỉ có mồ hôi, mà còn mặt chát nước mắt. Ông cũng đã chứng kiến nước mắt của mẹ khi ruộng lúa bị lũ chuột phá hoại một cách tàn bạo. Những bữa cơm đói bụng một phần cũng do lũ chuột gây nên.


Xưa kia, những người nông dân nơi ông lớn lên, đã dùng đủ biện pháp, song vẫn không tiêu diệt được loài chuột. Đàn chuột chui cả vào bồ thóc nghèo của gia đình ông gặm nhấm.

Một ngày, có người bà con tặng cậu bé Thanh một chú mèo. Đến người còn đói, nên có khi cả ngày chú mèo chẳng được hạt cơm nào. Thế nhưng, chú mèo vẫn béo tốt, bởi món ăn chính của nó là chuột.

TS Thanh hướng dẫn các em nhỏ cách buộc mèo an toàn. 

Từ khi nhà có mèo, đàn chuột biến đâu mất cả. Trong nhà, ngoài vườn không còn thấy bóng dáng lũ chuột nữa. Chính vì lẽ đó, ngay từ thời thơ ấu, cậu bé Thanh đã có ấn tượng mạnh mẽ với loài mèo.

Sau này, khi trở thành sinh viên, rồi thành tiến sĩ, lúc nào trong nhà ông Thanh cũng có vài chú mèo. Thậm chí, khi trở thành Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chó nghiệp vụ, ông lại càng yêu quý mèo và dành nhiều thời gian nghiên cứu mèo hơn.

Sinh viên, hàng xóm ở khu vực Đại học Nông nghiệp Hà Nội biết ông Thanh quá yêu loài mèo, nên gặp mèo hoang, mèo bệnh, mèo bị bỏ rơi, họ đều mang cho ông chữa trị, nuôi dưỡng. Vậy nên, lắm người thắc mắc khi thấy rất nhiều mèo chạy lăng xăng trong trung tâm chuyên nghiên cứu về chó của TS Thanh. Điều lạ hơn nữa, bằng trái tim yêu thương của mình, ông đã dung hòa được sự mâu thuẫn truyền kiếp giữa chó và mèo. Lũ mèo và chó ở Trung tâm của ông như những người bạn, chẳng bao giờ cắn xé nhau. Tuy nhiên, với lũ chuột phá hoại, thì chó và mèo ở đây luôn coi là những kẻ thù không đội trời chung. Ông Thanh có khả năng huấn luyện chúng thành những chuyên gia săn chuột siêu hạng. Thậm chí, ông còn dạy chó và mèo cùng nhau phối hợp... bắt chuột một cách hiệu quả nhất.

Đàn mèo do TS Thanh nuôi dưỡng. 

Ông Thanh đã bỏ khá nhiều thời gian nghiên cứu, huấn luyện loài chó vào mục đích săn chuột, nhằm biến loài chó thành những “cỗ máy” nghiền thịt chuột. Ông Thanh nhận thấy rằng, việc huấn luyện chó săn chuột khá đơn giản. Ông đã huấn luyện những chú chó vốn không thèm ăn thịt chuột, nhưng nhìn thấy chuột là sẵn sàng cắn chết. Giống chó vốn có sức mạnh, tốc độ, nên nó có thể vồ chuột nhanh như chớp.

Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, TS Thanh nhận thấy việc huấn luyện chó vào mục đích săn chuột đem lại hiệu quả không cao so với mèo. Chó có khả năng đánh hơi cực tốt, phát hiện ra chuột chui rúc ở mọi xó xỉnh, ngóc ngách. Thế nhưng, muốn tóm được chuột thì lại phải tiến hành công việc đào bới nơi chuột trú ngụ. Về các vùng quê, ta có thể gặp những người nông dân dắt chó đi săn chuột. Những chú chó sẽ đánh hơi tìm hang chuột và những người săn chuột sẽ đào bới để truy bắt. Kết quả có thể tóm được chú chuột nhắt bằng quả cau, song cũng phá tan cả bờ bãi, đê điều. Như vậy, lợi bất cập hại.

Cánh đồng bị chuột phá hoại thảm hại. 

PGS.TS Nguyễn Văn Thanh đã giành khá nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu đặc tính cũng như khả năng diệt chuột của loài mèo. Khả năng diệt chuột của mèo thì đã được chứng minh hàng ngàn năm nay, song để có những nghiên cứu cụ thể, bằng những số liệu cụ thể, thì không thể nói suông.

Tuy nhiên, để nghiên cứu về mèo, trước hết TS Thanh phải nghiên cứu tập tính của chuột trước đã. Qua quá trình… nuôi chuột sinh sản, ông Thanh “hoảng hồn” nhận ra rằng, khả năng sinh sản của chuột là… kinh dị. Tính trung bình, một chuột đồng cái, trong vòng một năm, sinh tới 80 chuột con. Cứ 2 tháng sau, lại có một thế hệ chuột tham gia sinh sản. Tỉ lệ gia tăng tự nhiên của chúng theo cấp số nhân. Như vậy, một năm, mỗi đôi chuột có thể trực tiếp và gián tiếp cho "ra lò" tới 2.160 con chuột. Nếu một cánh đồng có 1.000 con chuột, thì mỗi ngày sẽ có 6.000 chuột con chào đời! Tổng số đàn chuột ở nước ta là cả trăm triệu con và thiệt hại do chúng gây nên tới vài chục tỉ đồng mỗi ngày.

Ông “tiến sĩ mèo” đã nghiên cứu các loại phương pháp diệt chuột, từ truyền thống đến tiên tiến nhất, song đều thất bại hoàn toàn. Bẫy, bả cùng các phương pháp đánh bắt chỉ lừa chúng được một hai lần. Lần sau, đời sau nhà chúng sẽ nhanh chóng rút kinh nghiệm, khiến trí khôn loài người… bẽ mặt. Bẫy, bả không đánh được chuột nữa, mà toàn đánh… mèo. Rồi những thiên địch khác như rắn cũng ngoẻo cả do bả chuột. Thậm chí, không ít bẫy chuột bằng điện đã cướp đi sinh mạng con người.

Với người nông dân, chuột là lũ cướp ngày. 

Trước khi khiến bà con xã Thanh Bình phục sát đất, buộc phải nuôi mèo và tôn trọng con mèo, coi con mèo là sát thủ của chuột, TS. Thanh lại phải đưa ra được những căn cứ khoa học hẳn hỏi. Ông “tiến sĩ mèo” này lại căm cụi cả năm trời thả chú mèo vào khu vườn nhiều chuột.

Qua quan sát, nghiên cứu, ông thấy sở thích nhất đời của mèo là tóm chuột. Mèo bắt chuột không ngừng nghỉ, bất kể ngày đêm. Một con mèo có thể bao quát được một vùng đất rộng cả ngàn mét vuông và mỗi năm tóm sống trung bình 300-400 con chuột.

Nếu khớp hai số liệu: Mỗi năm một nàng chuột cái trực tiếp và gián tiếp cho ra lò hơn 2.000 chuột, trong khi mỗi năm một con mèo chỉ xơi được 300-400 chuột, như vậy có hiệu quả không? Người cãi chày cái cối có thể đưa ra hai số liệu này để “coi thường mèo”, và người “chày cối” khác có thể cãi lại bằng cách: “Xơi mất chuột mẹ rồi thì làm gì còn 2.000 con, cái, chút, chít nữa”. Tuy nhiên,TS Thanh lại chứng minh hiệu quả của mèo bằng cách khác.

Mèo khoe sắc, chủ khoe tài ở Thanh Bình.

Ông đã thu gom cỡ 100 nàng chuột cái mang bầu nhốt vào chuồng. Những nàng chuột mang thai này được ăn ngon, ngủ kỹ, nhiệt độ đảm bảo tốt nhất. So với cảnh chui rúc kiếm sống nơi bờ bụi thì cái chuồng TS Thanh tạo ra cho chuột mẹ chả khác gì khách sạn.

Gom các nàng chuột cái lại, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất, ông Thanh thấy chúng đẻ sòn sòn, nhung nhúc chuột con ra đời. Con nào cũng hồng hào, khỏe mạnh, nhanh chóng mọc lông và chỉ vài hôm sau cặp răng đã nghiền mọi thứ.

Thế rồi, lần thí nghiệm sau, ông thả chú mèo bên cạnh “khách sạn chuột”. TS Thanh theo dõi, thấy mỗi lần xuất hiện mèo, đàn chuột nhũn như chi chi, toàn thân run cầm cập. Dù lưới thép đảm bảo an toàn tuyệt đối, song đàn chuột quên cả ăn ngủ khi có chú mèo lượn lờ bên ngoài. Kết cục: 90% số chuột sảy thai, lưu thai. TS Thanh tiếp tục thả chuột đực vào chuồng, nhưng tuyệt nhiên không thấy con nào mang bầu.

Đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ đều ôm mèo đi thi hoa hậu. 

Qua đây, TS Thanh kết luận, mèo không chỉ bắt chuột, giết chuột, mà vía của mèo còn khiến chuột khó mang thai, khó sinh sản. Do đó, khi vùng đất nào có nhiều mèo, ắt có ít chuột, còn ít mèo, thì ắt chuột hoành hành dữ dội, bất kể con người cố gắng diệt chuột như thế nào.

Kết quả dự án phát triển đàn mèo ở xã Thanh Bình của TS Nguyễn Văn Thanh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Khi cả xã Thanh Bình chỉ có vài chục con mèo, thì đàn chuột phá hoại 30-40% sản lượng lúa, nhưng khi toàn xã Thanh Bình có 2.000 con mèo, thì sản lượng lúa thiệt hại do chuột gây nên chỉ còn 1-2%. Những ruộng rau màu, khoai sắn cũng không bị chuột đào hang, phá hoại nữa.

Từ bấy đến nay, người dân xã Thanh Bình gọi PGS.TS Nguyễn Văn Thanh là… “tiến sĩ mèo”.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn