Nỗi đau tột cùng của cô gái bị bán sang Trung Quốc

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 20/08/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ khi xuống xe, nghe mọi người xung quanh nói tiếng không phải tiếng Việt em mới biết mình đang ở bên Trung Quốc.

(VTC News) - Là một cô gái thôn quê, Trần Thị Bình cũng giống như bao bè bạn khác, với một ước nguyện, nếu không được học đến nơi đến chốn thì kiếm một việc gì đó làm ra tiền để giúp đỡ bố mẹ. Ước nguyện chính đáng đó của em đã bị một số đối tượng lợi dụng, lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông khuyết tật. Sau gần 8 năm sống cơ cực trên đất khách, cuối năm 2008, Bình đã may mắn về được Việt Nam để đưa những kẻ lừa bán mình ra ánh sáng.


Bài 1: Ngày định mệnh

Chưa chào đời, Bình đã bị chính mẹ ruột rao bán cho ông Trần Huy Phủ ở xóm Thâm, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Là con nuôi, nhưng Bình được ông bà Phủ chăm như con ruột. Mong muốn đền đáp công ơn nuôi dưỡng, Bình hằng đêm vẫn ấp ủ sẽ kiếm một việc gì đó làm để có tiền giúp bố mẹ.

Tuổi thơ bất hạnh

Chúng tôi về xóm Thâm, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, tìm hiểu và thấy rằng, người dân nơi đây vẫn chưa nguôi chuyện Trần Thị Bình bị một số đối tượng lừa bán sang Trung Quốc. Ai cũng thương cho hoàn cảnh của em, nhiều người còn chua chát than trời: “Em mãi là người phụ nữ bất hạnh!”.

“Chưa ra đời, em đã bị mẹ đẻ rao bán cho vợ chồng ông Trần Huy Phủ. Bố nuôi em (ông Trần Huy Phủ) có ba người con thì đều chết yểu, nên ông bà rất yêu thương và coi em như con đẻ trong nhà. Đó cũng là một may mắn của em”, Bình nói mà hai hàng nước mắt cứ lăn dài trên má.

Trần Thị Bình kể chuyện với PV. 

Hồi tưởng lại quá khứ, Bình kể: “Hồi em lên 5, 6 tuổi, em cũng hơi biết rồi, hàng ngày thường qua hàng xóm chơi, em cứ nghe thì thào rằng: “Mày không phải con ông Phủ đâu, mày được ông Phủ xin về nuôi”... Lớn lên, nghe nhiều lời bàn tán của thiên hạ, em rất buồn, lắm khi chỉ ngồi khóc. Nhiều lần em hỏi bố, nhưng bố nhất quyết không nói, cứ lắc đầu phủ nhận”.

Biết rằng giấu mãi không được, ông Phủ đã nhờ một người anh trong họ đưa Bình lên Bình Gia, Lạng Sơn - nơi mẹ đẻ Bình đang sinh sống. Gặp nhau, mẹ con mừng mừng tủi tủi chẳng nói được chuyện gì...

Bình ở chơi với mẹ nửa tháng hè rồi bịn rịn chia tay mẹ và chị gái ra về để chuẩn bị cho năm học mới. Mùa hè năm sau, Bình cũng tranh thủ lên chơi với mẹ ít ngày. Năm 17 tuổi, bận ôn thi vào cấp 3, Bình không lên thăm mẹ được. Có ngờ đâu đó cũng là lần cuối cùng Bình được gặp mẹ đẻ.

Ngày định mệnh

Cuối năm 2000, Bình dự thi và đỗ vào trường Trung cấp Thương mại TW 4 Thái Nguyên (giờ là trường Cao đẳng Thương mại Du lịch Thái Nguyên). Cùng năm đó, Bình quen Phạm Văn Cường (trú tại xóm Dọc Hèo, xã Khe Mo, Đồng Hỷ) là cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, phụ trách xã Liên Minh.

Nhớ lại những ngày đó, Bình kể: “Em chơi thân với Điệp, là em trai út của Cường. Chúng em qua lại với nhau nhiều nên Cường cũng rất quý em. Vì không có anh trai nên khi thấy Cường thân thiện và xem em như người em gái, thật lòng em rất vui. Không biết từ bao giờ em đã có cảm tình với Cường”.

Bình nhớ rõ, ngày 7/4/2001, khi đang theo học tại trường Trung cấp Thương mại TW 4 Thái Nguyên, thì Cường dẫn một người đàn bà tên Hoa đến trường mời cô đi ăn cơm trưa. Bình có ngờ đâu, ngay ngày hôm sau 8/4/2001, là ngày định mệnh của em.

“Hôm đó, em đang ngồi học, thì thấy có bạn nhắn có người bảo là anh trai đang chờ ở dưới. Vì không có anh trai, nên em nhất định không ra. Khi tan học, vừa bước chân ra khỏi cổng trường thì thấy Cường ngồi đó chờ em từ bao giờ, bên cạnh có cả bà Hoa nữa. Cường và bà Hoa rủ em đi Hải Phòng chơi. Trên đường đi Cường kể cho em nghe rằng: “Anh có chị gái bên Trung Quốc nên muốn tạo điều kiện cho em sang bên đó làm ăn”. Lúc đó em chưa nhận lời vì muốn về nhà hỏi ý kiến bố mẹ”, kể đến đây giọng Bình nghẹn lại.

Cố nén nỗi đau, Bình tiếp tục câu chuyện với chúng tôi: “Lúc đó, cả 3 đi xe máy về Hải Phòng. Vừa đến Hải Phòng thì trời đã tối nên phải ngủ lại nhà một đôi vợ chồng có tên là Tuyên - Phương ở huyện Thủy Nguyên. Sáng hôm sau, Cường để em lại cùng bà Hoa rồi nói: “Em ở lại gia đình đó chờ anh đi thăm người thân ở Hải Phòng rồi sẽ quay lại đón”. Thế nhưng, đến chiều tối vẫn không thấy Cường quay lại. Tối hôm đó bà Hoa ngon ngọt lột hết tiền của em. Vừa sáng ra, bà Hoa nói là đưa em ra bắt xe về Thái Nguyên. Khi lên xe em thấy đường khác lắm, em nói là đi đâu chứ không phải về nhà, lúc đó bà Hoa quát em: “Im mồm đi không tao giết”. Khi đó em mới 17 tuổi, lại sống ở quê nên em sợ lắm, đành phải ngồi im. Chỉ khi xuống xe, nghe mọi người xung quanh nói tiếng không phải tiếng Việt em mới biết mình đang ở bên Trung Quốc”.




Còn tiếp…


Lê Thanh


Bình luận
vtcnews.vn