Cụ già 93 vẫn đam mê nét đẹp người Hà Nội (Bài 3)

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 13/08/2010 07:28:00 +07:00

(VTC News) - Hà Nội thanh lịch sẽ mãi thanh lịch. Dù cái vẻ ngoài có xô bồ, bụi bặm, thì bản chất bên trong vẫn đẹp đẽ.

(VTC News) - Người nước ngoài thường rất ngạc nhiên về tính lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp của người Hà Nội. Sự tinh tế thể hiện qua từng lời nói, ra cả tiếng nói, rồi trang phục thanh nhã, hài hòa. Ngay cả chuyện ăn uống của người Hà Nội cũng cầu kỳ, tinh tế đến nỗi ít đâu có được. Nhưng điều mà bạn bè quốc tế của ông ngạc nhiên nhất là sự ứng xử giữa con người với con người, giữa con cái với cha mẹ, giữa làng xóm với nhau và giữa gia chủ với khách.

Năm lần bảy lượt tôi tìm đến ngôi nhà số 63 Trần Quốc Toản, song đều không gặp nghệ sĩ già Lê Vượng. Với người dân trong ngôi nhà Pháp cổ, cụ Lê Vượng có một cái gì đó gàn dở, bởi đã 93 tuổi rồi mà ngày nào cũng đạp xe đi chụp ảnh. Chẳng ai biết cụ chụp ảnh để làm gì. Sáng nào cụ cũng dậy sớm, lưng đeo máy ảnh và đạp xe khắp phố phường Hà Nội. Cuối cùng, cô bé giúp việc phải lấy số điện thoại của tôi, để cụ Vượng điện thoại hẹn gặp, chứ biết tìm cụ ở đâu giữa phố phường đông đúc, hàng ngàn ngõ ghách rêu phong Hà Nội.

Nhà nhiếp ảnh 93 tuổi Lê Vượng. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Chiếc cửa sắt có lẽ đã trăm tuổi, đen xì, nặng chịch, mà người khỏe phải lấy sức mới kéo được. Cầu thang gỗ mốc meo, bạc phếch, nghiêng hẳn một bên bởi sức nặng thời gian. Cụ Lê Vượng ngồi ngắm những bức ảnh mới chụp. Cụ lý giải cho cái sự khó ngồi yên của mình rằng: “Đã 25 năm kể từ ngày về hưu, trừ lúc ốm đau, mưa bão, chưa ngày nào tôi không xuống đường chụp ảnh. Hà Nội đang đầu thu, không khí mát trong, con người thanh lịch, là khoảnh khắc đẹp nhất trong năm mà tôi không muốn bỏ lỡ. Những ngày này, tôi cứ đạp xe lang thang khắp phố phường chụp ảnh, chụp từ sáng sớm mờ sương đến chiều muộn. Tôi tranh thủ chụp thật nhiều, chứ tôi thì sắp chết, mà Hà Nội cổ xưa cũng sắp biến mất rồi”.

Nghệ sĩ già Lê Vượng là người Hà Nội gốc đã nhiều đời. Ông là cháu của họa sĩ Lê Phổ nổi tiếng đầu thế kỷ. Ông đam mê chụp ảnh từ năm 17 tuổi. Ngày đó, ông theo họa sĩ Lê Phổ sang Lào và Campuchia. Bị cảnh đẹp mê hoặc, ông liền mua chiếc máy ảnh và ghi lại những khoảnh khắc đó. Những tấm ảnh dù chưa đạt, nhưng đã nhen lên ngọn lửa đam mê nhiếp ảnh trong ông. Sau này, có cơ hội đi khắp châu Á, châu Âu, châu Mỹ, ông đều ghi lại những khoảnh khắc quý giá về con người, cảnh vật. Những lần đi xa, ông chợt nhận ra rằng, những thành phố phù hoa, những ngôi nhà cao chót vót, cuộc sống sang trọng không thuộc về ông. Đi đâu chừng nửa tháng, là ông thấy Hà Nội da diết, Hà Nội cồn cào trong tâm trí. Những mái ngói lô xô, những nếp nhà nhỏ bé, thấp lè tè, chen chúc, những bức tường lở lói, những con ngõ nhỏ xíu loằng ngoằng là lối về, là nơi ông không thể rời xa được. Số lượng đền chùa, cổng rả, ngõ nhỏ, mái ngói rêu phong, cho đến kèo cột, phố phường, cây cối, hồ nước Hà Nội, ông đã chụp suốt cuộc đời ngót thế kỷ, nhưng đến khi về già, ông chợt nhận ra, đằng sau những thứ cũ kỹ, rêu mốc ấy là vẻ đẹp của một tính cách Hà Nội, vẻ đẹp của tâm hồn, của con người, của những tà áo, của những nếp nhăn… đó mới là vẻ đẹp tận sâu, cuối cùng cần phải khám phá, lưu giữ. Đó cũng là vẻ đẹp khắc khoải, song cực kỳ mong manh, dễ vỡ.
Ký họa chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Nghệ sĩ già Lê Vượng kể rằng, nhìn lại những bức ảnh đen trắng ngày xưa, ông thấy con gái Hà Nội thật thanh lịch, thật đặc biệt. Một thiếu nữ, muốn ra khỏi nhà, phải được sự đồng ý của bố mẹ, đi chơi ở đâu, làm gì cũng phải báo cáo rõ ràng. Điều đặc biệt, khi bước chân ra khỏi nhà, họ đều trang điểm cẩn thận, nhẹ nhàng mà tinh tế. Mái tóc dài ngang lưng, tà áo trắng phấp phới, tưởng kín mà hở, tưởng hở mà rất kín, rồi nón lá chao nghiêng, vừa bí ẩn, quyến rũ và sang trọng. Mùa thu, với lá vàng rơi, với nồng nàng hoa sữa, với tiết trời trong veo, với hình ảnh thiếu nữ Hà Nội cổ xưa, đã đi vào những khuôn hình đầy xúc cảm. Hà Nội xưa đẹp đến nỗi, cô bán hàng rong cũng mặc áo dài, phụ nữ nhặt ve chai cũng mặc áo mớ ba mới bẩy. Để năng động, thuận tiện với gánh gồng, họ buộc túm hai vạt áo lên. Rồi đến tiếng rao đêm của anh bán tào phớ, của chị bán bánh mì cũng trở thành đặc sản, thành nét riêng. Nhưng giờ, đến tiếng rao cũng khác hẳn xưa rồi.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trong một buổi triển lãm ảnh của nghệ sĩ Lê Vượng. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Suốt một thời gian dài, mấy chục năm, Hà Nội thay đổi nhiều quá, mất mát nhiều quá. Do đó, đã có thời kỳ, ông già Lê Vượng không còn tìm thấy nét tinh túy của người Hà Nội. Chán nản, ông bỏ thủ đô để lên miền núi. Ông chụp đủ các loại dáng hình núi non, đủ các loại trang phục, nết ăn, nết ở của đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có rất nhiều tác phẩm để đời, được giải lớn trong các cuộc thi ảnh quốc tế. Tuy nhiên, cuối cùng, chân giá trị ông nhận ra, vẫn là một tính cách Hà Nội, vẫn là những con người Hà Nội, vẫn là những cảnh vật Hà Nội, những thứ ở quanh mình, rất sâu lắng, một tính cách Hà Nội đang ẩn mình. Theo cụ già 93 tuổi này, người nghệ sĩ cần phải nhìn thấu cái Hà Nội ẩn mình đó. Và thế là, người nghệ sĩ già lại mải miết chụp, mải miết kiếm tìm giữa bộn bề phố sá, giữa đông đúc con người, một nét đẹp riêng, nét đẹp của sự trường tồn.
Ông Lê Vượng trong một chuyến sáng tác ở nước ngoài. (Ảnh nhân vật cung cấp). 

Tôi cùng lão nghệ sĩ 93 tuổi chậm rãi thang lang dưới hàng sữa trong buổi chiều se lạnh đầu thu con phố Nguyễn Du. Trong tay cụ lăm lăm máy ảnh. Cụ không chụp những cô nàng chân dài, quần ngắn, tóc nhuộm đỏ hoe, những chàng trai cởi trần khoe hình xăm ngồi vỉa hè uống bia thùm thùm. Cụ không chụp dòng người hối hả. Cụ không nghe thấy tiếng văng tục, chửi thề, cụ không nhìn thấy cảnh chen đường lấn ngõ của những người tham gia giao thông. Lão nghệ sĩ nhìn thấy và chộp lại những bức tường rêu mốc, những rễ cây xù xì, những thân phận nhỏ bé như đánh giày, ăn xin. Cụ bảo, Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm, nhưng Hà Nội đang vận động, đang vươn mình, đang tinh lọc. Hà Nội không những là nơi quần cư của dân tứ xứ, tạo nên Kẻ Chợ, mà còn là nơi tụ họp của dân một xứ ở những thời kỳ khác. Ví như thời kỳ nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra, kéo theo hàng loạt người Ninh Bình, rồi người Bắc Ninh. Đến đời Trần, thì dân cư sông nước của Nam Định, Thái Bình lại kéo lên. Rồi nhà Lê đưa người Thanh Hóa ra, thời Mạc đưa người Hải Phòng lên… Họ về Hà Nội, mang theo cả văn hóa lẫn lối sống. Có những thời kỳ chiến tranh, loạn lạc, người Hà Nội gốc tản cư đi nơi khác. Những thời kỳ đó, nếp sống, nét ứng xử đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, khi đất nước hưng thịnh, những nét tinh hoa của văn hóa người Hà Nội lại hiện về rõ rệt, làm nên nét đặc trưng không lẫn vào đâu được. Hiện tại, khi con người còn vật lộn với cơm áo gạo tiền, thì những tinh hoa văn hóa tạm thời ẩn đi cũng là điều dễ hiểu.
 
Hà Nội xưa của nhà nhiếp ảnh Lê Vượng. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Họa sĩ Lê Vượng kể, nhiều lần, ông đi nước ngoài, gặp những người tri thức đã từng đến Hà Nội, ông thường hỏi: “Điều gì ấn tượng nhất ở Hà Nội?”. Điều bất ngờ là phần lớn họ không ca ngợi vẻ đẹp của Hồ Gươm, Hồ Tây, chùa Một Cột, mà lại nói: “Ấn tượng nhất là con người Hà Nội”. Người nước ngoài thường rất ngạc nhiên về tính lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp của người Hà Nội. Sự tinh tế thể hiện qua từng lời nói, ra cả tiếng nói, rồi trang phục thanh nhã, hài hòa. Ngay cả chuyện ăn uống của người Hà Nội cũng cầu kỳ, tinh tế đến nỗi ít đâu có được. Nhưng điều mà bạn bè quốc tế của ông ngạc nhiên nhất là sự ứng xử giữa con người với con người, giữa con cái với cha mẹ, giữa làng xóm với nhau và giữa gia chủ với khách. Sự chuẩn mực trong ứng xử đã tạo ra một nét riêng, gây ấn tượng mạnh với người nước ngoài. Chính vì thế, khi được hỏi về sự cảm nhận khi đến thủ đô Hà Nội, người nước ngoài hay dùng từ “người Hà Nội thân thiện”.

“Từ xưa đến nay, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến văn hóa đô thị, văn hóa thị dân của người Hà Nội. Các nhà quản lý và người dân sống trong lòng Hà Nội càng không có ý thức về điều đó nên văn hóa thị dân Hà Nội không có cơ hội thể hiện, giữ gìn, thành ra nó vạ vật, mơ hồ và bị văn hóa làng xã xâm chiếm. Có hàng ngàn ví dụ cho thấy văn hóa đô thị Hà Nội, văn hóa người Hà Nội đang bị "nông thôn hóa" nhanh chóng”.

 GS. sử học Lê Văn Lan

Tôi hỏi: “Là người gốc Hà Nội nhiều đời, lại có gần thế kỷ quan sát, ghi lại hình ảnh Hà Nội từ xưa đến nay, theo ông, cần phải làm gì để lưu giữ và phát huy nét tính cách đặc trưng của người Hà Nội?”. Nghệ sĩ già Lê Vượng phóng ánh mắt ra giữa mặt hồ Thiền Quang gợn sóng chiều thu rồi trầm ngâm nói: “Hà Nội thanh lịch sẽ mãi thanh lịch. Dù cái vẻ ngoài có xô bồ, bụi bặm, thì bản chất bên trong vẫn đẹp đẽ. Ta không thể bắt một cô gái năng động ngày nay mặc áo dài dạo phố, hoặc đạp xe thướt tha dưới những hàng cây được nữa. Tôi cũng không thể mặc áo sơ mi, đeo càvạt đi chụp ảnh như ngày xưa. Nếu mỗi mình tôi một kiểu thì lạc lõng, buồn cười lắm. Nhưng nếu chúng ta mặc kệ Hà Nội, muốn ra sao thì ra thì không được. Điều đáng tiếc là chúng ta chưa có một dự án đáng kể nào khôi phục, giữ gìn nét thanh lịch của người thủ đô. Trước hết, chúng ta cần thiết phải lập các dự án nghiên cứu về văn hóa, nhằm phân tích, lột tả được bản chất thực thụ, riêng biệt nhất của người Hà Nội. Chúng ta phải nghiên cứu những tư liệu cũ ở nước ngoài viết về văn hóa Hà Nội. Người nước ngoài có cái nhìn và đánh giá rất khách quan. Những loại sách này rất phong phú ở Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ… Bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa, lối sống của người Hà Nội, để làm kim chỉ nam, lan tỏa khắp đất nước là điều chúng ta cần phải tính toán và làm ngay”.

Trong khi chúng ta còn mải mê với những công trình chọc trời, với những dự án dời non lấp biển, với những con số phát triển mạnh mẽ, thì chúng ta lại quên mất việc bảo tồn cái chân giá trị đích thực. Còn mấy người tâm huyết với một Hà Nội xưa, một Hà Nội cũ kỹ, một Hà Nội thanh lịch và sâu lắng như nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng?

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

 

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010

Hãy tham gia bình chọn cho người đẹp mà bạn yêu thích nhất.
Người đẹp được bình chọn nhiều nhất sẽ được nhận danh hiệu

"Người đẹp do khán giả bình chọn"cùng phần thưởng

50 triệu đồng và 01 xe Vespa LX hồng(trị giá 66 triệu đồng)

Soạn tin:HH  <Số Báo Danh>  <Số người bình chọn đúng>  gửi 8530

Xem danh sách thí sinh và thông tin chi tiết tại

http://binhchon.hoahauvietnam2010.vn



Bình luận
vtcnews.vn