Cha con nghèo bắt được 1 con cá bằng... 10 ngôi nhà

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 15/06/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - "Mấy bố con ông như mất hồn. Vài giây sau, cậu út mới hét lên được: Sủ vàng. Đúng là sủ vàng. Trúng cá thần rồi! Trúng lộc biển rồi bố ơi”!

(VTC News) - Tôi trèo lên hết con thuyền này đến con thuyền khác đỗ sin sít ở Mom Cát, cửa Ba Lạt (Tiền Hải, Thái Bình), trò chuyện với các như dân để tìm hiểu về loài cá mà ngư dân kính trọng gọi là “cá thần”. Đến gần 2 giờ chiều thì mới thấy con thuyền của bố con ông Trần Văn An rẽ sóng về cửa sông.

Bắt được cá sủ vàng là niềm mơ ước suốt đời của ngư dân đi ven biển Bắc Bộ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Vợ ông An cùng các cháu đã chuẩn bị sẵn cơm nước, chờ chồng và các con về. Ngày nào cũng vậy, họ ra biển từ 2-3 giờ sáng, làm việc quần quật ngoài biển, đến tận 2 giờ chiều, khi thủy triều lên mới về Mom Cát. Ai cũng đói lả, mặt mũi xanh lét.

Ông Trần Văn An sinh ra ở làng chài Cao Bình (Hồng Tiến, Kiến Xương, Thái Bình). Đời cha ông, tổ tiên cũng sống trên thuyền, làm nghề chài lưới sinh sống. Làng chài Hồng Tiến nổi nênh ven sông Hồng, nổi tiếng vì nghèo đói, thất học, đẻ nhiều. Bao đời nay, họ không lên nổi bờ vì nghèo quá, lại không biết làm gì. Những gia đình sắm được thuyền lớn, lưới to, rời sông ra biển đánh bắt hầu hết là do đã trúng sủ vàng. Trúng loài cá này rồi, họ lại sắm trang thiết bị hiện đại hơn, mong đánh bắt được nhiều hơn.

Không trúng sủ vàng, ngư dân cửa Ba Lạt không hy vọng có ngày được lên bờ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Ông Trần Văn An đã không ít lần trúng sủ vàng và nhờ loài cá này, mà ông đã sắm được thuyền, được lưới. Con sủ vàng cuối cùng, gần đây nhất, đã đưa được ông và đàn con lên bờ, khi nó mang lại cho ông đúng 1 tỉ đồng.

Nhớ lại lần trúng con “cá thần”, lòng ông An vẫn còn bồi hồi ngỡ như mơ.

Một ngày đầu năm 2009, mấy cha con ông An giong thuyền ra cửa Ba Lạt. Nước sông Hồng đỏ quạnh thốc ra cửa biển cuồn cuộn, là cơ hội để ngư dân chài lưới đánh bắt những loài cá nước lợ tập trung về. Thế nhưng, cá mú mỗi ngày một hiếm, những mẻ lưới kéo lên lại thả xuống vì sạch trơn.

Những cơn mưa ngày càng nặng hạt, gió lớn, sóng to, thủy triều lại đang dâng lên ngập mắt, những con thuyền đã lần lượt vào bờ trú ngụ. Cha con ông An thả lưới kéo mẻ cuối cùng, hy vọng vớt vát được chút gì cho bữa tối. Dầu mỡ ngày càng đắt, mỗi chuyến về không, lòng như xát muối.

Ông Trần Văn An là người hiếm hoi may mắn khi năm ngoái trúng con sủ vàng 75kg bán được 1 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Hai con thuyền dàn hàng ngang, chạy song song với nhau, kéo loại lưới vét chuyên dụng. Loại lưới này có mắt dài đến 5m, tưởng như chỉ dùng để đánh bắt cá voi, nhưng thực tế, tóm được cả những con cá bằng ngón tay. Ông An giải thích: Mắt lưới dài đến 5m, căng ra thì con voi cũng chui vừa, nhưng khi thuyền chạy với tốc độ 5 hải lý/giờ, lực cản của nước khiến mắt lưới bị kéo căng đét, các dây lưới song song với nhau, chỉ để ra khe hở lọt ngón tay, rung lên như dây đàn. Khi cá chạm vào, lập tức bị dây lưới hất vào túi lưới. Loại lưới này kéo cá vừa nhẹ vì ít bị cản nước, lại không con cá nào lọt được, rất hiệu quả.

Hai con thuyền tiến dần lại với nhau, tời cuộn lưới lên dần. Mong ước lớn nhất của mấy cha con ông An là trúng được vài con cá vược, loài cá có giá 100 ngàn đồng/kg để gỡ gạc tiền dầu. Được hay không thì cũng phải về, thủy triều đã dâng cao, nước biển chảy ngược vào sông Hồng, không còn cá mú gì nữa.

Loài cá sủ vàng có bộ vẩy ánh sắc vàng lung linh như dát vàng thật. Ảnh: Phạm Phương Toàn. 

Cậu con cả kéo túi lưới bảo: “Bố ơi, lưới mắc cái gì mà nặng thế!”. Ông An đứng vững trên boong tàu cùng con kéo túi lưới, cái cảm giác đu đưa, cứ lịm xuống, ông thấy quen quen. Nếu là con cá vược cỡ chục kg thì mừng lắm rồi, đủ tiền dầu chạy thêm hai ngày nữa. Nhưng giống cá vược đanh đá như đàn bà, ông đã kéo được nhiều rồi, nó vùng vẫy quẫy đạp ghê lắm, chứ không lặng im và nặng chịch như thế này.

60 tuổi, 60 năm lênh đênh sông nước, gần 50 năm kéo chài quăng lưới, ông An thuộc từng luồng lạch những cửa sông đổ ra biển Đông khu vực Vịnh Bắc Bộ. Ở cửa Ba Lạt, ông không còn lạ lẫm với loài cá gì nữa. Ông nắm rõ từng đặc tính loài cá khi mắc câu, khi dính lưới. Cái cảm giác kéo túi lưới vừa lạ, lại vừa quen, dường như lâu lắm rồi ông mới thấy, nó giống cái cảm giác mà ông gặp thường xuyên từ 20-30 năm trước.

Khi túi lưới được bố con ông An kéo lên sát boong thuyền, bỗng nghe tiếp “ọp ọp”, rồi một cái đầu to tướng nhô lên khỏi mặt nước, cái miệng con cá há hoác ra để thở. Giống cá to xác nhưng hiền lành, không chịu quẫy đạp gì cả, cứ nằm bẹp thở dốc trong lưới.

Mấy cha con ông An sững sờ như người mất hồn, không nói được gì cả. Mấy câu từ quen thuộc khi phối hợp kéo túi lưới lên thuyền rơi rụng đâu mất. Vài giây sau, cậu út mới hét lên được: “Sủ vàng. Đúng là sủ vàng. Trúng cá thần rồi! Trúng lộc biển rồi bố ơi!”. Người cha già trầm tính, không hét lên nổi, chỉ ú ớ ở miệng: “Ôi ông bà cha mẹ, ôi Hà Bá quỷ thần ơi, đúng là con trúng sủ vàng rồi!”.

Con cá sủ vàng nặng 75kg mà ông An tóm được. Ảnh chụp lại. 

Họ nhanh chóng gom lưới, kéo cá lên thuyền, bỏ quên cả mấy con cá vược, loài cá mà bình thường là ao ước của họ. Hai con thuyền rẽ sóng ngược sông Hồng tìm về bến neo đậu thuộc thôn Tam Bảo, xã Nam Hồng, nơi “định cư” mới của dân chài Hồng Tiến.

Thuyền vừa chạy, ông An vừa lôi điện thoại thông báo với ông Phạm Văn Nhuệ, người luôn có khả năng tài chính để mua loài cá này và là người duy nhất có mối để xuất hàng đi.

Thuyền vừa cập bến, ông Nhuệ đã đứng đợi sẵn. Mọi người xúm lại, khiêng con cá lên bàn cân. Con cá nặng đúng 75kg. Cả xóm chài nghèo bu đen xúm đỏ vây quanh. Mỗi người một tâm trạng. Người thành tâm chúc mừng cha con lão ngư nghèo, người than thở trời đất sao vận may không đến với mình.

Trúng sủ vàng, ông An đã mua được đất, xây được nhà. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Xác định chắc chắn là cá sủ vàng, chứ không phải sủ đất và biết chính xác cân nặng, ông Nhuệ liền rút điện thoại đứng riêng một góc trò chuyện thầm thì. Giọng nói, vẻ mặt của ông cũng hồi hộp không kém gì cha con ông An.

Sau khi dứt cuộc trò chuyện hơn chục phút đồng hồ, ông Nhuệ rẽ đám đông vây quanh con sủ vàng và bảo: “Con cá này trị giá đúng 1 tỉ đồng, không kém, cũng không thể hơn”.

Lần này, không riêng cha con ông An sững người, mà cả xóm chài Tam Bảo đều… mất hết hồn vía. Ai cũng biết cá sủ vàng đắt như vàng, nhưng nghĩ cỡ đôi ba trăm triệu là kinh khủng lắm rồi, vì bao nhiêu năm nay có ai bắt được con nào nữa đâu. Nào ngờ, một con cá mà tiền tỉ, một con cá mà bằng cả chục ngôi nhà ở vùng quê nghèo này.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn