Chuyện nữ thanh niên xung phong lập nhà sàn thờ Bác

Thời sựThứ Bảy, 02/07/2011 10:20:00 +07:00

(VTC News) - Dưới tầng của nhà sàn có hơn chục người đang hăng say tập luyện văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn vào ngày 19/5 tới.

(VTC News) - Bằng niềm kính yêu tuyệt đối của mình với Bác Hồ, gần 40 năm qua một cựu TNXP đã âm thầm xây dựng nhà sàn để thờ Bác Hồ. Bà là Đỗ Thị Mến (67 tuổi) ở thôn Lục Bắc (xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
 
Về thăm "nhà sàn 19/5"

Mới đến đầu làng thôn Lục Bắc, hỏi thăm vào nhà bà Mến chúng tôi đã được nghe mấy em thiếu nhi đọc cho nghe câu thơ: "Quê tôi cách mạng tuyệt vời/Có nhà sàn Bác rạng ngời nước non". Vào đến "nhà 19/5" tôi đã ngạc nhiên khi thấy có rất đông du khách thập phương đến thăm quan. Dưới tầng của nhà sàn có hơn chục người đang hăng say tập luyện văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn vào ngày 19/5 tới.

Trong khuôn viên rộng 50 m2, một ngôi nhà sàn khang trang được xây dựng chính giữa (rộng 100m2), được thiết kế theo kiểu dáng giống như nhà sàn ở khu di tích Lăng Bác.

Đứng từ sân nhìn lên, chính giữa ngôi nhà là tấm ảnh Bác Hồ đang vẫy tay chào được treo trang trọng. Hai bên là cờ Đảng và cờ Tổ quốc, phía dưới là treo tấm băng rôn đỏ với hàng chữ: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bà Mến bên bàn thờ Bác 

Tiếp chúng tôi là một người phụ nữ có thân hình gầy gò mặc bộ quần áo xanh bộ đội, chân đi đôi dép cao su với mái tóc ngắn đã bạc gần hết. Bà Mến cho biết, năm 1972 do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà chỉ làm một ban thờ nhỏ để thờ Bác ở ngay chính trong ngôi nhà của mình, với ước mong để "Người tỏa sáng trong ta", nhưng về sau càng có nhiều người biết đến và ngỏ ý muốn nguyện được chung tay góp sức thờ phụng Bác.

Mãi đến năm 2009, qua sự đóng góp của nhiều du khách đến thập phương "khu di tích" này đã đã xây dựng, những tấm lòng hảo tâm đóng góp của các du khách đều được ghi chép vào một cuốn sổ chi tiết cẩn thận.

Bà Mến cho rằng, việc bà xây dựng nhà sàn để thờ Bác đó là thể hiện tấm lòng thành kính vô hạn trước những ân tình mà Người đã dành cho đất nước, cho dân tộc này. "Yêu Bác lòng ta trong sang hơn, cháu ạ!" - bà Mến thành kính! Bà kể, đầu năm 1972 hai vợ chồng bà lập bàn thờ Bác ở giữa gian nhà mình để mong sao Bác phù hộ cho đất nước hòa bình trở lại, mọi người được sum vầy hạnh phúc.

Rồi cứ như thế, đến ngày chồng bà (ông Nguyễn Quang Dòng) mắc bệnh và mất đi (1999), hàng ngày bà vẫn cần mẫn dọn dẹp, quét lau, thắp hương trên bàn thờ Bác... Mấy năm trở lại đây bà Mến còn làm tiếp thêm hai gian thờ nữa. Cạnh hai bên gian thờ Bác bà Mến thờ những người anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh và thờ tất cả các dòng họ của dân tộc Việt Nam.

Bà Mến bên các tư liệu về Bác 

Một điều hết sức đặc biệt là ngay dưới gian thờ Bác Hồ, bà Mến còn đặt một cái bàn gỗ thô sơ, thấy ghi: "Mâm hạt giống của Bác" dưới đề mấy câu thơ: "Nơi đây lộc phúc nhờ Người/ Cấy lúa, lúa tốt để đời ấm no…” Trên bàn gỗ bày các túi, lọ, chai của đủ các loại hạt thóc, đậu, ngô… Hỏi ra mới biết đó đều là những hạt thóc mà bà tự tay lấy về ở khắp các tỉnh thành từ địa đầu Móng Cái - Quảng Ninh, Tuyên Quang, đến tận trời nam Đồng Tháp…Bà Mến thổ lộ: "Lấy những hạt giống về để ở dưới chân bàn thờ Bác như biểu hiện hình ảnh những người con, cháu ở khắp mọi miền Tổ quốc tụ hội về cùng tỏ lòng tri ân với công ơn trời biển của Người".

Bà Mến còn cho hay, năm 1985, bà tự đạp chiếc xe đạp thống nhất của mình đi vào quê Bác tận Nghệ An để thắp hương cho Bác và sau đó xin bà con ở quê nội Bác Hồ tại Kim Liên – Nam Đàn mang về một ít hạt lúa của vùng quê này như là một kỉ niệm. Trong ngôi nhà sàn còn có nhiều ảnh, tem, hình ảnh Bác với những khoảnh khắc đời thường và bình dị của Người được bà sưu tầm mang về treo ngay ngắn xung quanh tường. Bà Mến còn cất công sưu tầm hàng trăm quyển sách viết về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng niu, trân trọng và xếp gọn trang trọng trên một tủ sách. Để có được những bức ảnh đó, theo lời kể, bà đã đi gặp nhiều người từng gặp và được chụp ảnh với Bác để xin ảnh. Trong đó có bức ảnh đen trắng mà bà Đỗ Thị Mượt (SN 1941) – chị gái bà Mến, vinh dự được chụp chung với Bác năm 1962 khi Người về Thái Bình trao tặng huy hiệu chiến sĩ thi đua trong phong trào sản xuất cho những cá nhân tiêu biểu của tỉnh.

Hiện nay, bên cạnh ngôi nhà sàn một căn nhà rộng 68m2 vừa mới xây dựng xong để làm phòng trưng bày tượng, ảnh, đặt sổ ghi lưu niệm, băng đĩa, album sách, báo... những tài liệu liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của Bác Hồ. Theo nhẩm tính sơ qua, hiện trong tủ sách của bà Mến có đến 64 đầu sách với hàng trăm cuốn và có tới hàng vài chục bộ phim tư liệu về Người.

Nhà sàn thờ Bác 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấy năm trở về đây vào các ngày thứ 7, chủ nhật hoặc ngày rằm, hay mồng một hàng tháng người dân trong khu vực và các tỉnh khác vẫn thường về đây tham quan, thắp hương tưởng niệm. Đặc biệt, trong những ngày lễ như sinh nhật Bác (19/5) hay Quốc khánh (2/9), số lượng du khách khắp nơi kéo nhau về đây tăng lên rất nhiều. Có lẽ thế, mà căn nhà sàn của bà Mến lập nên được họ ưu ái đặt cho cái tên rất trìu mến thân thương là "nhà sàn 19/5".

Bà Trần Thị Hiền, một du khách ở Hà Nội tâm sự: "Tôi thật sự khâm phục trước những việc làm của bà Mến. Chúng tôi đến đây tham quan, mà ý thức vươn lên trong mỗi con người chúng tôi cũng được trỗi dậy rất nhiều...".

"Người là niềm tin tất thắng"

Với một niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào Bác Hồ kính yêu, ngay từ khi còn trẻ bà Mến đã hăng hái tham gia vào các hoạt động, phong trào của địa phương để ra sức lao động sản xuất phục vụ cho cách mạng như; thanh niên xung phong, hội phũ nữ, phát thanh viên đài truyền thanh xã...

Là con gái của chủ nhiệm HTX, nên bà thường xuyên theo bố mình ra cánh đồng để nghe các cán bộ phổ biến các kinh nghiệm trồng trọt, rồi hay tìm các tài liệu của bố mang về để đọc tìm hiểu, nhiều khi còn nghe lỏm các cán bộ trao đổi với bố về những chuyện "quốc sự". Chính vì thế, mà bà Mến đã có được nhiều kiến thức tích lũy cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị. Khi hòa mình vào thực tế cùng bà con nông dân lao động, sinh hoạt hàng ngày, bà hay phấn khởi động viên, chia sẻ, trao đổi và thường nhận được ngay sự đồng thuận từ họ.

Do yêu thích văn nghệ và hồi trẻ đã làm công tác tuyên truyền nhiều năm, nên bà Mến thường hay vận dụng cách thức tiếp cận khi với mọi người bằng việc ứng khẩu bằng đọc thơ, diễn văn. Bà kể, mỗi khi nhìn thấy người ta đốt vàng mã là bà "đổ " thơ ngay: "Giấy tiền đem đốt ra gio/ Thà mua sách vở giúp cho dân nghèo".

Lẽ thường khi mới gặp nhau mọi người hay hỏi thăm bằng nhưng câu hỏi xã giao; sức khỏe, công việc, gia đình, nhưng với bà Mến thì lại khác. Lúc mới đến, khi theo bà leo lên bậc cầu thang của nhà sàn, bà Mến đã đon đả hỏi chúng tôi: "Cơ quan các cháu đang học tập Bác bằng những việc làm như thế nào? Có cách học nào sáng tạo hay không...?".

Hỏi ra mới hay, mỗi khi có ai đến đây tham quan bà Mến đều hỏi như vậy. Các cháu học sinh thì bà thường thủ thỉ; cháu đi học có vui không? Đi học về nhà chào ai? Trong suốt cuộc trao đổi với chúng tôi, bà Mến luôn nhắc nhở chúng tôi cần học tập đức tính việc cần, kiệm, liêm, chính. Mỗi khi đến chơi nhà ai khi thấy họ đang vo gạo nấu cơm, bà thường nhắc họ đừng đem chậu nước gạo đó đổ đi mà cứ để lâu cho nó lắng lại, rồi gạn nước đi lấy cặn đó đổ ra tờ giấy phơi khô cho gà, ngan ăn hoặc nấu chăn lợn cho đỡ lãng phí. Sau mỗi lần bão đổ bộ vào quê, bà thường hay ra cánh đồng xem lúa có bị đổ nhiều không, bà con họ đang cứu lúa như thế nào, rồi bà Mến lại ứng khẩu "xuất thơ" động viên họ.

 "Cơn bão số 9 đã đi qua/Tập trung công việc dựng nhà giúp dân..." - bà Mến đọc. Gần đây thấy tình trạng vi phạm luật giao thông gia tăng, bà Mến đã dùng cách tuyên truyền của mình tại các phiên chợ quê, cổng trường học bằng các câu hát phỏng theo các làn điệu dân ca. Thấy vậy chúng tôi cũng tò mò, liền được bà vỗ tay lấy nhịp và cất giọng ngay: " Qua lại í..i...trên đường, anh chị em ơi, nhắc nhau qua lại í...i trên í...í...i đường. Lời điều đầu í...i tiên khuyên đừng dùng bia rượu quá nồng độ cồn cho phép í...i của trên, kẻo làm tay lái, tay lái í...i mất tự tin í ...i...i...".

Bà cho biết, sắp tới bà muốn liên hệ với các đài truyền thanh của xã cho bà được hát thường xuyên các bài hát dân ca tuyên truyền về an toàn giao thông trên đài truyền thanh của họ. "Kể cả tôi phải trả tiền phí mà được các đài truyền thanh xã cho hát, tôi cũng chấp nhận luôn...!" - bà Mến quả quyết. Khi chúng tôi hỏi, bà đã có tuổi sao có thể đi lại thường xuyên được mà làm các việc trên, thì được bà bật mí; đó là do bà tập thể dục thường xuyên từ bé đến giờ.

Hàng ngày, đúng 5h bà dậy tập thể dục, rồi xem ti vi, đọc sách, suy nghĩ nếu có vấn đề gì là cao hứng viết thơ, viết bài hát để đi tuyền truyền, cổ vũ, động viên mọi người trong lao động, sinh hoạt hàng ngày, bà kể nhiều hôm hăng hái nghĩ viết qúa quên cả ăn uống. "Người là niềm tin tất thắng, các cháu ạ!" - bà Mến nhắn nhủ. Bà còn cho chúng tôi hay, nhiều năm nay tháng nào bà cũng lên Hà Nội vào Lăng viếng, báo công với Bác về những việc mình làm.

Do học tập, rèn luyện nên tinh thần lạc quan, ý chí không chịu khuất phục trước những cám giỗ xấu xa. Với một niềm tin, lý tưởng sắt đá của người chiến sĩ cộng sản, mà trong những năm tháng sống trong sự đau khổ, thiếu thốn cả vật chất lần tinh thần bà Mến vẫn vượt qua không bao giờ ủy mị, lùi bước trước nhưng gian khó. Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, gia cảnh của bà Mến hết sức éo le. Hơn năm lần bà Mến mang thai, nhưng những đứa con đã không được sinh ra.

Chất độc màu da cam mà chồng bà bị nhiễm đã không thể cho vợ chồng bà sinh được lấy một người con. Chồng bà cũng thường xuyên bị chất độc này hành hạ, nó phá hủy nội tạng và ông đã qua đời vì nó. Bà Mến tâm sự: “Tôi chỉ mong sao ngày càng có nhiều người xây dựng nhà sàn, lập ban thờ Bác, để lớp trẻ hôm nay hiểu được, học tập và noi theo gương Bác, xứng đáng với những công lao to lớn mà Bác đã dành cho dân tộc!”.

Chia tay người cựu TNXP đã có 40 năm tuổi Đảng đang bước sang tuổi thất thập cổ lai hi, chúng tôi đi trên những con đường hai bên lúa chiêm đang thì con gái xanh tươi mơn mởn. Tai chúng tôi cứ văng vẳng câu hát của đội "chèo vườn" đang tập để biểu diễn vào ngày 19/5 tới: "Đẹp lắm í...i quê í...i mình, Thái Xuyên ta đó. Điện sáng lung í...i linh, ngô lúa thêm xanh í...i. Đẩy lùi xa xưa í...i cái cảnh đói í...i nghèo í...í...i...".

Bảo Chi - Hà Dương

Bình luận
vtcnews.vn