Chuyện của “thế hệ 1975” trên dãy Trường Sơn

Thời sựThứ Sáu, 29/04/2011 01:20:00 +07:00

(VTC News) - Hơn 36 năm sau ngày đất nước giải phóng, có nhiều đứa trẻ sinh ra đúng vào năm 1975, nay đã trở thành những người lính trẻ can trường...

(VTC News) - Hơn 36 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, có nhiều đứa trẻ sinh ra đúng vào thời gian lịch sử - năm 1975 ấy nay đã trở thành những người lính trẻ can trường, thầm lặng cống hiến, hi sinh cho một nhiệm vụ mới: mở đường tuần tra biên giới.

Lớp cha trước, lớp con sau

Mùa hè năm 2009, Thượng uý Nguyễn Đức Hùng nhận lệnh rời Hà Nội vào "nằm vùng" ở thị trấn Đắk Glêi, tỉnh Kon Tum, tham gia công tác tại Ban điều hành Dự án Đường tuần tra biên giới của Binh đoàn 12.

Hùng là một cán bộ trẻ, sinh năm 1975. Tốt nghiệp Khoa Kinh tế Đại học Quốc gia, anh “đầu quân” vào bộ đội từ năm 1997. Mười hai năm quân ngũ trong môi trường làm kinh tế của Binh đoàn 12 đã cho anh nhiều trải nghiệm nhưng có lẽ lần công tác này với anh là nhiều thử thách nhất.

Có một sự trùng hợp thú vị: Địa bàn anh đến công tác cũng là nơi hơn 30 năm trước, mẹ anh, một thiếu nữ trẻ đã rời làng quê Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình tham gia binh trạm 32 của Binh đoàn Trường Sơn, lăn lộn trên chiến trường cứu chữa thương binh dọc biên giới giáp nước bạn Lào. Gửi lại vợ con cho ông bà nội, Hùng cùng hàng chục anh em trong Ban điều hành phải bám nắm công trường, dự án, ngược xuôi khắp các nẻo rừng Kon Tum hoang vắng.

Dọc theo con đường tuần tra biên giới đang vươn dài từ Bắc chí Nam, có rất nhiều bạn trẻ sinh năm 1975 đã đi theo con đường “lớp cha trước, lớp con sau”... 

Vất vả của các anh cũng chưa thấm thía gì so với anh em công nhân trực tiếp thi công nhưng cũng phần nào giúp anh thấm thía hai câu thơ mà mẹ anh từng ghi trong cuốn sổ tay cũ mèm và thường hay nhắc lại với con cháu: "Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa tới đó như chưa rõ mình…".

Dọc theo con đường tuần tra biên giới đang vươn dài từ Bắc chí Nam, có rất nhiều bạn trẻ sinh năm 1975 đã đi theo con đường “lớp cha trước, lớp con sau” như Hùng.

Tại công trường của Trung đoàn 728 (Binh đoàn 16) nằm giữa rừng già thuộc xã Mo Ray huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum – một trong những công trường "đỉnh cao” gian khó, chúng tôi gặp anh Lê Đồng Nhất, lái xe ôtô, quê ở huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Nhất kể tôi nghe cuộc sống ở cái xã vùng biên có diện tích lớn hơn cả tỉnh Thái Bình này, anh và đồng đội đã thấm thía "ruồi vàng, bọ chó, gió Mo Ray". Nhưng "hãi" nhất vẫn là thiếu nước và… sợ nước.

Rừng già nơi đây những năm đánh Mỹ từng là nơi địch rải chất độc hoá học làm trơ trụi. 36 năm trôi qua những vết thương của rừng vẫn chưa lành. Gần lán trại của Nhất, còn có hai quả đồi vẫn trọc lóc, cây cối không sao mọc được.

Còn nguồn nước dọc đường thi công, có chỗ múc lên vẫn còn mùi tanh lạ, khi tắm thì gây ngứa ngáy. Sống với rừng già, hàng chục cây số không một bóng người dân, đi chợ phải vượt rừng 70km, thiếu thốn đủ bề, Nhất cùng đồng đội san sẻ từng gói mì tôm, điếu thuốc.

Đêm trong rừng già dài và buồn thăm thẳm, tiếng chim “bắt cô trói cột” buồn não ruột vậy mà anh Trọng, Trung đoàn trưởng – người "thủ lĩnh" cũng nằm vùng bốn năm mưa nắng với anh em lại động viên: "Tao nghe chim hót như là "động viên khắc phục" chúng mày ạ".

"Anh ấy còn là "thủ lĩnh tinh thần" của chúng tôi, nhập ngũ từ năm 16 tuổi, là bộ đội đặc công vào sinh ra tử, giờ cương vị trung đoàn trưởng – giám đốc có thể ngồi “điều khiển từ xa” nhưng vẫn lăn lộn với công việc. Mình là thế hệ con cháu, càng phải cố gắng" – Nhất tâm sự.

Bữa cơm giữa núi rừng Trường Sơn

Đón sinh nhật với…rắn cạp nong

Mùa hè này, Trung uý Khổng Minh Thành cùng anh em chiến sĩ lữ đoàn Công binh 28 đón sinh nhật lần thứ 36, ngày 19/4/2011 giữa rừng Dục Nông, một sinh nhật "nhớ đời”.

Sáng ngày sinh nhật, Thành dậy sớm, khoan khoái vươn vai đón hơi sương xứ núi mát lành thì anh bất chợt… rùng mình: Trong xà gỗ của căn lán tạm, một chú rắn cạp nong to tướng với khúc vàng khúc đen đang cuộn tròn, treo mình, mở mắt thao láo nhìn anh.

Hai con chó thấy anh dậy sớm chạy vào sủa vang, con rắn thấy động, quăng mình vào rừng chuồn mất. Từ hồi nuôi chó, rắn rết vào lán giảm hẳn. Hãi nhất vẫn là rắn xanh do quân Mỹ mang sang thời chiến tranh, nay vẫn rải rác trong rừng.

Có lần, rắn xanh còn chui vào cóc ba lô một thiếu uý lái xe của đơn vị bạn cũng làm gần tuyến đường này. Cậu ta cũng dậy sớm lấy kem đánh răng như Thành bữa nay, thò tay vào cóc ba lô thì bị rắn mổ, may mà có quân y tới can thiệp kịp thời, chậm chút thì mất mạng.

"Chín" dần nơi Trường Sơn

Trong số những "người 1975" trên công trường đường tuần tra biên giới, có lẽ Trung uý Lại Hữu Dương, lái xe của Ban quản lý dự án 47 là một người khá đặc biệt.

Đặc biệt không chỉ vì anh sinh ra đúng vào ngày toàn thắng 30/4/1975 mà theo lời kể của nhiều cán bộ trong Ban thì Dương hiện còn là tay lái cự phách nhất. Từng là lái xe cho Công ty Lũng Lô của Binh chủng Công binh, anh được điều động về Ban quản lý dự án 47 ngay từ những ngày đầu thành lập.

Vì vậy, anh đã có mặt trên khắp các tuyến đường. Nếu xác lập một kỉ lục về người lái xe đi nhiều nhất trên tuyến đường này, thì anh sẽ là người số một với không biết bao lần lái xe đi dọc chiều dài đường biên cương của đất nước.

Đường núi, đường đèo, dốc tay áo, trời mưa, đêm tối, mất đèn hay xe hỏng, Dương đều có những phương án xử lý nhanh chóng, chuẩn xác. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến một lần Dương “trổ tài". Ấy là hôm xe đi lên huyện Chư Pơ Rông của tỉnh Gia Lai, kiểm tra một dự án gần nơi diễn ra trận đánh Ia Đrăng nổi tiếng năm xưa.

Xe đi dọc đường thì gặp một xe tải siêu trọng chở gỗ bị bể lốp, nằm chắn ngang con đường độc đạo. Ác thay, lối đi này quá nhỏ, lại kề bên rãnh thoát nước với ta luy cao, hàng chục xe ôtô của người dân đi về thị trấn đành xếp hàng chờ đợi.

Nhiều người nản chí quay xe tìm đường tránh khác. Tiến thoái lưỡng nan vì lịch hẹn làm việc với UBND huyện theo dự kiến chỉ còn một tiếng nữa. Sự sốt ruột xuất hiện trên gương mặt lãnh đạo đoàn công tác. Làm gì đây? Dương mạnh dạn đề xuất với cấp trên, anh sẽ lái xe bám vào vách ta luy, vượt qua con đường hẹp này.

Thật là một tình huống mạo hiểm. Rãnh khá sâu, lại xây bê tông. Chỉ sơ suất một ly, bánh xe sẽ trượt xuống hào, gây hư hỏng xe. Lại giữa vùng biên giới, đừng hòng mà tìm được xe cứu hộ. Mọi người trên xe xuống hết cùng hàng chục người dân đứng nín thở nhìn Dương điều khiển chiếc xe.

Như một “nghệ sĩ” biểu diễn xiếc, anh lái chiếc xe bám vào thành hào nhỏ như bàn tay, từ từ nhích về phía trước. Xe vượt qua an toàn trong tiếng vỗ tay vang dội. Dương dừng xe, lại bình thản hướng dẫn anh em lái xe khác làm như anh. Đoàn công tác vượt "trọng điểm”, tới nơi họp đúng giờ.

Nếu như Dương có ngày sinh nhằm trúng ngày 30/4 thì Phạm Văn Cửu, Giám đốc Công ty Đường Việt lại có ngày sinh đặc biệt khác, nhằm trúng ngày Quốc khánh: 2-9-1975. Cửu quê ở Ninh Bình, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì anh ở lại Đà Nẵng làm việc, sau đó cùng ba người bạn cùng lớp mở một công ty riêng.

Dám nghĩ, dám làm, năm 2006, nghe tin Dự án Đường tuần tra biên giới mới được triển khai, Cửu mạnh dạn tới gặp lãnh đạo Ban quản lý, xin được tham gia các gói thầu tư vấn giám sát. Mấy năm liền từ ngày ấy, anh cùng hai người bạn là kỹ sư Bằng và kỹ sư Trinh lăn lộn với núi rừng Tây Nguyên, được đánh giá là đơn vị giám sát uy tín, liên tục được giao phụ trách thêm nhiều phần việc.

Giữa nắng nóng Trường Sơn 

Một gương mặt sinh năm 1975 khác khá ấn tượng phải kể đến Đại uý Đỗ Anh Tuấn, hiện là Phó trưởng Phòng thi công 3 của Ban quản lý dự án 47, cũng là phó trưởng phòng trẻ nhất của đơn vị. Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự năm 1999, Tuấn được điều về công tác tại Binh đoàn 12.

Đơn vị ở Hà Nội nhưng anh "đi biệt", 8 năm liền gắn bó với đường Đông Trường Sơn và các tuyến đường ở nước bạn Cam-pu-chia. Năm 2007, anh được điều động về Ban quản lý dự án 47 thì năm 2008 lại lên đường vào Đăk Glêi(Kon Tum), phụ trách quản lý thi công 5 gói thầu.

Cứ thế, anh "một mình một ngựa" cùng chiếc xe Way @ cũ mèm ngược xuôi khắp núi rừng. Bốn năm bám nắm công trường, cả hai lần vợ sinh con, Tuấn đều vắng mặt. Lần sinh cậu con trai đầu lòng xảy ra đúng dịp Hà Nội bị cơn mưa lụt lịch sử, ngồi ở Tây Nguyên xem ti-vi mà lòng anh như lửa đốt.

Tuy vất vả nhưng anh vẫn coi những gì mình trải qua chưa thấm tháp gì với những người lính Trường Sơn năm xưa cũng như những người lính trực tiếp thi công trên công trường…

"Người 1975" vẫn tỏa sáng

Không chỉ có mồ hôi, nước mắt mà từng có cả máu đổ xuống, trong đó có máu của những “người 1975” trên con đường chiến lược này. Hôm đi dọc đoạn đường do Công ty 470 của Binh đoàn 12 thi công gần rừng quốc gia Chư Mo Ray, chúng tôi lặng người nhìn thấy một chiếc am thờ nho nhỏ do những người thợ dựng lên bằng gỗ rừng.

Đó là nơi để anh em tới thắp hương hai đồng đội của họ vừa hi sinh hôm 6/11/2010 vừa qua: anh Nguyễn Văn Diện, công nhân lái máy và anh Nguyễn Chí Cường, công nhân lái xe. Trong đó, Cường sinh năm 1975, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hoá.

Không chỉ có mồ hôi, nước mắt mà từng có cả máu đổ xuống, trong đó có máu của những “người 1975” trên con đường chiến lược này. Hôm đi dọc đoạn đường do Công ty 470 của Binh đoàn 12 thi công gần rừng quốc gia Chư Mo Ray, chúng tôi lặng người nhìn thấy một chiếc am thờ nho nhỏ do những người thợ dựng lên bằng gỗ rừng.  

Thiếu tá Vũ Thiện Sỹ, Chỉ huy trưởng công trường bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về các anh. Cường và Diện đều là những công nhân viên quốc phòng gắn bó với công ty nhiều năm nay. Hoàn cảnh gia đình họ cũng giống nhau, đều đã có vợ, có con, vợ ở quê làm ruộng, kinh tế không dư dả gì.

Vì vậy, các anh đều nhiệt tình, cần mẫn làm việc, gắn bó với đường tuần tra biên giới 3-4 năm nay.Việc khó, việc khổ, khi nào cần tăng ca, vượt giờ, các anh đều xung phong với nhiệt tình tuổi trẻ và cũng một phần vì nguyện vọng nhỏ bé: Có thêm thu nhập chăm lo cho tổ ấm của mình.

Tiền lương nhận được, các anh thường chuyển khoản thẳng về quê, chẳng chi tiêu gì giữa nơi rừng xanh núi đỏ, xa dân, xa chợ, "kinh tế thị trường" chưa vươn tới này.

Năm 2010, cả hai anh đều được tặng giấy khen. Những ngày làm đường tuần tra ở Mo Ray, đơn vị các anh “dính” phải gói thầu khá “xương xẩu”, dốc cao, vực sâu, vận chuyển vô cùng khó khăn. Xe chở vật liệu đi hai ngày mới chở được một chuyến, lại phải qua hai lần tập kết vật liệu, xe 14m3 chỉ chở được một nửa trọng lượng, đánh vật với dốc đèo.

Sáng ấy, Diện và Cường dậy sớm, lùa vội lưng cơm rồi lên đường, đến xế trưa thì họ đã chở xong một chuyến. Chuyến thứ hai, mãi đến 3 giờ chiều vẫn không thấy hai anh về. Vùng này không có điện thoại, Sỹ và anh em đành bủa đi tìm.

Tìm mãi vẫn không thấy hai anh đâu. Mãi đến chiều tối, một đồng đội phát hiện ra vết xe trượt ở một đoạn dốc. Anh em lần theo vết xe và bàng hoàng tìm thấy chiếc xe benz bẹp dúm nằm sâu dưới vực. Diện và Cường đã hi sinh. Các anh nằm đó, thân thể đã lạnh cùng chiếc xe gẫy nát…

Câu chuyện mà tôi ghi từ những người sinh năm 1975, sinh vào thời điểm “mùa xuân đầu tiên” vừa đến với đất nước sau ngày toàn thắng, có thể chỉ là những mảnh ghép nối chưa thể đầy đủ và tiêu biểu song phần nào cũng giúp chúng ta thấy được, tin tưởng và tự hào về một thế hệ tiếp nối cha anh trên con đường huyền thoại năm xưa…

Nguyên Minh

Bình luận
vtcnews.vn