Hai lần đi viện vì bị bọ xít hút máu

Sức khỏeThứ Sáu, 15/07/2011 06:39:00 +07:00

(VTC News) - Đang nửa đêm bị bọ xít hút máu người tấn công khiến anh Nguyễn Văn Lệnh đau rát, ngứa ngáy toàn thân… phải đi viện.

(VTC News) - Đang nửa đêm bị bọ xít hút máu người tấn công khiến anh Nguyễn Văn Lệnh đau rát, ngứa ngáy toàn thân… phải đi viện. Đây là lần nhập viện thứ hai của anh Lệnh trong vòng 4 ngày qua.

30 giây sau đốt, bệnh lan toàn thân

3h30 sáng 14/7, anh Nguyễn Văn Lệnh (trọ tại số nhà 36, ngách 26+27, dốc bệnh viện phụ sản Hà Nội) phải tới bệnh viện 354 cùng với con bọ xít để trong lọ. Nguyên nhân trong lúc đang ngủ, tự dưng anh thấy đau nhói ở tay, liền lấy tay đập vào chỗ nhói, thì bắt được một con bọ xít. Vết bọ xít đốt sưng tấy, khiến anh ngứa ngáy, đau rát và hâm hấp sốt nên phải vào viện khám ngay trong đêm.

Anh Lệnh bắt được bọ xít hút máu ngay tại nhà mình. 

Anh Lệnh cho biết, 4 ngày trước đó (10/7) trong khi đang ngủ anh cũng bị đốt lúc 1h đêm. “Cơn đau lan truyền nhanh đến mức, người tôi tê râm ran, đau rát, ngứa điên khắp người chỉ trong vòng chưa đến một phút. Vì không thể chịu đựng được nên tôi phải đi vào bệnh viện 354 ngay trong đêm” – Anh Lệnh hoang mang kể lại.

Anh được một bác sĩ khám và nói rằng bị dị ứng, sau đó được bác sĩ cho tiêm 2 mũi và uống thuốc. Sau đó, cơn đau do vết sưng tấy có giảm, nhưng nốt đốt vẫn sưng vù và ngứa rát. Về nhà anh đã lật tung giường chiếu, lục tìm con bọ xít không thấy. Nhưng 4 ngày sau, vết đốt cũ chưa khỏi thì anh lại bị đốt và nhập viện lần nữa.

Sự việc anh Lệnh bị bọ xít đốt hai lần và phải đi viện cả hai khiến nhiều người dân sinh sống tại khu vực này rất hoang mang, lo lắng. Bà Ngô Thị Yến sống tại khu vực này, cho biết: “Rất nhiều lần tôi bắt gặp bọ xít hút máu người, vì lo cho sức khỏe cho cả nhà nên một vài lần tôi đã mang con bọ xít hút máu người lên trạm y tế của Phường Ngọc Khánh. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây cho biết, Bộ Y tế khẳng định, loài bọ xít này đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng đến nay chưa phát hiện có sự lây truyền bệnh từ bọ xít sang người, nên cứ yên tâm không nên lo lắng quá”.

Mặc dù vậy, người dân tại khu vực này vẫn tỏ ra rất hoang mang, vì cho dù chúng không gây bệnh nhưng chúng tấn công con người và gây nên những cơn đau rát như anh Lệnh cũng đã là một sự khiếp sợ, nhất là khi việc phát hiện ra bọ xít không dễ, chúng luôn “rình” để đốt người lúc về đêm.

Khảo sát tại khu vực dốc bệnh viện phụ sản Hà Nội thì thấy, khu vực này rất nhiều nhà trọ giá rẻ dành cho những người có thu nhập thấp với cảnh chật chội, đông người ở và không đảm bảo vệ sinh. Bởi vậy, đây rất có thể là một môi trường thích hợp cho bọ xít hút máu người ẩn nấp và phát triển.

Bọ xít ngày càng “hung hăng”

Trao đổi về vấn đề này, TS Trương Xuân Lam, Trưởng Phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, hơn một tháng nay, số điện thoại phòng anh cũng luôn “nóng” bởi rất nhiều người dân gọi đến thông báo việc họ bị bọ xít đốt sưng tấy, ngứa ngáy khó chịu.

Thực tế, từ đầu mùa hè, Viện đã phát hiện 7 ổ bọ xít từ 30 – 50 cá thể, rải rác ở các quận tại Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Gia Lâm… Hiện mỗi ngày, Phòng luôn có hơn chục cuộc gọi tới của người dân hỏi tư vấn về bọ xít hút máu họ phát hiện thấy trong gia đình.

Không chỉ tư vấn qua điện thoại mà nhiều người còn cất công tới tận Viện để mang mẫu bọ xít đến và nhờ tư vấn cách diệt bọ xít, bày tỏ nỗi lo lắng vì có vết bọ xít đốt trên cơ thể. Tuy nhiên, Viện cũng không đủ nhân lực để đi diệt ổ bọ xít, nên chỉ có thể tự hướng dẫn người dân. “Tính từ năm 2010 đến nay, Phòng đã ghi nhận khoảng 150 hộ gia đình ở Hà Nội có bọ xít hút máu và rất có thể, con số này sẽ còn tăng lên nữa - TS Lam nhận định.

Cùng với số lương bọ xít, số người bị bọ xít đốt bị dị ứng sưng, ngứa phải nhập viện có xu hướng tăng lên. Trong số những cuộc gọi tới viện, thì cứ 100 người thì có khoảng 60 người nói họ phải đi viện khám vì sưng tấy, ngứa rát không chịu được. Còn 6 bệnh nhân mà cán bộ Viện vừa tiếp xúc được trong tuần qua thì cũng có 2 trường hợp phải tới viện vì vết đốt sưng, phù, ngứa, thậm chí có sốt.

Qua thu thập các cá thể bọ xít năm nay, TS Lam cho biết, đây vẫn là loài bọ xít như năm ngoái. Tuy nhiên, theo nhận định của TS Lam, bọ xít năm nay khả năng tấn công con người của chúng dường như tăng lên, có tính chất nguy hiểm hơn vì chúng dạn người  hơn, tấn công con người quyết liệt hơn.

Trước đây, máu động vật là món ưa thích của bọ xít, giờ bọ xít tấn công con người chủ động hơn, không cần đợi có cơ hội mà tấn công bất cứ thời điểm nào. Như trường hợp một cháu bé ở Hà Nội viện vừa tiếp xúc tuần trước, cháu bé này bị bọ xít tấn công khi đang nằm trên ghế sofa phòng khách. Em bé bị bọ xít đốt nhiều nốt toàn thân, các nốt đều sưng đỏ khiến bé rất khó chịu và cũng phải đi khám để được kê thuốc dị ứng – TS Lam nói.

Chuyên gia Bộ Y tế cho biết, ở Việt Nam, bọ xít hút máu đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có thông tin, tài liệu và nghiên cứu nào thông báo có các loài bọ xít lây truyền bệnh ở Việt Nam. Về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh Chagas (còn gọi là bệnh ngủ) do bọ xít đốt, Bộ Y tế cũng khẳng định, tại Việt Nam, bọ xít đã xuất hiện từ lâu và cho đến nay, chưa có tài liệu nào công bố có bệnh Chagas ở Việt Nam.

Các chuyên gia y tế đều khuyên, loài bọ xít hút máu này khi đốt chỉ gây cảm giác khó chịu, đau rát và ngứa tại vết đốt, đặc biệt là đối với người có cơ địa dị ứng. Vì thế, khi bị bọ xít đốt, nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, tránh không gãi tại chỗ vết đốt, nếu vết đốt sưng nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. 

Bộ Y tế khuyến cáo người dân ở vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu cần ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào màn đốt người. Khi phát hiện bọ xít nên tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm và diệt bọ xít. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, phun diệt bằng các sản phẩm hóa chất diệt côn trùng đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành nếu phát hiện thấy bọ xít. 

Nga Hiền
Bình luận
vtcnews.vn