Số phận bi ai: Tự tử vì bệnh tật và tận cùng nghèo khó

Sức khỏeChủ Nhật, 13/03/2016 08:20:00 +07:00

Bí bách trước sự khốn cùng của nghèo khó và bệnh tật, người chồng đã treo cổ tự vẫn với suy nghĩ 'không muốn làm khổ vợ con', bỏ lại bố mẹ già yếu, vợ con thơ d

Bí bách trước sự khốn cùng của nghèo khó và bệnh tật, người chồng đã treo cổ tự vẫn với suy nghĩ 'không muốn làm khổ vợ con', bỏ lại bố mẹ già yếu, vợ con thơ dại.

Người “ra đi” xem như trút được gánh nặng, nhưng với người ở lại là sự đau đớn xé nát tâm can khi trong chốc lát, bố mẹ già yếu mất con, vợ mất chồng, những đứa con nheo nhóc mất cha sẽ tiếp tục đối diện với nghèo khó.

Cái kết của sự cùng quẫn

Bao trùm thôn nhỏ Quý Phước 2 (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) những ngày này là không khí tang thương, ảm đạm đến lạnh người. Nỗi đau, nước mắt và những tiếng gọi chồng trong tuyệt vọng của chị Huỳnh Thị Trang (45 tuổi, trú thôn Quý Phước 2) khiến ai ai cũng xót xa.

Càng cay đắng, tủi hờn hơn khi lý do chị mất chồng là vì quá nghèo, quá khổ. Chồng chị, anh Võ Trung B. (46 tuổi, trú thôn Quý Phước 2) đã treo cổ tự tử cách đây không lâu, để lại chị cùng cha mẹ già và 3 đứa con nheo nhóc.

Căn nhà nhỏ úa màu thời gian nay phủ thêm cảnh tang thương. 

Tiếp PV trong căn nhà cũ nát bên bàn thờ mới lập, chị Trang khóc nấc cạnh 3 đứa con trên đầu quấn vành khăn tang. Theo lời chị, bất hạnh ập đến vào tối 29/2 vừa qua. Khi ấy, sau khi cùng gia đình ăn bữa tối, trò chuyện với các con xong anh B. lẳng lặng ra cây xoan sau nhà treo cổ tự tử.

“Ăn xong, em lo thu dọn các thứ ở nhà dưới. Lúc đó, em vẫn còn nghe tiếng anh ấy dặn con lo học hành, giúp mẹ ở nhà trên. Em lu bù với công việc một hồi lâu, không để ý, ai dè, anh ấy lại dại dột như vậy”, chị Trang nghẹn ngào.

Theo lời những hộ dân sinh sống cạnh nhà chị Trang thì lúc đó chừng 20h30 ngày 29/2, họ nghe tiếng la thất thanh của chị Trang. Lo sợ có chuyện chẳng lành, mọi người chạy đến và sững sờ trước hình ảnh anh B. treo cổ tự tử dưới cây xoan sau nhà. Bấy giờ, mọi người mới sực nhớ đến những biểu hiện lạ lùng của anh B. mấy ngày gần đây.

Vốn cuộc sống cơ cực, lại mắc trọng bệnh, anh B. càng trở nên bi quan, lo lắng. Anh tự xem mình là gánh nặng của chị Trang và không ít lần nói muốn “chết quách cho bớt khổ”. Vì những lý do đó, dư luận và cả người nhà anh B. đều khẳng định sự “ra đi” của anh là vì nghèo đói, bần cùng quá.

“Đặc biệt là mấy ngày gần đây, nó lạ lắm. Gặp ai thân quen, hàng xóm nó cũng dặn dò, nhờ cậy chăm lo vợ con để nó “đi” cho thanh thản”, chị Nguyễn Thị Thanh (hàng xóm) cho biết.

Chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi của anh B., ông Trần Ái Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quý (huyện Thăng Bình) cho hay, sáng 29/2, ông còn ngồi trò chuyện với anh B..

Thấy anh chán nản, ông động viên và hứa sẽ tìm cách giúp đỡ, nhưng chưa kịp làm gì thì đã xảy ra chuyện. “Lên gặp tôi, chuyện trò rồi trước khi về anh B. có nhắn lại là: “Em để lại vợ con, có gì nhờ anh giúp đỡ”. Tôi cứ nghĩ anh ấy nói lung tung nên không để ý, thế rồi chuyện buồn đã xảy ra ngay tối hôm đó”, ông Phương cho biết thêm.

Tiếp xúc với người nhà và hàng xóm của chị Trang, mọi người đều khẳng định, nguyên nhân anh B. tìm đến cái chết là vì cùng quẫn trước cuộc sống quá nghèo khó, bệnh tật. Rất nhiều người được anh tìm gặp và gửi lời nhờ cậy chăm sóc, giúp đỡ vợ con, gia đình anh lúc anh không còn nữa.

“Cái xóm này, nhà nó là cực nhất, khổ nhất. Lúc nó kêu giúp đỡ vợ con nó, tôi cứ nghĩ nó lo quá, vì bệnh tật. Chứ nào ngờ, nó nghĩ quẩn, sợ làm khổ vợ con mà tự vẫn như vậy”, một người dân ngậm ngùi.

Nghèo khó không có lỗi
Nhiều người dân địa phương vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước sự ra đi của anh B.

Khi PV có mặt tại nhà anh B., người trong làng, ngoài xóm tới đưa tiễn người đàn ông đoản mệnh khá đông, đa phần là xóm làng và bà con thân thích. Tựa vào đứa con gái đầu năm nay đang học lớp 11 lấy chút sức sau cơn vật vã trước cái chết đau đớn của chồng, chị Trang nước mắt ngắn dài: “Cái đói, cái nghèo là nỗi ám ảnh của gia đình tôi trong suốt thời gian qua, nhưng không ngờ nó chính là nguyên nhân lấy đi sinh mệnh của chồng tôi. Lớn lên ở mảnh đất nghèo Bình Quý, chúng tôi bén duyên nhau cũng từ thuở theo cha, theo mẹ ra đồng.

Thương anh chịu khó, siêng làm, quyết đồng cam cộng khổ, với hy vọng rồi cũng có ngày bớt cực. Mâm cỗ cưới đơn sơ với vài ba lẵng trầu rồi đến những đứa con dại ra đời, càng thôi thúc chúng tôi cày sâu cuốc bẫm, lo lắng cho gia đình, dẫu đói nghèo nhưng hạnh phúc. Thế rồi, những năm trở lại đây, cha mẹ anh B. già yếu, phát bệnh. Chưa hết, cũng vì quá lao lực, anh B. cũng lâm trọng bệnh khiến gia đình rơi vào bần cùng”.

Chồng bệnh, chị Trang xin được việc ở một công ty may mặc lương 3 triệu đồng một tháng. Thêm 260 ngàn đồng tiền trợ cấp của địa phương, rồi ai gọi gì làm nấy cũng không đủ nuôi 7 miệng ăn. “Túng quẫn lắm, nhưng vợ chồng lúc nào cũng động viên nhau. Nhưng rồi bệnh tình chồng tôi nặng dần nên sinh ra bi quan, dại dột như vậy. Dẫu ốm đau gì, anh cũng là niềm động viên của tôi. Mất anh rồi, giờ tôi biết sống sao?...”, nói đoạn chị Trang òa khóc.

Nói về gia cảnh của mình, chị Trang cho biết thêm, ngoài cha mẹ già đau yếu, cô con gái đầu lớp 11 thì hai đứa con sau của chị còn nhỏ dại. Một đứa lên lớp 6, đứa sau đang học mầm non.

Rời khỏi căn nhà cũ nát mà mấy chục năm đã cùng anh chị gồng gánh mưa nắng, sự tuyệt vọng của người vợ trẻ vẫn không thôi ám ảnh chúng tôi. Hiện tại, tương lai với chị là mịt mờ, giờ chị phải thay anh, vừa làm cha, vừa làm mẹ, gánh vác trọng trách nuôi lũ con thơ dại.

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Sau, Bí thư Đảng ủy xã Bình Quý (huyện Thăng Bình) cho biết: “Gia đình anh B. thuộc diện khó khăn trong xã. Sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, chính quyền đã đến chia sẻ, động viên thăm hỏi. Mong gia đình, mẹ con chị Trang vượt qua được khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống”.


Nguồn: Người đưa tin
Bình luận
vtcnews.vn