Đau đớn cháu bé bị bỏ rơi không có bàn chân

Sức khỏeThứ Tư, 17/04/2013 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Bình thường, Tí chạy nhảy rất nhanh trên đôi chân không có bàn nhưng giờ cháu vừa được phẫu thuật nên bước đi loạng choạng lắm.

(VTC News) –  Bình thường, Tí chạy nhảy rất nhanh trên đôi chân không có bàn nhưng giờ cháu vừa được phẫu thuật nên bước đi loạng choạng lắm.

Con tàn tật, bố mang bỏ


Tại Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình 2, Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cháu Nguyễn Văn Tí đang nằm điều trị. Cháu mới được bác sĩ phẫu thuật tách 3 ngón tay bị dính cách đây vài ngày. Tay phải được băng bó, tay trái lủng lẳng dây truyền.

Cháu Nguyễn Văn Tí nằm tại viện chấn thương chỉnh hình.
Đau lắm, nhưng Tí không khóc, cháu còn cười vui vẻ với tôi sau một lúc làm quen. Tí khoảng 6 – 7 tuổi nhưng cháu khá bé so với tuổi. Trên khuôn mặt tươi rói, vài vết sẹo sau phẫu thuật còn sót lại. Cháu vốn bị hở hàm ếch nên môi trên, môi dưới đều phải khâu. Chỉ có ánh mắt sáng, đầy nghị lực. Nhìn đôi mắt ấy ở đứa trẻ như Tí đã thấy sự tự tin toát lên trong mỗi ánh nhìn.

Nhưng nghe chuyện của Tí, nhiều bà mẹ sẽ không khỏi đau lòng: Tí bị bố bỏ ở cổng Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang khi còn bé tẹo.

Bà Hà Thị Cam là người hàng ngày vẫn chăm sóc Tí ở trung tâm. Bà Cam theo Tí lên Hà Nội để trông nom cậu bé trong thời gian cậu được phẫu thuật tại bệnh viện Việt Đức.

Người đàn bà chân chất ấy đưa ánh mắt nhìn xa xăm nhớ lại quãng thời gian Tí được nhặt vào trung tâm.

Vào năm 2008, Tí bị bỏ tại cổng Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang. Khi ấy, trên người Tí không có giấy tờ gì. Các cô ở trung tâm nhặt Tí vào nuôi. Nhìn Tí lúc ấy, nhiều người không khỏi xót xa. Tí bé tẹo, khuôn mặt dị dạng với hàm ếch bị hở 2 lỗ, chân khèo, bàn chân nhỏ, vẹo quặp vào trong, ngón tay thì bị dính chặt không xòe ra được.

Tí đi trên đôi chân của mình
Trung tâm đặt cho cậu bé cái tên rất giản dị: Nguyễn Văn Tí, và cậu được làm giấy khai sinh ở đây. Tí sinh ngày tháng, năm nào, cũng chỉ áng chừng chứ không ai rõ. Tí không nói được gì, ăn cũng khó, cháu chỉ biết bò lổm ngổm. Từ ngày vào trung tâm, Tí được bà Cam và các cô ở đây nuôi dưỡng. Thế là Tí cũng lớn dần theo năm tháng.

Nhiều người ở Trung tâm còn không ngờ, Tí lại là một cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát đến vậy, dù cháu tàn tật.

Theo lời bà Cam, đến năm 2011, Tí được 1 tổ chức từ thiện đưa đi phẫu thuật. Miệng cháu kín, Tí dần phát âm và nói được. Dù hiện nay, Tí nói vẫn ngọng lắm. Cái mồm xinh xinh cất lên tiếng cười khi tôi hỏi. Tôi bảo cháu há miệng xem kỹ, mới thấy mấy chiếc răng sún lấp ló thò ra.

Bà Cam kể: “Thằng cu nhanh lắm, bình thường, nó cứ đi thoăn thoắt, bắc ghế leo trèo, chạy nhảy hò hét như ai. Cu cậu còn lau cả nhà giúp bà. Có lúc bà bận các em khác, Tí còn đu võng cho các em, hoặc gấp tã”.

Cả trung tâm có khoảng 40 cháu, riêng phòng của Tí có 8 em. Tí là một trong những đứa trẻ lớn trong phòng.

Hàng ngày, Tí dậy sớm ăn uống xong, cháu xuống phòng hồi phục chức năng để tập. Dù đã đến tuổi đi học, nhưng vì điều kiện sức khỏe, Tí vẫn chưa được đến trường. Trước, Tí có thể tự đi, nhưng gần đây, có những cô chú người Tây tình nguyện đến bế Tí đi. Tí vui lắm.

Sau khi Tí vào trung tâm được 2 năm, một hôm bà ngoại và dì của Tí tìm đến thăm cháu. Bà cháu gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Theo lời của bà ngoại Tí thì nhà Tí ở Tư Mại, Yên Dũng, Bắc Giang. Bố mẹ Tí giờ không ở với nhau nữa, mẹ tí đã bỏ đi để lại  Tí. Bố thấy con tật nguyền nên mang ra trung tâm để bỏ ở cổng.

Vì điều kiện, nên bà ngoại chưa đón Tí về nuôi được. Theo lời bà, thì hồi mang thai  Tí, mẹ cháu bị cảm cúm nên có thể sinh ra cháu như vậy.

Cháu rất nghịch ngợm, nhanh nhẹn, có thể lau được cả nhà.
Bà Cam kể: “Khi bà ngoại cháu đến thăm, chúng tôi có hỏi: Sao bà bỏ cháu?, bà ấy chỉ bảo “Chúng tôi là bên ngoại, khi mẹ nó đi thì bố nó đem bỏ nó nên  cũng không biết.” “Thế bà có muốn đón cháu không?”.”Muốn lắm, nhưng chưa được”.

Có những lần tôi hỏi Tí. “Tí có nhớ mẹ không? Thằng bé lặng lẽ không nói câu nào. Nhưng lần mà bà ngoại và dì đến thăm, khi họ về, nó cũng chảy nước mắt đấy”.

Từ đó, cứ khoảng 2 năm bà ngoại loại lên thăm Tí 1 lần.

Tương lai cháu: Nhờ tấm lòng hảo tâm

3 ngón tay giữa, trỏ, áp út ở cả 2 bàn tay của Tí bị dính chặt. Nhưng giờ, bàn tay bên phải của Tí đã được tách ngón.

Khi các điều dưỡng vào thay băng, rửa tay cho cháu, những ngón tay của cháu chảy máu ròng ròng, càng thương cháu hơn. Lúc ấy, cháu khóc lắm, dù cố gắng nhưng cháu vẫn bật ra tiếng: “Đau quá”, mặt thì nhăn nhó.

3 ngón tay ở 2 bàn tay bị dính.
Nhưng lúc đã được băng tay xong, Tí lại vui vẻ lắm. Cháu còn đứng lên đi cho tôi xem. Bước đi của cháu loạng choạng vì tay đang đau. Nhìn cháu khoác chiếc áo viện rộng thùng thình, cẳng chân bé tí bước đi đến tài tình mà không nhờ bàn chân, càng thấy cháu nghị lực quá.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình 2 là người trực tiếp khám và  phẫu thuật cho Tí.

Bác sĩ Khánh kể: Qua người bạn làm ở Hiệp hội hợp tác Vì trẻ em Việt Nam, tôi đến trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang khám cho cháu và hướng dẫn đưa Tí về viện để phẫu thuật.  

Trường hợp của Tí khá đặc biệt, cháu bị 2 bàn tay có ngón dính, 2 chân khèo không đi lại như bình thường được. Cháu còn bị dị tật lỗ đái thấp. Nếu không phẫu thuật, sau này, chân cháu sẽ biến dạng.

Tay bị dính ngón sẽ ảnh hưởng  tới đời sống sinh hoạt hàng ngày và học tập. Vừa rồi, chúng tôi tiến hành mổ tách 3 ngón tay bị dính ở bàn tay phải,  khoảng 1 tuần nữa cháu khỏe, sẽ phẫu thuật tiếp bàn tay trái.

Theo bác sĩ Khánh, Tí có 3 ngón dính nên thiếu vạt da. Bác sĩ phải lấy da ở cánh tay cháu để vá vào. Rất may, cuống mạch ở các ngón tay của Tí có thể tách ra để nuôi từng ngón tay. Hơn nữa, trí tuệ cháu tốt nên sẽ thuận lợi cho việc hợp tác với bác sĩ, điều dưỡng để tập luyện cho ngón tay sau này.

 
Đối với chân cháu, hiện bị khèo và Tí không đi được bằng bàn chân. Sau này, chúng tôi sẽ tiếp tục phẫu thuật để cháu có thể đi như người bình thường. Nhưng phải đợi một thời gian nữa, khi cháu lớn hơn, sụn, xương, gân đã phát triển ổn định. Lúc đó, cháu sẽ được sửa xương, kéo dài gân gót, cắt gan bàn chân, kéo dài gân gấp các ngón…

“Trong thời gian cháu đến phẫu thuật, anh em bác sĩ, điều dưỡng đã quyên góp, giúp đỡ cháu phần nào. Chúng tôi giúp cháu cùng người trông cháu có suất ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, cháu còn phải qua nhiều cuộc phẫu thuật nữa nên rất cần chi phí cho lưu trú viện, phục hồi  chức năng… mà ngân sách trung tâm bảo trợ eo hẹp. Tôi rất mong có được nguồn hỗ trợ thêm cho cháu”, bác sĩ Khánh chia sẻ.

Các độc giả, nhà hảo tâm – ân nhân có tấm lòng, hãy cứu giúp cháu Nguyễn Văn Tí theo địa chỉ:

Cháu Nguyễn Văn Tí, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang.

Hoặc gửi về Báo điện tử VTC News

Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.

Xin đề rõ: Đóng góp giúp bệnh nhân Nguyễn Văn Tí. Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được chúng tôi chuyển đến bệnh nhân.





Nguyễn Tâm

                                
Bình luận
vtcnews.vn