Xót lòng những bệnh nhi bỏng nặng dịp Tết

Sức khỏeThứ Tư, 08/02/2012 08:58:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ trong mấy ngày cận tết và trong tết, Viện Bỏng Quốc gia liên tiếp phải cấp cứu nhiều trường hợp trẻ em bị bỏng nặng.

(VTC News) - Chỉ trong mấy ngày cận tết và trong tết, Viện Bỏng Quốc gia liên tiếp phải cấp cứu nhiều trường hợp trẻ em bị bỏng nặng, đau lòng do sự sơ suất của người lớn.

Tò mò hiếu động, trẻ dễ gặp rủi ro

Chị Đàm Thị Hạnh (Bạch Thông, Bắc Kạn) tranh thủ ra ngoài rửa chảo, vừa quay đi quay lại cậu con trai 12 tháng tuổi Bàn Đức Anh trong chiếc xe tròn tập đi đã lao cả người và xe vào bếp củi đang cháy đỏ rực.

Bé Bàn Đức Anh với những vết bỏng còn gây đau đớn trên mặt 

Phát hiện ra, chị Hạnh tá hỏa dập lửa để cứu con nhưng đến khi lửa tắt thì toàn bộ quần áo và một phần thân thể của bé Anh gần như bị cháy đen, bé phải nhập viện để cấp cứu. Sau hơn một tháng điều trị, bác sĩ xác định bé An bị bỏng độ 3 và phải tiến hành phẫu thuật cắt tai trái, tháo toàn bộ khớp tay trái để tránh hoại tử do vết bỏng quá sâu.

Nhập viện từ hôm 29 Tết, bé Đinh Văn Phú (19 tháng, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn còn rất đau và sợ tiếp xúc với người lạ, khóc thút thít. Mẹ bé buồn bã tâm sự: “Chị cháu đang đun nước ở bếp củi, cháu lấy que quàng vào quai xoong khiến nước đổ xuống bỏng toàn bộ hai chân và cánh tay. Cháu mới phẫu thuật hôm 1/ 2 cắt da từ đùi đắp lên hai tay do bỏng quá sâu, phải chờ cho vết thương khô hết nên tôi chưa biết khi nào được về”

Bé Nguyễn Đạo An vẫn còn sốt li bì. Bé bị bỏng khi mới 3 tháng tuổi 

Cách đó không xa là bé Nguyễn Đạo An (3 tháng tuổi, Từ Liêm, Hà Nội), bị bỏng độ 2 hôm 26 Tết do bị phích nước đổ vào chân. Bé An bị bỏng do anh trai nghịch ngợm làm đổ phích, khiến nước nóng đổ vào người bé khi bé nằm chơi gần đó.

Hiện tại, bé An trong tình trạng sốt li bì và cũng phải phẫu thuật ghép da. Mẹ bé cho biết nhờ sự quan tâm tận tình của các y bác sĩ nên mẹ con bé dù phải ăn Tết tại viện cũng bớt tủi thân phần nào, các bác sĩ còn thăm hỏi và mừng tuổi các cháu tại đây.

Bé Đồng Quang Minh bị bỏng vôi 

Một trường hợp đáng tiếc là bé Đồng Quang Minh (32 tháng, Phổ Yên, Thái Nguyên), bị trượt chân xuống thùng vôi do nghịch vòi nước ở gần đó. Bố bé Minh cho biết: “Nhà tôi vôi để xây nhà, nhưng nào ngờ cháu lại bị thế này. Cháu vào đây được gần 2 tháng, không biết bao giờ mới được về. Bác sĩ bảo, cháu bị bỏng độ 4 và phải trải qua 5 cuộc phẫu thuật ghép da, ghép phần da từ đầu, tay và bụng xuống bàn chân và bàn tay”.

Trung bình một ngày khoa Nhi – Viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận 15 - 20 ca bỏng nặng. Chủ yếu là các trẻ trong tuổi tập đi từ 12-35 tháng tuổi. Tác nhân gây bỏng có thể do tác nhân nhiệt ướt (nước sôi), tác nhân nhiệt khô (lửa, sưởi than, điện giật) hay bỏng hóa chất (axit, vôi).

Khó khăn trong việc phục hồi chức năng cho bệnh nhi bỏng nặng

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tâm - trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, viện bỏng Quốc gia cho biết: “Đối với loại bỏng sâu, tùy vị trí, có thể gây sẹo lồi làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng của các cơ quan tại vị trí của sẹo để lại. Đối với từng trường hợp sẽ có những cách xử trí riêng.

 Những bệnh nhi bị bỏng đều rất thương tâm vì da bé còn quá non nớt

Nói chung, các trường hợp bệnh nhi trên đây cần được điều trị bảo tồn: băng ép, đặt silicon, tập vận động, sau nữa là phẫu thuật tạo hình, khâu kín, ghép da, đặt túi dẫn”.

Các BS lưu ý, bỏng sâu chắc chắn sẽ để lại sẹo, vì vậy bệnh nhân không nên tùy ý sử dụng những loại thuốc trị sẹo không rõ nguồn gốc trên thị trường. Việc kết hợp điều trị và phục hồi chức năng sẽ khôi phục phần nào phần da bị bỏng. Hiện tại Viện bỏng QG đã thực hiện được kỹ thuật chuyển vạt - một kỹ thuật khó trên thế giới.

Để tránh cho trẻ những tai nạn đáng tiếc do bỏng gây ra tốt nhất vẫn là việc đề phòng từ xa các tác nhân có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Cần tạo một môi trường an toàn xung quanh trẻ. Ổ cắm, phích điện, phích nước cần để xa tầm tay của trẻ và đặc biệt là phải trông nom trẻ cẩn thận.

Khi trẻ bị bỏng việc đầu tiên là phải nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nơi tiếp xúc với tác nhân gây bỏng. Sau đó, ngâm vết bỏng vào nước lạnh càng sớm càng tốt và đưa trẻ đến các  cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên chữa mẹo hoặc tới các cơ sở khám chữa không uy tín.

Ngọc Uyên


Chú thích ảnh
Ảnh 1: Qua 5 lần phẫu thuật, hiện giờ Đức Anh đã có thể đùa nghịch cùng mẹ
Ảnh 2: Bỏng quá đau nên Phú sốt liên miên và khóc thút thít.
Ảnh 3: Ngay cả những bé chưa biết đi cũng có nguy cơ bị bỏng
Ảnh 4: Bé Minh phải dùng xông để ăn sữa và cháo
Ngọc Uyên


Bình luận
vtcnews.vn