Lòi cả xương sườn, thối da vì tự tiện dùng thuốc nam

Bệnh và thuốcThứ Năm, 15/04/2010 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ một vết sẩn ngứa bình thường, nhưng các bác sĩ đã buộc phải bóc hết lớp da, thịt, đến lòi cả xương sườn, mới mong cứu được bệnh nhân.

(VTC News) - Chỉ một vết sẩn ngứa bình thường, nhưng các bác sĩ đã buộc phải bóc hết lớp da, thịt, đến lòi cả xương sườn, mới mong cứu được bệnh nhân vì hậu quả của việc tự tiện dùng thuốc lá.

Tự tiện dùng thuốc nam: chữa "lợn lành thành lợn què"

Viện da liễu Quốc gia từng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 50 tuổi, đến từ Phú Thọ, bị biến chứng sau khi bị ngứa ngực và dùng loại thuốc từ cỏ cây, xay nhuyễn và đắp lên đám ngứa.

Sau khi tin tưởng đắp loại bột - "thần dược" này lên ngực, bệnh nhân đã bị sưng tấy, lở loét và thối cả thịt lẫn da. Đồng thời, do chất từ cỏ cây này có nhựa, bám vào da thịt nên không thể rửa trôi, mà lại càng bám vào, càng ăn sâu xuống thịt. Và khi các bác sĩ bóc xong hết các tổ chức còn dính chất nhựa cây của "thuốc", bệnh nhân lòi cả xương sườn. Phải nằm viện 3 tháng, vết thương mới thành sẹo, bệnh nhân mới có thể xuất viện.

Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân dị ứng thuốc nam. Ảnh media.tinmoi.vn  

Các bác sĩ nhận định, có thể các vị thuốc từ thực vật này có chất ăn mòn mạnh, nên bệnh nhân mới phải chịu tổn thương ghê gớm như vậy. Những chất này thường có trong rễ cây táo dại, rễ cây sơn...

BS Phạm Hồng Lãnh, trưởng khoa D3, Bệnh da người lớn Nam, thuộc Viện da liễu Quốc gia cũng từng gặp các bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc kích ứng do bôi các loại thuốc lá có chất làm co thắt mạch khiến máu không thể nuôi dưỡng được da, làm hoại tử da. "Mới đây nhất là một bệnh nhân đến từ Đắc Lắc. Họ dùng lá anh đào, xoan, có chất gây co mạch, làm mạch máu thắt lại, bôi lên vết thương. Bệnh nhân chỉ mắc bệnh vẩy nến ở đùi, là một loại bệnh có các mảng tổn thương màu đỏ, bong vẩy, vô hại, không ảnh hưởng sức khoẻ. Nhưng khi bôi thuốc tự chế kia lên, bệnh nhân bị co mạch dẫn tới phù nề, tấy đỏ và hoại tử, cả một mảng da thâm đen và chảy dịch. Chúng tôi phải cắt lọc tổ chức bị hoại tử đó đi, nhỏ giọt nước muối liên tục, phun insulin lên. Lúc đó, da bệnh nhân không còn nữa mà thành sẹo trắng, như một vết bỏng vì mất thượng bì".

Cũng sử dụng các bài thuốc dân gian, một cậu thanh niên 28 tuổi, Thái Nguyên, đã suýt làm biến dạng "của quý" khi bôi cồn pha với kiến khoang giã nhỏ, đắp lên tổn thương do nấm ở vùng bẹn. Chỉ sau 2h đồng hồ, toàn bộ vùng bẹn, bìu của bệnh nhân này bỏng rát như kiến đốt, kim châm và sau đó phù nề, tấy đỏ, vỡ bọng nước. Gia đình phải lót bệnh nhân trên tấm chăn bông dày và chở tới Viện Da liễu quốc gia. Tại đây, sau 2 tuần chữa trị, rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý, tẩy hết chất axit vốn có trong kiến khoang và đắp dung dịch chống phù nề, bệnh nhân này mới được ra viện. May được cứu chữa kịp thời, nếu không, vùng da bìu của bệnh nhân kia có thể trở nên sần sùi do bỏng axit.

Suy gan, suy thận vì uống thuốc nam

Nhưng khủng khiếp nhất đối với các bệnh nhân sử dụng thoải mái thuốc nam, thuốc bắc chính là suy thận, suy gan, nhiễm độc toàn thân.

Một trong những phản ứng dị ứng mà các bác sĩ ngại gặp nhất chính là hội chứng Lyell. Bệnh nhân gần như bị bỏng toàn thân, với các triệu chứng sốt cao, toàn thân phù nề, đỏ ửng và nổi bọng nước khắp nơi.

Mới đây nhất, Viện da liễu Quốc gia vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 47 tuổi, quê ở Hải Phòng. Sau khi dùng thuốc bắc khoảng 1 tháng chữa bệnh khớp thì phát bệnh. "Khi tôi sờ đến đâu, da bệnh nhân tuột đến đấy, bám vào cả găng tay mình luôn. Có những nơi, nhìn thì thấy như da lành, nhưng cầm vào là tuột da ra ngay. Cảm giác ghê cả người vì mùi thối của da hoại tử. Phải điều trị 20 ngày sau, da bệnh nhân mới khô ráo dần. Tưởng là đã cứu được bệnh nhân trong tầm tay, nhưng 2 tuần sau, bệnh nhân có dấu hiệu gan và thận suy dần. Đó là giai đoạn hai của hội chứng Lyell khi bệnh nhân bị nhiễm độc gan và thận. Chúng tôi phải chuyển sang Bệnh Viện Bạch Mai để lọc thận nhưng cũng không cứu nổi" - BS Lãnh kể lại trường hợp gần đây nhất mình phải điều trị một bệnh nhân bị tử vong có nguyên nhân từ thuốc nam.

Có những bệnh nhân nhập viện vì uống tới 40 liều thuốc nam để chữa bệnh gout. Đến thang thứ 40 thì bắt đầu phát ban đỏ rải rác khắp cả người, lòng bàn tay chân dày cộp lên. Khi xét nghiệm thấy suy cả gan và thận, ure huyết tăng, cretein trong máu tăng và không thể cứu được bệnh nhân mặc dù có chạy thận nhân tạo.

Theo các bác sĩ, sở dĩ bệnh nhân uống quá nhiều thuốc nam, thuốc bắc thường dẫn tới suy gan thận là do trong các thang thuốc này được phép sử dụng một liều lượng nhỏ các kim loại nặng như asen, thuỷ ngân, bismuth... Những kim loại nặng này cơ thể không thể đào thải mà tích luỹ dần trong mỡ. Khi bệnh nhân uống quá nhiều thuốc, lượng kim loại nặng này tích dần, đủ liều sẽ gây ngộ độc, suy gan, suy thận.

BS Lãnh cho biết: "Người dân quan niệm thuốc nam, các loại thuốc từ thảo dược là lành. Quan niệm này không đúng, vì có những cây thực vật cực kỳ độc, như cây trúc đào có chất gây co thắt tim, ăn vài lá là chết ngay. Rồi lá cây ngón, cây sơn... Thực vật không có nghĩa là không độc. Trong khi đó, nhược điểm đông y là pha trộn nhiều vị thuốc, không thể xác định được có bao nhiêu chất. Có hàng ngàn chất trong một gói thuốc, đem pha trộn, nấu lên, phản ứng hoá học với nhau, lại tạo thêm mấy chất mới, không thể biết hết. Bởi vậy, vẫn thường xuyên có những bệnh nhân nhập viện vì dị ứng khi uống thuốc bắc, thuốc nam và các bác sĩ không thể biết là dị ứng với chất gì".

Do đường dùng của thuốc nam, thuốc bắc là qua đường tiêu hoá, nhiều chất được phân huỷ, được bộ máy tiêu hoá chặt nhỏ ra nên bớt độc, nhưng nguy cơ tiềm ẩn từ thuốc nam, thuốc bắc là luôn thường trực đối với nhiều người.


Hiền Lê

Bình luận
vtcnews.vn