Dân ăn mừng, Gaddafi giễu cợt lệnh bắt của tòa quốc tế

Thế giớiThứ Ba, 28/06/2011 07:38:00 +07:00

(VTC News) - Dù lãnh đạo hơn 41 năm, nhưng Gaddafi chưa hề có văn phòng chính thức, nên lệnh bắt giữ của ICC bị coi là "vô nghĩa".

(VTC News) - Dù lãnh đạo hơn 41 năm, nhưng Gaddafi chưa hề có văn phòng chính thức, nên lệnh bắt giữ của ICC bị coi là "vô nghĩa".

Hàng nghìn người dân đã nhảy múa và reo hò trên các đường phố tại trụ sở của phiến quân nổi dậy ở Benghazi (Libya) sau khi biết tin Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ Moammar Gadhafi, con trai và cố vấn thân cận của ông. Họ bị cáo buộc mắc phải các tội ác chống lại nhân loại do đã tàn sát những người dân phản đối sự cai trị của mình.

Lệnh bắt giữ này khiến chế độ Gaddafi bị tăng thêm áp lực, nhất là khi họ trở thành các mục tiêu không kích hàng ngày của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, điều này có thể sẽ tạo thêm một chút động lực cho ông Gaddafi trong việc chấp thuận một giải pháp hoà bình mà theo đó, có thể ông sẽ phải từ bỏ quyền lực – điều mà hiện tại ông chưa nghĩ tới - do lo sợ bị bắt giữ.

Ông Gaddafi không hề nao núng trước lệnh bắt giữ của Toà án Hình sự Quốc tế 

Thế nhưng, vào hôm qua, chính phủ Libya đã lên tiếng bác bỏ thẩm quyền của Toà án Hình sự Quốc tế tại đất nước này. Điều này đồng nghĩa với việc họ bác bỏ lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của toà án này.


Bộ trưởng Tư pháp Libya Mohammed al-Qamoodi đã phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Tripoli như sau: “Chính phủ Libya không tán thành các quyết định của Toà án Hình sự Quốc tế bởi đó chỉ là một thứ công cụ của các nước phương Tây nhằm khởi tố các nhà lãnh đạo ở thế giới thứ 3. Tổng thống Gaddafi và con trai ông không hề có một vị trí chính thức nào trong chính phủ Libya, do vậy, họ chẳng liên quan gì tới tuyên bố chống lại họ của ICC cả”.

Mặc dù giữ vai trò lãnh đạo đất nước này hơn 41 năm, nhưng ông Gaddafi chưa hề có văn phòng chính thức trong hệ thống chính trị của Libya.

Hậu phương vững chắc của Gaddafi bị “kìm chân”

Các nhà ngoại giao phương Tây cũng vừa cho biết Ủy ban Trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã ban hành lệnh cấm rời khỏi Libya đối với vợ của Gaddafi, đồng thời tịch thu bất kì tài sản nào ở nước ngoài của bà.

Hậu phương vững chắc của Gaddafi đang chịu nhiều lệnh trừng phạt 

Gaddafi và các thành viên khác trong gia đình ông đã có tên trong danh sách đen của Liên Hợp Quốc từ tháng 2, nhưng chỉ mới vào tuần trước, Nga mới tuyên bố sẽ đóng băng tài sản của một số nhà lãnh đạo ở Libya trong đó có vợ ông Gaddafi, bà Safia và Bộ trưởng Tài chính Abdulhafid Zlitni – những người có tên cả trong danh sách cấm xuất ngoại.


Lệnh cấm xuất ngoại và đóng băng tài sản đối với hai cá nhân trên chính thức được áp dụng từ ngày 24/6 vừa qua. Ngoài ra, lệnh này cũng sẽ được áp dụng đối với một số cá nhân khác và một số công ty ở Libya. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận danh sách các cá nhân, tổ chức phải thực thi lệnh này.

Sợ bị cô lập, Đức quay về với các đồng minh phương Tây

Vào hôm qua (17/6), Đức đã tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí cho NATO tiếp tục oanh tạc Libya. Theo đó, họ sẽ cung cấp các thành phần tạo bom và các vũ khí quân sự khác để hỗ trợ NATO trong cuộc chiến dài hơi ở đất nước nhỏ bé này.

Theo một số nguồn tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Thomas de Maziere đã phê chuẩn đề xuất này, tuy nhiên vẫn tái khẳng định Đức không trực tiếp tham chiến. Tờ Spiegel Online đưa tin hiện vẫn chưa rõ những thứ vũ khí Đức hỗ trợ cho NATO, tuy nhiên chúng có thể bao gồm các hệ thống hỗ trợ công nghệ cao và các hệ thống tên lửa hoàn chỉnh.

Sợ bị cô lập, Đức quyết định tiếp lửa cho NATO oanh tạc Libya 

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức đã nói với tờ Reuters rằng họ nhận được một lời đề nghị hỗ trợ vũ khí từ Cơ quan cung cấp và bảo trì vũ khí của NATO (NAMSA), nhưng từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về sự việc này.


Theo tờ Spiegel Online, Đức hi vọng việc cung cấp vũ khí sẽ được xem là một hành động thể hiện quốc gia này muốn chấp dứt cảnh bị cô lập sau khi đưa ra quyết định không đứng về phía Mỹ, Pháp, Anh mà theo chân Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil ngăn cản việc dùng vũ lực để thành lập một vùng cấm bay ở Libya trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc. Quyết định này cũng đã bị chỉ trích rất nhiều tại Đức.

Kiều Vui (tổng hợp Reuters, AFP, Telegraph)

Bình luận
vtcnews.vn