Kế hoạch nâng cấp quân đội "hoành tráng" của Indonesia

Thế giớiThứ Bảy, 26/03/2011 10:37:00 +07:00

(VTC News) – Trong 5 năm tới Indonesia sẽ chi khoảng 17 tỷ USD để nâng cấp và hiện đại hóa lực lượng Không quân của nước này, tăng cường các chiến dịch quân sự.

(VTC News) – Trong 5 năm tới Indonesia sẽ chi khoảng 17 tỷ USD để nâng cấp và hiện đại hóa lực lượng Không quân của nước này, tăng cường các chiến dịch quân sự. 

Sau nhiều năm bị bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây, giờ đây Indonesia đang “trở mình” trỗi dậy, cố gắng khôi phục nền kinh tế đất nước, hiện đại hóa quân đội ngang tầm với thời đại mới, tập trung phát triển lực lượng Hải quân và Không quân.

Indonesia là một quốc gia có nhiều vấn đề về đối nội (khủng bố của phái Hồi giáo quá khích, phong trào đòi ly khai độc lập của Ache của Papua) và đối ngoại (phân chia lãnh hải với sông Papua và Mã Lai) nhất trong ASEAN.

Su-30MK/MK2 

Hơn nữa, hiện nay Indonesia đang phải đương đầu với nạn hải tặc ngày càng gia tăng quanh các eo biển và hải đảo có tàu bè quốc tế qua lại. Do vậy, khả năng phòng thủ chính của Indonesia chỉ có thể dựa vào Không quân và Hải quân.

Idonesia dự kiến trong thời gian tới sẽ mua máy bay chiến đấu của các nước châu Âu, Mỹ và Nga, trong đó phương tiện kỹ thuật quân sự của Nga sẽ là hướng ưu tiên hàng đầu.

Theo nguồn tin từ Flightglobal MiliCAS, hiện nay trong biên chế của Không quân Ấn Độ chỉ có khoảng 194 máy bay và máy bay trực thăng, bao gồm máy bay tiêm kích F-16, Hawk Mk.209, Mirage 2000, Su-27CK/CKM, Su-30MK/MK2, máy bay cường kích OV-10 Bronco, máy bay tuần tiễu B737MPA, CN-235MPA, máy bay tiếp dầu KC-130B, máy bay vận tải C-130B/H/L-100 Hercules, C-212 Aviocar, Casa CN-235, Fokker F-27 Friendship, Pilatus PC-6 Porter, máy bay trực thăng tấn công và đa nhiệm AS332 Super Puma, Bell 412, EC725 Super Cougar và SA330 Puma.

 F-16

Ngoài ra, trong biên chế nghèo nàn của Không quân Indonesia hiện nay còn có cả máy bay trực thăng huấn luyện EC120B Colibri và máy bay SF.260, F-16B, Hawk Mk.53, Hawk Mk.109, KT-1 Ungbi và T-34 Mentor.

Trong tháng 3 vừa qua, Tư lệnh Không quân Indonesia, nguyên soái Imam Suffat tuyên bố, lực lượng Không quân cần phải được bổ sung và tăng cường thêm nhiều máy bay chiến đấu mới bởi vì trong 5 năm tới Indonesia dự định sẽ tăng cường thêm nhiều chiến dịch quân sự.

Tuy nhiên, ông Suffat đã từ chối tiết lộ cụ thể các chiến dịch quân sự mà quân đội, trực tiếp là Không quân Indonesia sẽ thực hiện trong thời gian tới. Không loại trừ khả năng Không quân Indonesia sẽ tham gia vào chiến dịch gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

 C-130

Thời gian qua, với tư cách là thành viên của Liên Hợp Quốc, Indonesia đã tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự của Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa dân chủ Congo, Li-băng, các chiến dịch thứ nhất và thứ hai tại Somali, tại Bosnia và Herzegovina, tại Campuchia. Ngoài ra, quân đội Indonesia cũng đã tham gia vào đội hình của Liên Hợp Quốc trong chiến dịch chế áp những người biểu tình nổ dậy ở Tây Papua.

Dự kiến, trong 5 năm tới Indonesia sẽ chi khoảng 150.000 tỷ rupee (gần 17 tỷ USD) để phát triển lực lượng Không quân, trong đó 2/3 kinh phí được trích từ ngân sách quốc gia, số còn lại Bộ Quốc phòng Indonesia nhận dưới dạng vay tín dụng.

Số tiền này sẽ được sử dụng để mua hàng loạt máy bay chiến đấu mới, trong đó chủ yếu là máy bay tiêm kích, máy bay vận tải quân sự và máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn, đồng thời sẽ chi vào việc nâng cấp các phương tiện tác chiến trên không hiện đang có trong biên chế.

 Hawk Mk

Đặc biệt, Indonesia sẽ tập trung nâng cấp 4 chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn Su-27CK và Su-30MK thành biến thể CKM và MK2, 10 máy bay F-16A/B, đồng thời tiến hành đại tu 15 máy bay tiêm kích F-5E.

Tháng 1/2011, Indonesia đã ký hợp đồng với Hãng Arinc Engineering của Mỹ để nâng cấp 5 máy bay vận tải quân sự C-130B. Theo đó, C-130B sẽ được trang bị thêm hệ thống điện tử mới và một vài chi tiết trên thân vỏ, sau đó sẽ trở lại biên chế của Không quân Indonesia trong 3 năm tới.

Indonesia cũng dự định sẽ mua 6 chiếc máy bay vận tải quân sự C-27J Spartan hoặc Casa CN-295 trong khuôn khổ chương trình mời thầu. Ngày 21/3 Hãng hàng không Garuda của Indonesia đã bàn giao cho Không quân nước này chiếc máy bay vận tải đã qua sử dụng B737-400 để sử dụng như phương tiện vận tải quân sự VIP chở binh lính đổ bộ.

Hiện nay, Indonesia đang tiến hành đàm phán với Mỹ về việc cung cấp 24 máy bay tiêm kích F-16A/B Block 25 đã qua sử dụng. Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã đề nghị chuyển giao miễn phí cho Indonesia những chiếc máy bay này nhưng với điều kiện chúng phải được sửa chữa và nâng cấp lại tại các xí nghiệp của Mỹ.

Indonesia đã chấp thuận lời đề nghị này từ phía Mỹ với tuyên bố, nâng cấp phiên bản máy bay tiêm kích F-16A/B Block 25 thành phiên bản F-16C/D Block 52 còn rẻ hơn nhiều so với mua 6 chiếc máy bay tiêm kích mới F-16C/D Block 52 đã dự tính mua trước đó.

Không chỉ có Mỹ, Indonesia cũng đã gửi đề nghị không chính thức tới Anh về việc mua 24 máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon. Nếu Chính phủ Anh (nước vẫn chưa rỡ bỏ cấm vận đối với Indonesia) chấp thuận đề nghị này thì hợp đồng sẽ có giá khoảng 5 tỷ bảng Anh (tương đương 8,1 tỷ USD). Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa rõ khi nào Chính phủ Anh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong kế hoạch mua sắm phương tiện tác chiến hàng không, Indonesia sẽ ưu tiên mua máy bay do Nga sản xuất. Bộ Quốc phòng Indonesia tuyên bố, trong 20 năm tới sẽ mua 180 máy bay tiêm kích loại Su để thành lập ra 10 phi đội bay sử dụng loại máy bay này.

KF-X thế hệ 4++ 

Hiện nay, trong biên chế của Không quân Indonesia có khoảng 2 chiếc Su-27CK, 3 chiếc Su-30MK, 2 chiếc Su-27CKM và 3 chiếc Su-30MK2. Vào tháng 9/2010 Indonesia tuyên bố mua thêm 6 chiếc máy bay tiêm kích Su-30MK2. Như vậy, trong tương lai máy bay tiêm kích của Nga vẫn sẽ là chủ đạo trong đội hình máy bay tác chiến của Không quân Indonesia.

Bên cạnh đó, hiện nay Indonesia còn cũng đang tham gia dự án chế tạo chung máy bay tiêm kích tàng hình KF-X thế hệ 4++ với Hàn Quốc. Hai bên đã tiến hành ký kết các văn bản có liên quan đến dự án này vào tháng 6/2010.

Về đặc tính kỹ-chiến thuật, máy bay tiêm kích KF-X ứng dụng công nghệ tàng hình có khả năng vượt qua cả dòng máy bay tiêm kích Rafale và Typhoon, song so với máy bay tiêm kích hiện đại F-22 Raptor, F-35 Lightning II của Mỹ thì vẫn còn kém xa. Indonesia dự định sẽ sở hữu khoảng 50 máy bay tiêm kích KF-X.

Hiện vẫn chưa rõ Chính phủ Indonesia đang nỗ lực đạt được những mục tiêu nào trong chiến lược phát triển tiềm lực quốc phòng của đất nước. Chỉ biết, từ khi Mỹ và phương Tây rỡ bỏ cấm vận (2005), ngân sách quốc phòng của Indonesia liên tục tăng. Năm 2005 ngân sách quốc phòng của Indonesia chỉ có 21,97 nghìn tỷ rupee (tương đương 2,5 tỷ USD) thì trong ngân sách quốc phòng năm 2011 của nước này đã lên tới 47,5 nghìn tỷ rupee.

Tuy nhiên, mức tăng đó vẫn chưa đủ để mua mới và nâng cấp phương tiện kỹ thuật quân sự hiện có đã quá cũ kỹ, lạc hậu sau nhiều năm bị bao vây, cấm vận quốc tế.

Không loại trừ khả năng, sự thiếu hụt về chi phí sẽ được bù đắp nhờ các khoản tín dụng quốc tế. Đặc biệt, vào tháng 9/2007 Nga đã dành cho Indonesia khoản tín dụng xuất khẩu trị giá hàng tỷ USD để mua xe chiến đấu BMP-3F, máy bay trực thăng vận tải Mi-17, máy bay trực thăng tấn công Mi-35M và tàu ngầm dự án 877 Paltus cho lực lượng lính thủy đánh bộ.

Hiện nay, Indonesia đã nhận được một phần số phương tiện tác chiến này, riêng hợp đồng cung cấp tàu ngầm sẽ hoàn tất vào cuối năm 2011. Trong tháng 3 này, Nga cũng đã dành cho Indonesia thêm một khoản tín dụng nữa có trị giá 5,95 triệu USD để mua sắm vũ khí, trang bị của Nga.

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn