Đức, Mỹ, Anh, Italia đều có hiện diện quân sự gần Libya

Thế giớiThứ Năm, 03/03/2011 10:21:00 +07:00

(VTC News) - Không nằm ngoài dự đoán, các nước phương Tây lần lượt cử tàu chiến và lực lượng vũ trang của mình tiến tới khu vực Bắc Phi.

(VTC News) – Sau hai tuần giao tranh ác liệt giữa quân đội Libya và đoàn người biểu tình chống đối đã chứng tỏ rằng đây không phải là hoạt động biểu tình chống Chính phủ thông thường mà là một cuộc nội chiến quy mô lớn. 

 
Ban đầu, cộng đồng quốc tế liên lục lên án chỉ trích hành động của chính quyền Libya đối với người biểu tình chống chính phủ đương nhiệm nhưng sau khi có thông tin cho rằng, chính quyền của ông Muammar Gaddafi đã phải chuyển sang sử dụng cả không quân để chế áp người biểu tình thì nhiều lãnh đạo lại lo ngại về khả năng can thiệp từ bên ngoài.

Không nằm ngoài dự đoán, các nước phương Tây lần lượt cử tàu chiến và lực lượng vũ trang của mình tiến tới khu vực Bắc Phi (thậm chí là vào cả lãnh thổ của Libya) để sơ tán các công dân của mình đang bị mắc kẹt ở đây.

Ngày 24/2 Đức là quốc gia đầu tiên cử tàu chiến đến bờ biển Libya để sơ tán các công dân của mình đang bị mắc kẹt ở đây. Điều đáng chú ý là Đức cử tới 3 tàu chiến và 600 lính thủy đánh bộ đến Libya để sơ tán khoảng 160 công dân của mình.

Tiếp theo Đức, Italia cũng lên tiếng mở “chiến dịch quân sự” tiến vào Libya. Ngày 25/2 Bộ trưởng Quốc phòng Italia Ignazio La Russa tuyên bố, quân đội Italia đã sẵn sàng và chỉ đợi lệnh để đưa quân tới nước thuộc địa cũ (Libya).

Nhiệm vụ của quân đội Italia ở Libya là sơ tán khẩn cấp khoảng 400 công dân của mình đang lánh nạn ở Đông Bắc Libya và sống trong cảnh thiếu lương thực về nước an toàn, thoát khỏi vùng bạo loạn.

Gần đây nhất là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates về việc điều động tàu chiến và binh lính tiến vào Địa Trung Hải, trong đó có cả tàu sân bay và nhiều tàu chiến hiện đại khác.

Mỹ vẫn khẳng định rằng, việc điều động này là nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các chiến dịch viện trợ nhân đạo cho Libya, đồng thời kiểm soát không phận nước này để không cho chính quyền Libya sử dụng không quân đàn áp người biểu tình. Tuy nhiên, Mỹ cũng khẳng định trong trường hợp cần thiết vẫn có thể sử dụng tới lực lượng vũ trang để can thiệp vào Libya khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Rõ ràng các hoạt động này của một số quốc gia phương Tây không khỏi khiến cho Libya nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung lo ngại về sự xâm chiếm và can thiệp quân sự của nước ngoài vào tình hình nội bộ Libya.

Trong khi đó phía NATO vẫn liên tục khẳng định rằng, NATO không hề có kế hoạch hay ý định sử dụng vũ lực để giải quyết khủng hoảng chính trị ở Libya. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có ngoại lệ xảy ra khi xuất hiện tình huống khẩn cấp không thể trì hoãn.

Theo nhận định, việc một số quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Italia… (NATO) cử lực lượng quân sự đến sát các khu vực của Libya là hành động “nhất cử lương tiện”.

Thứ nhất, đây là lực lượng giải cứu, sơ tán công dân của các nước này rời khỏi Libya an toàn. Thứ hai, việc triển khai lực lượng quân sự tiến gần đến Libya dưới vỏ bọc sơ tán công dân là “danh chính ngôn thuận”. Thứ ba, đây cũng là lực lượng sẵn sàng can thiệp vào tình hình Libya khi diễn biến “không mong muốn” có thể xảy ra như tuyên bố của Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.

Hữu Kỷ - Nhật Minh – Lê Dũng (Theo Lenta)

 

Bình luận
vtcnews.vn