2010: Mỹ liên tiếp gặp khó khăn về đối nội, đối ngoại

Thế giớiThứ Sáu, 31/12/2010 10:40:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng của Mỹ ở châu Á khó che giấu ý đồ thực sự bên trong, giống như “Hạng Vũ múa kiếm, ý nhằm vào Lưu Bang”.

(VTC News) - Trong năm qua, mặc dù Mỹ có rất nhiều tham vọng lớn cả đối nội và đối ngoại, nhưng không phải mọi nỗ lực đều có kết quả, thậm chí phản tác dụng, và nước Mỹ đứng trước rất nhiều khó khăn.

Năm 2010, Mỹ vướng vào khó khăn liên tiếp cả bên trong và bên ngoài. Bị ảnh hưởng bởi kết quả bầu cử giữa kỳ, chính phủ Mỹ “được cái nọ, thì mất cái kia” trong rất nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại.

Obama bị giáng 1 đòn nặng trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ. 

Trong sự va chạm thực tế nghiệt ngã đó, nhuệ khí cầm quyền ban đầu của chính quyền Obama đã giảm đáng kể. So với các tuyên bố chính sách khi Obama tranh cử Tổng thống hai năm trước, hàm nghĩa từ "thay đổi" đã có một cách hiểu khác.

Cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 2/11 đã có ảnh hưởng mang tính chi phối đối với công tác đối nội, đối ngoại năm 2010 của Mỹ. Kết quả bầu cử cho thấy, Obama không thể thoát khỏi bóng ma của "chu kỳ chính trị": địa vị đa số ghế tại Hạ viện Mỹ đã đổi chủ, Đảng Dân chủ chỉ có thể giữ Thượng viện với đa số ghế mong manh. Obama nói, kết quả bầu cử này là một “đòn mạnh” đối với ông.

Năm 2010, chính phủ Mỹ đã dành rất nhiều nguồn lực chính trị để thúc đẩy cải cách bảo hiểm y tế và cải cách quản lý, giám sát tài chính một cách khó khăn. Các ngày 23/3, 21/7, Obama đã lần lượt ký dự luật cải cách bảo hiểm y tế và dự luật cải cách quản lý, giám sát tài chính.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất đồng USD và bơm tiền vào nền kinh tế Mỹ. 

Dự luật thứ nhất nhằm mở đường cho thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân của Mỹ, được coi là sự thay đổi lớn nhất trong nửa thế kỷ qua của hệ thống an sinh xã hội Mỹ. Dự luật thứ hai nhằm bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết các vấn đề có tính rủi ro hệ thống của ngành tài chính, giúp Mỹ tránh tái diễn khủng hoảng tài chính như năm 2008.

Tuy nhiên, hai thành tích lập pháp có ý nghĩa sâu sắc này đã không kết thúc được sự khác biệt liên quan trong xã hội Mỹ. Dưới sự kìm hãm của cuộc bầu cử giữa kỳ mang đậm màu sắc đảng phái, sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế, cộng với những thảm họa như sự cố tràn dầu vùng Vịnh Mexico kéo dài, vô tình hay hữu ý đã làm dấy lên sự bất mãn nhiều hơn.

Có chuyên gia cho rằng, sự phàn nàn lớn nhất của các cử tri Mỹ là, chính phủ đã trở nên quá lớn, và thiếu độ tin cậy, ngay cả những điều nhỏ nhất cũng thường mất kiểm soát.

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho chính phủ Obama hứng chịu một “đòn nặng” trong cuộc bầu cử giữa kỳ là phục hồi tình hình kinh tế thiếu hiệu quả. Lấy tăng trưởng xuất khẩu và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và việc làm trong nước, là biện pháp quan trọng vực dậy nền kinh tế của chính phủ Mỹ.

Trong báo cáo tình hình quốc gia đầu tiên tháng 1/2010, Obama đã đưa ra mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong vòng 5 năm tới, và có kế hoạch thông qua tăng cường xuất khẩu để tạo ra 2 triệu cơ hội việc làm. Tháng 3/2010, chính phủ Mỹ chính thức đưa ra kế hoạch xuất khẩu quốc gia, thiết lập Hội đồng xuất khẩu và thành lập Ủy ban xuất khẩu Quốc gia.

Mỹ khởi động lại quan hệ với Nga 

|Ngày 6/9, Obama lại công bố một kế hoạch 50 tỷ USD, dùng cho xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng cơ sở như đường quốc lộ, đường sắt, đường băng sân bay. Mặc dù Ủy ban Đo lường Chu kỳ thương mại, Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ ngày 20/9 tuyên bố, cuộc suy thoái kinh tế này đã cướp đi hơn 7 triệu việc làm, làm “bay hơi” 4,1% tăng trưởng kinh tế, làm thất thoát 21% tài sản của người Mỹ…, đã kết thúc vào tháng 6/2009.

Nhưng trong tình hình tỷ lệ thất nghiệp cả năm rất cao (9,6%), bội chi ngân sách lớn và khó khăn nợ nần chưa được giải quyết, thì cảm giác thực tế của người dân Mỹ rõ ràng là vô cùng u ám.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner thừa nhận, nguy cơ hàng đầu của nền kinh tế Mỹ hiện nay là "tăng trưởng không đủ nhanh". Khoảng cách tăng trưởng giữa dự kiến và thực tế làm cho chính phủ Obama phải trả giá nặng nề về chính trị, quan điểm chính sách của họ cũng bị nghi ngờ rất nhiều.

Nhân sĩ truyền thông nổi tiếng Mỹ là Zakaria cho rằng, các biện pháp giải cứu khẩn cấp để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính là một chuyện, chính sách làm cho nền kinh tế thực sự bắt đầu tăng trưởng là một chuyện khác.

Washington kêu gọi người tiêu dùng ngừng tiết kiệm, bắt đầu chi tiêu. Đồng thời, chính phủ phát hành trái phiếu nhiều hơn, Cục Dự trữ Liên bang giảm lãi suất, tất cả các biện pháp đều đang làm tăng nợ nần.

Nói cách khác, Mỹ đang chiến đấu với một cuộc khủng hoảng xảy ra bởi nợ nần quá mức. Ông chất vấn rằng, chính sách khuyến khích nợ nần quá mức này có thực sự là cách tốt nhất để tăng trưởng dài hạn hay không?

Obama thay tướng giữa đường tại chiến trường Afghanistan 

Chuyên gia vấn đề đầu tư Mỹ Grantham đã có câu trả lời phủ định đối với vấn đề này. Ông cho rằng, chính sách "khuyến khích mọi người tích lũy nợ" của chính phủ Mỹ không những không kích thích tăng trưởng kinh tế, tình hình thực tế hoàn toàn ngược lại.

Trên thực tế, tất cả các biện pháp kích thích nợ nần của chính phủ đều có tác dụng… tạo ra bong bóng của nền kinh tế.

Ngày 20/9, trước khi kết thúc Hội thảo “Ảnh hưởng của quan hệ Trung-Mỹ đối với châu Á” tổ chức tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, Washington, người chủ trì phía Mỹ bất ngờ đặt một câu hỏi cho các chuyên gia vấn đề quốc tế của Nga, Ấn Độ, Singapore và Nhật Bản: "Các bạn nhìn nhận thế nào về mệnh đề “Mỹ đang suy yếu”?".

Dưới sự lo ngại chiến lược “Mỹ đang suy yếu”, chính phủ Obama thể hiện mạnh mẽ nổi bật ở khắp mọi nơi trong ngoại giao toàn cầu năm 2010, nhưng lại khó tránh khỏi lộ ra những khó khăn “lực bất tòng tâm”.

"Khởi động lại" quan hệ với Nga tiếp tục trở thành điểm tựa quan trọng trong điều chỉnh ngoại giao toàn cầu của Mỹ. Sau khi trải qua thương lượng khó khăn, hai nước Mỹ và Nga vào tháng 4/2010 đã chính thức ký "Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược" mới (START mới).

Sau đó, thông qua sự thúc đẩy toàn lực của chính phủ Obama và Đảng Dân chủ, Thượng viện Mỹ cuối cùng đã phê chuẩn hiệp ước này vào ngày 22/12/2010. Đảng Dân chủ nhấn mạnh, việc trì hoãn thông qua hiệp ước này sẽ là một cú đánh lớn vào những nỗ lực "khởi động lại" quan hệ Mỹ-Nga.

Để bảo vệ xu thế “khởi động lại”, sự cố điệp viên xảy ra trong năm 2010 cũng được chính phủ Obama xử lý nhẹ nhàng.

"Trở lại" châu Á đã trở thành tâm điểm của “cuộc tấn công” ngoại giao Mỹ năm 2010. Cùng với việc xác định và ứng xử khác nhau với các nước châu Á gồm “đồng minh truyền thống”, “đối tác chiến lược” và “lực lượng mới nổi”, năm 2010 nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng của Mỹ ở châu Á khó che giấu ý đồ thực sự bên trong của họ, giống như “Hạng Vũ múa kiếm, ý nhằm vào Lưu Bang”.

Hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan vẫn còn gây chia rẽ trong xã hội Mỹ. Tháng 8/2010, lực lượng chiến đấu quân đội Mỹ rút khỏi Iraq, nhưng sự bất ổn tình hình chính trị, an ninh của Iraq vẫn là một nỗ lo rất lớn của Mỹ.

Tháng 6/2010, Tư lệnh quân Mỹ tại Afghanistan McChrystal đã bị cách chức, bất đắc dĩ phải "thay tướng trước trận", đã lộ ra sự chia rẽ nghiêm trọng của tầng lớp cấp cao Mỹ trong vấn đề Afghanistan. Trong nhiều vấn đề then chốt như quan hệ với chính phủ Afghanistan, mặc dù Mỹ có nhiều thứ chưa hài lòng, nhưng lại không có đối sách tốt.

Vấn đề đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Palestine và Israel làm cho Mỹ tốn rất nhiều tâm sức. Do vấn đề xây dựng khu định cư của Israel đã trở thành nút chết không thể vượt qua, sau khi khởi động đàm phán hòa bình, lại tiếp tục rơi vào bế tắc.

Ngày 7/12, chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố từ bỏ những nỗ lực thuyết phục Israel mở rộng xây dựng khu định cư Do Thái ở Bờ Tây sông Jordan, tiếp tục tìm kiếm khâu đột phá nhằm phá vỡ bế tắc.

Ngay từ khi chính phủ Obama mới lên nắm quyền, Mỹ đã đầu tư đáng kể nguồn lực ngoại giao để khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel-Palestine, thất bại mới này đã làm cho Mỹ bị tổn thương rất nhiều. Trong vấn đề hạt nhân Iran, Mỹ đã gạt qua một bên chính sách "tiếp xúc", và một lần nữa các biện pháp trừng phạt gia tăng cũng đã phản tác dụng.

Lê Dũng(Theo Tân Hoa Xã)
Bình luận
vtcnews.vn