Điều gì khiến đối thủ sợ Hyundai?

XeChủ Nhật, 28/03/2010 05:10:00 +07:00

(VTC News) – Tăng trưởng mạnh mẽ trong khủng hoảng, Hyundai khiến các đối thủ sừng sỏ khác phải lo sợ. Điều gì khiến hãng xe này làm được điều đỏ?

(VTC News) - Với chất lượng tốt nhất có thể, chiến lược marketing táo bạo, luôn luôn tìm cách đổi mới mình, Hyundai đang nỗ lực để vươn lên dẫn đầu. Điều này đang làm cho các đối thủ sừng sỏ khác phải lo sợ.

Ngay trên tầng hai trụ sở chính của Hyundai Motor - phía nam Seoul, là GCCC (Global Command and Control Center) - trung tâm hoạt động suốt 24 giờ. Mô phỏng theo kiểu mẫu của phòng tin CNN ở Atlanta với hàng tá máy tính tiếp nhận video và dữ liệu, trung tâm này giúp Hyundai kiểm soát hoạt động của mình trên toàn thế giới. Các phụ tùng lắp ráp được theo dõi khi chuyển đi từ nhà cung cấp cho đến khi tới phân xưởng. Camera được đặt ngang với dây chuyền lắp ráp từ Bắc Kinh đến Montgomery, theo dõi chặt chẽ “người khổng lồ” Hyundai Ulsan, Hàn Quốc – phân xưởng lắp ráp tô lớn nhất thế giới, và cũng là nơi thường xuyên diễn ra những bất ổn về lao động.

 

Ảnh Khánh Hòa 

Nếu bạn là gián điệp bí mật của đối thủ cạnh tranh? Hệ thống GCCC sẽ theo dõi mọi hoạt động của Phòng nghiên cứu và phát triển của Hyundai trên khắp châu Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ, cũng như cơ ngơi có diện tích rộng đến hơn 1.700 hecta trong sa mạc Mojave, California, đường biên bao quanh dài đến hơn 10km.

 

Không một người nào bên ngoài được phép vào tham quan hệ thống GCCC. Thậm chí các nhân viên của Huyndai còn không được phép nói về điều đó. Nhưng sự tồn tại của hệ thống này khẳng định cách Hyundai đánh giá bản thân và các đối thủ khác. Hyundai khẳng định, công ty không chỉ mong giành được chiến thắng mà còn tin rằng sẽ giành chiến thắng. Bằng cách theo dõi mọi hoạt động trong thời gian thực, Hyundai có thể ngay lập tức phát hiện ra các vấn đề và phản ứng nhanh chóng. Đó thực sự là một triết lí khác biệt đối với một công ty về ô tô. Trong khi Toyota phát triển nhờ tính ổn định, Honda thành công nhờ sự sáng tạo thì Hyundai lại khẳng định vị trí của mình nhờ sự năng nổ và tốc độ.

 

Giờ đây, Huyndai có thể vượt qua mọi giới hạn của mình. Với lợi thế từ giá đồng nội tệ thấp và dòng sản phẩm thế hệ mới, Hyundai đã đưa lượng sản phẩm tiêu thụ tăng vọt tại các thị trường lớn trên thế giới. Cùng với Kia, công ty mà Hyundai nắm giữ 39% cổ phần, hãng này đã thống trị thị trường Hàn Quốc với 80% doanh số trong năm. Bên cạnh đó, với những ưu đãi dành cho khách lẻ và bán buôn, doanh thu tại Mỹ đã tăng đến 7% trong khi tổng doanh thu tại thị trường này giảm 24%. Tổng doanh số của Hyundai đã tăng ngoạn mục trong tháng 11: 46% so với năm trước, trong đó, doanh số của KIA tăng đến 18%. Tại Trung Quốc, nơi thị trường ô tô tăng vọt do những chính sách khuyến khích của chính phủ, doanh số của Hyundai đã tăng đến 150% trong tháng 9, đưa công ty lên vị trí thứ 2 trong tổng số các nhà sản xuất ô tô quốc tế, chỉ sau Volkswagen.

 

Thành công bắt đầu từ thất bại

 

Để tận dụng bước đà này, Hyundai đang tích cực cho ra mắt các mẫu xe mới của mình một cách nhanh chóng. Khách hàng tại Mỹ được “diện kiến” chiếc Sonata 2011 bóng bẩy vào tháng 12, sớm trước 2 tháng so với kế hoạch do Hyundai đã đẩy nhanh việc sản xuất – đây được coi là một động thái bất thường. Bởi, thông thường các nhà sản xuất xe hơi rất ghét việc thay đổi kế hoạch bởi chi phí đắt đỏ, ảnh hưởng đến việc vận hành và gây ra các vấn đề về dây chuyền lắp ráp. Thế nhưng, Hyundai quyết định vẫn tiếp tục tiến hành việc đẩy nhanh sản xuất. Hãng đã nhận được những thông tin tốt từ đợt kiểm tra chất lượng đầu năm, các nhà cung cấp đều xác nhận có đủ hàng và các kĩ sư đã sẵn sàng ở phân xưởng Alabama. Vì vậy, tốc độ đã trở thành một lợi thế cạnh tranh.

 

Sự chuyển  đổi nhanh chóng và mạnh dạn ấy đã đưa Hyundai Motor trở thành công ty sản xuất xe hơi có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Trong bối cảnh doanh số bán xe hơi toàn cầu sụt giảm, Hyundai đã lập được một kỉ lục, đạt 832 triệu USD trong quý 3 năm 2009. Các nhà phân tích dự đoán, lãi thuần của công ty có thể tăng đến 40% trong năm nay. Mặc dù là một công ty còn trẻ - qua 43 năm – Hyundai đã vươn lên vị trí thứ 5 trong tổng số các nhà sản xuất xe hơi lớn mạnh nhất hiện nay. Theo thống kê của HIS Global Insight, trải qua 107 năm phát triển, Ford Motor đang đứng ở vị trí thứ 4. Còn Toyota vẫn luôn khẳng định, Hyundai là đối thủ đáng sợ nhất. Và bây giờ, nỗi sợ hãi đó đã biến thành cơn ác mộng.

 

Mặc dù thành công như vậy, các chuyên gia của Huyndai vẫn muốn đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của mình. Hiện nay, Hyundai và Kia có tổng cộng 5,8 triệu xe con và xe tải. “Chúng tôi sẽ nâng con số này lên 6,5 triệu xe trong vòng 2 năm tới” - Steve Yang, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Hyundai phát biểu. Năm 2009, Hyundai đã sản xuất được 5,2 triệu xe, nghĩa là để đạt được mục tiêu trên, hãng xe này sẽ phải vận hành hết công suất. Các chuyên gia xe hơi phương Tây cảnh báo, việc nhanh chóng tăng số lượng xe có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và làm loãng nguồn vốn của công ty này. Song, ngài Yang đã mỉm cười lịch sự “Việc đạt được nhưng mục tiêu tưởng chừng như không thể chính là cách Hyundai kinh doanh”.

 

Hyundai gia nhập thị  trường xe hơi Mỹ năm 1986 với một mẫu xe duy nhất – Excel – bán với giá 4.995 USD – một món quá hời với người dân Mỹ. Hyundai lập kỉ lục đầu tiên với 126.000 xe. Đến năm thứ 2, Hyundai tung ra slogan “Cars that make sense” và lập nên một kỉ lục nữa, 264.000 xe Excel. Do quá nóng vội, Hyundai đã phạm một sai lầm chết người: Bán những chiếc xe kém chất lượng cho những người không có khả năng chi trả. Khi bị thu hồi, chất lượng những chiếc xe này tệ đến mức giá trị của chúng còn thấp hơn cả những khoản vay còn tồn đọng.

 

Hyundai tiếp tục mạo hiểm khi cho ra đời dòng xe hạng sang Equus, giá cao hơn tất cả những xe Huyndai đã từng bán đến hàng nghìn đô. Chiếc Equus (tiếng Latin có nghĩa là “chiến mã”) có giá đến 60.000 USD, cao hơn dòng xe Cadillacs, thiết kế cạnh tranh với những chiếc xe hạng sang hiện nay như Mercedes, BMW hay Audi – có giá đắt hơn Equus 20.000 USD.

 

Tùy quan điểm mỗi người, có thể cho rằng sự ra đời của dòng xe Equus là sự tham vọng, kiêu căng hoặc điên rồ. Một nhãn hiệu xe bình dân như Hyundai khó có thể thuyết phục người ta mua những chiếc xe hạng sang như vậy. Khi khách hàng muốn sở hữu một chiếc xe hạng sang, họ sẵn sàng trả giá cho thương hiệu uy tín. Cách đây vài năm Volkswagen đã từng cố gắng bán chiếc Phaeton với giá 70.000 USD nhưng không thành. Mặc dù có những đặc tính kĩ thuật vượt trội, những khách hàng tiềm năng vẫn không thích sự kết hợp của một nhãn hiệu xe bình dân với dòng xe sedan cao cấp.

 

Equus – Thử nghiệm đối với dòng xe hạng sang

 

Với những ưu điểm vượt trội của mình, Equus là người chiến thắng. Fortune đã có cơ hội thử nghiệm chiếc xe Equus tại Hàn Quốc, và thật đáng ngạc nhiên, chiếc xe này có thể sánh ngang với những chiếc du lịch hạng sang của Đức trong điều kiện lái thông thường. Ngoại thất với những chi tiết mạ crome, tuân thủ những tiêu chuẩn cho một chiếc xe hơi hạng sang. Nội thất được làm bằng vật liệu tốt nhất trong ngành ô tô, thiết kế với bố cục hài hòa. Ghế sau có không gian rộng rãi, được trang bị thêm rất nhiều tiện ích, trong đó phải kể đến hệ thống massage tạo cảm giác thật. Động cơ V8 – 4.6l chạy êm và ổn định - đây chính là yếu tố thu hút khách hàng hơn bất cứ “ngôi sao ba cánh” nào.

 

Hyundai không chỉ  tập trung mở rộng thị trường mà còn cải thiện đáng kể chất lượng xe sản xuất. Khi đã  được biết đến là một nhãn hiệu xe giá  hợp lý, thân thiện – Hyundai tiếp tục cung cấp cho khách hàng một chế độ bảo hành toàn diện để bù lại những thiếu sót về cơ khí – kĩ thuật. Đến nay, Huyndai đã trở thành một thương hiệu uy tín và là một sự lựa chọn tiêu dùng thông minh. 

 

Quá  trình bứt phá

 

Quay trở về những ngày đầu thành lập, tiền thân của Huyndai là công ty Cơ khí và lắp đặt Hyundai (Hyundai trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là “hiện đại”) ra đời từ sau Thế chiến thứ II. Năm 1967, công ty này thành lập Hyundai Motor. Do mức thuế cao làm hạn chế sự phát triển của các hãng sản xuất xe hơi nước ngoài, Hyundai Motor phát triển mạnh và tách ra hoạt động như một doanh nghiệp độc lập. Cùng năm đó, Hyundai mua cổ phần kiểm soát của đối thủ Kia – khi công ty này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Dần dần hai công ty này sát nhập ở những chức năng chung để tận dụng lợi thế về qui mô – nhưng vẫn tách biệt hai thương hiệu Hyundai và Kia trong các chiến dịch marketing và phân phối. Huyndai đóng vai trò như một người trưởng thành, có trách nhiệm, còn Kia là một đứa trẻ hiếu động.

 

Tại Mỹ, bánh xe của Huyndai quay chậm chạp sau thất bại của Excel – bán xe giá rẻ cho người có thu nhập thấp. Nỗ lực này vấp phải trở ngại khi nên kinh tế mỹ suy thoái, bộ phận kinh doanh không thể đạt được doanh thu nhu yêu cầu. Tuy nhiên, cùng với quá trình cải thiện chất lượng xe của mình, Hyundai đã chú trọng đến việc thiết kế mẫu xe quốc tế nhằm thu hút thị trường hơn. Các dòng xe của hãng thân thiện với môi trường, thiết kế chi tiết tinh tế hơn, từ bỏ phong cách Hàn Quốc truyền thống, hướng đến sự khác lạ và cầu kì.

 

Hai xu hướng –  cải tiến chất lượng và thiết kế sắc sảo  – xuất hiện đồng thời vào năm 2008 với sự ra mắt của dòng xe Genesis Sedan. Tiếp tục sự phát triển của dòng xe hạng trung Sonata, chiếc Genesis được trang bị động cơ V6 (có thêm một lựa chọn cho động cơ V8) thiết kế đẹp mắt, cạnh tranh với phân khúc đầu dòng xe hạng sang như Lexus ES 350. Phóng viên có mặt tại Bắc Mỹ trong cuộc thi “Cars of the Year” (Xe hơi của năm) đã rất ngạc nhiên về người thắng cuộc năm 2009. Ewannick và nhóm của ông đã giành được giải thưởng và thành lập trung tâm quảng bá sản phẩm của họ. Khởi đầu với mức giá 32.250 USD, chiếc Genesis được đánh giá là khá hấp dẫn với người mua hàng. Dòng xe này tiêu thụ trung bình 1.500 chiếc/ tháng. Sự thành công của Genesis tại phân khúc thị trường này báo hiệu Hyundai sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất xe hàng đầu thế giới.

 

Nhanh nhẹn trong mọi vấn đề nhưng Hyundai tỏ ra khá chậm chạp trong việc phát triển nguyên liệu thay thế . Hyundai đã không đưa ra được loại nguyên liệu tiết kiệm mãi cho đến mùa hè năm ngoái – khi mà Toyota đã bán Prius được hơn 10 năm. Tuy nhiên, Hyundai vẫn nuôi những tham vọng lớn. Mặc dù bắt đầu khá muộn, Hyundai vẫn đặt mục tiêu bán 500.000 xe dùng động cơ xăng-điện từ nay đến năm 2018. Đồng thời, Hyundai cũng phát triển sản xuất pin liti-polymer nhỏ hơn 40% và nhẹ hơn 35% so với pin được sử dụng trong Prius.

 

Làn sóng ra đời các loại xe mới sẽ khiến cả Hyundai và Kia bận rộn trong vài năm tới. Cả hai công ty sẽ phát triển nhờ vào doanh số bán hàng trên toàn bộ dòng sản phẩm của Hoa Kỳ trong vòng 4 năm– tỉ lệ thay thế cao nhất trong ngành công nghiệp, theo dự báo của Merill Lynch, Ngân hàng Hoa Kỳ. Hyundai và Kia sẽ giành được 3,5 điểm thị phần trên qui mô này. Điều đó đủ khiến công ty Hàn Quốc này vượt qua Chrysler và Nissan, giành vị trí thứ 5 tại thị trường Mỹ.

 

Cổ nhân có  câu “Dục tốc bất đạt” – nhưng không có một dấu hiệu nào cho thấy Hyundai sẽ chậm lại, và thực sự cho đến giờ vẫn chưa có một báo cáo thương vong nào có thể quật ngã được tham vọng của Huyndai.

 

Khánh Hòa (theo Fortune)

Bình luận
vtcnews.vn