TS Nguyễn Văn Khải thực nghiệm về ánh sáng lạ ở Hà Nội

Thời sựThứ Năm, 04/11/2010 02:51:00 +07:00

(VTC News) - Phóng viên VTC News đã cùng "ông già Ôzôn" - tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải thực nghiệm trực tiếp tại nhà anh Hoài vào tối 3/11.

(VTC News) - Trước sự quan tâm của đông đảo bạn đọc về hiện tượng luồng sáng lạ trong nhà anh Chu Minh Hoài ở xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, VTC News đã cùng "ông già Ôzôn" - tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải thực nghiệm trực tiếp tại nhà anh Hoài vào tối 3/11.

Cuộc thực nghiệm được tiến hành tại khu vực chiếc camera thứ 4 hướng ra khu vực nhà thờ tổ của gia đình anh Chu Minh Hoài. TS Khải dùng một thiết bị camera hồng ngoại khác do ông mang đến.

19h30 phút, chiếc camera lên hình tại khu vực được anh Hoài mô tả là nơi phát ra đốm sáng bay lên. Tuy nhiên trong vòng khoảng nửa giờ đồng hồ chiếc camera của TS Khải không ghi nhận được những hình ảnh như máy camera của anh Hoài. Những hình ảnh hiện lên rất trong và không có luồng sáng hay đốm sáng nào xuất hiện.

20h, TS Khải lên gác và quan sát hình ảnh được thu lại từ 4 camera nhà anh Hoài, thì thấy các đốm sáng từ duới bay lên. Như vậy, hình ảnh từ camera nhà anh Hoài không đồng nhất với hình ảnh chiếc camera của TS Nguyễn Văn Khải mang theo.

Khi quan sát trên màn hình nhà anh Hoài đã thấy xuất hiện những đốm sáng từ dưới đất liên tục bốc lên.


Từ đó ông Khải lý giải, hiện tượng này là do máy camera nhà anh Hoài phát ra bức xạ hồng ngoại. Khi dùng máy camera của TS Khải quan sát 4 camera nhà anh Hoài thì sẽ thấy chúng như 4 cái đèn phát sáng. Khi những bức xạ hồng ngoại từ máy camera nhà anh Hoài phát ra, có thể một số con bọ bay ngang qua nên hình ảnh camera thu được là những đốm sáng. 

Tiếp đó, nhà khoa học đã xem lại các đoạn video mà gia đình anh Hoài đã ghi lại ngày 5/10 và những ngày tiếp theo đó.
Quan sát đi quan sát lại rất nhiều lần, TS Khải nhận thấy những luồng sáng lớn rọi ngang màn hình. Khi có người đi qua luồng ánh sáng thì hình ảnh ghi được không hề có sự biến đổi.

Cụ thể, khi một người phụ nữ đội mũ bảo hiểm đi vào luồng sáng lạ, có thể nhận thấy một bóng ánh sáng hiện lên trên mũ, TS Khải cho rằng đây có thể là ánh sáng từ chiếc camera. Nhưng khi người phụ nữ đi vào giữa luồng sáng lạ thì đã không hề có sự phản xạ ánh sáng hay hiện tượng tán sắc nào theo lý thuyết vật lý học về ánh sáng, tức là không hề có một chút biến đổi nào về hình ảnh người phụ nữ và ánh sáng xung quanh người này.

Hình ảnh người đi vào luồng sáng nhưng không hề có sự phản xạ ánh sáng hay hiện tượng tán sắc.


Lúc này, TS Nguyễn Văn Khải nhận định: “Luồng sáng này đúng là không phải là ánh sáng bình thường và cũng không phải là hiện tượng từ”. Nhưng ông cũng chưa thể lý giải ngay được hiện tượng này, bởi xét về góc độ ánh sáng thường thì không thể có điều này xảy ra.

Khi quan sát thêm những thước phim khác, TS Khải nhìn thấy quần áo và những cành cây ở rất xa có sự chuyển động. Ông Khải kết luận hiện tượng đốm sáng đi qua khiến cành cây rung là hoàn toàn không có cơ sở, và cho rằng hiện tượng đó chỉ là trùng hợp khi gặp gió.

Khi ông Khải quan sát thấy rất nhiều vệt sáng có hình cong rung rinh và hiện lên trên mái tôn trước cửa nhà anh Hoài (được camera trên tầng 2 ghi lại), ông cho rằng đó là do một đèn chiếu sáng dây tóc 100W treo ở lối ngõ vào. Ông lý giải: ánh sáng rọi lên mái tôn có hiện tượng tán sắc và phản xạ tạo nên hình cong, vì mái tôn hình sóng. Giống như mặt trời rọi xuống trái đất sau mưa tạo thành cầu vồng. Nhưng điều đáng nói ở đây là những hình vòng tròn hiện ra trong luồng sáng thì ông Khải cũng chưa thể lý giải ngay được.

Tuy vậy, để khẳng định hiện tượng nhà anh Hoài chỉ là hiện tượng phản xạ ánh sáng thông thường, ông Khải lập luận rằng nó xảy ra đã lâu lại đúng vào dịp đại lễ có nhiều đèn chiếu sáng và trời lại có nhiều mây, và khác nhau về thời điểm quan sát, nên ông không thể giải thích được một số hiện tượng một cách rõ ràng.

Khi phóng viên hỏi ông về những vệt sáng hình ống, lúc thẳng lúc cong và những vòng tròn sáng mờ và những đoạn ánh sáng đâm ngang màn hình trong thời gian rất lâu, ông Khải cho rằng đó cũng chỉ là những hiện tượng bình thường. Điều này, theo ông là giống như thí nghiệm ông đã làm cho các học viên của Học viện Hậu Cần khi học về sử dụng kính ngắm hồng ngoại vào năm 1975. Hoặc, nó giống như hiện tượng mà ông đã cho sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) thực hiện trong buổi ngoại khóa về khuếch đại ánh sáng mờ. Tuy vậy, để giải thích một cách cặn kẽ nhất, ông Khải cũng chưa chỉ ra được “lý thuyết khoa học” của những hiện tượng này, mà vẫn chỉ là những nhận định chung nhất về sự tác động của môi trường ánh sáng xung quanh camera.


Một điều đặc biệt khác: Có một luồng sáng đặc, rất sáng chiếu dưới góc phải màn hình và khi có hai con vật đi qua thì chúng “biến mất” dưới luồng ánh sáng này (không giống như luồng ánh sáng mờ khi người phụ nữ đội mũ bảo hiểm đi qua). Ông Khải lý giải rằng đó cũng chỉ là do phản xạ ánh sáng từ môi trường xung quanh với trường ánh sáng mạnh hơn thôi. Nhưng để giải thích nguyên nhân nó xuất hiện trong thời gian rất dài và tồn tại song song cùng với luồng ánh sáng mờ thì ông Khải nói cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ thêm, và ông rất muốn có thời gian để xem xét những luồng ánh sáng phát ra tại nhà anh Hoài từ 4 chiếc camera trong cùng một thời điểm.

Một con chó đã "biến mất" sau luồng ánh sáng đặc phía góc phải màn hình, nhưng TS Khải vẫn chưa thể lý giải một cách thuyết phục.


Kết lại, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải khẳng định: Đã là hiện tượng vật lý thì chỉ có một quan điểm duy nhất là phải giải thích nó theo các định luật vật lý.

Dương Lãng Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn