Hoàng thành Thăng Long - Món quà ngày Đại lễ

Thời sựThứ Sáu, 13/08/2010 05:35:00 +07:00

(VTC News) - "Chúng tôi coi đây chính là món quà được mong đợi nhất, cũng như vào mỗi dịp sinh nhật thì bất kỳ người nào cũng mong nhận được món quà”.

(VTC News) - "Chúng tôi coi đây chính là món quà được mong đợi nhất, cũng như vào mỗi dịp sinh nhật thì bất kỳ người nào cũng mong nhận được món quà”.

Là Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Đối ngoại UNESCO, ông Phạm Sanh Châu đã tham gia vào việc xây dựng nhiều bộ hồ sơ Di sản cũng như có mặt trong các buổi thuyết trình trước Hội đồng Di sản UNESCO, để bảo vệ thành công các hồ sơ Di sản của Việt Nam. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông, sau sự kiện khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thể giới.

 

- Thưa ông, bằng những kinh nghiệm ngoại giao của mình, ông cùng các đồng nghiệp đã làm như thế nào để vượt qua những khó khăn, thuyết trình thành công và chúng ta đạt được kết quả mĩ mãn như vậy tại hội nghị ở Brasilia?

 

Trước tiên tôi phải nhấn mạnh rằng, hồ sơ của Việt Nam là do ICOMOS khuyến nghị, chỉnh sửa và trình lại sau chứ không phải là hồ sơ của Việt Nam không có giá trị nổi bật toàn cầu. Họ đề nghị chúng ta làm rõ thêm giá trị nổi bật ấy như thế nào. Họ đề nghị chúng ta mở rộng phạm vi, họ đề nghị chúng ta thống nhất quản lý, mở rộng vùng đệm và những thông số kỹ thuật khác.

 

 Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Đối ngoại UNESCO, ông Phạm Sanh Châu. Ảnh: TS

Vấn đề là chúng ta phải có mục tiêu cao nhất và cố gắng nỗ lực nhất để họ công nhận đúng vào dịp này để cho nó có ý nghĩa hơn. Nếu như bình thường thì chúng ta không cần giải thích gì thêm. Chính vì vậy, mà cả ngành Ngoại giao cũng như các lãnh đạo cấp cao đã vào cuộc một cách cao độ nhất, để giới thiệu cho họ biết là giá trị như thế cũng như sự gắn kết với lịch sử 1.000 năm của Thăng Long – Hà Nội. Từ Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ đến các phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Thứ trưởng hay đại sứ Việt Nam ở các nước (đặc biệt là các nước thành viên của Ủy ban di sản). Tất cả người người vào cuộc. kể cả các chuyên gia. Chúng tôi đã triển khai vận động tại thủ đô, tại Hà Nội, tại Paris và tại Brasilia. Mục đích của cuộc vận động này không phải là để xin xỏ, mà để giới thiệu cho họ hiểu rõ hơn rằng hồ sơ này rất có ý nghĩa và cần phải xem xét nó từ cả góc độ phi vật thể chứ không phải là từ góc độ vật thể.

 

- Với tư cách là người trong cuộc, xin ông cho biết những khó khăn trong quá trình Đoàn Việt Nam đi đàm phán?

 

Phải nói là chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là có nhiều nước bị như chúng ta, chỉ có 23% hồ sơ là được khuyến nghị công nhận. Do đó khi đến Hội nghị thì nước nào cũng như chúng ta, họ cũng có lý do để họ muốn được công nhận vào dịp này.

 

Thứ hai, khó khăn khách quan từ diễn biến của tình hình thế giới, tình hình chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến Hội nghị. Ví dụ: vấn đề Kosovo, một số vấn đề về công tác bảo tồn ở Tuynidi… làm cho không khí Hội nghị trở nên căng thẳng.

 

Thứ ba, các nước đang phát triển và các nước phát triển cũng có quan điểm khác nhau về nhiều lĩnh vực nên cũng căng thẳng. Và cuối cùng, quan điểm của ICOMOS và các nước thành viên của Ban di sản cũng khác nhau. Tất cả những yếu tố đó làm chúng ta khó khăn hơn trong công tác tiếp cận và để cho họ gặp mình, dành thời gian để lắng nghe mình để họ hiểu và ủng hộ mình.

 

- Ông thấy có thể rút ra những bài học kinh nghiệm nào trong đợt này?

 

Tôi thấy có rất nhiều bài học kinh nghiệm cần rút ra. Đó là bài học từ công tác làm hồ sơ và điều quan trọng là chúng ta phải chớp lấy thời cơ. Khi bắt đầu làm hồ sơ từ năm 2006, chúng ta đã tính là chúng ta phải nộp bằng được. Nếu như thời gian đó chúng ta không quyết tâm thì có lẽ chúng ta sẽ trượt hết.

 Bạn bè quốc tế chúc  mừng đoàn Việt Nam sau khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ảnh: do Đoàn Việt Nam tại Brasilia -  Thủ đô của Brasil  cung cấp..

 

Bài học thứ hai là chúng ta phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Bản thân các chuyên gia của chúng ta rất giỏi nhưng nếu không có các chuyên gia nước ngoài, không nắm được xu hướng của thời đại thì sẽ rất khó khăn. Chúng ta viết một đằng mà lại hiểu một nẻo thì sẽ khó khăn trong việc đánh giá.

 

Bài học thứ ba là phải có sự tham gia của các nước có liên quan và kết hợp với lợi ích của họ. Ví dụ: Nhật Bản họ có nhiều điểm tương đồng với mình và họ sẵn sàng vào cuộc. Italia, Pháp hay Australia cũng vậy.

 

Và bài học thứ tư theo tôi là phải kiên trì và bền bỉ, kiên trì để giải thích. Họ chưa hiểu lần một thì ta giải thích lần thứ hai, thứ ba đến khi nào họ hiểu được thì thôi.

 

- Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội?

 

Trong bài cảm ơn tại Hội nghị tôi đã nói thế này. “Năm 2010 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng. Vào ngày 10/10/2010, chúng ta tiến hành tổ chức Đại lễ mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Với việc Ủy ban Di sản thế giới công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, một lần nữa khẳng định những giá trị nổi bật toàn cầu vốn có của Di sản. Nhưng điều quan trọng hơn là quý vị đã giúp chúng tôi, những người theo hệ văn hóa Đồng Văn thể hiện lòng tôn kính và tri ân của chúng tôi đối với tổ tiên, những người đã tạo dựng ra được một nền văn minh mang tính độc đáo ở đồng bằng Châu thổ sông Hồng. Chúng tôi coi đây chính là món quà được mong đợi nhất, cũng như vào mỗi dịp sinh nhật thì bất kỳ người nào cũng mong nhận được món quà”.

 

- Xin ông cho biết nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là gì sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới?

 

Có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, vì ICOMOS sẽ đưa ra 8 khuyến nghị và trước khi chúng ta sang thì ta cũng đã giải thích cho ICOMOS, chúng tôi đã tiếp thu cả 8 khuyến nghị đó và đã đang triển khai.

 Với việc Ủy ban Di sản thế giới công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, một lần nữa khẳng định những giá trị nổi bật toàn cầu vốn có của Di sản. Ảnh: Internet

 

Ví dụ: như chúng ta đã thống nhất về quản lý, tăng cường về khảo cổ. Được công nhận đã là khó nhưng giữ được danh hiệu Di sản còn khó hơn và thách thức hơn rất nhiều, bởi Di sản lại nằm giữa thành phố đang trên đà phát triển. Khu trung tâm Hoàng thành lại nằm ở khu vực được bao quanh bởi rất nhiều khu dân cư. Do đó thách thức là rất lớn, đặc biệt là khu di tích này không phải theo tiêu chí của nó là một Di sản chết. Một số nơi ví dụ: Di sản ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) chẳng hạn, là Di sản nhưng lại được tách rời ra, không có người sinh sống gần đó. Trong khi đó Di sản Hoàng thành Thăng Long còn đối mặt với vấn đề dân nhập cư vào Hà Nội, từ đó phải đối mặt với những vấn đề như môi trường. Bên cạnh đó, còn có thách thức về khả năng quản lý, về công tác đào tạo của cán bộ và rất nhiều những thách thức khác nữa.

 

- Để triển khai tốt hơn những khuyến nghị đó, hiện Việt Nam nói riêng và UNESCO nói chung đã có những gì để hỗ trợ khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long về cả vật chất và tinh thần?

 

Đầu tiên UNESCO tài trợ hơn 20.000 USD để xây dựng hồ sơ. Sau đó họ giới thiệu các chuyên gia hàng đầu tới để giúp chúng ta viết hồ sơ. Họ cũng định hướng cho chúng ta cách viết như thế nào và UNESCO đã hướng dẫn và cùng vào cuộc. Chúng ta thiếu thông tin thì họ bảo chúng ta bổ sung thông tin. Và trong quá trình đó đã vận động được một quỹ của Nhật Bản, thông qua UNESCO để tài trợ 1,2 tỉ. Khi chúng ta mới bắt đầu xây dựng hồ sơ Di sản là đã có tiếng rồi, tức là phải có giá trị rồi mới làm. Khi chúng ta được công nhận thì giá trị của nó rất quan trọng.

 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Kiên Cường

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010

Hãy tham gia bình chọn cho người đẹp mà bạn yêu thích nhất.
Người đẹp được bình chọn nhiều nhất sẽ được nhận danh hiệu

"Người đẹp do khán giả bình chọn"cùng phần thưởng

50 triệu đồng và 01 xe Vespa LX hồng(trị giá 66 triệu đồng)

Soạn tin:HH  <Số Báo Danh>  <Số người bình chọn đúng>  gửi 8530

Xem danh sách thí sinh và thông tin chi tiết tại

http://binhchon.hoahauvietnam2010.vn

Bình luận
vtcnews.vn