"Tôi vừa có chuyến đi lịch sử của cả đời ra Trường Sa"

Thời sựThứ Tư, 16/06/2010 01:16:00 +07:00

(VTC News) - "Đây là lần đầu tiên tôi được ra Trường Sa. Trường Sa trong tôi thật anh dũng và cũng rất thơ mộng" - nhà sử học Dương Trung Quốc.

(VTC News) - Cùng đi trong chuyến công tác của đoàn công tác số 10 ra Trường Sa trên chuyến tàu HQ 996 có nhà sử học Dương Trung Quốc, nhưng phải mãi đến khi về đất liền, tôi mới có cơ hội được ngồi cùng ông để tâm sự về “chuyến đi lịch sử của cuộc đời" như lời ông nói.  PV VTC News xin chia sẻ với quí độc giả những cảm xúc của nhà sử học Dương Trung Quốc về chuyến đi Trường Sa đầu tháng 6/2010 vừa qua.

Đây là lần đầu tiên nhà sử học Dương Trung Quốc ra thăm quần đảo Trường Sa. Ít ai biết rằng, trước chuyến đi, Trường Sa trong suy nghĩ của ông là một nơi rất xa, đầy sóng gió, thậm chí chứa đựng nhiều nguy hiểm với . Nhưng rồi những suy nghĩ ấy nhanh chóng không còn hiện hữu khi nhà sử học đặt chân lên phần đất nước mình nằm giữa bạt ngàn sóng vỗ. 

Ông chia sẻ: Tâm trạng hơi lo lắng trước chuyến đi khiến tôi muốn suy nghĩ đến một điều quan trọng hơn. Người Việt Nam chúng ta, nhất là giới trẻ khi nghĩ đến biển cả chỉ nghĩ tới ra là để tắm biển, để tránh cái oi bức của mùa hè ở thành phố thôi, chứ không hề nghĩ đến một biển cả đúng nghĩa. Thành ra người Việt Nam mình quen đứng từ trong đất liền nhìn ra biển cả nhiều hơn. Phải hiểu rằng, người Việt Nam mình là một dân tộc sống gắn với biển,và trong lịch sử mình biết rất rõ Việt Nam là một quốc gia biển, có rất nhiều năng lực về biển.

Ông Dương Trung Quốc tạm biệt các chiến sĩ Hải Quân trước khi ra Trường Sa

Trong lịch sử, chúng ta đã từng thắng giặc ngoại xâm ba lần trên biển cả, đánh thắng nhà Tống, thắng quân Nguyên Mông và quân Nam Hán. Những nhà nghiên cứu hàng hải thế giới cho biết, Việt Nam có những đóng góp rất lớn đối với hàng hải quốc tế. Đó là những chiếc ghe bầu của miền trung hay những mạn tre từ xa xưa. Nhưng có một thời kì người Việt Nam bỗng nhiên sợ biển, họ nhìn biển với những cơn bão tố, những hiểm họa sẽ đến, người ta e ngại đi biển và tôi cũng rơi vào tâm trạng ấy, lần đầu tiên đi ra biển thật sự là cảm giác hồi hộp.

Chuyến đi của tôi là chuyến đi cuối cùng ra Trường Sa trong năm, một chuyến đi trước khi mùa bão bắt đầu. Ngay ngày đầu tiên, các đồng chí hải quân dự báo ở ngoài khơi sẽ có biển động cấp 4 đến cấp 5, tôi đã rất lo lắng. Họ cũng nói nếu là cấp 4, cấp 5 thì cả thủy thủ chúng tôi cũng phải nôn... Đó là cảm giác đầu tiên tôi khi đến với biển.

Gần ba ngày trời lênh đênh trên biển cả, với một không gian mênh mông thật thú vị, tôi đến với Trường Sa. Tôi đã thực sự bất ngờ khi đặt chân lên đảo, phải nói rằng trước kia tôi tưởng đảo là hoang vắng, đảo đầy chim, người ta phải gạt chim mà đi… nhưng hiện ra trước mắt tôi là một khung cảnh choáng ngợp và thơ mộng. Trường Sa lớn và nhiều đảo khác diện tích không lớn nhưng ta có thể thấy giờ đều đã là những tụ điểm dân cư rất khang trang. Tôi rất ấn tượng với việc người ta sử dụng và phát triển năng lượng sạch ở ngoài đó. Có lẽ trong đất liền, cũng chưa có nơi nào có được điều kiện để đầu tư như vậy. Hệ thống đèn điện trên biển tự sáng và sử dụng bằng năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã đáp ứng các nhu cầu căn bản của đảo và gắn liền với môi trường sinh thái.

Trước kia khi nghĩ đến Trường Sa, tôi chỉ nghĩ đến cây phong ba, cây bão táp, những cái tên của nó cũng phần nào thể hiện cái khắc nghiệt của khí hậu nơi đây. Nhưng Trường Sa lại hiện hữu với một hệ sinh thái rất đa dạng, rất nhiều cây trong đất liền đã có mặt ngoài đó như cây Tra, cầy Nhầu, cây Dừa, cây Đu đủ có quả chín mọng… Tôi rất cảm động khi thấy một cây bàng giống như ở trong đất liền và ngạc nhiên hơn khi nó lại đỏ lá vào mùa hè, điều này thực sự gây ấn tượng mạnh đối với tôi.

Hệ động thực vật chăn nuôi ngoài Trường Sa cũng vậy, có thể bắt gặp cả những cánh chim bồ cầu bay lượn, những chú chó nuôi sống rất gần gũi với chiến sĩ sống trên đảo. Ở đảo Song Tử Tây, một khung cảnh đồng quê hiện ra với những đàn bò lững thững, những chú lợn ủn ỉn đi lại, những con ngan quàng quạc. Đặc biệt hơn nữa là khi đến Đảo Đá Tây ta có thể thấy cả một đàn vịt đồng bơi dập dềnh đang bắt cá trên biển nước mặn.

Ở nhiều đảo trên quần đảo Trường Sa, đã có những cầu tàu để cho các thuyền bè có thể cập bờ tránh bão và đặc biệt ở Song Tử Tây có cả một âu thuyền rất lớn để đông đảo ngư dân đánh cá có thể về đây trao đổi hàng hóa, mua nhiên liệu và trú ẩn khi sóng lớn. Ở Đá Tây là cả những cụm chăn nuôi thủy sản, nuôi cá biển ở giữa đại dương. Sức sống mãnh liệt của đảo xa là những điều mà trong tư duy tôi chưa từng mường tượng tới.

Tôi rất ấn tượng và chia sẻ ngay cảm xúc của mình với các anh em chiến sĩ ngoài đảo. Đời sống của những người lính đảo đã được cải thiện một cách rất cơ bản. Tôi đã gặp rất nhiều những chiến sĩ trẻ ngồi vui đùa bên nhau mổ gà, mổ vịt để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Một cộng đồng dân cư, với những tiếng hát líu lo của trẻ thơ, những tiếng ê a học chữ và cả những hương vị của những món ăn dân tộc thơm lừng từ mái bếp nhà dân. Tất cả là những hình ảnh tôi chưa từng nghĩ tới, điều đó thật sự đáng mừng.

Bên cạnh đó, đời sống văn hóa của nhân dân ta cũng rất căn bản, hầu như đảo nào cũng đều đã phủ sóng điện thoại di động. Người dân và lính đảo đã có thể liên lạc thường xuyên với đất liền. Các phương tiện truyền hình cũng không hề thiếu thốn so với ở trong đất liền.

Điều đặc biệt, trong chuyến đi của tôi lần này có các vị sư từ trong đất liền ra để làm lễ cầu siêu cho đồng bào và các chiến sĩ tử nạn trên biển. Nghi lễ đã được tổ chức ở các chùa trên đảo với các khóa lễ rất nghiêm túc và trang nghiêm. Hiệu ứng tâm linh về mặt tinh thần cũng khiến tôi phải suy nghĩ. Có thể đó chỉ là một sự ngẫu nhiên nhưng sau ba lễ cầu siêu, tất cả những nơi đó đều có mưa, những cơn mưa vô cùng quí giá ở đảo xa. Đã có chiến sĩ ở đảo Nam Yết gọi điện cho một cô bạn nhà báo đi cùng đoàn tôi vui mừng thông báo trời đã đổ mưa, cơn mưa xoa dịu đi cái nóng gió của mùa hè giữa biển khơi.


Khi lênh đênh trên biển, tất cả mọi áp lực của cuộc sống đầy công việc nơi đất liền đã giảm đi rất nhiều đối với tôi. Từ khi lên đảo, hầu như tôi không phải sử dụng đến điện thoại, điều mà hàng ngày hầu như tôi thường xuyên bị “làm phiền”. Những ngày ngoài đó, với một chiếc máy tính tôi đã làm việc rất tốt công việc chuyên môn của tôi. Trường Sa trong tôi thật anh dũng và cũng rất thơ mộng. Đây là chuyến đi lịch sử trong cả cuộc đời tôi!

Dưới đây là một Trường Sa đã để lại ấn tượng mạnh và sâu sắc trong lòng nhà sử học Dương Trung Quốc:


"Biển của chúng ta mênh mông và rất đẹp!" 
Trường Sa hiện ra với một khung cảnh choáng ngợp trước sự chào đón nhiệt tình của quân và dân biển đảo.
Hệ thống năng lượng sạch được triển khai trên Trường Sa khiến nơi đây có một hệ sinh thái xanh sạch và thơ mộng.
"Cây bàng đỏ lá vào mùa hè đã gây ấn tượng rất mạnh với tôi!"
Một bức tranh đồng quê ở Trường Sa với những đàn bò đi lững thững đi gặm cỏ.
Đàn vịt nước mặn tung tăng bắt cá dưới biển.
Những lũ trẻ ê a, tập vẽ tập viết trên đảo Trường Sa lớn.
Những bữa ăn cải thiện đời sống của các chiến sĩ trên đảo với gà, vit tự nuôi.
"Trường Sa trong tôi thật anh dũng!"

Dương Lãng Hoàng (ghi)

Bình luận
vtcnews.vn