Học sinh Trần Nhân Tông tự hào khi hát Quốc ca

Thời sựThứ Ba, 06/04/2010 04:02:00 +07:00

(VTC News) - Tuần đầu tiên sau khi có văn bản của Bộ GD&ĐT về việc hát Quốc ca, VTC News đã trực tiếp ghi nhận tại Lễ Chào cờ ở một trường THPT...

(VTC News) - Tuần đầu tiên sau khi có văn bản của Bộ GD&ĐT về việc hát Quốc ca trong lễ Chào cờ, VTC News đã trực tiếp ghi nhận lễ Chào cờ ở Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội. Buổi lễ đã diễn ra trang nghiêm với khẩu hiệu: Không cần nhạc, không hát theo lời hát có sẵn.



Ngày 29/3, Bộ Bộ GD&ĐTcó văn bản yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục ở tất cả các cấp học phải hát Quốc ca trong lễ Chào cờ thay bằng việc nghe nhạc hay nghe lời bài hát Quốc ca. Theo Bộ GD&ĐT, lễ Chào cờ và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm của con người Việt Nam với Tổ quốc và nhân dân.

Ngày 4/4, tuần đầu tiên thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, phóng viên VTC News đã có mặt tạị trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội để ghi nhận không khí lễ Chào cờ và hát Quốc ca tại đây. Trong không khí trang nghiêm, các em học sinh và tất cả
thầy cô đều
cất vang bài hát Quốc ca mà không cần nhạc đệm cũng như không hát theo lời hát có sẵn.

Các học sinh trường Trần Nhân Tông đều bày tỏ niềm tự hào khi cất vang lời hát Quốc ca. 

Cô Lê Thị Minh Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc hát Quốc ca đầu tuần không phụ thuộc vào nhạc đã được thực hiện ở trường từ rất lâu. Chúng tôi muốn cho các em tự hát để ghi sâu ý nghĩa của lời bài hát Quốc ca. Đây cũng là cách để các em thể hiện lòng tự hào dân tộc và phát huy sức trẻ trong thời đại mới. Khi Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới thì việc phát huy tinh thần dân tộc là rất cần thiết, và việc hát Quốc ca là một trong những cách thiết thực thể hiện điều đó”.

Cô Hằng cho biết thêm, trong nhiều buổi sinh hoạt của các lớp, trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm cho các em hát Quốc ca thường xuyên. Điều này vừa giúp các em tập luyện để chuẩn bị cho những buổi Chào cờ đầu tuần, vừa để các em tập trung đúng tinh thần khi hát Quôc ca. Trong khi Chào cờ, nếu các em hát lần một mà chưa được, trường sẽ yêu cầu hát lại nhiều lần tiếp theo, cho đến khi đều thì thôi.

Xem việc hát Quốc ca là một động lực để tự thúc đẩy mình cố gắng học tập, em Trần Lê Anh Thư, học sinh lớp 11A7 trường THPT Trần Nhân Tông chia sẻ: “Mỗi khi xếp hàng và đứng trang nghiêm trong hàng để làm lễ Chào cờ và hát Quốc ca, em cảm thấy rất xúc động. Em nghĩ đó là niềm tự hào về dân tộc, đất nước  và con người Việt Nam và bày tỏ sự biết ơn công lao của những người đã ngã xuống vì công cuộc đấu tranh và bảo vệ đất nước, để chúng em có một cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Em thấy các bạn em khi hát Quốc ca cũng rất nghiêm túc, và em tự hào về buổi lễ Chào cờ của trường em".

Cùng suy nghĩ với Anh Thư, em Mai Thế Anh lớp 11A14 còn cho rằng việc tự hát Quốc ca trong lễ Chào cờ không cần nhạc còn giúp cho các em hâm nóng lên lòng tự hào dân tộc. Và cũng như nhiều bạn học sinh trong trường khác, Thế Anh cảm thấy rất hãnh diện khi là người Việt Nam và được cất vang bài Quốc ca.

Là một người dân sống gần trường THPT Trần Nhân Tông đã nhiều năm, bác Trần Văn Hùng (cán bộ đã về hưu) cho biết: "Các cháu ở trong trường Trần Nhân Tông hát Quốc ca rất hay, rất đều. Mỗi khi đến buổi chào cờ của trường tôi cũng lặng người đi khi nghe lời bài hát Quốc ca vang lên. Đó cũng là cách mà để cho tất cả mọi người không riêng gì giới trẻ thể hiện lòng tự hào dân tộc của mình. Trường Trần Nhân Tông cũng là một trong số ít trường ở Hà Nội mà tôi thấy khi hát Quốc ca không sử dụng nhạc khi hát, chứ ở nhiều nơi việc hát Quốc ca bật nhạc có lời vẫn diễn ra thường xuyên, điều này về lâu dài sẽ làm mất đi tinh thần dân tộc trong mỗi con người".

Dương Lãng Hoàng - Hương Giang

Bình luận
vtcnews.vn