"Đại gia" 8X thành Nam và "nỗi ám ảnh" mang tên xe cổ

PhimThứ Tư, 24/03/2010 07:34:00 +07:00

Với anh Tuân, những chiếc xe cổ đã trở thành niềm đam mê bất tận, là "nỗi ám ảnh" của cả cuộc đời.

Với anh Tuân, những chiếc xe cổ đã trở thành niềm đam mê bất tận, là "nỗi ám ảnh" của cả cuộc đời.

"Gara xe cổ" đặc biệt ở Nam Định


Tình cờ về Nam Định và được biết đến một bộ sưu tập xe cổ thuộc vào hàng “khủng”, tôi thực sự cảm thấy ngạc nhiên. Điều đáng nói hơn nữa, chủ nhân của bộ sưu tập này là một giảng viên trẻ của đại học Lương Thế Vinh, được trưng bày ngay tại quán cafe của anh..

Nếu nhìn từ phía bên ngoài vào, quán café này không khác bao quán café khác mà tôi từng đến, dù không gian quán là khá “hoành tráng” so với những quán cafe ở Nam Định. Thế nhưng, khi đặt chân vào bên trong, tôi thực sự ấn tượng với cách bài trí nội thất tinh tế, cùng một loạt những chiếc xe cổ được trung bày ở nơi đây.

Xe máy cổ được "treo" từ tầng 1 lên tầng 2. 
Tầng hầm của quán, nơi có không gian rộng là chỗ để một chiếc xe độ thành BMW cổ cùng một chiếc sidecar. Bên trong, xe cổ được “treo” từ tầng 1 lên đến tầng 2, từ Honda 67, Solex đến Motobecane… Bên cạnh đó, đồ nội thất của quán cũng là đồ cổ với quạt trần, đèn cổ. Tôi quyết định phải gặp bằng được chủ nhân của bộ sưu tập này.

Điều bất ngờ, ông chủ của quán café xe cổ thành Nam lại là một người còn khá trẻ, anh Mai Duy Tuân, sinh năm 1981. Anh Tuân đang là giảng viên khoa cơ bản, ĐH Lương Thế Vinh – Nam Định. Anh Tuân vốn là một người ưa thích thể thao, đặc biệt đam mê với những môn thể thao mạo hiểm. Trong đó, những chuyến đi “phượt” bằng xe cào cào là sở thích đặc biệt, với nick trên các diễn đàn xe cổ là Simson. Thỉnh thoảng, khi có thời gian rảnh và có điều kiện, người thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết này lại lên đường, chu du qua những cung đường hiểm trở chưa ai đặt chân đến với bạn đồng hành là những chiếc xe máy yêu thích của mình.

Ý tưởng cho một quán café, nơi trưng bày những chiếc xe cổ đồng thời là nơi gặp gỡ những người cùng đam mê ở Nam Định được hình thành cách đây khoảng 5 năm. Năm 2008, quán bắt đầu được xây dựng và cách đây hơn 1 năm, “gara xe máy cổ” Newland bắt đầu đi vào hoạt động. Nhưng những chiếc xe được trưng bày ở quán mới chỉ là một phần trong bộ sưu tập xe máy đủ loại của anh Tuân, bộ sưu tập mà anh đã dồn vào đó biết bao tâm huyết, sức lực, sự đam mê cũng như cái “duyên” mới có được.
Anh Mai Duy Tuân, chủ nhân những chiếc xe cổ này. 


Ông chủ trẻ và “nỗi ám ảnh” mang tên xe máy cổ

Với anh Tuân, những chiếc xe cổ đã trở thành niềm đam mê bất tận, là “nỗi ám ảnh” của cả cuộc đời. Anh Tuân bắt đầu cái đam mê ấy từ ngày còn là một cậu bé, khi được trèo lên những chiếc xe Simson mà cha anh thường sử dụng ngày trước. Khi trở thành một cậu sinh viên của ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao, ước mơ được sở hữu những con xe máy cổ, những chiếc xe lưu dấu ấn của từng thời kì lịch sử luôn cháy bỏng trong anh. Ra trường, công việc ổn định, từ năm 2004, anh Tuân bắt đầu tiến hành sưu tầm xe máy cổ. Bộ sưu tập của anh Tuân cứ nhiều dần lên, cứ được hoàn thiện dần, công sức đổ ra càng nhiều thì niềm đam mê lại càng được thỏa mãn.

Đến giờ, anh Tuân có khoảng hơn 20 xe các loại, dù số lượng không phải là quá lớn, nhưng bộ sưu tập của anh lại có “chất” rất riêng. Trong bộ sưu tập này có đủ loại xe: Suzuki A92 đời 1965, Honda 67, Solex, Java, Peugeot, MZ… Nhiều nhất là những loại xe Honda của Nhật, rồi cả những chiếc xe máy Trường Giang của Trung Quốc… Hai chiếc xe đầu tiên mà anh Tuân sở hữu trong bộ sưu tập là ETZ 150 và ETZ 251. Anh Tuân cứ cặm cụi sưu tầm dần dần, bộ sưu tập từ một vài chiếc xe ban đầu cứ ngày một nhiều lên. “Chỉ tiêu” đã được xác định của anh Tuân là mỗi năm sưu tầm hoặc phục chế thêm được 3 chiếc xe để bổ sung vào bộ sưu tập.

 
Một số xe trưng bày tại quán. 
Để có được bộ sưu tập này là cả một kì công, và mỗi chiếc xe đến tay anh Tuân có một “số phận” khác nhau. Anh Tuân đã phải đi khắp Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình…rồi lên tận Hà Giang, vào Sài Gòn để “tầm” xe. Cứ nghe thấy ở đâu có xe cổ là anh tìm đến tận nơi, hỏi mua lại hoặc đổi cho bằng được. Mà những người chơi xe cổ như anh đều có một điểm chung là rất khó tính, rất yêu xe, “bao nhiêu cũng không bán” nhưng cũng sẵn sàng để lại nếu thấy chiếc xe tìm được chủ nhân xứng đáng. Chiếc xe Solex được anh Tuân mua ở Sài Gòn, chiếc Suzuki hay Java lại ở Hải Dương, mỗi chiếc xe lại được đưa về trong những trạng thái khác nhau, việc phục chế cũng là cả một vấn đề nan giải.

Anh Tuân cho biết, có những chiếc xe còn thiếu trong bộ sưu tập, anh rất muốn có nhưng chủ nhân dù năn nỉ kiều gì vẫn nhất định không bán. Anh Tuân đành kết bạn, thỉng thoảng qua thăm hỏi để chờ đến ngày người ta đồng ý. Anh Tuân thích chơi xe ở dạng nguyên bản, nên khâu phục chế rất kì công. Xe thường được mang đến sửa, phục chế, bảo dưỡng định kì ở chỗ một người thợ quen được tin tưởng là anh Thắng. Nhiều xe phục chế quá khó, anh Tuân lại phải mang đi nhờ thợ ở Hà Nội, thậm chí cho xe vào tận Sài Gòn. Có những chiếc xe chưa được phục chế nguyên mẫu vẫn đang phải để trong tình trạng nằm chờ những phụ tùng khan hiếm còn thiếu.

“Đại gia”của niềm đam mê và hạnh phúc

Câu chuyện về những chiếc xe cổ của chúng tôi cứ sôi nổi bên tách cafe nóng ấm áp trong buổi chiều đông. Câu hỏi của tôi về việc tại sao anh lại đam mê xe cổ đến vậy, và anh được gì từ thú chơi “tốn công sức, hao tiền bạc” này được anh Tuân giải thích cặn kẽ. Anh Tuân cười vui rằng: “Đã sưu tập xe cổ, chẳng nên tính đến chuyện tiền bạc, công sức mình phải bỏ ra, cái chính là niềm đam mê được thỏa mãn. Thú chơi xe, sưu tầm xe cổ cho anh thêm rất nhiều hiểu biết về cuộc sống và anh có thêm rất nhiều những người bạn có cùng đam mê. Mỗi cung đường, mỗi chuyến đi là những người bạn mới, những tình cảm gắn bó đặc biệt. Quán café của anh Tuân trở thành nơi gặp gỡ, sinh hoạt hàng tuần, điểm đến của những người mê xe ở Nam Định. Trong câu chuyện, anh Tuân cũng nhắc đến anh Vinh ở phố Hàng Bún, một người sẵn sàng giúp đỡ anh trong việc phục chế xe. Mỗi chiếc xe cổ với anh còn giống như một hoài niệm quí giá về quá khứ, một nét văn hóa còn được lưu giữ lại.

cô con gái bé nhỏ của anh cũng rất thích xe, hàng tuần đều đòi “Ba chở con đi chơi bằng xe ba bánh” - một chiếc sidecar. 
Niềm đam mê xe (đồng nghĩa với sự thâm hụt ngân sách gia đình) đã được người vợ của anh chia sẻ, và anh Tuân cảm thấy may mắn khi có được sự “thông cảm” đó của vợ. Ban đầu vợ anh cũng chẳng biết gì nhiều về xe, nhưng vì yêu chồng, và ông chồng mê xe nên cũng mê luôn. Để có thể đeo đuổi niềm đam mê xe cổ, vợ chồng anh Tuân có một số hoạt động kinh doanh, và chính những chiếc xe cổ lại góp phần vào thành công trong công việc kinh doanh của gia đình. Hạnh phúc lớn nhất của anh Tuân bây giờ là việc cô con gái bé nhỏ của anh cũng rất thích xe, hàng tuần đều đòi “Ba chở con đi chơi bằng xe ba bánh”. Khi anh Tuân dắt chiếc side car, cô “công chúa nhỏ” anh tung tăng chạy lại phụ ba đẩy xe, rồi trèo sẵn lên thùng hào hứng chuẩn bị lên đường.

Một thầy giáo chơi xe như anh Tuân đôi khi cũng gặp phải những “rắc rối” nho nhỏ. Đến trường, anh Tuân đã xin phép để xe ra một góc riêng, nhưng học sinh của anh thỉng thoảng lại tò mò “nghía” thử, rồi trèo lên xe chụp ảnh. Anh Tuân sẵn sàng chiều lòng học trò, thầy trò lại cùng chia sẻ về những chiếc xe máy “từ thời bao cấp”.

Tiễn tôi ra về, anh Tuân thổ lộ những dự định còn đang dang dở, biến Newland thành một gallery nghệ thuật và xe cổ, hoàn tất bộ sưu tập xe để một ngày nào đó có thể lập một bảo tàng tư nhân. Anh Tuân vẫn đang tiếp tục hành trình vất vả cùng niềm hạnh phúc khi “lùng” được thêm những chiếc xe mới.

Thành Nam những buổi chiều tĩnh lặng cuối tuần, người ta lại thấy cả một gia đình cùng đi trên một chiếc side car, hoặc khi khác là hình ảnh một giảng viên trẻ đến trường trên một chiếc xe máy cổ. Anh Duy Tuân có thể chưa phải là một một người sở hữu bộ sưu tầm xe “khủng” về giá trị. Nhưng anh thực sự là một “đại gia chơi xe cổ”, “đại gia” hạnh phúc với niềm đam mê bất tận nơi đất thành Nam.

Theo Zing

Bình luận
vtcnews.vn