26 tỷ ‘bốc hơi’ ở VPbank: Ngẫm chuyện niềm tin bị hủy hoại

Kinh tếThứ Ba, 30/08/2016 17:32:00 +07:00

Qua vụ tài khoản của khách hàng “bốc hơi” 26 tỷ tại VPbank có thể thấy niềm tin đang dần bị hủy hoại khi nhiều bài báo chỉ muốn “câu view”.

Vừa qua, một chủ doanh nghiệp đã tố cáo việc bị mất 26 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng VPBank. Vụ việc đã xảy ra được tròn 1 tuần, thu hút được sự quan tâm rất lớn từ dư luận với hàng ngàn ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.

Một độc giả đã có những chia sẻ về cách đưa tin chưa thực sự khách quan của một số tờ báo khi phản ánh về vụ việc:

Theo một nghiên cứu của 2 nhà khoa học người Canada Marc Trussler and Stuart Soroka, con người dễ dàng nhận biết và thường phản ứng mạnh hơn với những bài báo có những từ ngữ mang ý nghĩa tiêu cực như “ung thư”, “bom”, “tham nhũng”...

Cho dù tất cả những người được hỏi đều khẳng định họ thích đọc những tin tức mang nội dung tích cực nhưng thực tế thì ngược lại, những tin tức mang nội dung tiêu cực về chính trị, văn hóa, kinh tế lại là những thông tin được lựa chọn đọc đầu tiên ở mỗi tờ báo.

tien ngan hang

Ảnh minh họa

Chính vì vậy, một số phóng viên đang có khuynh hướng cố gắng phanh phui ra những sai phạm của doanh nghiệp để “câu views” nhưng lại bỏ qua một thao tác quan trọng là phải liên hệ với doanh nghiệp, với những đối tượng bị tố cáo để kiểm tra độ chính xác của thông tin.

Vì chỉ trong cái nhìn toàn diện thì các kết luận đưa ra mới mới đảm bảo thật sự khoa học. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí là định hướng dư luận, cách viết một chiều sẽ tạo ra phản ứng của người đọc đối với các cá nhân, đơn vị bị tố cáo theo hướng tiêu cực. Điều này sẽ gây thiệt hại to lớn cho các cá nhân, tổ chức bị liên đới trong vụ việc, dù chưa biết ai đúng, ai sai.

Báo chí là công cụ hữu hiệu để định hướng dư luận. Vì vậy, nếu báo chí đưa ra quá nhiều thông tin xấu sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến với người đọc. Hiện tại, mỗi khi mở TV, mở một trang báo điện tử hay lướt Facebook, chắc chắn chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều những thông tin gây hoang mang như về khủng bố, máy bay rơi, tội phạm, chiến tranh hay tham ô, hối lộ… Những thông tin này ảnh hưởng không hề nhỏ tới tâm lý của người đọc.

Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Huffington, tiến sỹ Graham Davey cho biết: “Việc theo dõi quá nhiều tin tức xấu sẽ khiến tâm trạng chúng ta sẽ trở nên lo âu và dễ bị trầm cảm hơn. Đọc quá nhiều tin xấu trong một thời gian dài sẽ khiến người ta đánh giá những sự vật, hiện tượng xung quanh mình một cách tiêu cực hơn, hậu quả là đánh mất niềm tin vào cuộc sống vốn có nhiều điều tốt đẹp”.

Thường xuyên theo dõi báo chí, những ngày qua, tôi thấy xuất hiện một vụ việc khá đình đám trong giới tài chính ngân hàng. Ngân hàng VPBank bị khách hàng là chủ doanh nghiệp tố cáo làm “bốc hơi” của mình 26 tỷ đồng.

Khách hàng nghi ngờ VPBank đã móc ngoặc với nhân viên kế toán của doanh nghiệp. Điều đáng nói là trong bài viết có khá đầy đủ các tình huống có lợi cho khách hàng nhưng tuyệt nhiên không hề cho nhà băng cơ hội nào được cung cấp thông tin mà họ có. Vì thế, trên mạng Internet tràn ngập các bình luận đả kích ngân hàng nào là vì quy trình không chuyên nghiệp, nào là vô trách nhiệm trước thiệt hại của chủ tài sản…

Trong ngày đầu tiên bài báo được đăng tải (24/82016) – số lượng bình luận tiêu cực về ngân hàng trên các trang báo mạng, các diễn đài, Facebook… chiếm tới 98%. 2% còn lại là những người có kiến thức về tài chính ngân hàng và bình tĩnh suy xét.

Họ nhận ra lời lẽ của chủ doanh nghiệp kia có khá nhiều điểm mâu thuẫn. Và đến khi hàng loạt tờ báo khác vào cuộc, khai thác câu chuyện theo nhiều chiều, thì người ta lại bắt đầu đặt câu hỏi ngược lại: Nếu những gì tố cáo là sai sự thật thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những tổn thất mà ngân hàng phải gánh chịu?

Với người làm báo, một trong những điều tâm niệm trước tiên là phải thẳng thắn chỉ ra những yếu kém ở bất cứ cấp nào và bất cứ vấn đề nào bằng thái độ xây dựng và khách quan.

Nhưng trên hết, báo chí cần trung thực khi đưa thông tin đến độc giả, còn việc phân định đúng sai phải thuộc về các cơ quan pháp luật. Mỗi phóng viên bên cạnh nhiệt huyết cần phải có trách nhiệm hơn nữa với ngòi bút của mình, thay vì hướng tới những chủ đề “gây bão” cho dư luận thì cần phải hiểu cặn kẽ hơn mọi khía cạnh của một vấn đề trước khi đưa lên mặt báo.

Bạn đọc Alex Đặng
Bình luận
vtcnews.vn