Ê chề kiếp ‘trai nhảy’ Afghanistan

Thế giớiThứ Bảy, 19/11/2011 04:55:00 +07:00

Không thể có râu, ăn vận màu mè, đội ngực giả, uốn éo mua vui và sống như nô lệ tình dục là thân phận bi thương của "trai nhảy" Afghanistan.

Không thể có râu, ăn vận màu mè, đội ngực giả, uốn éo mua vui và sống như nô lệ tình dục là thân phận bi thương của "trai nhảy" Afghanistan.

Cuộc chiến kéo dài gần 30 năm đã khiến người dân Afghanistan lâm cảnh nghèo đói, cơ cực. Để kiếm sống, nhiều chàng trai trẻ buộc phải bán mình, lao thân vào nghề bị dư luận lên án này để mua vui cho thiên hạ, đặc biệt là cho tầng lớp quan chức, quý tộc giàu có trong xã hội.

Họ được gọi là những “bachabereesh” hay “bachabaze”. Theo nghĩa đen, đây là cụm từ chỉ sự vui thú của các cậu bé. Thứ nghề này bị nhiều học giả chỉ trích là phi đạo đức nhưng bao đời nay, nó vẫn tồn tại ở Afghanistan và đặc biệt được ưa chuộng ở khu vực phía Bắc.

Chính phủ dù mười mươi biết rõ những mặt trái của loại hình biểu diễn này nhưng vẫn không có biện pháp thích đáng để xử lý, bởi mối bận tâm duy nhất với họ là chiến tranh. Riêng các tầng lớp quý tộc, quan chức cấp cao lại tỏ ra hứng thú khi xem các “trai nhảy” uốn éo trên sân khấu. Nhu cầu càng cao, các “bachabaze” càng có đất diễn và kiếm thêm nhiều tiền.

Đây là hình ảnh về cuộc sống bi thảm của các "trai nhảy" giữa vùng đất nhiều năm chìm trong bom lửa chiến tranh này:

 Trước khi lên sân khấu, Shukur, 21 tuổi phải tắm rửa sạch sẽ trong một phòng tắm công cộng. Năm 12 tuổi, Shukur bị bắt cóc tới vùng Kunduz, Afghanistan và được huấn luyện để trở thành một “bachabaze”. 5 năm sau, Shukur bỏ trốn tới Kan Buer và tự mình kiếm sống nuôi thân

 
 Shaharyar, 24 tuổi, sống tại khu Buer Kan. Năm 17 tuổi, mồ côi cha, là con trưởng, Shaharyar đảm nhận trách nhiệm nuôi sống cả nhà. Anh gặp người thầy ChaiKhan trong một quán trà. Nhờ đó, Shaharyar học từng bước nhảy cơ bản và dấn thân vào nghề.
 

 Shukur và Shaharyar đang trang điểm trước giờ diễn. Một sĩ quan chỉ huy trong lực lượng dân quân Afghanistan thẳng thắn tiết lộ: "Dù đã kết hôn nhưng tôi vẫn thích tới đây để chơi đùa cùng các bachabaze. Tại những nơi thế này, bạn không thể dắt theo phụ nữ và cùng cô ta nhảy nhót. Nhưng vui đùa với bachabaze thì được, việc sở hữu họ thể hiện uy tín của chúng tôi”.
 

 Shaharyar đang nhảy nhót trong một vũ hội tại Kan Buer. Một chỉ huy quân du kích cho biết: “Mỗi người đều muốn chọn cho mình một trai nhảy đẹp nhất, tuấn tú nhất. Cũng có lúc, chúng tôi tập hợp lại và cho bọn họ thi thố với nhau. Ai giành chiến thắng sẽ trở thành bachabaze tốt nhất”.


 Một “trai nhảy” đang soi gương. Thông thường, người chủ sẽ cho họ những y phục vô cùng đắt giá, thậm chí xe cộ cốt để khoe khoang sự giàu có và địa vị xã hội của mình. Nhưng nếu bachabaze từ chối biểu diễn hoặc không nghe lời chủ nhân, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề.
 

 Sau mỗi buổi diễn, các “trai nhảy” lại chịu cảnh sống ô nhục như một nô lệ tình dục cho các khách hàng là tầng lớp quý tộc, quan chức.
 

 Các bữa tiệc thác loạn dành riêng cho nam giới thế này thường diễn ra mỗi tuần một lần.
 

 Rất nhiều “trai nhảy” không ý thức được cuộc sống bi thảm của mình, thậm chí vẫn mong muốn gắn bó với nghề khi đã thực sự trưởng thành, dù họ có cơ hội chạy trốn.


  Fridoon, 13 tuổi, tới từ tỉnh Logar. Mẹ mất sớm, cha tái hôn, không chịu nổi cảnh bị mẹ kế tra tấn tàn nhẫn, Fridoon bỏ nhà đi bụi. Một hôm, cậu bé được một người đàn ông dắt tới lễ hội và dụ dỗ trở thành “trai nhảy”.
  
Hai năm trước, Fridoon đã từ bỏ cuộc sống ô nhục của một bachabaze, nhưng vẫn là đứa trẻ vô gia cư và nghiện ma túy. Cậu bé tội nghiệp chỉ biết kiếm sống bằng cách lê la trên phố, ngửa tay xin của bố thí từ thiên hạ.  


Mai Anh/Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn