Chiêm ngưỡng siêu phẩm hàng không qua các thời đại

Thế giớiThứ Ba, 12/07/2011 08:19:00 +07:00

(VTC News) – Chế tạo máy bay là một ngành công nghệ cao luôn chứa đựng những điều thú vị. Cùng chiêm ngưỡng những kiệt tác trên bầu trời qua các thời đại.

(VTC News) – Trải qua quá trình phát triển và cải tiến không ngừng, công nghệ sản xuất máy bay trên khắp thế giới đã không làm người hâm mộ phải thất vọng khi cho trình làng những “siêu phẩm” làm nên lịch sử của ngành hàng không hiện đại với nhiều màn biểu diễn ngoạn mục ngay trên bầu trời Paris Air Show 2011.

Hãy cùng chiêm ngưỡng những phiên bản từ sơ khai cho tới hiện đại nhất để thấy được máy bay đã có những bước phát triển đột phá như thế nào trong suốt nhiều thập kỷ qua.

1. Máy bay Fokker F.VII 
   Nơi sản xuất: Hà Lan
   Năm sản xuất: 1925-1932

Fokker F.VII 

Fokker F.VII là loại máy bay thương mại 12 chỗ ngồi do Hà Lan sản xuất, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1925 và ngay sau đó đã nhanh chóng trở thành sự lựa chọn tối ưu của nhiều hãng hàng không của châu Âu và châu Mỹ.

Những năm 1920 – 1930 được coi là “thời đại hoàng kim” của Fokker khi chiếm giữ vị trí số 1 tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, sau đó không lâu,  một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra gần thị trấn Bazaar, bang  Kansas vào tháng 3/1931, cướp đi sinh mạng huấn luyện viên nổi tiếng của đội tuyển bóng đá Notre Dame, ông Knute Rockne, cùng 7 người khác đã khiến uy tín của hãng máy bay này bị giảm sút nghiêm trọng.

Ngay sau “cú ngã” của Fokker, các hãng máy bay đối thủ như Boeing và Douglas đã có cơ hội thay thế biểu tượng của chiếc máy bay Hà Lan 3 động cơ này để sải cánh trên bầu trời nước Mỹ cho tới tận bây giờ.

Tuy nhiên, trước khi công ty Fokker tuyên bố phá sản vào ngày 15/03/1996, hãng máy bay này đã kịp cho ra đời phiên bản nâng cấp Fokker 70 – được đánh giá là “ánh hào quang” cuối cùng của thương hiệu máy bay đã từng “làm mưa làm gió” trong lịch sử hàng không quốc tế - Fokker 3 động cơ.

 Fokker 70


2. Boeing 727

Nơi sản xuất:  Washington, Mỹ
Năm sản xuất: 1963 – 1984

Boeing 727 

Máy bay Boeing 727 ra đời dựa trên sự hợp tác của 3 hãng hàng không lớn là United Airlines, American Airlines và Eastern Airlines nhằm phục vụ mục đích thương mại phù hợp với số lượng khách không quá lớn, thêm vào đó, loại máy bay này có khả năng hoạt động dễ dàng tại các thành phố nhỏ có đường băng đương đối ngắn.

Boeing 727 được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới với nhiệm vụ chính là vận chuyển hành khách từ những thành phố lớn cho tới các sân bay nhỏ ở bất cứ địa điểm nào có du khách tới tham quan.




Tuy nhiên, được cấu tạo như một chiếc máy bay phản lực, nhược điểm lớn nhất của Boeing 272 là gây ra tiếng ồn lớn khi cất cánh. Đây cũng chính là lý do khiến nó bị cấm hoạt động tại các sân bay của Australia vào năm 2010.

Một sự kiện khác khiến người ta không thể không nhớ tới khi nhắc đến Boeing 727, đó là vụ việc xảy ra vào ngày 24/11/1971, khi một kẻ lạ mặt lấy bí danh D.B. Cooper đã tiến hành cướp máy bay, sau đó nhảy dù để tẩu thoát trong lúc chiếc boeing đang bay qua khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.

3. McDonnell Douglas DC-10
    
Nơi sản xuất: California, Mỹ 
Năm sản xuất: 1968 – 1988

McDonnell Douglas DC-10 

McDonnell Douglas DC-10 là loại máy bay thân rộng mang 3 động cơ phản lực có khả năng bay đường dài với sức chứa tối đa hơn 380 hành khách, một sản phẩm đặc biệt của hãng McDonnell Douglas.

Mặc dù có kích thước lớn hơn và tốc độ cao hơn nhiều so với phiên bản DC-9 cũng như đối thủ tầm cỡ là Boeing 727, DC-10 có ưu điểm vượt trội là khả năng chuyển động khá nhẹ nhàng, êm ái, và nhất là không gây tiếng ồn. Chính vì nhiều tính năng hơn hẳn so với các loại máy bay cùng thời, ngay từ khi mới ra đời, McDonnell Douglas DC-10 đã giúp nhà sản xuất thu về số tiền khổng lồ từ đơn đặt hàng lên tới 447 chiếc, tính cho đến chiếc mới nhất đã được bàn giao cho hãng hàng không Nigerian Airlines vào năm 1989.

Trước đó, DC-10 cũng đã được coi là sản phẩm mở đầu cho thị trường du lịch hàng không thương mại bắt đầu từ giữa cho đến cuối những năm 1960.

 
 

Tính đến tháng 1/2011, trên thế giới có khoảng 97 chiếc DC-10 hiện đang hoạt động với mục đích thương mại, trong đó hãng hàng không FedEx Express sở hữu 74 chiếc, Omni Air International với 8 chiếc, 4 chiếc thuộc về hãng Biman Bangladesh Airlines, trong khi Cielos Airlines và Kelowna Flightcraft Air Charter mỗi hãng có 3 chiếc, cùng với một số hãng hàng không khác.

4. Máy bay Boeing 747
    Nơi sản xuất: Washington, Mỹ
    Năm sản xuất: từ 1969 – nay

 Boeing 747

Vào năm 1970, đệ nhất phu nhân Mỹ, Pat Nixon (vợ tổng thống Richard Nixon) là người đã gợi ý sơn chiếc 747 đầu tiên với 3 màu – cho đến này vẫn được coi là màu sắc đặc trưng của thương hiệu Boeing 747, đó là: đỏ, trắng, và xanh dương.

Ngoài tên thường gọi, Boeing 747 còn được biết đến với những biệt danh như “Jumbo Jet” hay “ Nữ hoàng trời xanh”, và được đánh giá là loại máy bay thân rộng tốt nhất trên thế giới với kích thước lớn hơn gấp 2,5 lần so với Boeing 707.

Trước dự đoán về nhu cầu ngày càng tăng cao trong ngành công nghiệp hàng không những năm 1970, hãng Boeing hy vọng sẽ bán được khoảng 400 chiếc 747, nhưng trên thực tế, con số này còn lớn hơn gấp nhiều lần. Tính cho đến nay, đã có hơn 1.400 chiếc Boeing 747 được sản xuất, trong khi đó công việc chế tạo vẫn đang tiếp tục được tiến hành.

Gần đây, máy bay liên lục địa Boeing 747-8, phiên bản mới nhất của huyền thoại Boeing 747 cũng đã có mặt tại triển lãm hàng không quốc tế Paris Air Show 2011 với sức chứa lên tới 467 hành khách cùng thiết kế nội thất vô cùng tiện nghi và sang trọng.

 
 
 
 
 


5. Learjet 31

Nơi sản xuất: Kansas, Mỹ 
Năm sản xuất: 1987 – 2003

Learjet 31 


Learjet 31 là máy bay dân dụng tốc độ cao do Mỹ sản xuất. Một chiếc máy bay như thế này có thể chứa được 10 người (bao gồm 2 phi công và 8 hành khách) và là phiên bản được nâng cấp từ Learjet 29.

Ngoài khả năng trinh sát ở độ cao tối đa 15 m so với mặt nước  biển, Learjet 31 còn có khả năng di chuyển linh hoạt giúp tránh được các va chạm trong điều kiện mật độ hàng không dày đặc, cũng như có thể hoạt động bất chấp mọi kiểu thời tiết. Không những thế, Learjet 31 còn được thiết kế hiện đại, đem đến cho hành khách cảm giác thoải mái, và vì tất cả những lý do đó, nó được xếp vào danh sách những loại máy bay dân dụng có chất lượng hàng đầu.

 
 
 

6. Airbus A320
   
Do Liên minh Châu Âu sản xuất từ năm 1988 – nay.

 Airbus A320

Kể từ lần ra mắt của siêu phẩm đầu tiên thuộc thế hệ Airbus A320 vào năm 1988, đã có hơn 4.600 chiếc máy bay thương mại chở khách thuộc dòng A320 được ra đời. Tính từ năm 2005 – 2007, đây là dòng sản phẩm bán chạy nhất của công nghiệp hàng không quốc tế.

So với các máy bay khác cùng họ Airbus, A320 có sức chứa và không gian vận tải lớn hơn hẳn.

 
 
 

Bên cạnh đó, vào năm 2009, Airbus A320 còn có một pha xử lý tình huống khẩn cấp đầy ngoạn mục khi chuyến bay 1549 của hãng hàng không US Airways hạ cánh thành công ngay trên sông Hudson sau khi đâm vào một đàn chim khiến cả 2 động cơ ngừng hoạt động. Nhờ đó, tất cả 150 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay đều đã may mắn sống sót sau tai nạn bất ngờ.

Kỳ Giang(CNBC) - còn tiếp

Bình luận
vtcnews.vn