Top 10 trực thăng tấn công hiện đại nhất thế giới (P3)

Tổng hợpThứ Hai, 23/08/2010 05:55:00 +07:00

(VTC News) - Máy bay trực thăng ngày nay đang được quân đội các nước sử dụng ngày càng rộng rãi, trong tương lai loại phương tiện này có thể thay thế xe tăng.


(VTC News) – Với hỏa lực mạnh, khả năng cơ động cao, tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, máy bay trực thăng tấn công ngày nay đang được quân đội các nước trên thế giới sử dụng ngày càng rộng rãi.

7. Máy bay trực thăng tấn công Agusta A-129 “Mangusta”

 

Máy bay trực thăng tấn công Agusta A-129 "Mangusta". 

A-129 “Magusta” do Hãng Agusta của Italia (một chi nhánh của Tập đoàn Agusta Wwstland) nghiên cứu, sản xuất. Đây là máy bay trực thăng tấn công chuyên dụng đầu tiên được thiết kế và chế tạo hoàn toàn tại Tây Âu theo yêu cầu của quân đội Italia vào giữa những năm 70 của thế kỷ trước, đồng thời cũng là máy bay trực thăng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ truyền thông tin kỹ thuật số cho phép tăng khả năng tự động điều khiển cho máy bay và tiện dụng cho phi công trong quá trình điều khiển.

Hiện giá của một chiếc trực thăng loại này rơi vào khoảng 43 triệu USD.

 

Toàn cảnh phía trước của A-129 "Mangusta". 

Đầu tiên quân đội Italia dự định sẽ mua 100 máy bay trực thăng loại này ở hai phiên bản chính là chống tăng và trinh sát. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ và nguy cơ chiến tranh ở châu Âu bị đẩy lùi thì nhu cầu của Italia giảm xuống chỉ còn 60 chiếc.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 45 máy bay loại này được đưa vào biên chế cho quân đội Italia trong giai đoạn 1990-1992.

 

"Mangusta" nhìn từ bên hông. 

A-129 “Mangusta” được sử dụng chủ yếu để tiến hành nhiệm vụ trinh sát và kiềm chế hỏa lực đối phương, hỗ trợ cho bộ binh trong các hoạt động tác chiến cả ngày lẫn đêm.

Loại máy bay chiến đấu này thường bay kèm với máy bay AB 412 hoặc AB 205 đã từng được sử dụng trong nhiều hoạt động tác chiến khác nhau, trong đó có tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Somali.

 

"Mangusta" là phiên bản hai chỗ ngồi đều có thể điều khiển được máy bay khi cần thiết.

Máy bay loại này thường được thiết 4 giá treo vũ khí ngoài  có thể mang 1.200 kg vũ khí tác chiến gồm 8 tên lửa chống tăng có điều khiển M65 “Tow”, “Hot”, 6 tên lửa chống tăng có điều khiển loại “Hellfire”, tên lửa có điều khiển “Stinger”, “Mistral” hoặc AIM-9, bệ pháo 20 mm hoặc súng máy 12,7 mm, hệ thống chỉ thị mục tiêu “Heli-Tow” như máy bay trực thăng tấn công đa năng, 2 giá treo tên lửa không điều khiển cỡ 70 mm hoặc 81 mm.

 

 "Mangusta" là máy bay chiến đấu chuyên dụng đầu tiên được chế tạo hoàn toàn tại Tây Âu.

Về đặc tính kỹ-chiến thuật, máy bay được trang bị 2 động cơ Mk 1004D có công suất 880 mã lực cho phép máy bay có thể hoạt động ở tốc độ tối đa 250 km/h, tốc độ nâng tối đa 10,1 m/s trong phạm vi hoạt động 100 km bay trong thời gian 90 phút.

Trọng lượng của máy bay khi không tải là 2.530 kg, trọng lượng tối đa khi cất cánh là 4.100 kg, đường kính cánh quạt 11,9 m, sải cánh dài 3,2 m, chiều dài máy bay 14,29 m, cao 4,77 m.

 

8. Máy bay trực thăng tấn công đa năng AS.565 Panther

 

 Máy bay trực thăng chiến đấu AS.565 Panther đang thử tên lửa trên biển.

Đây là dòng máy bay trực thăng tấn công đa dụng do Hãng Eurocopter nghiên cứu, sản xuất dựa trên phiên bản máy bay trực thăng tấn công đa năng Aerospatiale-Eurocopter France SA.365M Dauphin II. Đặc tính nổi bật của dòng máy bay này là có tính cơ động cao nên được sử dụng chủ yếu để tiêu diệt các phương tiện kỹ thuật bọc thép mặt đất, các mục tiêu không quân tầm thấp, sinh lực và các công sự phòng thủ của đối phương, đồng thời yểm trợ hoả lực cho lực lượng Lục quân.

Toàn cảnh phía mũi của AS.565 Panther. 

Mặc dù loại máy bay trực thăng tấn công này không bằng các loại máy bay trực thăng tấn công hiện đại như Ka-52 của Nga hay AH-64 Apache của Mỹ về tốc độ, bán kính hoạt động và vũ khí trang bị, song nó lại có khả năng hoạt động ở tầm thấp, ở những nơi địa hình uốn lượn, phức tạp nên giảm được nguy cơ bị tấn công tiêu diệt từ các phương tiện phòng không của đối phương.

Đây chính là yếu tố chủ chốt mà các chuyên gia của Eurocopter tập trung nghiên cứu và phát triển.

 

 AS.565 Panther có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp.

Phiên bản đầu tiên của dòng máy bay này đã được bắt đầu thử nghiệm vào tháng 2/1984 và đến năm 1989 thì bắt đầu đưa vào trang bị cho lực lượng Không quân Brazil.

Hiện dòng máy bay trực thăng tấn công loại này có 5 phiên bản chính: AS.565M biến thể đầu tiên; AS.565AA phiên bản tấn công đa năng; AS.565CA phiên bản chống tăng mang tên lửa chống tăng có điều khiển HOT; AS.565UA phiên bản trực thăng đổ bộ và cuối cùng là biến thể mới nhất AS.565 800.

 

Buồng lái của AS.565 Panther. 

Máy bay trực thăng tấn công loại này được thiết kế với cánh quạt chính có đường kính 11,94 m, cánh quạt đuôi có đường kính 1,10 m, chiều dài máy bay 12,11 m, cao 3,39 m, trọng lượng khi không tải 2.193 kg, khi cất cánh thông thường 4.100 kg và cất cánh tối đa 4.250 kg, bình nhiên liệu trong 1.135 lít, trang bị 2 động cơ Turbomeca Arriel IM1 có công suất tối đa 2x584 KW cho phép máy bay có thể hoạt động ở tốc độ tối đa 296 km/h trong phạm vi hoạt động 400 km ở trần bay cao thực tế 4.300 m.

Máy bay được biên chế kíp lái 2 người, mang tải trọng có ích 1.700 kg hàng hóa hoặc 10 lính đổ bộ.

 

AS.565 Panther được trang bị chiến đấu trên cả tàu sân bay. 

Với máy bay trực thăng tấn công loại này thì vũ khí trang bị biên chế khá đơn giản dưới hai giá treo ngoài dưới thân máy bay bao gồm: 2 thiết bị phóng 22x68 mm Thomson-Brandt hoặc 19x70 mm Forges de Zeebrugge hoặc 2 ống phóng NC20M61 mang pháo 20 mm GIAT M621 và 180 quả đạn hoặc 2x2 tên lửa có điều khiển lớp “không đối không” Matra Mistral hoặc 4 tên lửa chống tăng có điều khiển HOT.

 

AS.565 Panther chuẩn bị đáp xuống tàu mang trực thăng sau khi hoàn thành nhiệm vụ. 

9. Máy bay trực thăng tấn công đa năng Westland Lynx AH của Anh

 

Máy bay trực thăng tấn công đa năng Lynx AH Mk1 của Anh. 

Máy bay trực thăng tấn công Lynx AH Mk1 được bắt đầu nghiên cứu và chế tạo vào năm 1967 trong khuôn khổ dự án nghiên cứu chung giữa Hãng Westland của Anh và Aerospatiale của Pháp để sử dụng vào mục đích chống tăng và chống xe bọc thép.

Nó được thiết kế với hai khoang chính là khoang lái và khoang chở hàng. Ngoài ra máy bay còn được trang bị thêm cái tời chịu tải 300 kg để làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, phía ngoài ở hai bên hông máy bay được trang bị các giá treo vũ khí.

 

Lynx AH Mk1 được sử dụng chủ yếu để chống các phương tiện thiết giáp mặt đất.

Bên cạnh đó, Lynx AH Mk1 còn được trang bị cả hệ thống điều khiển tự động, hệ thống dẫn đường dopler và thiết bị vô tuyến hiện đại. Loại máy bay này thường được trang bị hệ thống vũ khí như: pháo 20 mm Oerlikon KAD-B cùng 1.500 quả đạn, súng máy 7,62 mm, hai hộp phóng tên lửa có điều khiển Aerospatiale AS.12 hoặc CL 834 Skyua, 8 tên lửa chống tăng có điều khiển BGM-71 TOW hoặc HOT hoặc AGM-114 Hellfire hoặc 2 tên ống phóng  tên lửa không điều khiển 68 mm hoặc 70 mm, mìn Valsella VS-MD H và tên lửa có điều khiển lớp “không đối không” hoặc “không đối đất”.

 

Toàn cảnh Lynx AH Mk1 khi tham gia thực hiện nhiệm vụ. 

Máy bay trực thăng tấn công loại này thường được thiết kế với cánh quạt chính có đường kính 12,80 m, đường kính cánh quạt đuôi 2,21 m, chiều dài thân máy bay 12,02 m, cao 3,504 m, trọng lượng khi không tải 2.578 kg, khi cất cánh bình thường 4.355 kg và khi cất cánh tối đa 4.536 kg, bình nhiên liệu trong 973+214 lít, được trang bị 2 động cơ Rolls-Royce Gem Mk 41-2 công suất 2x1.150 mã lực cho phép máy bay  phát triển tới tốc độ tối đa 306 km/h, tốc độ hành trình 259 km/h trong phạm vi hoạt động 1.340 km ở tầm bay 3.230 m, biên chế kíp lái 2 người.

 

 Lynx AH Mk1 chuẩn bị tham gia diễn tập.

10. Máy bay trực thăng tấn công WZ-9 của Trung Quốc

 

Máy bay trực thăng tấn công WZ-9 của Trung Quốc. 

WZ-9 (Wuzhuang Zhisheng-9) là máy bay trực thăng tấn công ho Hãng Harbin Aircraft Manufacturing Corporation nghiên cứu sản xuất dự trên giấy phép sản xuất máy bay trực thăng Eurocopter AS-365N Panther của Pháp.

 

WZ-9 nhìn từ phía trên. 

Đây là dòng máy bay trực thăng tấn côn chống tăng đầu tiên được cung cấp cho quân đội Trung Quốc từ năm 1998 có thể chở 8 binh lính đổ bộ mang đầy đủ vũ khí, trang bị. Nó được trang bị 2 khẩu pháo 23 mm Type-1, trên giá treo ngoài có thể mang được 4 tên lửa chống tăng HJ-8E có tầm bắn xa gần 3 km hoặc hai ống phóng tên lửa không điều khiển cỡ 57 mm hoặc 90 mm hoặc hai bệ súng máy 12,7 mm. Ngoài ra, máy bay loại này còn có thể được trang bị cả tên lửa “không đối không” TY-90.

 

 WZ-9 trong đội hình tác chiến. 

Những đặc tính chủ yếu của loại máy bay này là: đường kính cánh quạt chính 12 m, đường kính cánh quạt đuôi 1,10 m, chiều dài máy bay 13,46 m, cao 3,47 m, trọng lượng máy bay khi không tải là 2.050 kg, khi cất cánh thông thường là 4.060 kg và cất cánh tối đa 4.100 kg, nhiên liệu trong 1.135+180 lít, trang bị 2 động cơ Turbomeca Arriel IM1 có công suất tối đa 2x584 KW cho phép máy bay hoạt động ở tốc độ tối đa 305 km/h, tốc độ hành trình 260 km/h trong phạm vi hoạt động thực tế 1.000 km, phạm vi hoạt động tác chiến 400 km, tốc độ nâng 420 m/phút, trần bay cao thực tế 6.000 m, trần bay cao chiến lược 2.600 m, biên chế kíp lái 2 người.

 

 WZ-9 khi tham gia hoạt động tác chiến độc lập.
Xếp đội hình tác chiến cho WZ-9 trước khi thực thi nhiệm vụ. 


Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn