Cấm rượu bia: Xử phạt nặng như nước ngoài mới hiệu quả

Thời sựThứ Ba, 29/07/2014 07:15:00 +07:00

(VTC News) - Một số nước đã áp dụng những chế tài khắt khe liên quan đến rượu bia rất hiệu quả, Việt Nam nên học hỏi.

(VTC News) - Một số nước đã áp dụng những chế tài khắt khe liên quan đến rượu bia rất hiệu quả, Việt Nam nên học hỏi.

Dự thảo luật Phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia do Bộ Y tế đề xuất cấm bán từ 22h-6h sáng hôm sau, người uống rượu bia sau 22h cũng có thể bị xử phạt vừa được Bộ Y tế đưa ra đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Xung quanh dự thảo này, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) về chủ trương này.

Đề xuất, cấm rượu bia, sau 22h, Bộ Y tế, "chết lâm sàng", quy định dự thảo
Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Đại biểu Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) 
Chủ trương cần được ủng hộ


- Bà có nhận định gì về dự thảo cấm bán rượu bia sau 22h-6h do Bộ Y tế đề xuất?


Theo tôi, quy định này là cần thiết.
Thứ nhất, nước ta là một nước không khá giả gì, nếu như không muốn nói là nghèo. Trong khi đó chi phí người dân dùng để uống bia rất cao, và để uống bia, người dân sử dụng khoản tiền lẽ ra sẽ dùng cho những việc khác có ích hơn như: đầu tư cho giáo dục, văn hóa… chẳng hạn. Đó là những đầu tư cần thiết.

Nếu mỗi người dân giảm đi 1-2 cốc bia một ngày, dùng chi phí đó để đầu tư vào những hoạt động có ích, tôi tin đất nước sẽ tốt hơn lên.

Thứ hai, chúng ta phải thừa nhận tác hại của rượu bia đối với sức khỏe và nhất là sự an toàn cho xa hội. Tác hại của rượu bia rất lớn, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống với tỷ lệ bệnh gan do bia rượu hiện đang khá cao. Và đây là gánh nặng cho không chỉ gia đình họ mà cả cho ngành y tế, cho cả xã hội.


Chúng ta quá biết rằng có đến 70% các vụ tai nạn giao thông có nguồn gốc liên quan đến bia rượu. Và số lượng vụ tai nạn này ngày càng tăng, kéo theo đó là hệ lụy rất lớn.

Nên việc nghiên cứu một giải pháp nhằm hạn chế việc người dân sử dụng rượu bia là cần thiết. Vấn đề chỉ là giải pháp như thế nào mà thôi bởi lợi ích của chủ trương đưa ra đã rõ.


- Giải pháp cần thực hiện là gì, thưa bà?


Chúng ta có thể học hỏi ở các nước tiên tiến như Australia chẳng hạn. Họ đã áp dụng những chế tài khắt khe liên quan đến rượu bia rất hiệu quả. Như việc giám sát, xử phạt, bắt giam… thậm chí tăng nặng mức xử phạt liên quan đến bia rượu.


Họ áp dụng chủ trương hạn chế phục vụ, đóng cửa hàng quán từ 10h tối và quy định khung giờ cho từng khu vực. Ví dụ khu vực riêng biệt, có thể trễ hơn, còn khu vực công cộng, gần nơi đông dân cư sẽ sớm hơn…

Bên cạnh đó, họ áp dụng chế tài xử phạt tăng nặng khi có rượu bia. Ví dụ như Luật hạn chế bia rượu ở New South Wales từ ngày 24/02/2014 là một điển hình. Họ quy định mức phạt cho các vụ tấn công nghiêm trọng được tăng thêm 2 năm so với mức phạt bắt buộc tối thiểu nếu có liên quan đến bia rượu.

Hay mức phạt ngay tại chỗ cho các hành vi gây lộn xộn tăng lên từ 200 USD ở mức nhẹ tăng lên đến 1.100 USD ở mức nặng. Hay các quán bar/club tại khu vực trung tâm thành phố và Kings Cross không được nhận thêm khách từ 1h30 sáng và không được phục vụ rượu bia từ 3h sáng…

Với người vi phạm, cảnh sát có quyền cấm ngay tức khắc đối với những kẻ gây sự khỏi khu vực trung tâm thành phố.


Đó là quy định của nước ngoài. Còn ở nước ta, văn hóa nhậu nhẹt, uống bia rượu đến say khướt sẽ khó đẩy lùi, nên cần kết hợp mệnh lệnh hành chính với biện pháp tuyên truyền mang tính hệ thống từ trên xuống dưới để người dân ý thức được lợi ích của việc hạn chế rượu bia.

Song song với đó, cần giao quyền cho lực lượng công an và các lực lượng công quyền khác trong việc kiểm tra, xử phạt nặng những hàng quán vi phạm và cả những người sử dụng rượu bia quá giờ.

Đề xuất, cấm rượu bia, sau 22h, Bộ Y tế, "chết lâm sàng", quy định dự thảo
Dự thảo luật Phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia của Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia từ 22h-6h sáng hôm sau nhận được nhiều ý kiến trái chiều 

- Mốc thời gian mà Bộ Y tế đưa ra liệu đã hợp lý và quy định có khả thi trong khi công tác kiểm soát và xử lý thật không dễ dàng?


Theo tôi mốc thời gian cần được xem xét cho phù hợp từng địa phương, từng khu vực, từng địa điểm. Việc thực hiện đúng là không dễ, nhưng tôi nghĩ không khó đến nỗi chúng ta không thể thực hiện được. Các nước họ vẫn thực hiện thành công đấy. Chỉ là chúng ta có quyết tâm thực hiện không mà thôi.

Không khéo sẽ "chết luôn" chứ không chỉ chết lâm sàng"


- Hiện quy định đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, ủng hộ có mà phản đối cũng không ít, theo bà nguyên nhân vì sao?


Theo tôi, bất cứ một chính sách nào đưa ra cũng không thể đáp ứng được toàn bộ các đối tượng. Nên chỉ cần xem xét nó có lợi cho đại bộ phận dân cư, có lợi cho toàn xã hội là chúng ta nên làm. Và khi ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm này thì nhóm này sẽ không đồng ý, còn tác động tích cực đến nhóm kia thì nhóm kia sẽ ủng hộ.

Nhưng tôi nghĩ, quy định sẽ tạo ra ý thức tốt cho người dân, như đội mũ bảo hiểm vậy. Người dân có ý thức hạn chế rượu bia không chỉ cho mình mà còn cho xã hội.

- Để hạn chế việc uống bia rượu, chúng ta có thể áp dụng nhiều chính sách khác chẳng hạn như chính sách thuế?

Tôi nghĩ cần một chính sách tổng hợp. Chứ thuế cũng chỉ một phần mà thôi, bởi bia rượu ở nước ta có nhiều mức giá, nhiều chủng loại khó kiểm soát. Và với nhu cầu uống rượu bia thì thuế cũng không hạn chế việc người ta uống bia vô tội vạ.

Đề xuất, cấm rượu bia, sau 22h, Bộ Y tế, "chết lâm sàng", quy định dự thảo
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, nếu người dân giảm đi 1-2 cốc bia một ngày, dùng chi phí đó để đầu tư vào những hoạt động có ích thì đất nước sẽ tốt lên
- Nếu như được thực hiện, chủ trương này sẽ ảnh hưởng đến không ít người, nhất là thu nhập của các hàng quán. Vậy để thực hiện tốt, cần có những chính sách gì đi kèm?


Theo tôi, đây là chủ trương hướng đến sức khỏe người dân, sự an toàn cho xã hội nên có lẽ đến lúc ngành dịch vụ ăn uống cũng cần có trách nhiệm đối với khách hàng của mình và đối với xã hội.

Còn các chính sách khác, tôi nghĩ nhà nước không thể đáp ứng hết yêu cầu của từng bộ phận người dân mà chỉ cần hướng đến lợi ích chung của toàn xã hội là được. Cái quan trọng là làm cho người dân thấy được lợi ích thiết thực của chủ trương này.

Phải công khai toàn bộ tiến trình để người dân biết, thực hiện thực sự là vì lợi ích chung của toàn xã hội để chủ trương được người dân hưởng ứng, thay vì một mệnh lệnh hành chính.

- Vậy việc hiện thực hóa chủ trương này không hề dễ. Liệu dự thảo này có “chết lâm sàng” hay không?


Như tôi đã nói, chủ trương rất tốt, tôi ủng hộ. Nhưng để thực thi, cần có phương án chi tiết, cụ thể và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, nhiều lực lượng từ truyền thông sâu rộng đến kiểm tra, giám sát, xử lý thì mới thành công. Còn nếu chỉ riêng Bộ Y tế, tôi nghĩ chủ trương này sẽ “chết luôn” chứ không chỉ là “chết lâm sàng”.

- Xin cảm ơn bà!


Bạn có ý kiến gì với quy định này? Hãy gửi cho chúng tôi ở box thảo luận dưới đây để góp phần làm sáng tỏ vấn đề.

Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn