Lũ rút đi, đau thương ở lại Chư K'bang

Thời sựThứ Hai, 23/09/2013 09:32:00 +07:00

Nước lũ chưa rút hết, đường sá ngập ngụa xác chết súc vật, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, trong căn nhà xiêu vẹo, mọi người đang chuẩn bị tang lễ cho người thân.

Nước lũ chưa rút hết, đường sá ngập ngụa bùn rác và xác chết súc vật, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, trong những căn nhà xiêu vẹo, mọi người đang chuẩn bị tang lễ cho người thân.

Chiều 22/9, các lực lượng cứu hộ đã chính thức dừng việc tìm kiếm các nạn nhân bị lũ quét tại vùng rừng thuộc xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) với kết quả cứu được 3 người, vớt được 6 thi thể, còn 2 người mất tích không tìm được. Đây là các nạn nhân thuộc 4 gia đình nghèo ở xã Chư K’bang, bị lũ cuốn trôi khi trú mưa trong chòi rẫy từ chiều 17/9.

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể các nạn nhân vào bờ. Ảnh: Đặng Trung Kiên
Lực lượng cứu hộ đưa thi thể các nạn nhân vào bờ. Ảnh: Đặng Trung Kiên 
4 ngày tìm kiếm trong nước lũ

Ông Trương Ngọc Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Chư K’bang - cho biết, khoảng 10h sáng 18/9, UBND huyện Ea Súp thông báo xả lũ hồ Ea Súp Thượng. Ngay lập tức, xã đã thông báo liên tục trên đài truyền thanh, cử cán bộ xuống nhà dân nhắc nhở, kêu gọi người dân nhanh chóng ra khỏi các khu vực nguy hiểm. 
Trên thực tế, việc xả lũ hồ Ea Súp Thượng không ảnh hưởng đến Chư K’bang, các thiệt hại của địa phương chủ yếu do lũ từ thượng nguồn phía nam đổ về theo sông Ea H’leo.

“Vừa yên tâm với tình hình xã nhà, chúng tôi nhận được tin bên xã Ea Rốk có 12 người mất tích, đều là dân xã tôi” - ông Thảo nói. Cùng thời điểm, ông Đào Văn Thanh (ở thôn 13) - một trong số 12 người thoát nạn trở về - xác nhận các thông tin trên với chính quyền.

Ông Thanh cho biết, sáng 17/9, những người này đang trú mưa trong chòi rẫy gần suối Ea H’leo thì bất ngờ bị lũ cuốn trôi. Các nạn nhân gồm bà Lý Thị Di (vợ ông Thanh), 6 người trong gia đình ông Đào Văn Lý, hai vợ chồng ông Đào Văn Dinh và bà Hầu Thị Mỵ, chị Dương Thị Hoa và con gái là Đào Thị Nhình.

lũ quét
Sau khi thoát chết, bà Pằng đau đớn vì mất chồng và hai con gái. Ảnh: Đặng Trung Kiên 
Từ trưa 18/9, công tác tìm kiếm đã được triển khai, với 165 người thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắc Lắc, các lực lượng vũ trang, dân quân huyện Ea Súp.

Tuy nhiên, lúc này tỉnh lộ 1 từ trung tâm huyện vào hiện trường bị nước lũ chia cắt nhiều đoạn, trong đó gần 500m đoạn ngã ba Quảng Đại ngập sâu hơn một mét, nước chảy xiết. Không có phương tiện cơ giới đường bộ nào vượt qua được, lực lượng cứu hộ phải dùng ca nô vượt qua, tiếp tục cơ động vào khu vực có người bị nạn.


Thượng tá Phạm Văn Sơn - Trưởng Công an huyện Ea Súp - cho biết: “Khu vực 11 người mất tích nước ngập mênh mông, dòng chảy rất xiết, cây rừng rậm rạp nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ”.

Đến trưa 19/9, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy bà Lý Thị Pằng (47 tuổi, vợ ông Đào Văn Lý) và các con là Đào Thị May (16 tuổi), Đào Thị Thuỷ (mới hơn 1 tuổi). Lúc đó ba mẹ con trong tình trạng hoảng loạn, suy kiệt, riêng bé Thuỷ liên tục bị ngất xỉu vì đói, rét và uống quá nhiều nước.

lũ quét
Mẹ con bà Pằng được lực lượng cứu hộ đưa lên bờ. Ảnh: Đặng Trung Kiên 
Cùng thời điểm, thi thể ông Đào Văn Lý (49 tuổi) và bà Hầu Thị Mỵ (44 tuổi) cũng được tìm thấy - ông Lý bị vùi dưới bùn, còn bà Mỵ bị treo trên một ngọn cây.
Chiều 20.9, cách khu vực bị nạn khoảng 600m về phía hạ lưu suối Ea H’leo, thêm 3 thi thể được tìm thấy là Đào Thị Pềnh (7 tuổi, con gái ông Lý), Đào Thị Nhình (8 tuổi, con gái chị Dương Thị Hoa) và ông Đào Văn Dinh (58 tuổi, chồng bà Hầu Thị Mỵ).

Đến ngày thứ tư (21/9), khi nước lũ rút xuống đáng kể, thi thể cháu Đào Thị Thuỷ (4 tuổi, con gái ông Đào Văn Lý) cũng đã được tìm thấy trong một bụi rậm.


Như vậy, những người tử nạn gồm ba bố con ông Đào Văn Lý, hai vợ chồng ông Đào Văn Dinh và bà Hầu Thị Mỵ, cháu Đào Thị Nhình (con gái chị Dương Thị Hoa). 2 người vẫn còn mất tích là chị Dương Thị Hoa và bà Lý Thị Di (vợ ông Đào Văn Thanh).

Chiều 21/9, thượng tá Ngô Văn Chiến - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp - cho biết: “Trong suốt 4 ngày, các lực lượng cứu hộ đã quần thảo toàn bộ khu vực 11 người bị nạn, kéo dài xuống hạ lưu rất xa. Hiện nay nước lũ đã rút nhưng vẫn không tìm thấy hai nạn nhân còn lại, vì vậy công tác tìm kiếm phải kết thúc, nếu người dân phát hiện nạn nhân thì chúng tôi sẽ tổ chức đưa về”.


Tang thương xã nghèo

Ở xã Chư K’bang, nước lũ vẫn chưa rút hết, đường sá ngập ngụa bùn rác và xác chết súc vật, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Trong căn nhà xiêu vẹo của bà Lý Thị Pằng ở thôn 13, mọi người đang chuẩn bị tang lễ cho ông Đào Văn Lý. Gọi là nhà, nhưng chỉ có mấy cái cột, vài tấm tôn, xung quanh quây bạt, nền đất lầy lội sau mưa lũ.

Đám tang diễn ra lặng lẽ, không tiếng khóc, không hương khói, trống kèn, chỉ có tiếng xì xào nói chuyện của những người đưa tiễn. Sau nghi lễ chóng vánh, mấy thanh niên vội vàng khiêng quan tài ông Lý đặt lên một chiếc cộ trâu. Chẳng biết sợ người chết tủi thân hay muốn đi nhanh, con trâu kéo được thay bằng chiếc xe máy, chạy thẳng ra nghĩa trang trên con đường trơn trượt...

Sau khi thoát chết, bà Pằng đau đớn vì mất chồng và hai con gái.
Sau khi thoát chết, bà Pằng đau đớn vì mất chồng và hai con gái. Ảnh: Đặng Trung Kiên 
Trong hai ngày sau đó, bà Pằng lại tiếp tục chôn cất thi thể hai đứa con gái mới được đưa về. Ở thôn 14, đám tang của bà Hầu Thị Mỵ cũng diễn ra vội vã trong ngày thứ nhất, hôm sau đến lượt chồng bà là ông Đào Văn Dinh. Gia đình chị Dương Thị Hoa thì chia đôi, một nửa ở nhà lo chôn cất cháu Đào Thị Nhình (con gái chị Hoa), những người còn lại túc trực bên bờ suối Ea H’leo để tìm kiếm chị Hoa trong vô vọng.

Chỉ có nhà ông Đào Văn Thanh - người đầu tiên thoát nạn - là không có đám tang, bởi đến ngày thứ sáu, vợ ông là bà Lý Thị Di vẫn còn mất tích trong khi việc tìm kiếm đã dừng lại.

Ông Thanh cho biết, chiều 16/9, ông cùng vợ vào tiểu khu 172 - vùng rừng do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh quản lý, thuộc xã Ea Rốk - chuẩn bị trồng bắp. Đến sáng 17/9, lũ từ thượng nguồn bất ngờ đổ về, nước sông Ea H’leo dâng lên rất nhanh. Khi nước ngập chòi rẫy, cả hai hốt hoảng lao ra, chạy lên chòi rẫy của ông Đào Văn Lý.


Chòi rẫy của ông Lý cách đó vài trăm mét đường rừng, trên một quả đồi cao nhất khu vực, hy vọng ở đó sẽ an toàn. Khi đến nơi, ông Thanh thấy 2 gia đình khác đã đến trước, họ bảo chòi rẫy của họ cũng bị cuốn trôi rồi. Tổng cộng 12 người trú trong chòi ông Lý.

Nhưng chưa đầy nửa tiếng sau, chòi ông Lý cũng bị nước bao vây, không còn đường chạy thoát. Đàn bà trẻ con rú lên vì kinh hãi, 3 người đàn ông im lặng trong tuyệt vọng. Tất cả cùng bám vào một cây gỗ lớn gần đó, nước dâng đến đâu lại trèo lên đến đấy, nhìn lại thấy căn chòi bị nước cuốn trôi.


Ông Thanh liều mình bơi ra giữa dòng nước, may mắn rơi vào một dòng xoáy hướng vào bờ, quăng quật một lúc rồi cũng dạt đến bờ. Suốt buổi chiều và đêm 17/9, ông Thanh vừa bơi, vừa chạy thục mạng trong rừng sâu để tránh dòng nước dữ.

Sáng hôm sau nước rút, ông quay lại chỗ chòi ông Lý thì không thấy ai nữa, kể cả vợ mình. Gần một ngày vừa chạy vừa bơi nữa, chiều 18/9, ông về đến xã Chư K’bang báo tin dữ cho 4 gia đình.  

Ba mẹ con bà Pằng (từ trái sang) may mắn thoát chết trong lũ dữ. Ảnh: Đặng Trung Kiên
Ba mẹ con bà Pằng (từ trái sang) may mắn thoát chết trong lũ dữ. Ảnh: Đặng Trung Kiên 
Vẫn chưa hết bàng hoàng, bà Pằng kể lại: “Sau khi anh Thanh bơi đi, chúng tôi lần lượt bị giật ra khỏi cây gỗ ấy, mỗi người trôi một hướng. Tôi đang địu cháu Thuỷ trên lưng, lúc bị trôi tôi nắm lấy tay cháu May kéo theo. Mẹ con tôi bám vào một khúc gỗ to, trôi một quãng dài thì túm được ngọn tre rồi bám chặt vào đó, động viên nhau đừng có buông tay".

"Sáng hôm sau nước rút, tôi quay lại chòi rẫy thì không còn ai nữa, đành quanh quẩn ở đó cho đến khi được cứu. Chồng tôi không biết bơi, trước lúc bị cuốn đi ông ấy bảo ai trốn được thì cứ trốn đi, đừng bám vào nhau mà chết cả. Rồi chồng tôi và hai đứa con gái nữa không thoát được, mấy ngày sau mới tìm thấy xác”, bà Pằng nói.

Đến chiều 22/9, cháu Đào Thị Thuỷ vẫn trong tình trạng suy kiệt, bị viêm phổi, tiêu chảy nặng phải điều trị tại BVĐK huyện Ea Súp.


Ông Trương Ngọc Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Cư K’bang - cho biết, những người gặp nạn đều có quan hệ họ hàng với nhau, là những hộ nghèo nhất xã. Đây là các hộ từ Hà Giang di cư tự do vào Chư K’bang từ năm 2002, đến nay chưa có đất sản xuất, nhà ở tạm bợ, con cái không đến trường. Khu vực họ làm rẫy là đất rừng của Nhà nước, cách nhà hơn 30km, mỗi lần đi họ phải ở lại vài tuần. Ở đó họ không liên lạc với ai được, mưa bão nhiều ngày cũng không biết, khi lũ về là không chạy kịp”.

Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắc Lắc đã hỗ trợ 10 triệu đồng/người chết; UBND tỉnh Đắc Lắc hỗ trợ 5 triệu/người chết, 3 triệu/người sống sót; UBND huyện Ea Súp hỗ trợ 4,5 triệu/người chết, 2 triệu đồng/người sống sót; các lực lượng vũ trang địa phương cũng hỗ trợ 5 triệu đồng/người chết, 1 triệu đồng/người sống sót đối với các nạn nhân bị lũ quét tại vùng rừng thuộc xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, Đắc Lắc.

Trước đó, tại cuộc họp sáng 20.9, UBND tỉnh Đắc Lắc đã chỉ đạo Hội Chữ thập Đỏ tỉnh có thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ các gia đình nạn nhân, vì đây là các gia đình nghèo.



Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn