Thứ trưởng Bộ LĐ-XH: Tăng lương 30%, ai đề xuất chứ không phải tôi

Thời sựThứ Tư, 18/09/2013 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cùng chuyên gia kinh tế chung tay giải bài toán: Tăng lương tối thiểu.

(VTC News) – Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cùng chuyên gia kinh tế chung tay giải bài toán: Tăng lương tối thiểu.

Chậm nhất đến 20/9, dự thảo nghị định về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 áp dụng đối với người lao động tại khối doanh nghiệp (DN) sẽ được trình lên Chính phủ. Và nếu được phê chuẩn, mức lương mới sẽ được áp dụng từ 1/1/2014.

Trước thềm sự kiện quan trọng này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia và Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000 - 400.000 đồng (tương ứng 15-17%) - Ảnh chỉ có tính minh họa
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000 - 400.000 đồng (tương ứng 15-17%) - Ảnh minh họa 
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho hay: “Lương tối thiểu có thể tăng hơn 30% là do ai đề xuất chứ đâu phải tôi?! Dự thảo thì chúng tôi còn đang lấy ý kiến chứ chưa trình Chính phủ.

Cái khó ở chỗ, người lao động thì muốn tăng nhiều, doanh nghiệp thì khó khăn, tăng ít nên bao giờ cũng tạo ra dư luận trái chiều”.

Đem bài toán khó có lời giải trên tới gặp chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ông Doanh thẳng thắn: “Muốn tăng lương phải tăng năng suất lao động. Chỉ khi tăng năng suất lao động, doanh nghiệp có lãi họ mới có thể tăng lương.

 

Tôi đề nghị cho doanh nghiệp quyền thảo luận, bàn bạc với người lao động, tăng lương theo khả năng của doanh nghiệp chứ không nên áp đặt họ.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
 
Yêu cầu tăng lương cho người lao động là hợp lý vì lạm phát đang tăng lên khiến thu nhập thực tế của họ bị giảm sút rất nhiều, nhưng hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn. Họ chỉ sản xuất được 30 – 40% công suất, có hàng tồn kho lại có nợ xấu. Do vậy, bắt doanh nghiệp phải tăng lương vào thời điểm này là rất khó khăn”.


“Điều quan trọng không phải là tăng lương!”

Chuyên gia kinh tế này nói thêm: “Với nguồn vốn, ngân sách của Nhà nước, Nhà nước tăng lương cho cán bộ, công viên chức... tôi không có ý kiến gì.

Nhưng với các doanh nghiệp, tôi đề nghị cho doanh nghiệp quyền thảo luận, bàn bạc với người lao động, tăng lương theo khả năng của doanh nghiệp chứ không nên áp đặt họ”.


Ông Doanh phân tích, dựa vào tình hình thực tế, năng suất lao động, lãi lỗ,... doanh nghiệp sẽ tự xem xét khả năng tăng lương cho người lao động chứ nếu họ khó khăn thực thì nên để hai bên tự thống nhất, thỏa thuận.

“Doanh nghiệp phải tiếp tục sống chứ nếu tăng lương tới mức doanh nghiệp phải chết đi thì người lao động sẽ thất nghiệp, chẳng mang lại ích lợi gì cho cả hai bên.

Với tình trạng lạm phát, đồng tiền mất giá như hiện nay, Nhà nước có thể gợi ý doanh nghiệp nên tăng lương cho người lao động, còn tăng ra sao và vào lúc nào thì không nên áp đặt”, ông Doanh nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, lượng hàng tồn kho (Ảnh: Internet)
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, lượng hàng tồn kho (Ảnh minh họa: internet) 

Bình luận về mức lương tối thiểu hiện tại, chuyên gia kinh tế này cho rằng, các cơ quan Nhà nước cũng thừa nhận lương như thế chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản của người lao động.


“Nhưng muốn đáp ứng đầy đủ, Nhà nước phải cải cách, giảm biên chế chứ với bộ máy cồng kềnh như hiện nay thì sao có thể bảo đảm tiền lương cho công nhân viên chức được?!

Theo tôi, điều quan trọng không phải là tăng lương mà là phải giảm lạm phát. Lạm phát làm xói mòn tiền lương của người lao động”, ông Doanh khẳng định.

Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trong quá trình hoàn tất dự thảo nghị định trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 áp dụng đối với người lao động tại khối doanh nghiệp.

Thứ trưởng Huân cho hay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000 - 400.000 đồng (tương ứng 15-17%) - mức tăng chỉ bằng một nửa so với phương án điều chỉnh mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất trước đó.

Theo kết quả khảo sát mới đây, tiền lương bình quân của người lao động nhận được còn thấp. Người lao động có mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng chiếm 62%, trong đó có 5,2% lao động có mức lương dưới 2 triệu đồng.

 

Theo tôi, điều quan trọng không phải là tăng lương mà là phải giảm lạm phát. Lạm phát làm xói mòn tiền lương của người lao động.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
 
Bên cạnh đó, những tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ nên các khoản thu nhập ngoài lương của người lao động đạt được không nhiều.

Từ kết quả khảo sát, Viện Công nhân - Công đoàn dự báo mức sống tối thiểu năm 2014 tại vùng I sẽ là 4,113 triệu đồng/tháng, vùng II là 3,41 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,014 triệu đồng/tháng, vùng IV là 2,435 triệu đồng/tháng.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã đề xuất hai phương án mức lương tối thiểu năm 2014, nhưng không được chấp thuận.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Thứ trưởng Huân thông tin thêm, sau vụ “sếp công ích” nhận lương “khủng” ở TP HCM vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương rà soát, kiểm tra diện rộng về tiền lương trong các doanh  nghiệp nhà nước và công ích.

Như vậy, có thể thấy, tăng lương tối thiểu như thế nào là đủ vẫn là bài toán khó, làm đau đầu giới chức cũng như các chuyên gia kinh tế từ nhiều năm nay.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn