Hai phi công cứu máy bay gặp sự cố thế nào?

Thời sựThứ Sáu, 19/07/2013 01:52:00 +07:00

Sự cố nghiêm trọng có thể uy hiếp tính mạng phi công, song nhờ được huấn luyện thành thục, cả hai đã bình tĩnh xử lý với sự trợ giúp của chỉ huy dưới mặt đất.

Sự cố nghiêm trọng có thể uy hiếp tính mạng phi công, song nhờ được huấn luyện thành thục, cả hai đã bình tĩnh xử lý với sự trợ giúp của chỉ huy dưới mặt đất.

Sau khi hoàn thành công kích mục tiêu, máy bay của trung sĩ Lương Nguyễn Hữu Phước gặp trục trặc. Nếu hạ cánh với tình trạng đó, tốc độ của máy bay sẽ khoảng 250 km/h và rất dễ nổ lốp, lật hoặc lao ra khỏi đường băng.

Sáng 12/7, Trung đoàn Không quân 910 (Trường Sĩ quan Không quân) tổ chức bay huấn luyện. Công tác chuẩn bị chu đáo từ phi công đến các bộ phận thông tin, hậu cần, kỹ thuật. Trung sĩ học viên Lương Nguyễn Hữu Phước hôm đó thực hiện bài bay biên đội công kích mục tiêu trên không với sự hướng dẫn của thầy giáo, đại úy Tô Anh Tuấn, Biên đội trưởng.

Trên không vực tỉnh Gia Lai, biên đội đã hoàn thành nhiệm vụ công kích mục tiêu theo yêu cầu. Khi trở về hạ cánh thì phi công phát hiện vòng quay treo ở 80% nên đã báo cáo chỉ huy bay. Đại tá Dương Hồng Trường, Trung đoàn trưởng đang trên Đài chỉ huy K4, đã cho lệnh “giữ tốt trạng thái, kiểm tra các tham số động cơ”.

phi công, máy bay, sự cố, tốc độ, trục trặc
 Trung sĩ học viên Lương Nguyễn Hữu Phước (người ngồi) và Đại úy Tô Anh Tuấn, Biên đội trưởng, chuẩn bị vào ban bay.

Trung tá Hoàng Anh Tuấn, Phó chính ủy trung đoàn chỉ huy bay ở Đài K5 cùng phối hợp giúp đỡ. Phi công kiểm tra thấy vòng quay tăng bình thường, nhưng không hạ vòng quay xuống được dưới 80%. Đây là tình huống bất trắc trên không, giống như người đi ôtô mà không thể giảm ga được, nếu cứ để nguyên hạ cánh xuống đường băng máy bay sẽ ở tốc độ lớn, khoảng 250km/giờ (bình thường khi tiếp đất, vòng quay phải giảm dần về 0, tốc độ giảm còn khoảng 190km/giờ). Tốc độ lớn của máy bay khi tiếp đất sẽ gây mất an toàn do có thể nổ lốp, lật máy bay, hoặc máy bay lao ra khỏi đường băng.

Được sự hướng dẫn của chỉ huy dưới mặt đất, hai phi công đã bình tĩnh đưa máy bay vào hạ cánh. Thời điểm hạ cánh cách mặt đất một mét, hai phi công đã tắt máy bằng tay ga, giữ tốt phương hướng, hạ cánh an toàn.

Đại úy Tô Anh Tuấn quê ở Thái Nguyên, năm nay anh mới 31 tuổi đã có hơn 700 giờ bay. Anh cho biết: “Đây là một sự cố trên không nghiêm trọng, có thể uy hiếp tính mạng phi công cũng như máy bay. Tuy nhiên, do được huấn luyện thành thục, nên chúng tôi bình tĩnh xử lý, nhất là được sự hỗ trợ của chỉ huy bay dưới mặt đất”.

Trung sĩ học viên Lương Nguyễn Hữu Phước là con trai của thượng tá phi công Lương Đình Hợi đang là Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 372. Tiếp bước cha, anh Phước thi tuyển phi công, trúng tuyển năm 2009. Chàng học viên mới có hơn 200 giờ bay tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi gặp sự cố trên không. Song tôi không hề lo lắng mà rất bình tĩnh xử lý tình huống, vì trường hợp bất trắc trên không như thế này tôi đã được luyện tập, lại có thầy giáo có kinh nghiệm ngồi bên chỉ dẫn”.

Nói về sự cố trên không, đại tá Dương Hồng Trường, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 910 cho biết: “Đây là sự cố nghiêm trọng, do hỏng bộ điều chỉnh nhiên liệu 4000, nếu phi công không bình tĩnh xử lý thì rất có thể xảy ra tai nạn khi hạ cánh”.

Còn trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đánh giá: "Đây là trường hợp sự cố trên không được xử lý thành công. Hai phi công đã rất bình tĩnh, thể hiện động tác chính xác khi xử lý sự cố. Các chỉ huy dưới mặt đất rất quyết đoán, chính xác trong hạ đạt mệnh lệnh. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa trên không và mặt đất đã bảo đảm cho chuyến bay hạ cánh an toàn. Các phi công rất xứng đáng được biểu dương, khen thưởng".

Theo QĐND
Bình luận
vtcnews.vn