Bản bị ngọn núi đè chết chóc, ngày ấy- bây giờ

Thời sựThứ Ba, 12/02/2013 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Chúng tôi về lại một trong những nơi xa xôi nhất ở Mù Cang Chải (Yên Bái), nơi vài tháng trước bị cả ngọn núi đổ sập gây cảnh chết chóc kinh hoàng.

(VTC News) – Chúng tôi về lại một trong những nơi xa xôi nhất ở Mù Căng Chải, nơi vài tháng trước bị cả ngọn núi đổ sập gây cảnh chết chóc kinh hoàng.

Qua đau thương

Trở lại La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) nửa năm sau vụ sạt lở đoạt đi 18 sinh mệnh của người dân nơi đây, chúng tôi ghi nhận sự được sự thay da đổi thịt của vùng đất đau thương này.

Khác với con đường dốc, lầy lội ngày xảy ra vụ sạt lở, đường lên La Pán Tẩn hôm nay đã được làm bằng bê tông, hai bên hoa đào nở thắm, dù không phải là mùa lúa chính nhưng ruộng bậc thang trập trùng nối tiếp giữa nắng xuân như mang về cho La Pán Tẩn một khí thế mới.

Đường lên núi La Pán Tẩn. Ảnh: Nguyễn Dũng 

Hơn 1 tiếng đi xe máy với quãng đường 10km từ ngã ba Kim vào khu vực khai thác quặng của công ty Thịnh Đạt – hiện trường vụ sạt lở chìm trong màn sương mù trắng xóa.

Hẻm núi lở nay vẫn ngổn ngang đất đá. Phía dưới, hai chiếc máy xúc vẫn đang hoạt động. Thấp thoáng có những chiếc lều bạt tạm bợ của công nhân. Giữa đại ngàn và màn sương mờ ảo, ngọn núi hung dữ ngày nào nay bình yên đến lạ…

Mấy tháng trước, 1.000 m3 đất đá của ngọn núi đã đổ sập, vùi lấp 18 người. Lực lượng cứu hộ chỉ tìm thấy thi thể của 16 người, 2 người vĩnh viễn mất tích.

Hiện trường vụ sạt lở từ đó là nỗi kinh hoàng, sợ hãi của những người dân nơi đây, chính vì vậy chỉ có nhân viên của công ty hay một số người dân sống xung quanh may ra mới thường xuyên qua lại.

Chúng tôi tìm đến bản Trống Páo Sang, nơi có 8 nạn nhân trong thảm họa lở đất.
Hiện trường vụ sạt lờ kinh hoàng sau 6 tháng nhìn lại.
Ảnh: Nguyễn Dũng

Lúc này, gần chục người trong gia đình nạn nhân Hảng A Chua (đã mất) đang ngồi ăn cơm. Trong vụ sạt lở, gia đình anh Chua gồm anh và vợ là chị Thào Thị Của và con trai là Hảng A Giàng ra đi vĩnh viễn. Hiện chỉ còn lại hai người con gái là Hảng Thị Là, Hảng Thị Sông và con dâu Ly Thị Cổ. Vợ chồng Giàng - Cổ đã có hai con nhỏ.

Trong khi đó, Hảng A Sú (38 tuổi, em trai nạn nhân Hảng A Chua) mất đi, để lại vợ là Lý Thị Tàng (30 tuổi) và hai người con. Con trai là Hảng A Khua nay đã 16 tuổi, học hết lớp 9 rồi nghỉ. Còn con gái là Hảng Thị Pằng đã 14 tuổi, học hết lớp 7.

“Không có chồng khổ lắm! Không ai trồng lúa, trồng sắn cho!” – chị Lý Thị Tàng nghẹn ngào.

Theo lời chị Tàng, từ ngày chồng mất, thi thoảng mẹ con nhà chị Tàng lại sang ăn cơm cùng gia đình ông nội. Bữa cơm hôm nay đầy đủ hơn khi thịt được con gà, mua thêm vài miếng đậu và rau thơm. Ăn xong, hai người con của chị Tàng lại tranh thủ về bên nhà chẻ củi, may áo.

Trước đây, Khua vẫn đi mót quặng cùng cha, nhưng hôm sạt lở, Khua đi đám cưới nên thoát chết. Cuộc sống cả nhà hiện trông vào Khua. Em gái Khua cũng tỏ ra rất khéo tay, ngồi dệt thổ cẩm giúp mẹ.

Phía dưới nhà Khua là ngôi nhà gỗ của vợ chồng nạn nhân Hảng Tống Chua, cửa đóng im ỉm.
Người thân của nạn nhân Hảng A Chua gạt nước mắt vì nỗi đau, vươn lên xây dựng cuộc sống mới từ may mặc. Ảnh: Nguyễn Dũng

Phía sau nhà, hai người phụ nữ ngồi đối diện nhau, chân nhịp nhàng đạp máy khâu, đôi tay đều đặn thoăn thoắt đưa vải chạy theo đường chỉ. Em Hảng Thị Là con gái ông Chua chỉ cười chào khách rồi tiếp tục làm việc.

Người chị dâu Ly Thị Cổ cho biết, hằng ngày ba chị em chỉ biết ngồi dệt vải, may áo. Cuộc sống vô cùng khó khăn, chị em thân đàn bà con gái phải nương tựa vào nhau để sống.

Trầm lắng nhất có lẽ là gia đình của hai nạn nhân Lý A Lềnh và Lý A Sinh. Cả hai cùng bị vùi lấp và không tìm được xác sau vụ sạt lở. Thời điểm anh Sinh mất, vợ anh đang mang thai tháng thứ 8. Một tháng sau, đứa con thơ mới chào đời đã thành mồ côi cha.

Chị Giàng Thị Dê – vợ anh Sinh - đã bỏ căn nhà cũ, chuyển đến ở cùng chị dâu là Thào Thị Sầu – vợ nạn nhân Lý A Lềnh.

Vợ chồng chị Sầu có 5 người con thì ba cháu từ 4-8 tuổi cùng con trai đầu của vợ chồng chị Dê (4 tuổi) được chính quyền xã La Pán Tẩn làm hồ sơ gửi đến Làng trẻ S.O.S Phú Thọ nuôi dạy.

Hiện, chỉ còn hai người đàn bà góa cùng cô con gái lớn nhất 12 tuổi và nhỏ nhất mới 4 tháng tuổi của chị Sầu ở nhà.

Tết này các cháu không về ăn Tết, chị Dê bảo “đường xa lắm, không có tiền đi lại, ở dưới đó mạnh khỏe là được…” rồi lại chăm chú vào máy khâu để may áo mặc ngày Tết cận kề.

Xuân về tươi thắm trên La Pán Tẩn

Ông Giàng Chứ Ly – Chủ tịch xã La Pán Tẩn chia sẻ, cái đói, cái nghèo là nguyên nhân của tai họa hồi tháng 9 đó.

Sau vụ sạt lở, được sự quan tâm của nhà nước, các tổ chức, đến nay người dân bị nạn đã cơ bản ổn định cuộc sống. Xã cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình.

Thiếu nữ người Mông trên La Pán Tẩn xúng xính đi sắm Tết. Ảnh: Nguyễn Dũng

Sau vụ tai nạn, đã có hơn 130 đoàn đến trợ giúp bà con ở La Pán Tẩn với số tiền gần 1,6 tỷ đông. Huyện đã dùng số tiền đó phân bổ hợp lý để sửa chữa nhà cửa, giải quyết việc làm cho các gia đình bị nạn.

Huyện cũng đã lập 65 sổ tiết kiệm trị giá gần 500 triệu đồng để tính chuyện tương lai cho bà con.

Tháng 11/2012, sáu cháu nhỏ là con em của các nạn nhân bị sạt lở đã được vận động, đưa đi làng trẻ S.O.S Phú Thọ. Trong đó, nhà nạn nhân Lý A Lềnh có hai cháu, nhà Lý A Sinh hai cháu, Hảng A Dênh hai cháu.

Ông Ly nói, từ sau khi xảy ra sự việc thương tâm, người dân không lên mót quặng nữa. Người dân tập trung trồng ngô, may mặc và chuẩn bị cho vụ mùa lúa nước.

“Ruộng bậc thang không những mang lại cơm gạo cho bà con mà còn có tiềm năng du lịch lớn, năm tới chúng tôi sẽ tổ chức lễ hội Ruộng bậc thang” – Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn nói.
Chăm lo phát triển ruộng bậc thang, La Pán Tẩn hy vọng thoát nghèo và làm du lịch để nâng cao cuộc sống của người dân. Ảnh: Nguyễn Dũng

Một mùa xuân mới đang về, khác với những năm trước, năm nay đồng bào Mông ở La Pán Tẩn được vận động ăn Tết cổ truyền cùng đồng bào các dân tộc khác.

Theo tập tục của người Mông, cứ hết 12 tháng là họ tổ chức ăn Tết, thời điểm này thường sớm hơn 1 tháng so với Tết Nguyên đán. Khoảng cách giữa các thôn bản rất xa nhau, thời gian ăn Tết dài ảnh hưởng đến công việc và học hành của con em.

Sau khi được thăm hỏi, vận động, đồng bào Mông đã đồng tình ủng hộ.

Khắp La Pán Tẩn đào đã nở thắm, Không khí rạo rực, tươi vui đang ùa về cùng mùa xuân mới với niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn sẽ đến với đồng bào nơi đây.

Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn