Nỗi kinh hoàng mang tên taxi 'dù': Đối phó thế nào?

Thời sựThứ Năm, 19/04/2012 06:43:00 +07:00

(VTC News) – Cùng với những biện pháp của cơ quan quản lý, việc tự cảnh giác, bảo vệ mình cũng là cách để đẩy lùi nạn taxi “dù”.

(VTC News) – Cùng với những biện pháp của cơ quan quản lý, việc tự cảnh giác, bảo vệ mình cũng là cách để đẩy lùi nạn taxi “dù”.


Với những nỗi kinh hoàng mà taxi “dù” mang lại thì cần thiết phải có các giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi vấn nạn này. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của loại hình taxi này, các giải pháp được đưa ra phải đồng bộ, khoa học và hiệu quả từ phía cơ quan chức năng và đặc biệt là sự tự nhận thức, tự bảo vệ mình của chính hành khách.

Thanh tra giao thông trong một lần ra quân kiểm tra hoạt động của taxi. Ảnh: Lê Việt.

Những chiếc taxi “dù” hiện nay, mặc dù đã được chủ nhân của nó “trang điểm” để nhái các hãng taxi “xịn” nhưng nếu quan sát kỹ, khách hàng có thể phát hiện ra. Khi đón xe, khách hàng nên dành thời gian để quan sát đó là hãng xe gì, bảng hiệu, hộp đèn, nhãn mác, bảng giá cước… có đồng nhất hay không. Tốt nhất, khách hàng nên gọi taxi qua tổng đài của các hãng thay vì đứng vẫy xe bên đường…

Khi đã vào xe, khách hàng nên chú ý đồng hồ đếm cước, thông thường, xe đã chạy được 1km trở lên thì đồng hồ đếm cước mới nhảy, trong trường hợp xe taxi “dù” thì chưa đầy 1km đã tính cước rất nhanh.

Theo một số chuyên gia, trong thời gian qua, một số taxi tuy có đồng hồ báo cước, nhưng chúng được chủ nhân của nó “chế” lại bằng cách gắn bộ kích xung đồng hồ cước ở cần gạt số, cần gạt nước, kèn, đèn xi nhan... khiến đồng hồ đếm cước nhảy nhanh hơn. Nếu không tinh ý, khách hàng sẽ bị lừa.

Ban đêm thường là thời điểm taxi “dù” hoạt động nhộn nhịp, do vậy trong những thời điểm này, người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần phải siết chặt hơn nữa trong quá trình quản lý. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 114 hãng taxi, với số đầu xe khoảng 16.000 xe, trong đó có tới 43% hãng đăng ký hoạt động với số đầu xe dưới 50 chiếc.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mặc dù quan chức năng đã liên tục thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, nhưng sự chuyển biến trong hoạt động kinh doanh loại hình vận tải này vẫn chưa nhiều.

Ông Linh cũng cho biết, trong tháng 4/2012, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiến hành thanh tra, rà soát lại tình hình hoạt động của taxi trên địa bàn thành phố. Việc này sẽ “sàng lọc” và xử lý được taxi “dù”.

Sử dụng xe cùng một màu sơn là cách để các hãng chống lại hoạt động làm nhái của taxi "dù". Ảnh: ML.

Trên thực tế, nhiều chiếc taxi “dù” vẫn có thể có được giấy phép kinh doanh, do đó, việc xem lại quá trình cấp giấy phép, tổ chức kiểm tra thường xuyên là một việc làm cần thiết.

Các hãng taxi “xịn” cũng cần phải thường xuyên quan sát những chiếc taxi nào nhái lại hình ảnh của mình, báo cho cơ quan quản lý để có biện pháp ngăn chặn. Ngoài ra, việc tạo ra thương hiệu riêng cho mình, đơn cử như màu sơn xe thống nhất trong toàn hãng cũng rất quan trọng, để tránh cho khách hàng khỏi bị nhầm lẫn…

Giải quyết vấn nạn taxi “dù” không phải là một việc tiến hành có kết quả trong ngày một ngày hai mà đây là việc làm cần có sự chung tay của người quản lý, người kinh doanh và người sử dụng dịch vụ một cách đồng bộ, thường xuyên.

Nguyễn Dũng


Bình luận
vtcnews.vn