Nhiều ĐBQH ủng hộ tố cáo qua email, điện thoại

Thời sựThứ Ba, 25/10/2011 06:45:00 +07:00

(VTC News) – Dự án Luật tố cáo quy định 2 hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn, nhưng không ít ĐBQH ủng hộ tố cáo qua mail, fax, điện thoại.

(VTC News) – Trong khi dự án Luật tố cáo quy định 2 hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn thì không ít ý kiến nêu tại nghị trường ủng hộ các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại.

Hôm nay (25/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tố cáo. Một nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là hình thức tố cáo, theo dự luật quy định tố cáo bằng các hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo qua bưu điện.

Trong phần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, về hình thức tố cáo có 2 loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên như Luật khiếu nại tố cáo hiện hành là chỉ có hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo. Tuy nhiên, loại ý kiến thứ 2 lại đề nghị bổ sung hình thức gửi đơn tố cáo qua thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại.

 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý (Ảnh: TTXVN) 
Theo ông Phan Trung Lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các hình thức tố cáo qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử đã được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng song hiện vẫn chưa được áp dụng phổ biến và đang có yêu cầu tổng kết thực tiễn để quy định chặt chẽ, cụ thể hơn, tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự hoặc để phát tán thông tin về việc tố cáo, nhất là trên các trang mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

“Do vậy, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định tố cáo bằng các hình thức này trong Luật mà tiếp tục duy trì hai hình thức tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn như trong Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành”  - ông Phan Trung Lý nói.

Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, các ĐB vẫn đưa ra hai luồng ý kiến. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): “Đây là một hiện tượng xã hội mà tôi nghĩ nó vẫn tồn tại, mình không công nhận các hình thức tố cáo đó thì cũng đồng nghĩa với việc mình không công nhận một thực tế tồn tại trong xã hội, mình phủ nhận một việc làm mà thực tế nó đang mang lại hữu ích cho xã hội”.

ĐB Cương ví dụ, lâu nay một số cơ quan hành chính có đường dây nóng để tố cáo các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật, một số các cơ quan, bệnh viện hay trên xe buýt cũng có đường dây nóng để tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật - đây là một việc làm rất hữu ích, nó rất thực tế, chính là tố cáo qua điện thoại.

“Nhưng trong pháp luật nếu mình không quy định thì coi như mình sẽ phủ định việc này” – ĐB Cương nói.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cho rằng, nên quy định các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, qua điện thoại trong luật này (Luật tố cáo) cho đồng bộ.

Thẳng thắn bày tỏ quan điểm, ĐB Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng dự án luật quy định 2 hình thức tố cáo trực tiếp và tố cáo qua đơn là “hẹp và lạc hậu so với thực tiễn”. Theo ĐB Lan, nên thêm một quy định “tố cáo bằng hình thức khác” và hình thức thế nào thì có văn bản hướng dẫn sau.

Trái với các ý kiến trên, theo ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng), “việc tố cáo qua đường dây nóng tuy chưa tổng kết nhưng hiệu quả tôi thấy chưa cao, ngoài ra tố giác bằng tin nhắn qua điện thoại hiệu quả chưa thấy đâu nhưng hậu quả chưa lường trước được, do vậy tôi cho rằng tố cáo nên trực tiếp gửi bằng đơn” – ĐB Thành đề nghị.

Cũng liên quan đến quy định về hình thức tố cáo, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, quy định người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình, vậy thì “những tố cáo không rõ tên, không rõ địa chỉ sẽ không được xem xét?!”. ĐB Phương đề nghị xem xét lại ý này.

ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An)- Ảnh: TTXVN. 
“Nếu bỏ qua tất cả những yếu tố tố cáo nặc danh có những thông tin xác đáng thì tôi thấy chưa ổn. Như vậy sẽ không có giá trị trong ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó tôi đề nghị bổ sung thêm trường hợp người tố cáo không rõ tên, không rõ địa chỉ nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét”.

Một nội dung khác được các ĐB quan tâm thảo luận tại hội trường là quy định cấm tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo. Theo ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), để bản tố cáo có pháp lý thì phải ký, điểm chỉ hoặc xác nhận qua băng ghi âm, còn viết xong mà không ký thì người ta nói rằng đó không phải tôi làm, ai tố cáo chứ không phải tôi, vấn đề này cũng phải thêm vào luật cho chuẩn.

Về vấn đề bảo vệ người tố cáo, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, đây là một chế định mới trong dự thảo Luật tố cáo, nhưng theo ĐB này thì trong quy định vẫn thiên về hình thức mà không toát lên được cơ chế để bảo vệ hữu hiệu đối với người tố cáo.

“Dự thảo nêu ra thì ý tưởng trong này rất hay nhưng trong thực tế tôi thấy rất khó khả thi. Ví dụ Điều 37 về bảo vệ người tố cáo ở nơi công tác có quy định đảm bảo vị trí công tác cũng như không phân biệt, đối xử ở nơi công tác. Nhưng trong trường hợp một đồng chí lãnh đạo sở bị một nhân viên nào đó trong sở tố cáo lên lãnh đạo tỉnh và trong lúc lãnh đạo tỉnh còn đang xem xét việc giải quyết tố cáo đó thì nhân viên đó vẫn đang làm dưới quyền của ông giám đốc sở - như vậy người ta cũng có thể có rất nhiều lý do có thể kín kẽ thực hiện việc điều chuyển công tác hoặc không phân công hay phân công công tác như thế nào đó” – ĐB Cương phân tích.

Điều 19. Hình thức tố cáo

1. Người tố cáo tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ bằng các hình thức sau:

a) Tố cáo trực tiếp;

b) Gửi đơn tố cáo qua bưu điện.

2. Người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình, trình bày trung thực nội dung tố cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; trường hợp nhiều người cùng tố cáo về một hoặc một số hành vi vi phạm pháp luật thì phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, người đại diện cho những người tố cáo.


Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn