Dừng sắm tài sản công tiết kiệm 1.081 tỷ đồng

Thời sựThứ Bảy, 15/10/2011 07:12:00 +07:00

(VTC News) - Việc tạm dừng mua sắm, trang bị mới ô tô, điều hoà, chi tổ chức hội nghị, đi công tác... sơ bộ tiết kiệm được 1.081 tỷ đồng.

(VTC News) - Việc tạm dừng mua sắm, trang bị mới xe ô tô, điều hoà nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng, tiết giảm chi phí xăng, dầu, điện, nước, văn phòng phẩm, chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước… sơ bộ tiết kiệm được 1.081 tỷ đồng.

Chiều 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về tình hình và kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 (THTK CLP).

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn thấp so với yêu cầu

Cho biết về tình hình và kết quả thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nêu rõ, trong điều hành quản lý chi ngân sách nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên của năm 2011 để tạo nguồn cải cách tiền lương, đồng thời chủ động sắp xếp các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên của 9 tháng cuối năm 2011 là 3.857,7 tỷ đồng.

Cùng với đó, Chính phủ dành 8.500 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010 để chi trả nợ và giảm bội chi NSNN từ 6,2% xuống còn 5,6% và dự kiến sẽ tiếp tục dành 9.100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu năm 2011 để giảm bội chi xuống mức 4,9% GDP.

Trong số 1.081,4 tỷ đồng tiết kiệm từ việc tạm dừng mua sắm tài sản công thì việc tạm dừng mua sắm xe ô tô tiết kiệm được 514,4 tỷ đồng (Ảnh: Internet)


Cũng theo ông Huệ, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc tạm dừng mua sắm, trang bị mới xe ô tô, điều hoà nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng, tiết giảm chi phí xăng, dầu, điện, nước, văn phòng phẩm, chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước… Sơ bộ cho thấy, số kinh phí đã thực hiện tạm dừng mua sắm là 1.081,4 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2011, thông qua công tác kiểm soát chi NSNN hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện trên 28.900 khoản chi của 15.000 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và từ chối chưa thanh toán số tiền khoảng trên 239 tỷ đồng chi không đúng chế độ quy định.

Tính đến tháng 8/2011 các bộ, ngành và địa phương đã ngừng khởi công mới, cắt giảm, giãn tiến độ, điều chuyển vốn của 2.538 dự án là 9.452 tỷ đồng…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, kết quả THTK, CLP vẫn còn thấp so với yêu cầu. Vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc dừng khởi công dự án mới theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tình trạng bố trí kế hoạch vốn tại một số địa phương còn dàn trải, thực hiện dự án chậm tiến độ chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng lãng phí trong một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên chậm được khắc phục; công tác quy hoạch, kế hoạch còn hạn chế.

Việc trang bị, sử dụng trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại chưa đúng tiêu chuẩn, định mức, chưa thực sự tiết kiệm, hiệu quả vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước…

THTK, CLP vẫn còn tồn tại trên tất cả các lĩnh vực

Qua thẩm tra, giám sát về kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 9 tháng đầu năm 2011, Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, tình trạng lãng phí thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật THTK, CLP vẫn còn tồn tại trên tất cả các lĩnh vực và ở các mức độ khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu rõ về một số tồn tại cụ thể như, một số bộ, ngành, địa phương thực hiện không nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị tuy có chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Tình trạng sử dụng ngân sách sai mục đích, cho vay, tạm ứng sai chế độ chậm thu hồi; chi vượt định mức, tiêu chuẩn, dự toán vẫn tồn tại khá phổ biến và chậm được khắc phục .

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển (Ảnh: Internet) 
Cũng theo ông Hiển, trong mua sắm tài sản công còn có hiện tượng chưa thực hiện theo đúng chủ trương mua sắm tập trung của Thủ tướng Chính phủ; mua sắm vượt tiêu chuẩn, trang bị thiếu đồng bộ dẫn đến mua về không sử dụng được hoặc chưa sử dụng đến, có sử dụng thì tần suất thấp.

Vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển vẫn là vấn đề nhức nhối, còn nhiều thất thoát, lãng phí và khắc phục chậm.

Trong tiêu dùng của nhân dân vẫn còn lãng phí, ý thức tiết kiệm chưa thực sự được nâng cao. Tâm lý tiêu dùng còn thực dụng, phô trương, hình thức; tiêu dùng vượt quá mức thu nhập bình quân, tình trạng sính hàng ngoại đang nảy sinh trong một bộ phận dân cư có thu nhập cao. Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chưa thực sự vào cuộc sống…

“Năm 2011 có khoảng 500 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ, trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống nhân dân đang đứng trước khó khăn, không ít lễ hội được tổ chức tại các địa phương đã gây lãng phí lớn cho xã hội” – người đứng đầu Ủy ban Tài chính Ngân sách dẫn chứng tiếp.

Khắc phục những tồn tại và hạn chế trên, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên qua đến Luật THTK, CLP gắn với cải cách hành chính.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với một số lĩnh vực nhạy cảm dễ gây thất thoát, lãng phí lớn như: quản lý, sử dụng NSNN, tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; quản lý nhà công vụ; quản lý và sử dụng nguồn nhân lực.


Cũng trong chiều 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2011 của Chính phủ.

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, từ 8/2010 đến tháng 7/2011, thiệt hại do tham nhũng gây ra là 11.400 tỷ; đã thu về ngân sách 300 tỷ.

Theo thống kê 10 tháng đầu năm 2011, cả nước phát hiện, khởi tố 183 vụ tham nhũng với 394 bị can (giảm 24% số vụ và 32% số bị can so với cùng kỳ năm trước). Đây là năm thứ tư liên tiếp, số vụ tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử giảm.

Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lo ngại nếu không xử lý dứt điểm các sai phạm thì công tác phòng chống tham nhũng bị nhờn thuốc dấn đến tình trạng người dân và cả xã hội xem chuyện tham nhũng là phổ biến, rồi sống chung và xem là đương nhiên thì rất nguy hiểm.

 Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn