Cử tri bức xúc về lạm thu trong nhà trường

Thời sựThứ Tư, 28/09/2011 07:14:00 +07:00

(VTC News) - Đông đảo cử tri chưa thấy thỏa đáng khi phải kiến nghị nhiều lần về tình trạng lạm thu các khoản đóng góp khác nhau ngoài học phí, lệ phí.

(VTC News) - Đông đảo cử tri chưa thấy thỏa đáng khi phải kiến nghị nhiều lần về tình trạng lạm thu các khoản đóng góp khác nhau ngoài học phí, lệ phí tại các trường phổ thông.

Chính phủ trả lời gần như 100% kiến nghị cử tri

Trong buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) ngày 28/9, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho biết, đã tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp 2.282 kiến nghị của cử tri do 63 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gửi đến kỳ họp thứ tám và thứ chín, Quốc hội khóa XII.

Sau khi phân loại, các kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, còn lại 1.611 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước ở Trung ương. Trong đó, 20 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 1.571 kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; 12 kiến nghị đối với Tòa án nhân dân tối cao; 8 kiến nghị đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ông Hiền cũng cho biết, trong 1.571 kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ của cử tri cả nước gửi đến thì tính đến ngày 23/9/2011, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời 1.570 kiến nghị của cử tri; hiện còn 1 kiến nghị đã chuyển đến Chính phủ nhưng chưa nhận được văn bản trả lời.

Trong số kiến nghị được Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, giải quyết có tới 896 kiến nghị (57%) về ban hành các giải pháp xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chính sách phát triển và bảo vệ rừng; về việc bảo đảm để người nông dân sản xuất lúa có lãi tối thiểu 30% ...; Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức…; Về ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực: môi trường y tế, y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS, giao thông đường thủy nội địa, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài ra, có 262 kiến nghị (17%) đã được Chính phủ tiếp thu, đang được xem xét để giải quyết về các nội dung nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý tiền lương, tiền thưởng đối với cá nhân được giao quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp...;

187 kiến nghị (12%) được Chính phủ tiếp thu, ghi nhận để nghiên cứu ban hành chính sách về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi; việc tăng định mức biên chế sự nghiệp cho Ban quản lý rừng phòng hộ...;

Có 124 kiến nghị (8%) được cơ quan có thẩm quyền giải trình, cung cấp thông tin với cử tri như: việc hạ mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo; việc sửa đổi, bổ sung quy định về đồng chi trả trong khám chữa bệnh và điều trị bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế; việc sửa đổi, bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp để thu hút những người có trình độ cao về công tác tại cơ sở…

Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh, hầu hết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám, thứ chín, Quốc hội Khóa XII đều đã được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, giải quyết, trả lời cử tri.

Tuy nhiên, việc giải quyết kiến nghị của cử tri vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, một số bộ, ngành giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri chậm nên không đáp ứng được yêu cầu để ĐBQH, Đoàn ĐBQH thông báo, trả lời cử tri; Một số cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến việc giải quyết những kiến nghị của cử tri; Nhiều văn bản trả lời cử tri của một số cơ quan còn thiếu cụ thể, chủ yếu là giải thích, trích dẫn quy định của pháp luật mà chưa chú trọng đến việc tiếp thu, nghiên cứu, đề ra các giải pháp giải quyết...

Lạm thu trong giáo dục vẫn chưa giảm 

Ngoài việc thu học phí, lệ phí theo quy định của pháp luật thì cử tri cả nước kiến nghị nhiều lần về những khoản đóng góp khác không được công khai, minh bạch (Ảnh: Internet) 

Về giải quyết một số vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm và kiến nghị nhiều lần, Ban Dân nguyện cũng nhận thấy, cử tri ở nhiều địa phương kiến nghị về việc các cơ sở giáo dục thu nhiều khoản đóng góp khác ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, không đúng quy định của pháp luật.

Giám sát việc giải quyết kiến nghị này của cử tri, Ban Dân nguyện cũng nhận thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn nhưng tình trạng lạm thu vẫn chưa giảm.

Theo đó, báo cáo của UBND 39 tỉnh, TP và kết quả làm việc trực tiếp của Ban Dân nguyện với 12 tỉnh, TP cho thấy, hiện nay ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, ở các trường phổ thông, nhất là ở TP, thị xã, thị trấn, phụ huynh học sinh phải đóng góp nhiều khoản tiền khác nhau để tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, công tác an ninh, trông giữ xe, vệ sinh trường, lớp học, mua học cụ, mua đồ chơi.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số UBND tỉnh, TP thì việc thu, chi các khoản ngoài học phí, lệ phí là cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu học tập, chi phí, đầu tư học tập của người học và yêu cầu phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người học.

Riêng đối với khoản đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cho đến nay chưa có địa phương nào quy định mức thu cụ thể. Thực tế, ở nhiều địa phương, mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí. Nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học; mua sắm điều hòa, quạt, đèn chống cận, thiết bị học tập; bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo... Nhìn chung việc thu, chi này không được công khai, minh bạch, gây nhiều bức xúc đối với phụ huynh học sinh...

"Từ thực tế nêu trên cho thấy, giữa quy định người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh như tại Điều 105 Luật giáo dục với thực tế thu, chi hiện nay ở các cơ sở giáo dục đang còn nhiều bất cập" - ông Hiền nhấn mạnh.

Nguyên nhân được Ban Dân nguyện đưa ra là, các quy định pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực quản lý tài chính về giáo dục. Việc quy định tất cả các cơ sở giáo dục đều phải dành 40% học phí để bảo đảm nguồn chi tiền lương tối thiểu chung, không phân biệt cơ sở giáo dục phổ thông hay giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học cũng còn nhiều bất cập.

Trong khi cơ sở giáo dục phổ thông do phải thực hiện quy định này dẫn đến thiếu kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên, thì ở một số cơ sở giáo dục khác, khoản trích 40% này còn dư nhưng lại không được chi cho các hoạt động khác... "Đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu, xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước ta cũng như việc đáp ứng yêu cầu của thực tiễn" - ông Hiền nói.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi lên tiếng, quyết định của Ban phụ huynh phải phản ánh ý kiến của đông đảo phụ huynh. Theo ông Thi, bầu Ban phụ huynh phải độc lập, không được do nhà trường giới thiệu, các khoản thu phải bỏ phiếu kín, không nên có người áp đặt để các phụ huynh khác ngại.

Ông Thi cũng nhấn mạnh: "Luật giáo dục quy định ngoài khoản học phí thì không phải đóng khoản nào khác, nhưng Bộ Giáo dục lại nói các khoản thu thêm để trang bị máy tính, điều hòa... nếu là tự nguyện thì chúng tôi đề nghị phải có cơ chế quy định rõ ràng chứ không áp đặt".

Tại buổi họp, Ban Dân nguyện đề nghị Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ xem xét lại việc quy định trích 40% học phí thu được ở các trường phổ thông công lập để tạo nguồn bảo đảm chi tiền lương tối thiểu tăng thêm cho giáo viên, sửa đổi, bổ sung quy định này nhằm khắc phục nguyên nhân do phải sử dụng học phí để chi tiền lương, thiếu kinh phí chi cho công tác giáo dục dẫn đến phải huy động sự đóng góp của học sinh và gia đình học sinh.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tiến hành tổng kết thực tiễn việc thu chi học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản đóng góp khác ngoài học phí, trên cơ sở đó nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 105 Luật giáo dục nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật về vấn đề này phù hợp với thực tế, đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của nhân dân;

Cùng với đó, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BGDĐT, nhằm bảo đảm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lạm thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh vào việc sửa chữa, xây dựng trường, lớp học, mua sắm các trang thiết bị học tập, bồi dưỡng, thăm hỏi thầy, cô giáo…;

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thu chi học phí và các khoản đóng góp khác ngoài học phí theo quy định của pháp luật. Kiểm điểm, xử lý đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong việc chậm thực hiện kiến nghị của Ủy ban TVQH như đã nêu trên.

 
Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn