Quan chức khai vống bằng cấp mắc 'bệnh sĩ'

Thời sựThứ Năm, 29/09/2011 06:18:00 +07:00

(VTC News) – Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, việc “khai vống” bằng cấp của quan chức là do “bệnh sĩ” và quy chế đề cao bằng cấp.

(VTC News) – Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, việc “khai vống” bằng cấp của quan chức là do “bệnh sĩ” và quy chế đề cao bằng cấp.

Xung quanh việc “chẩn đoán và chữa trị căn bệnh" của một số cán bộ Nhà nước vừa qua đã “khai vống” bằng cấp và thành tích học tập của mình, sáng 28/9, VTC News đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. 

 

Thưa nguyên Phó Thủ tướng, để trở thành lãnh đạo của Nhà nước có cần thiết bằng cấp cao?

 

- Có bằng cấp không có gì là xấu. Chúng ta cũng không nên cực đoan, chỉ trích chuyện bằng cấp. Vấn đề là bằng cấp ấy có thật không mà thôi.

 

Tôi biết nhiều vị lãnh đạo có có bằng tiến sĩ thật và họ làm tốt hơn chúng tôi rất nhiều. Nên bằng cấp không có gì xấu. Xấu là những người lợi dụng cái đó hoặc dùng bằng giả mà thôi.

 

Nhưng bằng cấp không phải là thứ quý duy nhất của người lãnh đạo. Vì có những người lãnh đạo từng trải không có bằng cấp cao, tất nhiên là phải có học chứ không thể vô học được, nhất là trong thời kỳ hiện nay.

 

Chúng ta cũng thấy Bác Hồ có bằng cấp nào đâu, nhưng lại là thiên tài của đất nước và thế giới.

 

Vậy nguyên nhân tại sao vừa qua, có những người “khai vống” bằng cấp hoặc thành tích học tập của mình?

 

- Ở đây có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là “bệnh sĩ”. Không phải ít người mắc “bệnh sĩ” đâu. Đấy là cái xấu của con người.

 

Thứ 2 là quy chế của chúng ta đề cao bằng cấp quá. Bắt buộc “như thế này” mới được vị trí thế nọ. Mà cơ chế quản lý bằng cấp của chúng ta rất kém. Chỉ nhìn cái bằng mà không biết đằng sau nó là gì…

 

Tôi biết ở các nước phát triển, hai nghề khó lấy bằng nhất là luật và y. Khó lắm! Nhưng ở ta thì ngược lại.

 
Vậy có cách nào để chọn và bổ nhiệm đúng người làm quản lý, lãnh đạo thưa ông?


- Phải thay đổi quy chế, không sính bằng cấp. Cách tốt nhất là qua thực tiễn làm việc của con người: nhân cách thế nào, năng lực thế nào.

 

Mà muốn biết được phải nghe ý kiến của quần chúng. Tôi có một quan điểm là hãy nghe dư luận. Vì tuy trong dư luận có thể có người nọ, người kia, có người có động cơ và có người không, nhưng tuyệt đại đa số thì dư luận quần chúng là đúng. Quần chúng mà đã chê thì anh có vấn đề chứ không phải không.

 

Nếu mà những người có quyền quyết định về nhân sự mà nghe ý kiến của quần chúng thì ít lầm lẫn hơn.

 

Vậy theo ông lớp trẻ ngày nay làm thế nào để xóa bỏ “bệnh sĩ”?

 

- Thực ra “bệnh sĩ” nằm sâu trong tiềm thức, “gen văn hóa” của chúng ta. Ngày xưa ham mê quan chức, quan trường, bằng cấp. Cái đó xóa bỏ một ngày không phải dễ đâu.

 

Phải qua quá trình nào đó, xã hội phát triển hơn, không bị ảnh hưởng quá nhiều của văn hóa đạo Khổng nữa thì mới thay đổi được.

 

Tôi thấy hiện tượng rất lạ là bây giờ nhiều nơi mắc bệnh “vĩ cuồng”, cái gì cũng muốn to nhất, lớn nhất thế giới nhưng cái nghèo nhất thì không ai muốn nói đến cả.

 

Xin cảm ơn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan!

 

Người tự học

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan sinh năm 1937 ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông luôn tự nhận mình là người không có bằng cấp gì cả.

 

Cuối năm 1954, khi chưa học xong lớp 7, ông được cử sang Liên Xô học tiếng Nga, học được 9 tháng thì được điều ra Đại sứ quán làm phiên dịch.

 

Từ đó ông công tác ở Bộ Ngoại giao, làm phiên dịch, nghiên cứu chiến lược đối ngoại, kinh tế quốc tế, tổ chức. Đã 4 lần làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, lần lượt giữ các chức vụ: Tuỳ viên, Bí thư thứ Ba, Bí thư thứ Nhất, Tham tán, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô cho đến năm 1982. Từ 1982, là Phó Vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, rồi Trợ lý Bộ trưởng Phụ trách về các vấn đề luật pháp, kinh tế và lãnh sự.

 

Sau này ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại, rồi Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại.

 

 

Hoàng Lan
(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn