Ngư dân miền Trung vẫn tiếp tục bám biển

Thời sựThứ Hai, 30/05/2011 11:14:00 +07:00

(VTC News) - Trung Quốc bắt đầu thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, nhưng ngư dân miền Trung vẫn tiếp tục bám biển...

(VTC News) - Trung Quốc bắt đầu thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông suốt ba tháng liền. Trước lệnh cấm vô lý này, ngư dân miền Trung vẫn tiếp tục bám biển…
Ngư dân vẫn bám biển
Đến huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), một địa phương dẫn đầu về sản lượng khai thác hải sản của tỉnh này trong những ngày bắt đầu vào mùa khai thác hải sản. Thời tiết thuận lợi, từ đầu năm nay, ngư dân liên tục bám biển dài ngày và nhanh chóng ra khơi cho kịp mùa khai thác.

Ngư dân Lương Văn Cam (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến ra khơi chia sẻ : “Nghề câu mực khơi của ngư dân xã Tam Giang có từ bao đời nay. Trước đây, vùng biển mà ngư dân làm nghề câu mực khơi của xã hay đánh bắt là vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, nơi có sản lượng cá lớn. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nghề cũng gặp khó khăn về ngư trường tại vùng biển này. Và ngư dân dần chuyển hướng câu mực khơi vào vùng biển Trường Sa và một số vùng biển giáp với các nước Philippines…”.
Ngư dân Quảng Nam chuẩn bị cho đợt ra khơi mới, bất chấp lệnh cấm của TQ..

Về thông tin cấm khai thác trên biển Đông của Trung Quốc, nhiều ngư dân cho biết: “Ngư dân Quảng Nam chưa bị tàu nước ngoài bắt giữ trên biển, nên lệnh cấm này chẳng có giá trị, nhưng ảnh hưởng đến tâm lý mỗi khi ra khơi".

"Bao đời nay Hoàng Sa và Trường Sa là của nước mình, mình cứ đánh bắt hải sản trên vùng biển của nước mình là được. Trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, cần chú ý, không nên say với luồng cá mà đi vào vùng biển của họ", một số ngư dân nói.

Mỗi chuyến câu mực khơi của các ngư dân câu mực khơi thường kéo dài hơn 2 tháng. Do bám biển dài ngày, ít tốn kém chi phí, giá cả mực khơi trên thị trường gần đây khá cao nên sau mỗi chuyến biển, thu nhập ngư dân cũng dần khấm khá. Ngư dân Lương Văn Cam (trú thôn Đông An, xã Tam Giang) cho biết, khó khăn của nghề là do vốn đầu tư quá lớn, lại khai thác ở ngư trường xa. Nhưng sau một thời gian khai thác, hiệu quả kinh tế của nghề này mang lại khá cao. Nhiều năm nay, mỗi năm 4 chuyến biển, trung bình thu nhập của mỗi lao động khoảng 50 triệu đồng/năm. Riêng chủ tàu được cao hơn với khoảng 200 triệu đồng/năm. 

Theo ngư dân Hồ Văn Tấn, chủ tàu DNa90341 (Đà Nẵng), Trung Quốc cấm khai thác hải sản trên biển là chuyện của họ, ngư dân mình vẫn phải bám biển. 
Tại Đà Nẵng, hoạt động chuẩn bị cho đợt đánh bắt cá mới của ngư dân Đà Nẵng vẫn diễn ra bình thường. Anh Hồ Văn Tấn (SN 1975, trú P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ thuyền ĐNa 90341TS đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới chia sẻ: “Năm nào phía TQ cũng cấm biển, nhưng không ra khơi biết lấy gì sống, bao đời gia đình đã gắn với biển, bây giờ lên bờ không biết làm gì nên cấm cũng phải ra biển thôi".

Làm thì thu nhập cũng khá, song phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ rủi ro do chi phí bỏ ra cao đến những nguy hiểm phải đối mặt khi đánh bắt cá trên biển. Giờ lại thêm lệnh cấm từ phía TQ nên không ít tàu khai thác hải sản, đặc biệt là câu mực xa bờ của Đà Nẵng nay đã dần dần xa biển. Điển hình như ông Xin, ông Thuận…, toàn là những thuyền trưởng, chủ tàu “gạo cội” giờ cũng lên bờ, nhìn biển từ xa chứ không còn lăn lộn như anh em tụi tui..., anh nói thêm
Cần thêm nữa những chính sách hỗ trợ

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Núi Thành, nghề khai thác hải sản xa bờ giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong các nhóm nghề về thủy sản của địa phương. Hiện nay Núi Thành có nhiều phương tiện công suất hơn 600CV, được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Nhờ vậy, ngư dân có điều kiện bám biển dài ngày, khai thác hải sản xa bờ đem lại giá trị cao. Theo thống kê của huyện, số lượng tàu đóng mới có công suất trên 90 CV, đánh bắt xa bờ tăng hơn so với năm trước (180 chiếc năm 2010, nhiều hơn 47 chiếc so với năm 2009).

Những chiếc tàu cá của ngư dân miền Trung vẫn tiếp tục sẵn sàng ra khơi... 

Ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết, việc khai thác, đánh bắt hải sản đạt được sản lượng khá cao trong thời gian qua là kết quả của sự phối hợp giữa các ngành chức năng. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên nhận định tình hình,kết quả sản xuất, xác định sản lượng khai thác thủy sản hàng tháng; dự báo về ngư trường và nguồn lợi trong tháng tiếp theo để phổ biến, hướng dẫn cho ngư dân tổ chức sản xuất trên biển có hiệu quả.

Được sự hỗ trợ nhiều phía từ chính quyền, trong năm vừa qua, nhiều ngư dân đã mạnh dạn vay vốn đóng mới chiếc tàu cá cũng như trang thiết bị hiện đại giúp ngư dân yên tâm hơn trong những chuyến ra khơi dài ngày. Với chiếc tàu mới có công suất trên 90CV, ngư dân Nguyễn Tấn Ngô, xã Tam Quang, huyện Núi Thành tin rằng, sẽ có một năm bội thu từ nghề lưới vây khơi.

“Ngư dân chúng tôi muốn sớm thành lập các tổ, đội đánh bắt xa bờ ở các ngư trường truyền thống như Trường Sa, Hoàng Sa... Đồng thời, để ngư dân yên tâm khai thác ngư trường, góp phần bảo vệ vùng biển cho Tổ quốc, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan như bộ đội biên phòng, hải quân…vào mỗi lần ra khơi”, anh Ngô nói.

Với mỗi chuyến ra khơi như thế này, ngư dân rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng không chỉ ở đất liền mà còn cả trên biển... 

Trước lệnh cấm khai thác hải sản trên biển Đông của Trung Quốc, ông Ngô Tấn cho biết: “Với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, Hội Nghề cá Trung ương đã có văn bản thông báo cho Hội Nghề cá Quảng Nam biết, nắm theo dõi tình tuyên truyền cho ngư dân biết rõ về lệnh cấm".

Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt cá trên biển, ngư dân Quảng Nam đôi khi cũng bị tàu nước ngoài xua đuổi, những lúc này ngư dân thường chạy đến ngư trường khác đánh bắt cá. Những năm gần đây, số lượng tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vô lý này không nhiều, do ngư dân chủ yếu khai thác ở ngư trường phía Nam, ông nói thêm.

Phòng Tham mưu Bộ Đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết, sau khi có lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã có công hàm phản đối. Về phía địa phương, thông qua các cơ quan ngoại giao đã thông báo cho phía Trung Quốc biết rõ rằng lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển đông thuộc chủ quyền của Việt Nam là hoàn toàn không có giá trị và không có hiệu lực đối với Việt Nam. Để thuận lợi cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, Bộ đội biên phòng đã tạo tất cả các điều kiện thuận lợi nhất nhằm khuyến khích ngư dân bám biển.

Bửu Lân-Thùy Dương

Bình luận
vtcnews.vn