Lương tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu?

Thời sựThứ Sáu, 13/05/2011 08:24:00 +07:00

(VTC News) - Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành, sửa đổi chính sách tiền lương, tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ tiền lương.

(VTC News) - Trong nền kinh tế thị trường, việc xác định tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của từng vùng, miền. Có như thế mới hạn chế được tình trạng đình công của công nhân như hiện nay.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Quan hệ lao động trong xu thế toàn cầu hóa và vai trò của Công đoàn” do Đại học Công đoàn tổ chức sáng 12/5.

Thời gian vừa qua trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh thành khách trong cả nước liên tục xảy ra tình trạng công nhân đình công để đòi tăng tương, tiền thưởng, bố trí giờ làm hợp lý…

Thạc sĩ Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công tự phát của công nhân đang có xu hướng gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất và nghiêm trọng về quy mô, mức độ.

Điểm đáng chú ý của tất cả các cuộc đình công hiện nay đó là số yêu sách về lợi ích liên quan đến tiền lương, phụ cấp và các chế độ phúc lợi ngày càng gia tăng; không chỉ diễn biến trong 1 doanh nghiệp mà đồng loạt xảy ra tại nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả khu công nghiệp.

Nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến tình trạng này, theo Thạc sĩ Chính, đó là lạm phát gia tăng, đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn kéo theo nhiều vấn đề khác. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động vi phạm pháp luật, vi phạm cam kết, thỏa thuận với người lao động; ngoài ra còn do cơ chế thương lượng tập thể, đối thoại hợp tác tại nơi làm việc còn nhiều hạn chế.

Các đại biểu nhận định, trong nền kinh tế thị trường, việc xác định tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của từng vùng, miền. Có như thế mới hạn chế được tình trạng đình công của công nhân như hiện nay.

Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành, sửa đổi chính sách tiền lương, tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ tiền lương và khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ đời sống công nhân.

Mặt khác, cần chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong việc ký kết thỏa ước lao động tập thể và thang bảng lương ở doanh nghiệp FDI.

Về vấn đề ngừng việc tập thể, đình công, ông Dương Văn Sao, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho rằng, người lao động có “vũ khí tối thượng” là đình công. Song đình công là sự đổ vỡ của quan hệ lao động, là thất bại trong quan hệ lao động của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động, gây thiệt hại cho cả hai bên và cho ngành, cũng như nền kinh tế.  

Phan Mạnh

Bình luận
vtcnews.vn