VN vẫn an toàn trước phóng xạ từ Nhật

Thời sựThứ Hai, 18/04/2011 01:20:00 +07:00

(VTC News) – Dù “lây” qua không khí, nước… thì phóng xạ từ Nhật Bản đến Việt Nam đã vô hại. Các loài cá nhiễm xạ cũng không đến biển nước ta.

(VTC News) – Dù “lây” qua không khí, nước… thì phóng xạ từ Nhật Bản đến Việt Nam đã vô hại. Các loài cá nhiễm xạ cũng không bơi đến biển nước ta do điều kiện sống khác nhau.

Sức sống mãnh liệt của cây xanh trong vùng bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. Ảnh: CNN 
Các loài chim vẫn sinh sống trên những vùng biển bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ảnh: CNN 

Như VTC News đã dẫn lời các nhà khoa học phân tích, các đám mây phóng xạ khi đến Việt Nam đã hết nguy hiểm, thậm chí dù có “ám” cả năm nay trên bầu trời Việt Nam thì lượng phóng xạ người dân nước ta nhận được vẫn thấp hơn 6 lần mức mà người dân Braxin nhận được hằng năm, bằng 3 lần chúng ta đi chụp X – quang dạ dày…

TS Nguyễn Hữu Nghĩa, Viện trưởng Viện Y học và U bướu Quân đội cho hay, lo lắng nếu có chỉ nằm ở nước biển và cá biển, nhưng xác suất rất nhỏ.

Trong khi đó, các chuyên gia hải dương học đã phân tích, nước biển nhiễm xạ của Nhật Bản tuy đang theo hải lưu lan ra phía Bắc, nhưng sau khi “chu du” khắp nơi, đến Việt Nam thì nồng độ rất loãng, ở mức an toàn.

Các loài cá nhiễm xạ ở biển Nhật Bản cũng không phù hợp với khí hậu Việt Nam nên khó có khả năng “di cư” tới đây. "Việt Nam chắc không có điều gì đáng lo ngại trước phóng xạ từ Nhật Bản" - TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn phóng xạ và Hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định.

Những đo đạc gần đây của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho thấy, các loài cá ở biển Việt Nam không bị nhiễm xạ. Ảnh: internet 

Ngày 17/4, các đo đạc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho thấy, tuy tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131 nhưng nồng độ rất thấp và có xu hướng giảm mạnh.

Mẫu nước mưa lấy ngày 15/4, quan trắc thấy đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131 ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.

Trong khi đó, Công ty Điện lực Tokyo - đơn vị quản lý nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 – vừa cho biết, họ sẽ giảm rò rỉ phóng xạ, làm mát các lò phản ứng hạt nhân và kiểm soát nồng độ phóng xạ… trong khoảng 9 tháng nữa.

Trước đó, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định, sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 không thể trở thành “thảm họa Chernobyl thứ 2”, vì mức độ nguy hại ở Fukushima thấp hơn nhiều.

Hoàng Lan

Bình luận
vtcnews.vn