Việt Nam lo sợ gì đối với phóng xạ từ Nhật Bản?

Thời sựThứ Năm, 14/04/2011 12:30:00 +07:00

(VTC News) - Phóng xạ sau di chuyển hàng nghìn km không ảnh hưởng đáng kể đến con người. Nhưng đối với sản phẩm thủy, hải sản, nông nghiệp thì lại khác...

(VTC News) - Mây phóng xạ sau khi di chuyển hàng nghìn km không còn ảnh hưởng gì đáng kể đến con người. Đối với sản phẩm thủy, hải sản hoặc sản phẩm nông nghiệp nhiễm phóng xạ thì lại khác…

Cá nhiễm phóng xạ là điều duy nhất lo ngại có thể có với Việt Nam. Ảnh: EPA

Nhật Bản đã quyết định mở rộng phạm vi sơ tán thêm một số khu vực cách nhà máy khoảng 30 km, trong lúc nồng độ phóng xạ gần nhà máy vẫn cao hơn 5000 lần cho phép. Phóng xạ hàng nghìn tấn rò rỉ ra biển đang phát tán theo các dòng hải lưu.

Vậy Việt Nam lo ngại gì nhất trước mối đe dọa hạt nhân từ đất nước mặt trời mọc?

TS Lê Chí Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã gửi tới VTC News bài viết nhằm giải thích chi tiết những lo ngại trên. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Tình trạng nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 thế nào?

Đánh giá chung, tình trạng hiện nay ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 vẫn còn rất nguy hiểm, nhưng đã có những dấu hiệu đầu tiên về việc phục hồi hệ thống điện và đo đạc.

Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA) đã nâng cấp đánh giá sự cố hạt nhân tại các lò phản ứng số 1, 2 và 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 từ cấp 5 lên cấp 7 là cấp nguy hiểm cao nhất của thang sự cố INES.

Việc nâng cấp này được tuyên bố trên cơ sở đánh giá lượng phát tán phóng xạ ở Fukushima 1 quy đổi tương đương với vài chục nghìn TBq I-131 đã thoát ra môi trường không khí. Tuy nhiên, NISA cũng lưu ý là lượng phóng xạ này chỉ ở mức 10% so với lượng phóng xạ phát tán ra không khí của sự cố Chernobyl.

Nhà máy hạt nhân của Nhật Bản. Ảnh: CNN 

Vài chục nghìn TBq I-131 do nhà máy điện hạt nhân phát tán ra không khí có nguy hiểm?

Nếu sống trong môi trường không khí có nồng độ phóng xạ I-131 là 10 Bq/m3, thì 1 người có thể bị nhiễm xạ ở mức tương đương 1 mSv/năm. Trong khi, 1 người bình thường cũng có thể phải chịu rất nhiều loại chiếu xạ, ví dụ: 6,9 mSv/1 lần chụp CT; 1,0 mSv/năm từ phóng xạ mặt trời và đất đá thiên nhiên; 0,5 mSv/1 lần chụp X-quang… Người ta thống kê được rằng, 1 người Mỹ phải chịu liều chiếu xạ tổng cộng trung bình là 6,2 mSv/năm.

Để đánh giá ảnh hưởng của vài chục nghìn TBq I-131 phát tán ra môi trường, cần làm thử vài con tính.

1 TBq = 1012 Bq.

Lượng phóng xạ tương đương 10.000 TBq I-131 phân bố đều trong không gian giả định tạo thành 10 đám mây phóng xạ có kích thước 100 m x 1 km x 1 km, thì sẽ làm cho không khí nhiễm phóng xạ với nồng độ 107 Bq/m3.

Nghĩa là một người liên tục hít thở không khí đó trong 1 năm sẽ bị nhiễm phóng xạ tương đương 1.000.000 mSv. Theo thống kê, thì chỉ cần 6.000-10.000 mSv đã gây hư tổn hệ thần kinh, có thể dẫn đến tử vong và tới từ 10.000 mSv trở lên, thì chắc chắn có tử vong.

Rất may là mức độ nhiễm xạ như vậy chỉ có thể xảy ra đối với người ở trong khoảng cách vài chục km trở lại. Những người ở xa hơn, chỉ phải chịu nhiễm xạ khi mây phóng xạ bay qua. Người ta thường lấy thời gian thời gian trung bình của đám mây bay qua 1 địa điểm là 2 giờ. Khi đó lượng phóng xạ có thể bị nhiễm đối với một người cách xa NMĐHN chỉ còn chưa tới 230 mSv (ở mức độ dưới 250 mSv, người bị nhiễm xạ chưa có biểu hiện gì).

Thực tế, mây phóng xạ sau khi di chuyển hàng trăm, hàng nghìn km thì không còn ảnh hưởng gì đáng kể đến con người. Tình huống cũng tương tự đối với nước biển hoặc nước ngầm bị nhiễm phóng xạ. Nồng độ phóng xạ trong nước chỉ có khả năng ảnh hưởng trên mức bình thường đối với người dân sống trong phạm vi bán kính vài chục km.

Vì vậy, để không ảnh hưởng đến người dân, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện kế hoạch sơ tán. Phạm vi sơ tán phụ thuộc vào lượng chất phóng xạ phát tán ra môi trường.

Đối với sản phẩm thủy, hải sản hoặc sản phẩm nông nghiệp nhiễm phóng xạ thì lại khác. Khi đã nhiễm vào cơ thể sinh học, chất phóng xạ có thể không bị pha loãng ngay. Vì vậy mà cơ quan y tế phải có biện pháp kiểm tra để bảo vệ người tiêu dùng.

Thực tế, Chính phủ ta đã chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan thường xuyên đo nồng độ phóng xạ trong không khí, kiểm tra sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản… Hiện chưa có dấu hiệu bất thường có thể ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở Việt Nam.

Tại sao Nhật Bản không khống chế được sự cố hạt nhân ở Fukushima 1?

Hình ảnh camera ghi tự động gần đây cho thấy, những con sóng thần cao hơn chục mét đã tràn qua NMĐHN Fukushima 1. Sức tàn phá của sóng thần là điều hoàn toàn bất ngờ đối với các nhà thiết kế nhà máy điện hạt nhân. Sau đây là tóm tắt một số sự kiện chính đã xảy ra:

- Trận động đất hôm 11/3/2011 mạnh 9 độ Richter tại tâm địa chấn ngoài biển cách đất liền 126 km đã khởi chạy hệ thống tắt lò tự động, làm ngừng phản ứng phân hạch trong tất cả 5 lò của NMĐHN Fukushima 1 (Lò số 4 đã ngừng hoạt động để bảo dưỡng 4 tháng trước đó).

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yukio Edano ăn quả từ vùng bị nhiễm xạ, để chứng minh sự an toàn với mọi người. Ảnh: Reuter 

Như vậy trong lò chỉ còn lại nhiệt dư, cần phải dùng nước lạnh để làm mát. Nhưng các trạm phát điện dự phòng đã bị động đất làm tê liệt…

- Lẽ ra các máy phát điện chạy bằng động cơ diesel (dành cho tình huống ứng phó khẩn cấp) tự động khởi chạy sẽ cấp điện vận hành máy bơm nước làm mát. (Trên thực tế các máy diezen ở nhà máy Fukushima I đều làm việc ngay những phút đầu tiên khi nhà máy mất điện lưới do động đất gây ra. Chúng hoạt động tốt cho đến khi sóng thần ập đến).

- Sóng thần cao hơn 10 m đã làm tê liệt hoàn toàn các động cơ diesel.

- Các nhà thiết kế đã tính đến khả năng các động cơ diesel bị hỏng và họ đặt một nguồn điện khác trong vỏ lò, nơi tác động từ bên ngoài khó có thể gây hại. Nguồn này là pin duy trì được năng lượng cho các máy bơm của hệ thống làm mát lò trong 8 giờ. Tính toán của các nhà thiết kế diễn ra đúng kịch bản với các pin này.

- Tuy nhiên các xe phát điện di động không thể đến hiện trường sớm như dự tính vì đường xá, cầu cống đã bị sóng thần phá hủy hoàn toàn và khi tới nơi thì không thể nối ngay điện vào hệ thống, vì các thiết kế để kết nối cũng đã bị hư hại nặng.

- Nhiệt độ nhanh chóng tăng lên đến hàng nghìn độ, gây ra phản ứng giữa vỏ thành nhiên liệu với nước, giải phóng ra hydro. Hydro tích tụ đã tạo ra các vụ nổ ở lò số 1, 2, 3 và gây cháy ở lò số 4.

Hiện nay, toàn nước Nhật đang dồn sức ứng phó sự cố đã xảy ra, chưa phải lúc kiểm điểm những hành động ứng phó chưa kịp thời vào những ngày đầu tiên. Ví dụ như lẽ ra khí hydro tích tụ phải được tự động đốt cháy (giống như người ta đốt khí đồng hành phụt lên từ các giàn khoan dầu khí) để không xảy ra nổ; hoặc quyết định dùng nước biển làm mát, nhưng lại để lại hậu quả là muối đọng lại sau khi nước bốc hơi đã làm cản trở khả năng tỏa nhiệt của lò phản ứng…

Nhưng những hành động ứng phó hiện nay đã thể hiện được trình độ chuyên môn cao của các chuyên gia Nhật Bản.

Nhiệt độ trong các thùng lò vẫn còn cao hơn mức quy định. Nhưng hoạt động bơm nước làm mát đã được duy trì. Tại lò phản ứng số 1, nước ngọt được bơm qua hệ thống cấp nước với tốc độ 6 m3/h. Tại các lò phản ứng số 2 và 3, nước ngọt được bơm qua hệ thống cứu hỏa với tốc độ 7 m3/h.

Ở tất cả các lò, bơm nước được vận hành bằng nguồn điện cấp từ ngoài nhà máy. Áp suất và khí hydro cũng dần được kiểm soát. Áp suất trong thùng lò số 1 còn cao, trong khi ở các thùng lò số 2 và 3 đã được duy trì ở mức bình thường. Khí nitơ được bơm vào thùng lò số 1 để giảm khả năng cháy hydro. Tình trạng của các lò số 4, 5, 6 và của bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng là ổn định.

TS. Lê Chí Dũng

(Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ)


Bình luận
vtcnews.vn