Đô thị Đà Nẵng chưa "hấp dẫn", cần tái thiết

Thời sựThứ Tư, 09/03/2011 08:18:00 +07:00

(VTC News) – Mặc dù sự phát triển của TP Đà Nẵng qua thời gian qua rất đáng ghi nhận và khích lệ. Tuy nhiên, sự phát triển đó đang bộc lộ nhiều hạn chế...

(VTC News) –  Mặc dù sự phát triển của TP Đà Nẵng thời gian qua rất đáng ghi nhận và khích lệ, nhưng sự phát triển đó đang bộc lộ nhiều hạn chế khiến giới chuyên gia quan ngại nếu không có sự điều chỉnh...

Trong khuôn khổ Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng”, bên cạnh những ghi nhận về kết quả phát triển đô thị Đà Nẵng, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về quy hoạch, xây dựng đô thị, hoạch định chính sách đã cảnh báo những hạn chế từ công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng hiện tại và những giải pháp quy hoạch tương lai với mong muốn xây dựng TP Đà Nẵng phát triển vượt bậc. 

Theo TS.KTS Nguyễn Tấn Vạn, kiến trúc đô thị Đà Nẵng khá sạch sẽ, nhưng không có bản sắc, đô thị chưa hấp dẫn và chưa là điểm đến... 

TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng, Phó chủ nhiệm khoa Quản lý Đô thị, ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Qua quá trình phát triển, đô thị Đà Nẵng đã bộc lộ rõ nhiều hạn chế cần được điều chỉnh phù hợp, đó là sự đầu tư dàn trải, thiếu tập trung về chất lượng đô thị, trong khi diện tích chuyển đổi đất nông nghiệp sang đô thị khá cao xấp xỉ 1.000 ha/năm gây lãng phí tài nguyên đất, hạn chế khả năng hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị dẫn đến bất cập trong hoạch định và thiếu bản sắc riêng cho đô thị Đà Nẵng”.

“Chất lượng đô thị Đà Nẵng chưa phát triển, thiếu hoạch định về chiều sâu với hạ tầng dịch vụ từ mua sắm, du lịch đến khám chữa bệnh hàng đầu, cao cấp mà thay vào đó là tỷ lệ nhà chia lô khá nhiều, làm phân tán nguồn lực, đã hạn chế việc thu hút được cư dân chất lượng cao đến sinh sống trong suốt thời gian qua”, TS.KTS Hưng chia sẻ.

Theo định hướng quy hoạch phát triển TP đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 5 khu đô thị có diện tích từ 500-1.000 ha, 6 Khu công nghiệp phân bố đều khắp tại khu vực vành đai TP cùng 9 khu thương mại cao cấp tại trung tâm đã tạo nên diện mạo mới cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, với xu thế đó, các nhà khoa học quan ngại khi Đà Nẵng thiếu diện tích dành cho công viên, công trình công cộng, dịch vụ y tế chất lượng cao…phần tạo nên bản sắc riêng, chiều sâu và chất lượng cho đô thị.

Theo GS.KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, sự phát triển đô thị đang dịch chuyển về châu Á và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Với sự dịch chuyển này, kiến trúc Việt Nam đang bị quốc tế hóa và cần có bản sắc. Trong thời gian qua, kiến trúc đô thị Đà Nẵng khá sạch sẽ, nhưng không có bản sắc, đô thị chưa hấp dẫn và chưa là điểm đến như mục tiêu đã đặt ra.

TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng đánh giá: "Giai đoạn này là giai đoạn Đà Nẵng nên tái cấu trúc đô thị, nhằm tăng chất lượng sống cho cư dân đô thị. Công việc cần thực hiện ngay nếu như muốn phát triển bền vững và tránh lặp lại bài học của 2 đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh".

Về vấn đề này, TS.KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TPHCM cho rằng, cần hiểu rõ phát triển đô thị hay kinh doanh đô thị. Vấn đề là phải xem xét lợi ích, cuộc sống cho bản thân đô thị, cho người dân sống tại đô thị đó và khả năng hưởng lợi từ đô thị. Xem xét quyền lợi của cộng đồng dân cư trước thực trạng không gian công cộng đang dần mất đi là cần thiết.

Trong suốt thời gian qua, Đà Nẵng đã đặt nền móng cho quy hoạch đô thị khá thành công. Tuy nhiên, để phát triển đột phá, ngang tầm với các nước trên khu vực, Đà Nẵng cần có những hành động thực tiễn ngay từ bây giờ, tránh “vết xe đổ” mà 2 đô thị lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang gặp phải.

Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn