Sở GT-VT Quảng Nam nhận trách nhiệm vụ sập Cầu Đen

Thời sựThứ Hai, 06/12/2010 02:16:00 +07:00

(VTC News) - Sáng nay (6/12), ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam đã thừa nhận trách nhiệm về sự cố này.

(VTC News) - Sáng nay (6/12), ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam đã thừa nhận trách nhiệm về sự cố này trong buổi làm việc với phóng viên báo chí.

Sập do thiếu dầm bailey?

Sau sự cố sập gãy cầu Đen khiến giao thông qua lại của hơn 3 vạn dân thuộc khu vực ba xã Gò Nổi (huyện Điện  Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị chia cắt, sáng ngày 6/12, UBND tỉnh Quảng Nam đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn giải pháp “giải cứu” cầu Đen và bàn phương án đảm bảo giao thông tại đây cho nhân dân.

Theo đó, 3 phương án được UBND tỉnh đưa ra. Thứ nhất: Giải quyết việc đi lại cho nhân dân và phương tiện qua lại, trong đó làm việc với Quân Khu 5 xin hỗ trợ giải quyết 200 m cầu phao. Thứ hai, triển khai xây dựng cầu tạm cho 8 nhịp bị hư hỏng để đấu nối vào với các nhịp còn lại để đảm bảo lưu thông trong thời gian chuẩn bị triển khai xây dựng cầu mới. Việc xây dựng cầu tạm này trong thời gian 1 tháng là xong. Thứ ba là lên phương án xây dựng cầu mới. Cả 3 phương án này đã được UBND tỉnh gửi cho Bộ Giao thông Vận tải báo cáo.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và các ngành chức năng bàn phương án khắc phục sự cố ngay tại hiện trường vụ sập cầu Đen 

Về nguyên nhân sự cố, ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết: “Nếu Sở GTVT có đủ 100m bailey lắp đặt từ đầu bên này  qua đầu bên kia của cầu, thì dù xảy ra sự cố sập một nhịp vừa rồi cũng không ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân và phương tiện qua cầu, bởi bởi dầm bailey có khả năng chịu lực và liên kết rất tốt. Sở có 100m dầm bailey, nhưng đã dùng để “giải cứu” cho cầu Bình Đào hết 60m, chỉ còn có 40m dầm nên đã xảy ra sự cố ngày 3/12”.

Ông Cận giải thích, số dầm bailey này được huy động tại công trình đường Nam Quảng Nam ở huyện Nam Trà My về để lắp đặt vào các nhịp 5,6,7, đến ngày 25/11 thì lắp xong. Sau khi lắp đặt dầm bailey, sở đã kiểm tra và thử tải theo độ ổn định của các dầm bailey và của các khe hở giữa các nhịp lún 3,4 thì bất ngờ  phát hiện các trụ của các nhịp 3,4 bị lún nhanh. Ngay sau đó, trực ban của Ban quản lý sửa chữa cầu Đen đã thông báo cắt điện dẫn chạy dọc hai bên thành cầu, không cho ghe thuyền qua lại dưới gầm cầu. Đến 15h30 chiều cùng ngày thì xảy ra sập trụ đỡ của nhịp số 3 và dẫn đến gãy nhịp rơi xuống sông. Rất may, chúng tôi vẫn chưa cho thông xe, nếu không hậu quả sẽ khó lường".

Theo lãnh đạo Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam, cầu Đen bị sập do thiếu dầm Bailey và thiết sót trong khảo sát lên phương án gia cố 

Sở GTVT Quảng Nam nhận trách nhiệm

Vấn đề khi kiểm tra, khảo sát đưa ra phương án gia cố, ông Trương Văn Cận thừa nhận: “Ban đầu, trong quá trình khảo sát, đưa ra phương án sửa chữa, chúng tôi đã sơ xuất, không phát hiện được việc lún sâu trong đất và trôi cát của trụ 3, 4 để kịp thời khắc phục, đặc biệt là khi nước rút. Trách nhiệm này thuộc về Sở.

Sau khi sự cố xảy ra, công tác đảm bảo an toàn giao thông cho người dân đi qua cầu Đen đã được tỉnh giao cho huyện Duy Xuyên và Thanh tra giao thông của Sở GTVT kiểm tra các loại giấy phép hoạt động, bằng lái và đăng kiểm đối với chủ đò ngang đang hoạt động tại đây để đưa đón nhân dân qua sông.

Hiện tại đang có 4 chiếc đò ngang đang hoạt động tại đây, đảm bảo đầy đủ các loại giấy phép hoạt động để đưa đón nhân dân với mức giá quy định 1.000 đồng/lượt đối với người và 2.000 đồng/lượt đối với xe máy. Chính quyền địa phương và Thanh tra giao thông tỉnh đã túc trực 24/24 để đảm bảo an toàn cho nhân dân khi qua lại, không để xảy ra sự cố đáng tiếc về tính mạng”. 

Ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam thừa nhận trách nhiệm của Sở GT-VT trong vụ sập cầu Đen hôm 3/12 

Trước đó, ngày 5/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu đã trực tiếp đi kiểm tra cầu Đen và bàn biện pháp khắc phục với các ngành chức năng, địa phương. Đồng thời chỉ đạo hai huyện Duy Xuyên và Điện Bàn có phương án tổ chức quản lý, xây dựng bến bãi, điều động tàu thuyền đảm bảo chất lượng và các điều kiện an toàn khác đưa người và phương tiện qua sông. Về lâu dài sẽ tiến hành khảo sát, thiết kế triển khai thực hiện một trong hai hướng: xây dựng mới toàn bộ cây cầu, hoặc xây dựng lại đường dẫn và đoạn cầu đang bị sụt lún rồi nối vào đoạn cầu cũ.

Ông Trương Văn Cận cho biết thêm, trong buổi họp sáng nay, UBND tỉnh đã gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ thêm cho Sở Giao thông Vận tải tỉnh 70m dầm bailey để lắp ráp làm cầu tạm đấu nối vào 40 m dầm bailey còn lại để người dân đi lại trong thời gian chờ phê duyệt phương án của Bộ Giao thông Vận tải.

Bửu Lân- Thùy Dương
Bình luận
vtcnews.vn