Giả thiết bằng ảnh vệ tinh: Lộ trình dời đô của Vua Lý

Thời sựThứ Hai, 04/10/2010 10:58:00 +07:00

(VTC News) – Tìm hiểu qua tài liệu của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, chúng tôi triển khai giả thiết của ông về lộ trình dời đô qua ảnh vệ tinh.

(VTC News) - Có rất nhiều giả thiết được đưa ra về lộ trình dời đô từ thành Hoa Lư về thành Đại La của vua Lý Công Uẩn. Tìm hiểu tài liệu của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, VTC News xin triển khai giả thiết của ông về lộ trình dời đô bằng những hình ảnh chụp từ vệ tinh (công nghệ Google Earth) và một số ảnh tư liệu.

>> Trang thông tin đặc biệt trên VTC News: Thăng Long - Hà Nội 1000 năm


Sử Toàn thư có ghi: “Mùa thu tháng bảy năm Canh Tuất (1010) Vua dời đô từ thành Hoa Lư sang thành Đại La, thuyền tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng hiện ra trên thuyền ngự, dó đó đổi gọi là thành Thăng Long” (trong ảnh là Hà Nội bên sông Hồng chụp từ vệ tinh, và bản đồ hoàng thành Thăng Long thời Hồng Đức 1490 - ảnh tư liệu).

Trước đó, cuối năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, xây dựng nền thống nhất quốc gia. Năm sau, ông lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư (Trong ảnh là Đền Vua Đinh - Hoa Lư - Ninh Bình).

Ngày ấy, kinh thành Hoa Lư có 2 khu vực: Thành Ngoại ở phía Đông; Thành Nội ở phía Tây. Con ngòi Sào Khê quanh co lượn khúc nối kinh thành với sông Hoàng Long (Trong ảnh là sơ đồ kinh thành Hoa Lư)

Hoa Lư thuở đó tuy giao thông thủy bộ cũng thuận lợi nhưng chưa phải là một trung tâm kinh tế hoặc văn hóa lớn. Đó là vùng núi non hiểm trở, thuận tiện cho việc phòng giữ, tự vệ về mặt quân sự hơn là hoạt động kinh tế (trong ảnh là sông Sào Khê ngày nay uốn lượn qua kinh thành Hoa Lư).

Không thể tiếp tục đặt kinh đô, đầu não của quốc gia ở vùng núi non hiểm trở, nên mùa đông năm 1009 Lý Công Uẩn lên ngôi vua thì mùa thu năm sau ông đã quyết định dời kinh đô về thành Đại La. Ông ban bố một bài chiếu gọi là “Chiếu dời đô” (Thiên đô chiếu).

Cuộc dời đô của vị vua sáng lập triều Lý đi theo đường thủy và đi vào cuối mùa hè. Chọn lộ trình và thời điểm như vậy hẳn là ông lợi dụng mùa nước lên để không lo bị mắc cạn, cũng như lợi dụng mùa gió nồm để buồm được no gió, đỡ nhiều công chèo chống.

 Cuộc dời đô bắt đầu theo dòng Sào Khê ra bến sông Hoàng Long.

Sông Hoàng Long ngày nay đẹp nên thơ nhờ những thảm lúa uốn lượn hai bờ. 

Từ bến sông Hoàng Long, thuyền xuôi về Đông, tới ngã ba Gián Khẩu – chỗ sông Hoàng Long hòa nước vào sông Đáy - thì thuyền ngược dòng theo sông Đáy lên hướng Bắc.

Bến thuyền ở ngã ba Gián Khẩu ngày nay.

Tháng 7 âm lịch, gió nồm nên đi ngược cũng không khó khăn gì. Tới chỗ nay là thị xã Phủ Lý, thuyền gặp ngã ba sông Châu.

Chỗ ngã ba này là nơi giáp ranh 3 đơn vị hành chính: phường Lương Khánh Thiện của thị xã Phủ Lý, thôn Ba của xã Phù Vân, xóm Bắc Sơn của xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam)

Từ Phủ Lý đến nơi giáp ranh xã Tiên Phong (huyện Duy Tiên) và xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục) thì sông Châu đúng là chỉ một nhánh. 

 Nhưng đến đây thì sông Châu chia dòng tách thành hai nhánh

Một nhánh chảy ngược lên phía Bắc tới nơi giáp ranh hai xã Yên Nam và Trác Văn (Duy Tiên) thì quặt sang Đông, đổ vào sông Hồng ở chỗ nay là xóm Tắc Giang, thôn Lỗ Hà, xã Chuyên Ngoại, ranh giới tự nhiên cho 2 huyện Duy Tiên – Lý Nhân.

Ngày nay nhánh sông chảy lên phía Bắc đã bị con đê mới đắp thời Pháp thuộc chặn lại. Song chỗ cửa sông cũ (chỗ gặp sông Hồng) còn khá mênh mông.

 

Nhánh còn lại từ xã Bĩnh Nghĩa chảy xuôi về Đông Nam làm ranh giới tự nhiên cho 2 huyện Bình Lục và Lý Nhân để rồi đổ ra sông Hồng ở xã Hòa Hậu (Lý Nhân).

Nhánh sông này cũng đã được xây cống với trạm bơm Hữu Bị. Do vậy, sông Châu không ra tới sông Hồng được nữa. 

Sông Châu (màu đỏ) giờ là con sông đang thoi thóp thở vì nó không còn có thể gặp sông Hồng đượcNhưng cách đây nghìn năm thì sự thông thương trên sông là tất nhiên. Và thuyền nhà Lý đã theo sông Châu Giang ra sông Hồng có thể theo 1 trong 2 nhánh nói trên.

Sau đó thuyền theo sông Hồng (Trong ảnh là con sông Hồng ngày nay đoạn từ Hà Nam ngược lên Hà Nội)...

Và về tới thành Đại La (Trong ảnh là cầu Chương Dương và cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ngày nay)

Như vậy, sông Hoàng Long – sông Đáy – sông Châu – sông Hồng là lộ trình dời đô của Vua Lý Thái Tổ.  


Tuy nhiên, Toàn thư có ghi: “Vua dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Thuyền tạm đỗ dưới thành”. Chi Tiết “thuyền tạm đỗ dưới thành” hóa ra lại cũng là vấn đề. Vì như vậy là đoàn thuyền ngự đỗ sát ngay dưới chân thành Đại La. Thành Đại La không hề ở bên bờ sông Hồng, mà ở bên bờ sông Tô. Vậy thuyền vào thành bằng nẻo nào?

Thành Đại La coi như gần trùng với vị trí thành Nhà Nguyễn sau này mà nay ai cũng biết mặt Bắc nhìn ra sông Tô (Trong ảnh là sơ đồ kinh thành Thăng Long, màu xanh chỉ sông Tô Lịch)

Đường màu vàng chỉ con đường Quán Thánh. Xưa kia được coi là chạy dọc bờ sông Tô ra sông Hồng

Các cuộc khai quật khảo cổ học trong các năm 2002 – 2003 ở khu 18 Hoàng Diệu đã có thêm những bằng chứng là thành Đại La nằm cùng khu vực với thành Nhà Nguyễn. Vậy năm 1010 trọng đại ấy, Vua Lý đã cho thuyền từ sông Hồng rẽ vào sông Tô, đến cửa Thành Đại La thì mới lên bộ mà vào thành (Trong ảnh là Hoàng thành Thăng Long ở khu 18 Hoàng Diệu)

Toàn cảnh Hà Nội ngày nay với đường chỉ đỏ là sông Tô Lịch hiện tại, đường chỉ vàng là sông Tô Lịch xưa đã biến mất 

Chập hình ảnh Hà Nội ngày nay với sơ đồ Hoàng thành Thăng Long xưa, ta được hình ảnh này khá ăn khớp. 

Chập bản đồ vẽ Hà Nội năm 1885 lên phần ảnh vệ tinh Hà Nội ngày này ta được hình trên đây với khu vực Hoàng thành của sơ đồ hoàn toàn khớp với vị trí thực của các di tích Hoàng thành ngày nay. Như vậy, sông Tô chính là con sông cuối cùng trên hành trình dời đô bằng đường thủy của Vua Lý Công Uẩn.


* Bài viết dựa trên tài liệu “Hà Nội – cõi đất, con người” của Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

Hà Thành
Nguồn ảnh: Một số ảnh tư liệu lấy từ internet, và ảnh chụp từ Google Earth

Bình luận
vtcnews.vn