Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo cách nào?

Thời sựThứ Bảy, 18/09/2010 02:51:00 +07:00

(VTC News)- Tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường - Chính phủ đề xuất 2 phương án: sửa đổi Hiến pháp hoặc mở rộng thí điểm tại 20 tỉnh, TP.

(VTC News) – Sau tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường - Chính phủ đề xuất 2 phương án: sửa đổi bổ sung Hiến pháp hoặc mở rộng thí điểm tại 20 tỉnh, TP…

Sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ tổng kết bước 1 thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, quận, phường.

Đề xuất sớm mở rộng thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên cả nước

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, tại các địa phương thực hiện không thí điểm HĐND, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và thực hiện thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh; hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, TP được tăng cường.

Nghị quyết số 26/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2008 và có hiệu lực từ 1/4/2009, theo đó, thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương

Cùng với đó, sự tham gia của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước vẫn được bảo đảm và tiếp tục mở rộng dưới nhiều hình thức như tổ chức tiếp công dân, gửi các kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan, cán bộ, công chức; tham gia đối thoại trực tiếp giữa nhân dân với chính quyền.

Cũng theo Bộ trưởng Tuấn, việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân còn được tiến hành qua nhiều hình thức với các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, TP, người dân phản ánh qua MTTQ Việt Nam để chuyển đến cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền.

Kết quả cũng cho thấy, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước các cấp khi thực hiện thí điểm ở địa phương bảo đảm ổn định và nguyên tắc tập trung dân chủ, không gây xáo trộn; bước đầu tinh gọn bộ máy, giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính.

Từ những kết quả đạt được, các tỉnh, TP đang thực hiện thí điểm đề xuất sớm mở rộng việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong phạm vi cả nước.

Từ báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nhận định, qua thẩm tra sơ bộ cho thấy, việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương chính là bước thử nghiệm cần thiết trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước. Từ đó tìm ra những nét đặc thù của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn làm cơ sở cho việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan nhà nước ở địa phương.

Tuy nhiên, ông Thuận cũng băn khoăn, 10 tỉnh, TP được chọn thí điểm đều là những địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, có quyết tâm tham gia thực hiện thí điểm. Kết quả thí điểm tại các địa phương này khó có thể phản ánh đúng tình hình ở các địa phương khác. Vì thế, chưa thể có căn cứ vững chắc cho bất kỳ quyết định nào, tiếp tục tổ chức hay không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường.

Sửa Hiến pháp hay tiếp tục thí điểm tại 20 tỉnh, TP?

Nhiều địa phương đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đang sẵn sàng tiếp tục nhân rộng mô hình này (Ảnh: anhp.vn) 

Chính phủ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 phương án: phương án 1, từ kết quả thí điểm tại 10 tỉnh, thành hiện nay, đề nghị tại Kỳ họp thứ 8 tới, Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 liên quan đến HĐND để thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5/2011.

Theo đó, nếu lựa chọn phương án 1 thì từ tháng 5/2011 chỉ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, TP thuộc Trung ương, thị xã, TP thuộc tỉnh, các xã, thị trấn và không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước.

Còn phương án 2 nêu rõ, đề nghị tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII ban hành Nghị quyết mở rộng thêm phạm vi thí điểm tại 20 tỉnh, TP bảo đảm đại diện cho các vùng, miền của cả nước.

Thường trực Uỷ ban pháp luật của Quốc hội nhận định: Về phương án 1 - đây là một phương án tích cực, tuy nhiên, để thực hiện được thì việc tổng kết phải đạt được sự đồng thuận cao và bảo đảm tính thuyết phục.

Theo đó, trường hợp cần sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật có liên quan để làm cơ sở cho việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình đã thí điểm trên phạm vi cả nước thì cần phải được thực hiện xong trước thời gian công bố việc bầu cử, cụ thể là phải hoàn thành trong năm 2010.

“Đây là một công việc không hề đơn giản và nếu chỉ xét riêng về quỹ thời gian vật chất cho việc nghiên cứu chuẩn bị thì đây đã là một thách thức. Hơn nữa, xét về nội dung vấn đề cần sửa đổi thì HĐND là một thiết chế dân chủ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thông qua đó nhân dân thực hiện quyền làm chủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Do vậy, việc sửa đổi Hiến pháp liên quan đến việc không tổ chức HĐND ở một số cấp cần được nghiên cứu kỹ và cần được tổ chức lấy ý kiến của nhân dân” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Qua thẩm tra, Thường trực Uỷ ban pháp luật cũng nhận thấy, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn và đô thị với ba cấp như hiện nay đang là vấn đề bất cập và chưa thật hợp lý. Tuy nhiên, tổ chức chính quyền địa phương như thế nào lại là vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc.

Nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới có thể thấy rằng hiện nay, dù tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình nào, mô hình chính quyền phân cấp hay mô hình chính quyền tự quản thì nơi nào có Ủy ban nơi đó phải có Hội đồng. Theo đó, HĐND là cơ quan đại diện của nhân dân, do nhân dân bầu và là cơ quan ra quyết định và tổ chức giám sát việc thực hiện quyết định của mình; còn Ủy ban là cơ quan tổ chức thực hiện những chính sách, pháp luật và quyết định của HĐND cấp mình, chịu sự giám sát của HĐND.

Theo Ủy ban Pháp luật, việc thí điểm là để thử nghiệm mô hình tổ chức mới nhằm có thêm cơ sở thực tiễn cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương. Do vậy, để có cơ sở đánh giá, tổng kết một cách chính xác thì cũng cần phải có thời gian thí điểm thích hợp và được tiến hành liên tục ở một số địa phương.

“Thường trực Uỷ ban pháp luật tán thành với phương án tiếp tục thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị vẫn chỉ tiếp tục thực hiện tại 10 tỉnh, TP, không cần mở rộng thêm như đề xuất của Chính phủ” - Ông Nguyễn Văn Thuận nói.

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, những địa phương thực hiện thí điểm rất tốt như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... và các địa phương này đề nghị tiếp tục được nhân rộng.

Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, nếu muốn kiểm chứng cụ thể thì tại Kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội, cần đề nghị 10 tỉnh, TP thực hiện thí điểm phát biểu về quá trình tổ chức như thế nào để cùng xem xét.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn